Chắc hẳn, không ít người trong chúng ta từng cảm thấy ngán ngẩm hoặc lo lắng khi ngày ngày phải hoàn thành công việc trong một môi trường làm việc độc hại. Những áp lực đó có thể đến từ công việc, đồng nghiệp thích buôn chuyện hoặc cảm thấy không được tôn trọng trong một tập thể.
Tuy nhiên, hầu hết chúng ta chỉ là một mắt xích nhỏ trong cả bộ máy khổng lồ. Ta sẽ luôn gặp những hạn chế và khó khăn nhất định trong việc cố gắng thay đổi văn hóa, phong cách làm việc của một tổ chức. Vậy nhưng nếu chỉ than thở, rắc rối có thể sẽ không bao giờ được giải quyết. Vì thế, ta có thể hướng tới một phương án tích cực hơn, cố gắng tiếp cận và giải quyết từng vấn đề bất ổn tại môi trường làm việc.
1. Nhận ra các dấu hiệu của một môi trường làm việc độc hại:
Thông thường, chúng ta khó có thể nhận ra môi trường làm việc không lành mạnh có thể tác động tiêu cực tới một người như thế nào. Chính vì thế trong một vài thời điểm, ta cần đi chậm lại và xem xét toàn bộ công việc của mình, bao gồm nhiệm vụ, lãnh đạo và những đồng nghiệp xung quanh. Sau đây là một vài gợi ý giúp chúng ta xác định như thế nào là một môi trường làm việc độc hại:
- Khả năng lãnh đạo của người đứng đầu. Trong một vài trường hợp, nguyên nhân của sự tiêu cực có thể tới từ người quản lý. Họ độc đoán, thích trừng phạt, có xu hướng đàn áp, thậm chí là thiên vị trong công việc. Sự bất an cũng có thể diễn ra khi người quản lý không phản hồi mail, hạn chế giải đáp thắc mắc và thường lảng tránh xử lý vấn đề.
- Văn hóa hành xử của doanh nghiệp. Những công ty chỉ tập trung vào lợi nhuận, ít quan tâm đến mức độ hạnh phúc của nhân viên là môi trường chúng ta nên tránh xa nhất có thể. Khi muốn cắt giảm chi phí, một vài doanh nghiệp thậm chí còn lập tức sa thải hoặc giảm lương của nhân viên, bất chấp nhiều người trong số đó đã làm việc vô cùng chăm chỉ, đến mức không còn thời gian dành cho bản thân và những khía cạnh khác trong cuộc sống. Nói đơn giản, những công ty này không quan tâm gì đến nhân viên của họ.
- Không có sự công nhận và thăng tiến. Khi một tổ chức không công nhận sự thể hiện của những cá nhân có thành tích xuất sắc, hoặc có xu hướng giữ những người có tiềm năng phát triển ở những vị trí thấp, thì đây là dấu hiệu chắc chắn cho thấy bạn đang ở trong một môi trường làm việc độc hại.
- Hành vi sai trái. Nền văn hóa làm việc độc hại bắt đầu từ những vấn đề nhỏ nhặt, chẳng hạn như “cho phép” nhân viên đi làm muộn và vắng mặt thường xuyên, nghiêm trọng hơn là tình trạng bắt nạt và phân biệt đối xử với và giữa những đồng nghiệp với nhau.
- Quá nhiều căng thẳng và kiệt sức. Nếu những nhân viên giỏi nhất đang rời đi, hoặc đồng nghiệp của bạn than thở rằng họ gặp quá nhiều căng thẳng vì bị deadline “đì”, thì có thể, đó là một môi trường làm việc không hề dễ thở cho bất kỳ ai.
2. Tự tìm ra giải pháp
Môi trường sẽ sinh ra tính cách. Vậy nên dù cho chúng ta có thân thiện, tử tế đến mấy, khi làm việc ở môi trường độc hại, tính cách của chúng ta cũng sẽ bị ảnh hưởng. Đôi khi cách tốt nhất để tránh xa drama công sở là giữ cho bản thân không dính dáng đến nó ngay từ đầu. Nếu trực giác mách bảo rằng đây có thể là một trải nghiệm tồi tệ thì có lẽ bạn nên “chọn con tim và nghe theo luôn lý trí” để… chạy khỏi đó càng xa càng tốt.
3. Nói ra vấn đề
Để đảm bảo công việc có thể được tiến hành thuận lợi, chúng ta nên thẳng thắn chia sẻ những rắc rối và khúc mắc của mình với mọi người xung quanh. Tuy nhiên, trước bất cứ phát ngôn nào, ta cũng nên suy nghĩ thật kỹ càng, tránh thái độ đổ lỗi hoặc xúc phạm người nghe. Khi trò chuyện, ta nên đề cập trực tiếp vào vấn đề mà không cần “rào trước đón sau”, tránh sử dụng những từ ngữ khó hiểu, dài dòng. Một lưu ý khác là đừng chỉ nói, hãy lắng nghe người khác nữa. Lắng nghe giúp ta nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau, giúp các bên có thể hiểu nhau hơn và cùng giải quyết vấn đề.
4. Hình thành liên minh
Nếu có những đồng nghiệp đáng tin cậy, bạn có thể tự tin hơn trong việc cải thiện môi trường làm việc lành mạnh và thỏa đáng cho tất cả mọi người. Hãy nhìn vào những tiến bộ mà các nhóm công đoàn ở nhiều công ty khác đã vận hành. Một trong những phương pháp mà các công đoàn thường thực hiện là tập trung một nhóm đồng nghiệp có cùng chí hướng với nhau. Họ cùng đồng lòng giải quyết vấn đề một cách lành mạnh, trao đổi rõ ràng với lãnh đạo để cả nhân viên lẫn quản lý đều có thể trải nghiệm môi trường làm việc tốt nhất.
5. Ở lại hay rời đi
Đến cuối cùng, điều quan trọng nhất vẫn là đưa ra lựa chọn để xác định hành trình sự nghiệp của mình. Bạn sẽ rời đi hay tiếp tục gắn bó với tập thể này? Nếu quá trình cải thiện sau nhiều cố gắng vẫn đi vào ngõ cụt, rất có thể việc tìm đến một công ty, doanh nghiệp khác mà bạn cảm thấy thoải mái, muốn gắn bó lâu dài sẽ là lựa chọn tốt hơn.
Theo Psychology Today
Có thể bạn quan tâm:
#NgườiLớnĐiLàm: 7 báo động đỏ của gaslighting chốn văn phòng
#NgườiLớnĐiLàm – Những bài học im lặng của phụ nữ trong công việc
#Nghĩ x #NgườiLớnĐiLàm: 6 nhân vật của vở kịch ‘Bắt Nạt Nơi Công Sở’
VIỆC LÀM MỚI NHẤT TỪ JobHopin
Thảo luận về bài viết