Ngoài cú twist “ngỡ ngàng ngơ ngác bật ngửa” khiến khán giả xôn xao, xét tổng thể, Người Tình lại là một trường hợp đáng tiếc khi ý tưởng thì hay nhưng làm ra mới thấy… vỡ mộng.
Câu chuyện táo bạo…
Dù có nhiều tác phẩm gây tiếng vang, thế nhưng cái tên Lưu Huỳnh vẫn khiến người ta e dè vì bên cạnh những Áo Lụa Hà Đông, Lấy Chồng Người Ta, hay Huyền Thoại Bất Tử, Lưu Huỳnh còn từng làm ra những bộ phim mà cả khán giả lẫn giới chuyên môn đều không đón nhận, như Hiệp Sĩ Mù hay Hy Sinh Đời Trai.
Vì thế, lần trở lại này với Người Tình của đạo diễn Lưu Huỳnh là một ẩn số lớn. Người ta “nhấp nhổm” vì trailer 18+ là một, vì hoàn cảnh 5 năm kiểm duyệt là hai, và cuối cùng là vì không biết Người Tình sẽ làm khán giả khen hay chê.
Nội dung phim xoay quanh 2 người đàn ông, Hưng (Hà Việt Dũng) và Sơn (Đức Hải). Cả hai là bạn bè lâu năm, lại cùng đang là họa sĩ. Tình bạn này khiến không ít người thắc mắc vì hai nhân vật được xây dựng với ngoại hình, bối cảnh, tính cách đối ngược nhau hoàn toàn. Một bên lịch lãm, một bên phong trần. Một bên nhiều tiền, một bên không. Ngay cách nói chuyện của cả hai cũng tạo cảm giác… không thật, như thể tình bạn này chỉ là chiếc mặt nạ che đậy nhiều điều còn ẩn phía dưới.
Trong buổi triển lãm tranh, Hưng gặp được “nàng thơ” của đời mình, Diễm Tình (Minh Tú). Trai tài gái sắc nhanh chóng về chung một nhà dưới cái nhìn… chằm chặp của anh bạn thân ngay từ buổi đầu gặp gỡ.
Gần 2/3 phim là liên tục những lần Sơn cố gắng phá gia đình bạn mình bằng đủ mọi cách. Từ những việc “nhẹ nhàng” và có phần cam chịu như gõ cửa phòng tân hôn khi đôi vợ chồng trẻ đang chìm trong cuộc ân ái, cho đến những phương án táo bạo, mang tính hủy hoại rõ ràng hơn như sắp xếp để Dũng bị vợ bắt gặp trong lúc đang mây mưa với gái lạ, hoặc gài bẫy để Diễm Tình ngã vào vòng tay người khác không phải chồng mình.
Hầu hết những phân cảnh “bỏng mắt” đều diễn ra trong quãng 2/3 này của câu chuyện. Nhưng đáng tiếc là ngoài đường cong của diễn viên-siêu mẫu Minh Tú, các cảnh 18+ này không đem thêm ích lợi gì khác nữa.
… Nhưng chỉ thế thôi
Từ đầu đến khi tình tiết cao trào xảy ra, Người Tình khiến khán giả hoang mang vô số lần. Ừ thì Sơn được khắc họa là một gã điên tình, gã điên đến mức hết lần này đến lần khác tìm cách hủy hoại người mình muốn có được, cuồng đến mức năm lần bảy lượt tính kế chia rẽ hai người kia, nhưng cuối cùng khi sự sắp thành thì lại tự tay buông bỏ cơ hội?
Dũng lại khó hiểu theo một kiểu khác. Anh liên tục thể hiện tình yêu của mình với vợ, nhưng rất tiếc phải nói rằng giữa anh và Minh Tú – người đóng vai Diễm Tình – không hề có tí “chemistry” nào cả. Nhân vật này đem đến cho người xem cảm giác rất mâu thuẫn, khi phút trước anh nói thế này, phút sau anh đã lại làm thế khác. Vừa bảo “chưa tìm được người phụ nữ nào đủ đẹp khiến anh muốn vẽ” thì liền lập tức đã mang toan ra họa cơ thể khỏa thân của cô gái lần đầu gặp mặt (chưa kể cô nàng này trông chẳng có gì đặc biệt). Dũng yêu vợ, nhưng rất dễ dàng “xã giao” với người khác, rồi lại nhanh chóng nóng giận vì thấy ảnh nóng (còn chưa cởi đồ) của vợ trong khi chưa hỏi chuyện cô câu nào.
Cuối cùng, Diễm Tình là một ca bó tay toàn tập. Tạm bỏ qua cái tính hơi trẻ con, nghĩ gì làm đó không suy xét, chỉ riêng chi tiết cô tìm đến người yêu cũ hiện đang hành nghề lái taxi cũng đủ khiến khán giả “hỏi chấm” đầy đầu. Vấn đề không nằm ở nghề nghiệp, vấn đề ở chỗ với thân thế hiện tại của Diễm Tình – trẻ trung, xinh đẹp, chủ cửa hàng thời trang, vợ một họa sĩ giàu có – thì “người yêu cũ làm nghề lái taxi” nghe như một lựa chọn không logic cho lắm. Chẳng lẽ cô gái này không còn một mối quan hệ nào khác để ngã vào, mặc dù cũng chính cô nói rằng mình không còn tin đàn ông nữa hay sao?
Điểm trừ lớn tiếp theo nữa là thoại phim. Minh Tú vốn nổi tiếng thoại đơ, Diễm Tình trong phim cũng không khá hơn là bao. Ngoài ra, thoại phim nếu không phi lý thì cũng thiếu chân thực hoặc ngây ngô như kiểu trẻ con học lỏm cách nói chuyện của người lớn rồi đem ra… xài lại. Yếu tố thoại phim gây tuột cảm xúc đến nỗi mỗi khi nhân vật vào cảnh tình cảm, nghe cuộc trò chuyện của đôi bên xong chỉ còn biết ngồi cười vì không thấy rung động ở đâu mà chỉ toàn sến sẩm. Thoại này sẽ hợp hơn với bối cảnh câu chuyện và thời điểm ra mắt của Áo Lụa Hà Đông chứ không phải 2017 – thời điểm phim dự định ra mắt – và tất nhiên là cũng không phải 2022.
Điểm sáng le lói không cứu nổi cả phim
Mãi đến khi chỉ còn lại khoảng 1/3 thời lượng, Người Tình mới hé lộ plot twist khiến khán giả “ngỡ ngàng ngơ ngác bật ngửa”. Đây có thể được xem như pha ghi-bàn-phút-89 ăn tiền, đủ để khiến những ai dợm bước đi về phải ngồi lại theo dõi.
Cú “lật mặt” này tuy không quá khó đoán, nhưng nó đem đến yếu tố bất ngờ, giải quyết được hàng đống mâu thuẫn phía trước, truyền tải ý nghĩa thật sự của cả câu chuyện. Tuy nhiên, thông điệp này dẫu có nhân văn đến đâu cũng không “gánh” nổi một tổng thể rối rắm và cách diễn giải khó hiểu của những gì xảy ra từ đầu đến giờ. Đồng ý rằng lựa chọn là một khó khăn, sống với lựa chọn lại là một thử thách khác, nhưng đâu phải vì thế mà trên con đường thực hiện nó, chúng ta có quyền thoải mái hủy hoại hết người này đến người khác, chỉ đơn giản để thực hiện cái gọi là “ước mơ” của chính mình?
Tóm lại, Người Tình là một tác phẩm dẫu ý tưởng tốt nhưng muốn khen thì thật sự khó. Các yếu tố trong phim có lẽ sẽ rất thành công, nhưng chỉ khi chúng đứng một mình hoặc xuất hiện trong một câu chuyện khác, với một cách kể khác. Theo đuổi ý đồ nghệ thuật, đụng chạm đến những vấn đề, những góc khuất ít được nói đến là việc làm nên khuyến khích, nhưng thế thôi thì chưa đủ. Hy vọng các dự án sắp tới của đạo diễn Lưu Huỳnh sẽ tốt hơn và dễ dàng thuyết phục người xem hơn nữa.
Thảo luận về bài viết