#Nghĩ là series về những vấn đề, hiện tượng cần được quan tâm trong xã hội từ trước đến nay.
Xã hội ngày nay mang đến nhiều tiện ích. Thế nhưng đi kèm với nó luôn là những mặt trái không mong đợi. Văn hóa đại chúng và các phương tiện truyền thông mạng xã hội đã góp phần bình thường hóa không ít những tư tưởng và hành vi gây hại đến sức khỏe thể chất của con người.
“Thứ Hai là ngày đáng ghét!”
Có nhiều lý do để người ta chán ghét ngày Thứ Hai. Có thể là tâm lý tuần-mới-lại-tới, hoặc vì chế độ sinh hoạt thất thường khiến nghỉ cuối tuần xong lúc nào cũng mệt hơn, hoặc do bạn chán ngán công việc của mình đến mức sợ cả Thứ Hai từ khi Chủ nhật còn chưa kịp kết thúc.
Nghĩ cho cùng, không ai có thể bắt đầu ngày mới với cảm giác hứng khởi khi biết rằng sắp phải dành ra 8-9 tiếng để làm thứ mình ghét cả, cho dù hôm đó là đầu tuần hay giữa tuần. Đây không còn là cảm giác mệt mỏi, căng thẳng do làm nhiều, mà là cảm giác chán nản, mất động lực vì không có (hoặc không còn) hứng thú với công việc nữa.
Có nhiều lý do để một người chán ghét công việc của mình – sếp ưa cằn nhằn, đồng nghiệp ‘mỏ nhọn’, môi trường làm việc độc hại, hoặc đơn giản là họ và công việc hiện tại đều không phải là mảnh ghép mà bên còn lại đang cần.
Một nguyên nhân khác khiến xã hội hiện đại bình thường hóa cơn ghét Thứ Hai, đó là tình trạng thiếu cân bằng giữa công việc và cuộc sống (work-life balance). Ngược lại với những người chán việc, có những người làm nhiều đến mức thời gian nghỉ cuối tuần vẫn chưa đủ để họ ‘sạc’ lại năng lượng thể chất và tinh thần cho tuần làm việc mới.
Bạn có thể là một người mê việc ham làm, hay công việc hiện tại cũng chính là điều bạn hằng khao khát ước mơ, thế nhưng dù đam mê thế nào đi nữa thì ai cũng cần những khoảng nghỉ ngơi đúng nghĩa trước khi cả tâm trí và cơ thể đều bị hao mòn do ‘sử dụng’ quá độ.
Vượt qua nỗi sợ Thứ Hai
Vấn đề không nằm ở Thứ Hai. Sợ hãi, chán ghét ngày đầu tuần có thể chỉ là một trong số những biểu hiện của một vấn đề nào khác to lớn và phức tạp hơn nhiều trong cuộc sống của bạn. Để biết được nguồn cơn nằm đâu, bạn cần thành thật nhìn lại mình trong hiện tại và lắng nghe cảm nhận của bản thân.
Bạn có muốn tiếp tục công việc / lĩnh vực nghề nghiệp này trong vòng 5, 10, thậm chí 20 năm tới không?
Nếu câu trả lời là Không, vậy thì đâu mới là thứ bạn muốn làm? Nếu chưa thể ‘nhìn ra’ câu trả lời cụ thể, hãy nghĩ đến lối sống bạn muốn thực hiện, con người bạn muốn trở thành, sau đó quay ngược lại tìm kiếm những công việc / lĩnh vực nghề nghiệp có thể đưa bạn đến gần hơn với mong muốn đó.
Nếu công việc không phải vấn đề, thì cố gắng đừng ngủ nướng cuối tuần.
Hầu hết mọi người cho rằng hành động ‘bù đắp’ này giúp cơ thể được nghỉ ngơi nhiều hơn, nhưng sự thật thì ngược lại. Chỉ cần 2 giờ đồng hồ ngủ-thêm-chút-nữa là đã đủ để gây chệch đồng hồ sinh học của cơ thể. Cuối tuần là quãng thời gian quá ngắn để bạn kịp thích nghi với sự chuyển đổi từ ngủ ít (trong tuần) sang ngủ nhiều (cuối tuần) rồi lại trở về ngủ ít.
Ai cũng biết ‘nói dễ hơn làm’, nhưng nếu có thể, hãy giữ cố định giờ đi ngủ và giờ thức dậy, kể cả trong cuối tuần. Đặc biệt, đừng biến Chủ nhật thành cơ hội để đi quẩy triền miên, trừ khi bạn muốn tự rút cạn chút năng lượng vừa ‘sạc’ được.
Chuẩn bị trước cho Thứ Hai
Có sự chuẩn bị kỹ càng cả về tâm lý lẫn cảm xúc sẽ giúp bạn đón nhận Thứ Hai với một cái nhìn bớt gay gắt hơn. Tốt nhất nên hoàn tất việc chuẩn bị vào ngày làm việc cuối của tuần trước để có thể dành trọn Chủ nhật nghỉ ngơi.
Tự thưởng một kỳ nghỉ ngắn
Bạn hoàn toàn có thể bị kiệt sức (burnout) mà hoàn toàn không nhận thức được. Hãy tham khảo các dấu hiệu của tình trạng này, sau đó dành ra một thời gian ngắn để lấy lại năng lượng của mình. Tuy nhiên, sau khi quay về với công việc, có lẽ bạn sẽ cần điều chỉnh lại lối sống của mình để có được sự cân bằng cần thiết.
“Công việc nhiều quá chừng. Đêm qua tôi ngủ có 2 tiếng thôi.”
Khi nghe câu nói này phát ra từ một đồng nghiệp, phản ứng đầu tiên của nhiều người sẽ là… cảm giác tội lỗi vì họ đã dành ra tối hôm trước để nấu nướng, dọn dẹp, sau đó thoải mái thư giãn, trong khi đáng lẽ ra họ phải dành thời gian đó để làm việc, mở rộng con đường sự nghiệp sau này của mình.
Cảm giác tội lỗi vì mình làm chưa đủ nhiều và lòng đố kỵ ở chốn văn phòng không phải chuyện hiếm, nhất là khi có một vài người luôn được đánh giá là năng nổ, chăm chỉ hơn số còn lại. Nhưng cũng như Thứ Hai, vấn đề không nằm ở tính hơn thua trong công việc, mà là có không ít người – nhất là những người trẻ – tin rằng làm việc nhiều là một hành vi lành mạnh. Song song đó là sự tồn tại của những môi trường công sở được tạo dựng trên cơ sở niềm tin ấy – nơi mọi người tranh nhau làm bán sống bán chết và sẵn sàng chỉ trích những ai không chấp nhận lao lực như vậy.
Làm nhiều không đồng nghĩa với làm tốt, bất kể lý do đưa ra là gì. Trái lại, nó còn có thể dẫn đến một số vấn đề về sức khỏe tâm thần như mất ngủ, căng thẳng, lo lắng, trầm cảm. Càng làm việc quá sức, hiệu suất công việc sẽ càng giảm dần.
Vượt qua tình trạng lao lực
Duy trì sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Những quãng nghỉ trong và cuối ngày làm việc không những có thể giúp bạn thư giãn, mà còn giúp cải thiện hiệu quả công việc. Ví dụ, lên kế hoạch tham gia một lớp học hoặc hẹn gặp ai đó sau giờ làm có thể được xem như những tiếng chuông ‘báo thức’ để bạn bước ra khỏi văn phòng. Bằng cách hạn chế thời lượng dành ra cho các đầu việc, bạn có thể thật sự tập trung để hoàn thành chúng trước khi phải rời đi.
Nếu tham vọng hoặc mục tiêu là thứ thúc đẩy bạn làm việc mọi lúc, hãy đặt ra một giới hạn.
Cố-gắng-kiếm-nhiều-tiền-nhất-có-thể không phải là một tư duy bền vững cho lắm. Bao nhiêu sẽ là nhiều, và đến mức nào mới là không thể? Thay vào đó, hãy đặt ra một mục tiêu cụ thể hơn, và dành ra quãng thời gian sau đó cho bản thân (dù ngắn) trước khi bắt đầu một mục tiêu mới.
“Mình cần phải mua sắm, vì mình đang buồn.”
Mua sắm trị liệu (retail therapy) là hành vi mua sắm để giảm bớt căng thẳng và buồn bã của bản thân, cho dù bạn có thể không mấy cần đến những thứ vừa mua về. Khái niệm này xuất hiện lần đầu vào những năm 1980s, trong một bài báo trên tờ Chicago Tribune: “Chúng ta đã trở thành một dân tộc đong đếm cuộc sống qua những chiếc túi shopping và nuôi dưỡng những chứng bệnh tâm lý của mình bằng mua sắm trị liệu.”
Mặc dù chưa từng được công nhận là phương pháp trị liệu đích thực, nhưng retail therapy vẫn đem lại những tác dụng nhất định về tâm lý, cũng như liên quan đến chứng mua sắm không kiểm soát.
Sau khi nghiên cứu thói quen mua sắm của 407 người trưởng thành, nhóm nghiên cứu tại Đại học Bang Pennsylvania đã đi đến kết luận rằng việc mua sắm ngẫu hứng giúp giải tỏa tâm lý căng thẳng. Tác dụng này vẫn kéo dài sau khi việc mua sắm kết thúc. Nhưng nếu mua đồ đem lại lợi ích, thì vì sao nó lại xuất hiện ở đây?
Theo các nghiên cứu về retail therapy, nếu một người thường xuyên sử dụng mua sắm như một cách đối phó với stress, thì họ cũng sẽ phát sinh xu hướng dùng chính giải pháp này để xử lý những vấn đề khác trong cuộc sống, từ chuyện nhỏ như khó khăn trong công việc cho đến những chuyện lớn hơn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của họ.
Ngoài ra, với giới trẻ ngày nay, hành vi mua đồ đỡ buồn là một trong những nhân tố góp phần hình thành lên nền văn hóa bắt nguồn từ chủ nghĩa tiêu dùng (consumerism) – một lý thuyết tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ với số lượng lớn sẽ đem lại lợi ích kinh tế cho vùng / miền / quốc gia đó. Tuy nhiên, mặt trái của chủ nghĩa này là những sản phẩm ưu tiên số lượng hơn chất lượng, tạo ra gánh nặng rác thải cho môi trường vì những món đồ liên tục bị thải bỏ vì lúc nào cũng có sẵn thứ mới hơn.
Vượt qua tâm lý mua sắm đỡ buồn
Buồn, vui, tức giận, căng thẳng,… tất cả đều là ‘vật sở hữu’ của bạn. Hãy đón nhận và tìm cách giải quyết chúng thay vì cố làm bản thân phân tâm với mua sắm.
Đừng để mình bị thao túng bởi các chiến dịch quảng cáo và chiến lược truyền thông xã hội được thiết kế để bạn chi tiêu nhiều hơn.
Hãy thử window shopping. Lượn lờ ngắm nghía hoặc bỏ hàng vào giỏ đồ online cũng có thể đem đến tác dụng giải tỏa tương tự.
Xem thêm:
Quá tải – chuyện không của riêng ai
Tại sao Thứ Hai lại đáng sợ?
Thảo luận về bài viết