Phải chăng cuộc sống quá khắc nghiệt, nên chúng ta thấy bất ngờ khi đọc được những câu chuyện về sự tốt bụng của con người? Nếu xung quanh thiếu vắng đi sự tử tế, sẽ thế nào nếu bạn trở thành người đem nó đến?
Khi đối xử tốt với người khác, bạn không chỉ đang giúp đỡ họ, mà còn đang giúp đỡ chính mình. Vậy chúng ta nên làm gì để trở nên tử tế hơn với mọi người xung quanh, và đặc biệt là chính chúng ta?
Làm những điều tử tế
Để trở thành người tử tế, chúng ta cần làm những hành động tử tế. Và sự tử tế nói chung hay hành động tử tế nói riêng đã được nhiều nghiên cứu chứng minh rằng có những tác động tích cực đến não chúng ta. Không chỉ thúc đẩy việc sản sinh ra oxytocin (hormone tình yêu) và endorphins (hormone giúp giảm đau), nó còn giúp tạo ra các liên kết thần kinh mới.
Bên cạnh đó, thực hành tử tế còn là một thói quen dễ “gây nghiện”. Nó mang đến những cảm giác dễ chịu, và để kéo dài những cảm giác đó, chúng ta sẽ tiếp tục làm thêm nhiều việc tử tế.
Tránh nghiêm trọng hóa vấn đề
Không dễ để trở thành người tử tế nếu lúc nào bạn cũng bận rộn với những suy nghĩ tiêu cực. Để tránh chuyện này, hãy thử nhìn mọi việc theo một hướng khác, nhất là trong những tình huống bạn muốn đánh giá hoặc chỉ trích ai đó.
Nhưng làm thế nào để có thể thay đổi quan điểm bản thân theo hướng lạc quan hơn? Ví dụ, khi đồng nghiệp mắc lỗi, thay vì “nóng máu” chỉ trích họ ngay, hãy thử xem lỗi lầm này là một cơ hội để họ học hỏi và làm tốt hơn trong những lần sau.
Thành thật và tử tế với bản thân
Tử tế với người khác không đồng nghĩa với việc luôn luôn đồng ý và không bao giờ từ chối những gì có thể làm mình khó chịu. Thành thật với chính mình, tôn trọng giá trị bản thân, đặt ra các ranh giới không có nghĩa rằng bạn xấu tính. Ngược lại, đó là cách để tinh thần và tâm lý bạn luôn được khỏe mạnh. Bạn có cảm thấy an toàn, được tôn trọng thì mới có thể dễ dàng tử tế với người khác được.
Ngoài ra, cách chúng ta đối xử với bản thân cũng phần nào phản ánh cách chúng ta tương tác với người khác. Những khi có vấn đề, liệu bạn có đổ lỗi hay tự hành hạ chính mình không? Hãy mềm dẻo và nhẹ nhàng với bản thân để có thể biết cách hành xử tương tự với người khác.
Giữ thái độ cởi mở
Cuộc sống luôn thay đổi, và có rất ít việc ta có thể tác động vào. Khi chúng ta gặp những ý kiến, tình huống hoặc những người mới, tâm trạng tiêu cực dễ nảy sinh hơn, dẫn đến việc ta sẽ “xù lông nhím” để bảo vệ mình.
Tuy vậy, việc giữ thái độ cởi mở là điều vô cùng quan trọng trong quá trình học hành và tiếp nhận thông tin mà không phán xét. Đồng thời, chính thái độ này sẽ khiến bạn bình tĩnh hơn, qua đó giúp bạn xác định được phương hướng của bản thân trong một môi trường mới. Việc cư xử tử tế sẽ dễ dàng hơn khi bạn cảm thấy thoải mái với chính mình và môi trường xung quanh – dù cho cuộc đời có lên xuống đến mấy.
Giữ phép lịch sự
Hành vi của bạn không nên được xác định dựa trên hành vi của đối phương. Nói cách khác, nếu người đối diện thô lỗ, đừng “ăn miếng trả miếng” với suy nghĩ “Đã thế thì tôi phải xấu tính hơn nữa.”
Thay vì “cho nó nếm mùi”, hãy tiếp tục lịch sự và cư xử đúng mực. Lịch sự chỉ là một khía cạnh của sự tử tế, nhưng chính thái độ này sẽ có thể làm thay đổi chiều hướng cuộc trò chuyện và hành vi của đối phương, tạo ra những điểm tích cực trong tương tác xã hội.
Tìm cách giúp đỡ đúng lúc
Việc biết giúp đỡ đúng thời điểm sẽ luôn giúp bạn ghi điểm với người khác. Từ việc cười nói với người bán hàng, cho tới việc giúp đỡ đồng nghiệp chạy dự án, chỉ cần bạn đề nghị giúp đỡ là bạn cũng đã ghi điểm tử tế rồi.
Tập tha thứ
Từ bỏ hận thù và tha thứ cho người khác sẽ giúp bạn có thái độ tích cực hơn với mọi việc. Bên cạnh đấy, việc tha thứ cho bản thân cũng rất quan trọng, nên hãy học cách buông bỏ những trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ sẽ giúp bạn có lối suy nghĩ và cách hành xử vui vẻ, thoải mái hơn với thế giới xung quanh.
Học cách biết ơn
Vào mỗi sáng thức dậy, hãy viết ra hoặc nghĩ về những điều mà bạn biết ơn. Một nghiên cứu chỉ ra rằng việc tập luyện suy nghĩ biết ơn đem lại nhiều lợi ích sức khỏe, bao gồm giải tỏa căng thẳng và tăng cảm giác hạnh phúc. Việc suy nghĩ tích cực cũng giúp bạn phát triển thái độ cởi mở, lạc quan hơn và có thể dễ dàng đối phó với những phức tạp và khó khăn hàng ngày trong cuộc sống.
Tôn trọng người khác
Khả năng đồng cảm và biết tôn trọng người khác cũng được cho là những yếu tố gắn liền với sự tử tế. Hãy thử một ngày nhìn nhận mọi việc từ quan điểm của những người xung quanh, và suy nghĩ về những điều bạn có thể làm để tôn trọng nhu cầu của họ.
Ngoài ra, hãy biết tôn trọng thời gian của người khác thông qua việc đến đúng giờ hẹn, hoặc lắng nghe khi họ đang nói chuyện.
Lợi ích của việc cư xử tốt
Các nhà tâm lý học đã sử dụng thuật ngữ “hành vi xã hội” để chỉ những hành động liên quan đến cảm giác hạnh phúc và thấy an toàn, cũng như để nói về cảm xúc của con người. Nói cách khác, những hành vi “tốt đẹp” bao gồm những hành động chia sẻ, hợp tác và an ủi, mà thông qua đấy sẽ thúc đẩy trạng thái thoải mái và lạc quan ở mọi người.
Việc thực hiện những hành động này không chỉ giúp ích cho những người xung quanh, mà còn thúc đẩy việc chúng ta kết nối xã hội. Theo đó, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng đối xử tốt với người khác còn có lợi cho sức khỏe tinh thần của chúng ta. Ngoài ra, việc cư xử tử tế cũng mang tính lan tỏa, khiến những người xung quanh cũng dần có hành động tương tự.
Tăng khả năng thu hút một đối tượng tiềm năng
Cư xử tử tế có thể khiến bạn trở nên hấp dẫn hơn trong mắt những người xung quanh. Trong một bài báo được công bố trên Journal of Personality vào năm 2019, những người tham gia buổi nghiên cứu đã đánh giá lòng tốt là đặc điểm quan trọng nhất mà họ kiếm tìm ở người bạn đời, vượt qua những tiêu chí khác như: tiềm năng tài chính, sự hấp dẫn về thể chất và khiếu hài hước.
Tâm trạng vui vẻ và thoải mái hơn
Các nhà nghiên cứu của Đại học Oxford đã tìm ra rằng việc tham gia những hoạt động mang tính giúp đỡ mỗi ngày trong bảy ngày làm tăng cảm giác hạnh phúc và trạng thái tinh thần của một người. Họ nhận thấy rằng một người càng thực hiện nhiều hành vi này, thì họ càng cảm thấy hạnh phúc.
Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng khi làm những việc này, thì là dành cho ai – bao gồm người thân, bạn bè, hay thậm chí người lạ – đều vẫn đem lại sự thoải mái cho người thực hiện chúng. Bên cạnh đấy, việc cư xử tốt đẹp cũng giúp người thực hiện chúng giải tỏa căng thẳng và bớt cảm thấy tiêu cực.
Theo Very Well Mind
Có thể bạn quan tâm:
24hĐi: Khi tử tế xuất phát từ sự chân thành
5 cách khiến việc dùng mạng xã hội hiệu quả hơn