Diễn ra từ ngày 14.12 tại phòng tranh tư nhân Wiking Salon, triển lãm mới nhất của hoạ sĩ gạo cội Ca Lê Thắng là tập hợp của những tác phẩm trong trong dòng tranh thuộc trường phái trừu tượng; mang đến cảm giác trầm lắng, yên ả và đầy suy tư. Kết hợp cùng với những tư liệu lịch sử, ta thấy được sự cống hiến lớn to của người nghệ sĩ trong việc thúc đẩy hội hoạ trừu tượng ở đất nhà.
Triển lãm cá nhân mới của hoạ sĩ Ca Lê Thắng – mang tên Đồng Chìm Đáy Nước, là một hành trình khám phá đầy cảm xúc qua hơn 20 tác phẩm tiêu biểu.
Không chỉ tiếp nối mạch sáng tác với loạt tranh tại triển lãm trước (Mùa Nước Nổi),Đồng Chìm Đáy Nước còn là sự chiêm nghiệm, nhìn lại chặng đường hội hoạ và phát triển ngôn ngữ nghệ thuật của ông từ năm 1991 đến nay. Các tác phẩm lần này không tái hiện ký ức một cách cụ thể, mà khơi gợi những cảm xúc sâu lắng qua các hình ảnh trừu tượng.
Tổng quan về triển lãm
“Chôn rau cắt rốn” ở Bến Tre, Ca Lê Thắng lớn lên trong không gian mênh mông của vùng Đồng Tháp Mười. Ký ức về những mùa nước nổi, nơi cảnh sắc và con người hòa quyện trong sự bao la của đất trời, đã in sâu vào tâm hồn ông. Sau khi tập kết ra Bắc cùng gia đình vào năm 1955, nghệ sĩ tiếp tục con đường học thuật và trở thành một trong những người tiên phong trong phong trào trừu tượng tại Việt Nam.
Ở tuổi 75, nghệ sĩ Ca Lê Thắng đang trải qua giai đoạn rực rỡ nhất trong sự nghiệp, vàĐồng Chìm Đáy Nước chính là minh chứng rõ nhất cho điều đấy.
Trong những tác phẩm mới nhất từ 2023-2024, bút pháp của Ca Lê Thắng cho thấy sự chuyển mình mạnh mẽ. Những mảng màu biến đổi kỳ ảo, đan xen giữa sự tĩnh lặng và chuyển động, tạo nên cảm giác hòa quyện giữa ký ức cá nhân và trải nghiệm hiện tại. Kỹ thuật sử dụng nền trắng dẻo (gesso) cùng màu acrylic loãng và kim loại đã mang đến hiệu ứng ánh sáng đặc biệt, gợi lên hình ảnh dòng nước lung linh, huyền ảo.
Triển lãm cũng giới thiệu các tài liệu về giai đoạn hoạt động của Ca Lê Thắng cùng Nhóm 10 Người (1989-1995) – một nhóm nghệ sĩ tiên phong trong việc vực dậy nghệ thuật trừu tượng tại Việt Nam sau Đổi Mới. Với các tên tuổi lớn như Nguyễn Trung, Nguyễn Tấn Cương, và Đỗ Hoàng Tường, nhóm đã để lại dấu ấn quan trọng trong lịch sử mỹ thuật đương đại.
Có thể thấy,Đồng Chìm Đáy Nước là lời tự sự về hành trình sáng tạo không ngừng nghỉ của Ca Lê Thắng. Đây là dịp để khán giả chiêm nghiệm những chiều sâu của nghệ thuật trừu tượng và đồng thời tôn vinh vai trò tiên phong của ông trong việc phát triển ngôn ngữ nghệ thuật tại Việt Nam.
Giám tuyển nói gì vềĐồng Chìm Đáy Nước?
Theo lời nhận xét của giám tuyển triển lãm – chị Lê Thiên Bảo, Đồng Chìm Đáy Nước không chỉ đơn thuần là một cuộc trưng bày tác phẩm mà còn là hành trình đầy xúc cảm, nơi nghệ sĩ Ca Lê Thắng kể lại câu chuyện đời mình qua ngôn ngữ của nghệ thuật trừu tượng.
Đối với Ca Lê Thắng, mùa nước nổi không phải là đối tượng để đặc tả, mà là biểu tượng của ký ức – một không gian mơ hồ, nơi ranh giới giữa đất, nước và trời hòa lẫn vào những mảng màu.
Trong không gian ẩn dụ này, ông đối diện với những ám ảnh chiến tranh, nguôi ngoai nỗi nhớ quê hương, và vượt qua những mất mát cá nhân. Tác phẩm của ông không phải là lời khẳng định mạnh mẽ, mà là một lời mời khán giả cùng chứng kiến sự chuyển hóa của ký ức thành hình thái nghệ thuật.
Nhìn lại giai đoạn hoạt động cùng Nhóm 10 Người cuối những năm 1980 và đầu 1990, Ca Lê Thắng đã bước đầu thoát khỏi những ràng buộc của hiện thực, để khám phá sự tự do trong trừu tượng. Thời kỳ này, các tác phẩm của ông mang tông màu hạn chế, tập trung vào kết cấu với những lớp sơn bị cạo, xây dựng và làm lại nhiều lần.
Đó là những sáng tác chưa hoàn toàn trọn vẹn, nhưng đầy sức sống, chứa đựng năng lượng tiềm ẩn và sự căng thẳng của những câu chuyện chưa được kể.
Trong khoảng thời gian từ năm 1990 đến 2015, các bức tranh của ông thể hiện những cảnh quan ký ức đầy hỗn loạn, như một hành trình nội tâm phức tạp. Tuy nhiên, các tác phẩm gần đây (2023-2024) đã đưa ông đến một cấp độ khác: sự hòa nhập hoàn toàn vào những cảnh quan ấy, nơi triết lý của hội họa thủy mặc Trung Hoa (shui mo) hòa quyện với hình ảnh đồng bằng sông Cửu Long trong ký ức tuổi thơ.
Cách ông xử lý chất liệu trong loạt tranh mới không vội vã, mà kiên nhẫn, chậm rãi – như nhịp tích tụ phù sa của vùng đồng bằng. Từng lớp màu chồng lên nhau, không chỉ trên bề mặt, mà còn gợi lên chiều sâu của thời gian và ký ức. Qua đó, Ca Lê Thắng không ngừng mài giũa ngôn ngữ trừu tượng để làm nổi bật giọng nói nghệ thuật riêng biệt của mình.
Không còn phảng phất ảnh hưởng từ Joan Miró, Picasso hay Mark Rothko, giờ đây Ca Lê Thắng đã hoàn toàn làm chủ ngôn ngữ nghệ thuật của mình – một ngôn ngữ yên ả nhưng mạnh mẽ, nói về ký ức và hình thái.
Bên cạnh các tác phẩm hội họa, triển lãm còn trưng bày các tư liệu về vai trò của ông trong việc biên tập Tạp chí Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (1991-1997) và những đóng góp cho sự phát triển cộng đồng nghệ thuật. Dù chọn lối sáng tác độc lập trong những năm gần đây, sự nghiệp của ông luôn gắn bó mật thiết với tinh thần cộng đồng – minh chứng qua quyết định tổ chức triển lãm cá nhân đầu tiên khi đã bước sang tuổi 70.
Nói tóm lại, Đồng Chìm Đáy Nước là hiện thân cho sự bền bỉ âm thầm của một nghệ sĩ đã dành trọn cuộc đời để sáng tạo. Triển lãm nhắc nhở chúng ta về vai trò tiên phong của ông trong phong trào trừu tượng Việt Nam sau Đổi Mới, cũng như sức mạnh chuyển hóa của nghệ thuật trừu tượng – một hình thái mời gọi người xem dừng lại, chiêm nghiệm và cảm nhận.
Đôi nét về hoạ sĩ Ca Lê Thắng
Người hoạ sĩ gạo cội sinh năm 1949 tại Bến Tre. Sau khi Hiệp Định Genève được ký vào năm 1954, ông theo gia đình ra Hà Nội tập kết năm 1955. Ở Hà Nội, Ca Lê Thắng bắt đầu học vẽ từ năm 13 tuổi, với người thầy đầu tiên là họa sĩ Diệp Minh Châu.
Từ 1963 đền 1970, ông theo học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam. Ngay sau khi tốt nghiệp, ông được bổ nhiệm là giảng viên hệ Trung cấp, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam từ 1971 đến 1972. Sau đó, cũng tại Trường Cao đằng Mỹ thuật Việt Nam ông theo học hệ Đại học từ 1972 đền 1976. Trong suốt quá trình học tập, Ca Lê Thắng được sự hướng dẫn của các họa sĩ Trần Huy Oánh, Trần Lưu Hậu và Giáng Hương,…
Cha của Ca Lê Thắng là Giám đốc Thư viện Khoa học xã hội (Hà Nội), nhờ vậy là từ đầu những năm 70, ông đã có dịp tiếp xúc với nhiều sách vở, tư liệu và thông tin từ nước ngoài cũng như từ miền Nam đưa ra. Dù học nghệ thuật dưới nền giáo dục Hiện thực Xã hội Chủ nghĩa, ông đã sớm tò mò và thử nghiệm với lập thể từ năm 1975, dần dần chuyển sang trừu tượng vào cuối thập niên 80.
Sau ngày thống nhất, Ca Lê Thắng trở lại miền Nam vào năm 1976 với vai trò giảng viên trường Đại học Mỹ thuật TP. HCM, đến năm 1988. Giai đoạn 1988 đến 2000 ông là Phó Tổng thư ký thường trực Hội Mỹ thuật TP.HCM. Kể từ khi tốt nghiệp, ông liên tục tham gia các triển lãm mỹ thuật nhiều quy mô ở trong nước.
Giai đoạn năng động nhất từ cuối những năm 80 đến 2000, ông tham gia nhiều triển lãm ở nước ngoài, trong đó có Fujita Venté Museum (Tokyo, Nhật Bản) và Metropolitan Museum of Manila (Manila, Philippines) và các triển lãm khác ở Thụy Sĩ, Hàn Quốc, Singapore,…
Cùng với Nhóm 10 Người (Nguyễn Trung, Đào Minh Tri, Ca Lê Thắng, Nguyễn Tấn Cương, Đỗ Hoàng Tường, Trần Văn Thảo, Hứa Thanh Bình, Nguyễn Trung Tín, Vũ Hà Nam, Nguyễn Thanh Bình), từ 1989-1995, ông đều đặn trưng bày tại chuỗi triển lãm nhóm Recent Works, góp phần khởi động lại phong trào vẽ trừu tượng trên cả nước. Bên cạnh đó, cùng với Nguyễn Trung, ông đồng sáng lập và vận hành Tạp Chí Mỹ Thuật TP. Hồ Chí Minh, một ấn bản quan trọng được phát hành từ năm 1991-1996.
Với những cống hiến quan trọng cho nghệ thuật Việt Nam, ông từng nhận nhiều tặng thưởng của Hội Mỹ thuật TP.HCM, Hội Mỹ thuật Việt Nam. Các tác phẩm của ông sớm được lưu giữ trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh và Bảo tàng Nghệ thuật Quang San.
Một số thông tin về triển lãm tranh Đồng Chìm Đáy Nước:
- Địa điểm: Wiking Salon, Toà nhà Centec (Tầng trệt) Số 72, Đường Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 6, Quận 3.
- Thời gian trưng bày: Từ 14.12.2024 – 19.01.2025.
- Giờ mở cửa: 09:00 – 18:00 (từ thứ Năm đến Chủ Nhật).
- Vào cửa miễn phí với lịch đặt hẹn trước.
Xem thêm những bài viết khác dưới đây:
- Triển lãm “Once Upon a Time in Indochine”: Sự tái hiện tỉ mỉ của Nam Kỳ Lục tỉnh xưa
- #LocalZine: Xin chào, tớ là Phở, Bánh mì và Bún bò Huế, chúng mình nói chuyện được không?
- “Mèo thông thái” Cheshire và 6 sự thật sâu sắc trong cuộc sống