Cảm giác khi mở lòng với người khác thường đem lại sự khó chịu trong tâm ta, nhưng không phải vì thế mà ta nên né tránh nó. Hãy cùng The Millennials Life tìm hiểu về trạng thái tâm lý phức tạp này của con người.
Chúng ta chắc đều hẳn đã quá quen thuộc với cái cảm giác đấy: Khi bắt đầu cầm chiếc cọ, vợt pickleball, hay bất cứ sở thích nào khác; học một kỹ năng mới; sắp nói với người ấy cụm từ “Anh yêu em” lần đầu tiên, hoặc xin lỗi để mong được tha thứ.
Có lẽ bạn muốn cảm thấy gần gũi hơn với mọi người; hoặc bạn cũng muốn sống chân thực, táo bạo, trung thực, và đón nhận con người thật nhất của mình. Thế nhưng, điều gì đó khiến bạn không cảm thấy an toàn. Một điều gì đó khiến bạn chần chừ, rút lui, dối lòng, và kiềm chế bản thân.
Liệu, đấy có phải là vì bạn khó để mở lòng không? Và nếu bạn nhận ra rằng mình đang gặp khó khăn, làm thế nào để vượt qua nỗi sợ này? The Millennials Life sẽ giải thích dưới đây nhé.
Mở lòng là như thế nào?
Khi mở lòng, đây là trạng thái khi ta bị phơi bày trước khả năng bị tổn thương hoặc làm hại, dù là về thể chất hay cảm xúc. Nhìn từ bên ngoài, chúng ta thường ngưỡng mộ những người đã vượt qua trạng thái này. Chúng ta nghĩ rằng họ mạnh mẽ.
Những ví dụ về sự mở lòng bao gồm cảm giác bạn có khi lần đầu nói rằng bạn yêu một ai đó, thử một kỹ năng mới, hoặc khi bạn đi xin lỗi người khác.
Nhiều người cho rằng mở lòng chỉ xảy ra trong các mối quan hệ thân thiết, nhưng thực tế thì không phải lúc nào cũng vậy. Chúng ta có thể cảm thấy dễ bị tổn thương trong bất kỳ thời điểm nào, ở bất kỳ tình huống nào.
Mở lòng đi kèm với việc bộc lộ cảm xúc và thường song hành với sự không chắc chắn. Và như một bản năng, con người thường muốn cảm thấy an toàn. Cảm giác an toàn bao gồm việc hiểu rõ mọi thứ xung quanh. Nhưng khi bộc lộ cảm xúc và đối diện sự không chắc chắn, chúng ta không cảm thấy an toàn. Vì vậy, chúng ta thường né tránh điều đó.
Tại sao mở lòng lại quan trọng?
Để có một mối quan hệ sâu sắc với người khác, bản thân ta cần phải trung thực và đáng tin cậy trong mắt họ. Những yếu tố này không thể tồn tại nếu chúng ta không thể mở lòng.
Như thế, càng cởi mở và trung thực về cảm xúc, bạn càng giúp người khác hiểu rõ hơn về mình. Điều này tạo ra sự thấu hiểu và gắn kết. Khi thoải mái mở lòng với người khác, điều đấy cũng đồng nghĩa với việc bạn sẽ dễ dàng chấp nhận và đồng cảm với khả năng dễ tổn thương của người khác, giúp củng cố mối quan hệ 2 chiều.
Ngoài ra, khi dám đối diện với những khoảnh khắc đầy sợ hãi, như chia sẻ nỗi lo lắng hoặc bày tỏ cảm xúc thật, nghĩa là bạn đang rèn luyện lòng can đảm. Hành động này không chỉ giúp bạn vượt qua nỗi sợ mà còn tạo ra một cảm giác kiên cường, từ đó có khả năng đối mặt với nhiều thử thách trong cuộc sống một cách dễ dàng hơn.
Những gì cản trở điều đấy?
Chúng ta làm gì sinh ra với nỗi sợ mở lòng đâu! Bạn thử nhìn 1 đứa trẻ sơ sinh đi – chúng khóc mỗi khi cần điều gì đó, bất kể người chăm sóc có mệt mỏi đến đâu. Có thể nói, trẻ em dựa vào việc bộc lộ khả năng dễ tổn thương để tồn tại. Tuy nhiên, theo thời gian, chúng ta phát triển nỗi sợ này qua nhiều trải nghiệm sống. Càng được dạy rằng mở lòng là nguy hiểm hoặc sai trái, chúng ta càng ít chấp nhận nó:
1. Do những sự kiện trong quá khứ củng cố
Bất kỳ sự kiện đau thương nào cũng có thể ảnh hưởng đến cảm giác an toàn của bạn với người khác. Những lần trải qua như thế sẽ khiến thế giới trở nên nguy hiểm hơn trong mắt bạn – thật khó để tin rằng mình có thể là chính mình khi đã từng bị tổn thương.
Nỗi sợ này càng rõ rệt hơn nếu người gây ra những sự kiện đau buồn đấy là người bạn yêu thương. Khi điều này xảy ra, nạn nhân thường cảm thấy họ đã “quá tin tưởng”, hoặc bằng cách nào đó họ phải chịu trách nhiệm cho những gì đã xảy ra. Hệ quả là ta có thể tự nhủ rằng lần sau sẽ nên “dựng lên bức tường” để bảo vệ trái tim mình.
2. Sợ bị từ chối
Sự từ chối đôi khi có thể tạo ra cảm giác như một chấn thương tâm lý, bất kể đó là lớn hay nhỏ.
Nếu từng mạo hiểm chia sẻ điều gì đó và bị chế nhạo hoặc làm bẽ mặt, bạn có thể nghĩ rằng mình đã ngây thơ. Một số người sẽ phớt lờ hậu quả tiêu cực và tập trung nỗ lực vào hướng khác, trong khi người khác đổ lỗi cho môi trường hoặc người xung quanh. Nhưng cũng có những người tự trách bản thân và cảm thấy tức giận vì đã dám thử điều táo bạo ngay từ đầu.
3. Do yếu tố môi trường bên ngoài tác động
Khả năng dễ bị tổn thương không hẳn là một nét tính cánh dễ được nhiều nền văn hoá chấp nhận. Một số nơi sẽ cởi mở hơn với việc thể hiện cảm xúc so với các nền văn hóa khác; đó là còn chưa kể đến cách nhìn nhận khác nhau nếu nói về giới tính, tầng lớp.
Bên cạnh đấy, ba mẹ chúng ta thường sẽ là hình mẫu đầu tiên về sự mở lòng. Vì vậy nếu bạn lớn lên với niềm tin rằng sự mở lòng là điều xấu, nếu bạn được kỳ vọng là phải mạnh mẽ hoặc dũng cảm mọi lúc, hoặc nếu nghĩ rằng cảm xúc đấy là biểu hiện của sự yếu đuối, thì không có gì quá ngạc nhiên khi sự mở lòng trở thành một thử thách lớn.
Mở lòng trong các mối quan hệ cá nhân
Nỗi sợ bị tổn thương thường dẫn đến những mối quan hệ không lành mạnh và gây đau khổ. Một số người trở nên lo lắng và thu mình khi nhận thấy dấu hiệu đầu tiên của sự thân mật trong một mối quan hệ tình cảm. Ngược lại, có người lại phụ thuộc quá mức vào đối phương để thỏa mãn nhu cầu về tình yêu và sự quan tâm.
Tuy nhiên, một mối quan hệ lành mạnh không chỉ cần tình yêu và sự tin tưởng mà còn cần cả 2 bên sẵn sàng mở lòng với nhau. Đây là yếu tố quan trọng để xây dựng lòng tin và củng cố quan hệ bền vững.
Nói cách khác, để xây dựng mối quan hệ tích cực, bạn cần bước ra khỏi vùng an toàn của mình, chấp nhận rằng không ai là hoàn hảo, và dũng cảm thể hiện cảm xúc cùng con người thật của bạn với đối phương. Cả 2 cần tạo điều kiện cho nhau cảm thấy an toàn và được bảo vệ.
Mở lòng trong mối quan hệ tình cảm giúp mọi người kết nối ở mức độ sâu sắc hơn, cải thiện khả năng giao tiếp, tăng cường sự thấu hiểu và nâng cao khả năng chấp nhận lẫn nhau.
Mở lòng trong xã hội
Trong một xã hội đề cao sự tự chủ, độc lập và cá tính, khả năng dễ bị tổn thương thường bị xem là điều tiêu cực. Từ khi còn nhỏ, nhiều người đã nội tâm hóa niềm tin rằng mở lòng đồng nghĩa với sự yếu đuối và không hoàn hảo. Tuy nhiên, khi bộc lộ khía cạnh mong manh của bản thân, chúng ta thể hiện sự dũng cảm và khát vọng xây dựng những kết nối mạnh mẽ.
Nếu muốn xây dựng những mối quan hệ ý nghĩa, chúng ta cần học cách giãi bày, chia sẻ những cảm xúc và suy nghĩ sâu kín nhất của mình. Kết nối giữa con người – thứ bắt nguồn từ sự dễ bị tổn thương – có thể làm dịu đi áp lực của cuộc sống. Khi gặp khó khăn, chúng ta không tìm kiếm những lời khuyên logic hay giải thích lý trí; thay vào đó, chúng ta cần được quan tâm, chấp nhận và cảm thấy an toàn.
Mở lòng không phải là biểu hiện của sự yếu đuối mà là khả năng sẵn sàng chấp nhận bản thân, yêu thương chính mình và sống thật với con người mình. Nó cho phép bạn chấp nhận rủi ro, tha thứ cho bản thân về những sai lầm và khuyết điểm. Điều này khiến ta tự cảm thông và yêu thương bản thân hơn.
Kết
Thế thì, gọi sự mở lòng là “một mớ hỗn độn đẹp đẽ” có đúng không? Bởi một phần, lý do chúng ta sợ bị tổ thương là vì nó thường đi kèm với các cảm xúc khó chịu như thất vọng, xấu hổ, sợ hãi và đau buồn; nó cũng liên quan đến nỗi sợ bị từ chối và bỏ rơi. Nhưng mở lòng cũng lại là điều tốt, nếu không muốn nói là cần thiết.
Chúng ta thường ngưỡng mộ khi người khác mở lòng, nhưng lại coi đó là điểm yếu của chính mình. Chúng ta yêu thích sự chân thật từ người khác, nhưng lại sợ để họ nhìn thấy điều đó ở mình. Vì khi dễ bị tổn thương, chúng ta có thể làm xáo trộn danh tiếng, mất đi một người bạn, hoặc bị từ chối.
Tuy nhiên, chúng ta thường quên rằng khi sẵn sàng cởi mở về cảm xúc thật của mình, ta sẽ được đón nhận bởi những người thực sự trân trọng sự chân thật và con người của chúng ta. Chẳng phải như vậy tốt hơn sao?
Xem thêm những bài viết khác dưới đây:
- 22 sự thật “đắng lòng” về cuộc đời sẽ khiến bạn phải ngẫm lại
- Ưu và nhược điểm của việc làm bạn trước khi là người yêu của nhau
- 10 luật bất thành văn dành cho những cặp đôi có mối quan hệ mập mờ