‘Trì hoãn’ (procrastination) có nguồn gốc từ chữ procrastinatus trong tiếng La-tin, kết hợp giữa tiền tố pro- (đẩy qua, chuyển đi) và crastinus (của ngày kế tiếp). Theo nghĩa đen, trì hoãn là chuyển một nhiệm vụ sang ngày kế tiếp. Vấn đề ở đây, ngày kế tiếp mãi mãi là một thứ ở-phía-trước, mãi mãi là một ngày mai không bao giờ đến.
Thay đổi chỉ có thể xảy ra trong tương lai nếu chúng ta bắt đầu nó ở hiện tại. Tuy nhiên, ‘việc hôm nay chớ để ngày mai’, dù đúng đắn, thì vẫn luôn là một lời khuyên khó thực hiện.
Trì hoãn không phải là do lười biếng à?
Ngắn gọn và chính xác, thì “Không phải.”
Ví dụ, nếu nói “A. thường xuyên không hoàn thành công việc đúng deadline vì A. lười”, tức chúng ta nhận thấy rằng A. có biểu hiện không hoàn thành công việc đúng giờ, và sau đó chúng ta ‘giải thích’ điều này là do A. lười.
Tuy nhiên, đây lấy ‘lười biếng’ làm lời giải thích, thì ta sẽ rơi vào một lập luận vòng tròn. Vì sao A. trễ deadline? Vì A. lười. Thế tại sao A. lười? Vì A. không hoàn thành công việc đúng hạn. Ta có thể tranh cãi rất nhiều và rất lâu, kết quả chẳng đi đến đâu cả. ‘Lười biếng’ là ‘cái nhãn’ chúng ta dùng để mô tả một số mẫu hình hành vi nhất định, không phải là lý do cho hành vi. Trong khi đó, sự trì hoãn không phải kết quả của một nguyên nhân duy nhất.
Nỗi sợ thất bại
Việc thực hiện một nhiệm vụ hay công việc nào đó đều đi kèm với nguy cơ thất bại. Trong quá trình viết và đăng tải bài viết này, người thực hiện cũng có những nỗi sợ vô hình: không ai thèm đọc, hoặc đọc xong nhưng người ta không thích,… Ngay từ khi còn bé, chúng ta đã nhận thức (sau đó là học) được rằng mỗi chuyện mình làm ra đều có được xem xét kỹ lưỡng, đánh giá, và xếp lại. Ngay cả khi không có ai trực tiếp ‘chấm điểm’ thì nội tâm chúng ta luôn luôn sẵn sàng thực hiện việc đó.
Theo nhà tâm lý học Abraham Maslow, con người có 2 loại lựa chọn: một dựa trên nỗi sợ, và một dựa trên sự phát triển. Lựa chọn thứ nhất sinh ra từ lòng bất an. Chúng ta đưa ra một quyết định vì lợi ích an toàn của bản thân, để tránh đối mặt với thất vọng và thất bại.
Ví dụ, nhiều người sẵn sàng từ chối một cơ hội việc làm hứa hẹn vì cho rằng nó ‘không phù hợp’, trong khi thực tế là vì muốn né tránh những thất bại tiềm ẩn như không hoàn thành tốt công việc về lâu dài, không cạnh tranh được với tỉ lệ người nộp đơn, không hòa hợp được với môi trường làm việc,…
Nhiều người xem trì hoãn là một chiến thuật tránh né hơn là một sự lựa chọn. Trên thực tế, trì hoãn là một lựa chọn. Chúng ta quyết định không hành động, thay vì hành động để đối mặt với những thách thức trong cuộc sống. Thay vì làm gì đó ngay lập tức, chúng ta quyết định đợi thêm một ngày, một tuần, và có lẽ là một năm nữa.
Bằng cách không làm gì đó, chúng ta tránh được chuyện phải giải quyết những hậu quả đến từ việc bị từ chối, bị chỉ trích, bị phán xét,… ít nhất là trong một thời gian ngắn. Giống một người mắc chứng sợ thay máy sẽ luôn thấy thoải mái hơn khi được đi thang bộ, người ưa trì hoãn cũng thở phào nhẹ nhõm khi không phải đối mặt với nguy cơ bị thất vọng. Nhưng lâu dài, họ sẽ gặp phải một thất vọng khác lớn hơn, đó là không thể hoàn thành được mục tiêu của mình.
Tính vô tổ chức
Chúng ta cần sắp xếp mọi thứ hợp lý để có thể hoàn thành công việc, cho dù đó là việc lớn hay nhỏ, việc công sở hay việc ở nhà. Nhiều người có xu hướng trì hoãn vì bản thân họ không có kỹ năng tổ chức, sắp xếp. Cách giải quyết (gần như duy nhất) cho chuyện này là hãy phát triển kỹ năng tổ chức từ những thứ nhỏ nhất, bắt đầu bằng chuyện sắp xếp nơi làm việc, sau đó là lập danh sách to-do-list cho các đầu việc cần thực hiện để hoàn thành một nhiệm vụ bất kỳ.
“Tớ là người cầu toàn lắm.”
Nhiều người mắc chứng trì hoãn vì bản thân họ là người cầu toàn. Họ cần mọi thứ phải đẹp nhất, tốt nhất, thành công mang lại phải là thứ không gì so sánh được. Một khi chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đảm bảo cái kết quả tốt nhất đó, họ chần chừ không bắt tay vào việc.
Người theo chủ nghĩa hoàn hảo áp dụng một tiêu chuẩn phi lý cho tất cả mọi hành vi của mình. Phi lý ở chỗ ‘sự hoàn hảo’ là một mục tiêu lý tưởng chứ không phải một cái đích thực tế để nhắm đến. Nếu bạn là một người cầu toàn, hãy thử thay đổi tư duy đi một chút: thành công không đồng nghĩa với một kết quả hoàn hảo, đơn giản nếu kết quả của công việc lần này tốt hơn lần trước, đó đã có thể gọi là một thành công.
Nếu thế giới này từ đầu đã hoàn hảo, thì việc gì nó còn cần phải trở nên như thế?
Yogi Berra
Một số bí quyết để ngừng trì hoãn
1. Tập trung vào những gì có thể thực hiện trong hôm nay, không phải những gì sẽ làm vào ngày mai hay những gì đã không làm ngày hôm qua.
2. Làm thế nào để có thể bắt đầu làm gì đó? Thì… hãy cứ bắt đầu làm gì đó. Thiết lập thói quen và lịch trình làm việc thay vì chờ đợi những khoảnh khắc cảm-hứng-bùng-nổ. Bắt đầu bằng những thứ nhỏ nhất.
Nếu bạn cần soạn thảo một bản báo cáo, hãy bắt đầu bằng việc sắp xếp và tìm kiếm những tệp tài liệu cần thiết trên máy tính. Nếu bạn cần hoàn thành một bài viết 5 trang, hãy đặt mục tiêu thứ nhất là hoàn thành 3 dòng đầu. Một khi đã bắt tay vào việc, bạn sẽ dễ dàng tiếp tục cho đến cuối cùng hơn là cứ nằm đó và nghĩ về lúc mình sẽ bắt đầu thực hiện công việc.
3. Chia nhỏ mọi thứ ra, biến chúng thành những thứ dễ quản lý hơn, dễ thực hiện hơn. Tạo danh sách các mục tiêu con và các nhiệm vụ con. Thực hiện các nhiệm vụ này và tập trung giải quyết từng mục tiêu nhỏ một. Dần dần, bạn sẽ tiến gần hơn đến nhiệm vụ lớn cuối cùng.
4. Ưu tiên bắt đầu với những nhiệm vụ dễ hơn để tạo ‘đà’.
5. Ghi nhận ‘công lao’ cho bất cứ điều gì bạn đã đạt được trong hôm nay, cho dù nó chỉ là việc nhỏ. Đừng tốn thời gian nghĩ đến những việc vẫn cần phải làm, cũng đừng khó chịu vì những thứ đã không kịp hoàn thành.
6. Chia nhỏ công việc và đặt thời hạn hoàn thành cho chúng trong vòng 15-30 phút.
7. Dành ra 10-15 phút giải lao mỗi giờ hoặc mỗi khi đã hoàn thành một chuỗi 3-4 đầu việc. Khoảng nghỉ này là một phần thưởng bạn dành cho bản thân, cũng có thể được xem như một trong những mục tiêu con trong danh sách của bạn (“Nếu làm xong abc thì mình sẽ được xyz.”)
8. Tâm trí chúng ta có xu hướng đi lang thang. Nếu bạn mất tập trung, đừng hoảng hốt. Cứ thừa nhận là bạn vừa mất tập trung, sau đó điều hướng sự chú ý trở lại công việc.
9. Vào cuối ngày, hãy ghi lại 2-3 việc bạn đã hoàn thành hôm nay và 2-3 việc khác bạn dự định làm ngày mai. Dần dần, danh sách này sẽ được mở rộng sang nhiều thứ khác. Chuẩn bị một ‘bản nháp’ lịch trình để tiết kiệm thời gian cũng như để bạn hình dung ngày tiếp theo của mình sẽ như thế nào.
10. Cuối cùng, áp dụng tiêu chuẩn ‘đủ tốt’. Bạn không cần phải hoàn hảo, chỉ cần ‘đủ tốt’, đặc biệt là ở những bước đầu tiên trong quá trình chữa bệnh trì hoãn. Đặt ra các tiêu chuẩn cao phi thực tế sẽ khiến bạn không muốn cố gắng vì sợ không đạt được những kỳ vọng vô lý bạn áp lên bản thân.
(Tham khảo: Psychology Today)
Xem thêm:
#Nghĩ: Vì sao chúng ta trì hoãn và né tránh những việc nên làm?
#Nghĩ: Làm thế nào để ngừng ghen tuông vô lý?
8 cách xây dựng thói quen tập thể dục
Vượt qua mọi khủng hoảng với 3 triết lý từ Đức Đạt Lai Lạt Ma
Thảo luận về bài viết