#LocalZine là tập hợp những câu chuyện và trải nghiệm về đời sống, văn hóa Việt
Từ một địa danh ai cũng ngại nhắc đến, cái tên Thuận Kiều Plaza bỗng trở nên hot nhất nhì mạng xã hội khi thông tin “Thuận Kiều Plaza được trưng dụng làm Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19” xuất hiện.
Từ chiều tối ngày 7/7/2021, người dân xung quanh đã thấy có nhiều vật tư xây dựng, mục đích phục vụ cho việc dựng nên bệnh viện dã chiến được đưa vào phía trong của tòa nhà. Công việc cải tạo dự kiến từ 8 – 10 ngày. Vật liệu xây dựng, công nhân ra vào tòa nhà chủ yếu diễn ra ở phía mặt đường Tân Hưng. Theo tìm hiểu, bệnh viện dã chiến được triển khai xây dựng tại nhiều lô thuộc tầng 2 của Thuận Kiều Plaza.
Nhưng bệnh viện dã chiến thì trước đây thành phố đã từng làm, vậy thì tại sao lần này đến lượt Thuận Kiều Plaza lại thành ‘tin động trời’?
Thuận Kiều Plaza – Một thời là biểu tượng
Với người Sài Gòn, tòa nhà Thuận Kiều Plaza là một địa điểm vô cùng nổi tiếng, hầu như ai cũng từng nghe qua. Ngoài tên chính thức, nơi này còn được biết đến với cái tên cao ốc 3 cây nhang, do hình dáng của các tòa nhà cùng những câu chuyện bí ẩn quái dị được truyền tụng ở nơi này.
Thuận Kiều Plaza được khởi công từ năm 1994, hoàn thành vào năm 1998. Vị trí của tòa cao ốc này được đánh giá là vị trí đắc địa, gần Chợ Lớn, với các mặt tiền giao giữa 4 con đường Hồng Bàng, Dương Tử Giang, Tân Hưng, Châu Văn Liêm, là nơi kết nối giao thương của Sài Gòn với các tỉnh miền Tây, cũng là trung tâm mua sắm sầm uất của TP.HCM.
Tổng thể thiết kế của Thuận Kiều Plaza bấy giờ là tổ hợp 3 tòa tháp cao trên 110m với mỗi tòa tháp có 33 tầng, trên khu đất có tổng diện tích 9.971 mét vuông với tổng kinh phí xây dựng trong 5 năm hơn 55 triệu USD do Công ty TNHH MTV Xây dựng thương mại Sài Gòn 5 (trực thuộc Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn) liên doanh với Kings Harmony Int MTV của HongKong.
Những năm 1999, mặt bằng ở Thuận Kiều Plaza là “cơn sốt” trong giới bất động sản, các hoạt động môi giới, cho thuê mặt bằng thương mại rất sôi nổi, nhộn nhịp. Mức giá rao bán căn hộ 45-50 mét vuông tại Thuận Kiều Plaza thời điểm đó từ 35-40 nghìn USD (tương đương với 100 lượng vàng).
Công trình này là một trong những cao ốc phức hợp đầu tiên được xây dựng với kỳ vọng góp phần vào sự phát triển hưng thịnh của Sài Gòn. Đã từng có một thời gian, nhắc đến vui chơi giải trí là giới trẻ Sài Gòn sẽ nghĩ ngay đến trung tâm điện tử của Thuận Kiều với hàng trăm mô hình trò chơi hiện đại bậc nhất thời đó. Trung tâm thương mại của Thuận Kiều Plaza những năm 2000 cũng là địa điểm thu hút khách tham quan những ngày cuối tuần hoặc lễ Tết, với rất nhiều mô hình kinh doanh thương mại hoạt động sầm uất đủ quy mô lớn nhỏ.
Ngoài ra, thời điểm Thuận Kiều Plaza khánh thành và đưa vào sử dụng, hoạt động kinh tế của tiểu khu này có bước nhảy vọt đáng kể. Những con đường xung quanh tấp nập người qua kẻ lại với cửa hàng, quán ăn chuyên ẩm thực Trung Hoa, để phục vụ cho thương nhân đến mua bán ở Chợ Lớn và thực khách lui tới khu Thuận Kiều Plaza. Đến ngày nay, những quán ăn sinh cùng thời với Thuận Kiều vẫn ăn nên làm ra, có tên tuổi không chỉ riêng khu quận 5 mà phổ biến khắp thành phố.
Tòa nhà Thuận Kiều Plaza là niềm tự hào cho người dân ở khu vực Sài Gòn – Chợ Lớn, vì quy mô và sự hào nhoáng từ lúc nó bắt đầu được xây dựng cho đến khi trở thành ba tòa tháp chọc trời. So về độ cao, mặc dù chỉ đứng thứ 2 (sau Saigon Trade Center) nhưng đối với người Sài Gòn khi ấy, Thuận Kiều Plaza là biểu tượng được quan tâm và chú ý nhiều nhất. Cứ đi ngang qua khu này, người ta vẫn không khỏi “ngước cổ lên trời” để trầm trồ về sự hào nhoáng và bề thế của nó. Ai đi ra hoặc đến gần khu vực quận 5 đều lấy 3 tòa tháp này ra để ‘làm mốc’.
Bí ẩn Thuận Kiều
Một công trình ‘biểu tượng’ là thế, nhưng ngoại trừ không gian thương mại nhộn nhịp ở phía dưới, khu căn hộ phía trên chưa bao giờ đông đúc. Ngoài cái tên Thuận Kiều Plaza, công trình này còn được biết đến với cái danh cao ốc 3 cây nhang, nguyên do vì hình dáng tổng thể của khu phức hợp này khi nhìn từ trên xuống trông giống một… bát hương.
Chính vì gắn với hình ảnh tâm linh như thế, nên xoay quanh Thuận Kiều Plaza cũng có rất nhiều câu chuyện mang màu sắc bí ẩn, ma quái. Có người cho rằng, 3 tòa cao ốc dự định sẽ xây theo hình chữ 山 (shān, âm Hán Việt là Sơn, nghĩa là Núi) nhưng khi hoàn thiện thì nhìn màu sắc lẫn hình dáng lại giống 3 cây nhang nên ‘oan hồn’ mọi nơi mới bám vào.
Ngoài ra, còn rất nhiều những giả thuyết khác cho sự ế ẩm ‘đáng ngờ’ của nơi từng là địa điểm sầm uất bậc nhất Sài Gòn – xây dựng sai phong thủy, bị trấn yểm, bị đối thủ kinh doanh phá hoại,…
Thực tế, vào thời gian đầu, khu cao ốc này được định dạng là căn hộ cho thuê chứ không phải sở hữu. Trong bối cảnh khi ấy chưa nhiều cao ốc, mọi người vẫn quen ở nhà mặt đất, cộng thêm tâm lý ngại bỏ ra số tiền lớn nhưng chỉ có thể ở trong một quãng thời gian nhất định rồi phải trả nhà, nên căn hộ ở đây không mấy thu hút chú ý. Hơn nữa, thời điểm Thuận Kiều Plaza được hoàn thành khá gần với cuộc Khủng hoảng Tài chính châu Á (1997), phần nào ảnh hưởng đến lượng khách thuê.
Thêm vào đó là kiến trúc của Thuận Kiều Plaza. Thuận Kiều Plaza được xây dựng theo mục đích ban đầu là tòa nhà chuyên dụng cho người Hoa ở Sài Gòn vào giai đoạn những năm 1994 – 1998. Chính vì chọn đối tượng khách hàng là người Hoa nên kiến trúc của nó cũng được thiết kế theo phong cách của họ: không gian sống trần nhà thấp, lối đi nhỏ, kín, hẹp, không có nhiều cây xanh.
Thiết kế căn hộ như vậy không phù hợp với khí hậu Sài Gòn. Không chỉ vậy, các cơ sở vật chất như đường điện, ống nước,… đều nhanh chóng xuống cấp. Không gian kín, độ ẩm cao, thiếu ánh sáng, vậy nên người sống ở đây rất dễ có cảm giác ngột ngạt, bí bách, khó chịu. Theo thời gian, những hộ sống ở đây đều lần lượt đi khỏi, để lại một Thuận Kiều ‘hoang tàn’ với bức màn ma quỷ huyền bí.
Thuận Kiều thay áo mới
Sau gần 20 năm, ‘3 cây nhang’ được bán lại cho chủ mới vào năm 2014. Ba tòa tháp này sau đó đã thay đổi hoàn toàn diện mạo từ ngoài vào trong với tên gọi mới là The Garden Complex: bao gồm The Garden Mall và The Garden Apartment. Sau khi thay áo đổi chủ, nơi này đã được kỳ vọng là điểm nhấn văn hóa đặc sắc, nơi sự giao thoa văn hóa đặc trưng giữa người Hoa và người Sài Gòn hiện rõ nhất.
Kết
“Thất bại” của Thuận Kiều Plaza, với nhiều người, là một điều quá lạ lùng. Và như để cố lý giải cho điều lạ lùng ấy, không ít giả thiết được đặt ra, chủ quan có, khách quan có và thậm chí là cả những lý giải mông lung. Thế nhưng, nhiều người lại sẵn sàng tin vào những câu chuyện không thể đoán định thật giả ấy, góp phần đưa cái tên Thuận Kiều Plaza trở thành một trong những truyền thuyết đô thị (urban legend) sống động bậc nhất Sài Gòn.
Xem thêm:
#Localzine: Hà Nội và câu chuyện về những đôi bàn chân
#LocalZine: Xích lô máy – ‘Của lạ’ riêng Sài Gòn
#LocalZine: Big City Lover – Sài Gòn lớn, tình yêu lớn
#LocalZine: Những công trình trăm tuổi trong lòng Sài Gòn
Thảo luận về bài viết