#WorkHoursLove là series các câu chuyện thú vị về mọi ngành nghề, thể hiện tinh thần tích cực, tiến bộ của người Việt Nam do The Millennials Life hợp tác sản xuất nội dung với cộng đồng Digikigai
Mỗi người lớn đi làm đều phải đối diện với rất nhiều áp lực trong công việc. Có những chàng trai phải lo lắng vì mức lương chưa đủ lý tưởng, có những cô gái phải băn khoăn vì không chắc rằng đây liệu có phải ngành nghề phù hợp với mình, lại có rất nhiều người phải đối diện với nỗi sợ khi dậm chân tại một vị trí quá lâu, không có bất cứ sự thăng tiến nào cho bản thân trong công việc.
Câu chuyện đi làm dẫu có bao nhiêu buổi uống trà, thay bao nhiêu lượt nước cũng sẽ nói không hết. Ta chỉ biết rằng dù có bao nhiêu hoài nghi và lo lắng, mỗi người vẫn cần phải tin vào chính mình và bước về phía trước.
I. Khi có niềm tin vào chính mình, ta sẽ đi xa hơn
Hiện giữ vị trí Managing Director tại Buzzmetrics, anh Tăng Gia Hải Lam còn từng là người dẫn dắt Climax trở thành công ty top đầu trong ngành digital marketing, đối tác của các doanh nghiệp lớn như Coca-Cola, Mead Johnson, Honda, Vinamilk, Unicharm… trong khoảng 2012 – 2016 – Giám đốc Lam chia sẻ: “Anh không phải người xuất sắc nhất mà là người hạnh phúc trong công việc.”
Đối với Tăng Gia Hải Lam, dẫu bạn ở đâu trong hành trình đi làm, đang gặp khó khăn hay trong gian đoạn “thuận buồm xuôi gió” thì cũng cần “hiểu và yêu thích những gì đang làm, để từ đó tìm thấy nguồn cảm hứng nhằm vượt qua những khó khăn trong nghề.” Có tin vào chính mình, yêu việc của mình, ta mới có thể dẫn dắt bản thân, hỗ trợ những người xung quanh và cùng đưa tất cả mọi người đi xa hơn.
Niềm tin vào bản thân, tình yêu đối với công việc sẽ giúp người ta trở thành người lãnh đạo cho chính mình cũng như có khả năng chịu trách nhiệm với mọi quyết định, lựa chọn đã đưa ra. Để trở thành người dẫn dắt, mỗi cá nhân không nhất thiết phải là người điều hành, quản lý mà trước hết là thông qua chính thái độ, ta có khả năng tạo ra ảnh hưởng và tác động tới người khác.
Một người có khả năng dẫn dắt bản thân có thể thu hút người khác, truyền cảm hứng cho những người xung quanh cũng như tự tạo cơ hội phát triển ở bất cứ vị trí nào. Từ đó, mỗi chúng ta có thể mang tới những điều tốt nhất cho công việc, đội nhóm của mình.
Là một chàng trai từng bắt đầu trải nghiệm đi làm từ công việc phục vụ bàn, sau đó bước vào một doanh nghiệp nơi Tiếng Anh của mọi người đều xuất sắc, kiến thức chuyên môn của đồng nghiệp cũng vô cùng phong phú, anh Tăng Gia Hải Lam chia sẻ: “Bắt đầu từ ấy, người ta làm 8 tiếng thì mình phải làm 10 tiếng, là người đến sớm nhất, về trễ nhất. Hoàn thành việc của mình thì xin thêm phần của người khác để làm. Mình phải chạy nhanh để bằng được với người ta. Đôi khi xuất phát điểm thấp không phải bất lợi mà là một lợi thế, nó không cho mình sự lựa chọn nào ngoài nỗ lực nhiều hơn.”
II. Trong chúng ta, ai cũng từng có giai đoạn không biết mình muốn đi đến đâu
Mỗi người đều từng có một thời gian lạc lối, không rõ đích đến của mình. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chàng sinh viên Tăng Gia Hải Lam cũng từng dành kha khá thời gian Đại học để làm ở nhà hàng. Khi đó, anh cũng có những suy nghĩ giống như nhiều sinh viên bằng tuổi, cảm thấy đi làm nghĩa là mình đã tự lập, không cần xin tiền gia đình, có thể tự làm tự sống. Đi làm mãi trong thời điểm đó cũng có thể khiến người ta bị “ghiền”, thậm chí còn định nghỉ học để đi làm vì thấy nhiều tiền quá, trong khi đi học đã không ra tiền mà còn cực nữa.
Chính vì vậy, ngày đó Lam cũng không có những định hướng cụ thể. Đến tận năm 4, Tăng Gia Hải Lam vẫn không biết mình học Marketing thì ra trường sẽ làm gì – ngành này công việc gồm những gì, mức lương ra sao, con đường thăng tiến sẽ thế nào. Nói chung anh hoàn toàn không có ý niệm cụ thể cho bất cứ kế hoạch tương lai nào. Nhưng thật may, cuộc đời đôi khi đối đãi với chúng ta tốt quá, cơ hội đến với mỗi người rất tự nhiên, chỉ là chúng ta có biết nắm lấy nó hay không.
Chuyện từ zero đến chuyên gia của Hải Lam diễn ra rất tình cờ. Ngoài công việc phục vụ nhà hàng, anh còn nhận việc nhập liệu từ những danh sách rất dài viết tay vào hệ thống của một công ty. Đúng lúc ấy Hải Lam được một người chị đang làm việc tại một tập đoàn quảng giới thiệu một công việc khác. Từ đó, anh mới biết cái gì là quảng cáo, như thế nào là agency. Đó là cả thế giới mới, rộng lớn và nhiều thứ cần khám phá.
Cơ hội học tập đến từ mọi nơi, anh Lam chia sẻ: “Thời điểm đầu đi làm phục vụ bàn, khách nước ngoài rất nhiều. Ngày đó mình cứ ‘Hello, how are you. You eat what?’, nghĩa là ráp từng chữ lại. May mắn là khách Tây rất nhiệt tình nói chuyện với dân địa phương, dù mình dốt tiếng Anh. Thế là mình cứ hỏi đọc từ này thế nào, câu kia ra sao. Từ từ như thế 4 năm, cái học được tốt nhất là phản xạ nghe nói ngoại ngữ. Đó chính là kiểu trường lớp mà không cần có tiền, không cần thầy cô đứng bên cạnh kèm cặp. Cuộc đời là cuốn sách mở và chuyện của mình là phải đọc cho đúng.”
III. Đừng giới hạn bản thân bởi những điều không thể
Thất bại là một trong những nỗi sợ lớn nhất của con người, bên cạnh sợ nghèo, sợ bị bồ đá. Thế nhưng thật may vì đôi lúc nỗi sợ giúp cho con người ta trở nên tỉnh táo hơn. Trạng thái này giúp chúng ta hiểu rằng mình phải hy vọng cho những điều tốt nhất và phòng bị cho những tình huống xấu nhất.
Nỗi sợ giúp chúng ta chuẩn bị để sẵn sàng hơn, ví dụ như tìm hiểu thêm về tiềm năng của những người sẽ đồng hành cùng mình, tìm cho mình một người hướng dẫn, một người quản lý trực tiếp. Quan trọng nhất, khi dấn thân vào bất cứ công việc nào, ta không được nhìn vai trò của mình dưới góc độ làm thuê. Có thể, ta sẽ không hứa gắn bó với doanh nghiệp đến hết cuộc đời, nhưng hãy tự nhủ rằng dù ở vị trí gì, ta cũng phải làm việc hết mình, phát triển cho tổ chức và chính bản thân mình.
IV. Cái gì cũng cần làm với sự tử tế
Theo nhiều cách, yếu tố khó nhất của một người có khả năng dẫn dắt chính là tạo ra kết quả và khiến mọi người cùng có trách nhiệm.
“Trách nhiệm” là một trong những từ được sử dụng nhiều đến mức ý nghĩa của nó đã bị thay đổi. Định nghĩa thực sự của “trách nhiệm” là: “Hãy làm mọi nhiệm vụ của mình một cách tử tế, chấp nhận chịu trách nhiệm và đưa ra kết quả một cách minh bạch.”
Với anh Tăng Gia Hải Lam: “Chỉ cần mình tử tế: Tử tế với đồng nghiệp, với công việc, với khách hàng, với lãnh đạo, với tổ chức thì cơ hội tốt sẽ không thiếu.”
Bất cứ ai trong chúng cũng mong có những bước tiến trong sự nghiệp, tuy nhiên phải dùng thước đo nào để cân đong sự nỗ lực, kết quả đạt được sau mỗi cố gắng ra sao mới “đủ”, là thắc mắc của nhiều người trên con đường sự nghiệp. Con người sẽ đạt được và vượt qua nhiều thứ một cách bất ngờ, hơn cả cái mình nghĩ mình sẽ làm được. Chúng ta cần phải hiểu không có giới hạn nào cho top 1, hay không có ngưỡng nào mà không thể làm được nếu có đủ quyết tâm, cố gắng và dũng cảm.
Vậy, phát triển bản thân sẽ bao gồm những khía cạnh như thế nào? Làm sao để được công nhận và trở thành người dẫn dắt? Và những người đã, đang là người dẫn dắt, họ có những góc nhìn như thế nào về việc học tập, phát triển bản thân trở thành nhà lãnh đạo? Tất cả những băn khoăn đó sẽ được anh Tăng Gia Hải Lam chia sẻ trong chương trình Fireside Chat với chủ đề A casual sharing about how to develop yourself as leader.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
WorkHoursLove: COO Hạnh Lê và triết lý công việc trên đường đua Triathlon
WorkHoursLove: Play to Earn – Từ chơi cho vui đến vui để kiếm tiền
WorkHoursLove: Avram Miller – Chú vịt hoang trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm
WorkHoursLove: Cùng LOGIVAN nghe nghề lao động “khó tính” kể chuyện đi làm
VIỆC LÀM MỚI NHẤT TỪ JobHopin
Thảo luận về bài viết