#LocalZine là tập hợp những câu chuyện và trải nghiệm về đời sống, văn hóa Việt
Tò he cụ bán mấy đồng,
Con mua một chiếc cho chồng con chơi.
Chồng con đánh hỏng thì thôi.
Con mua chiếc khác con chơi một mình
CON GIỐNG BỘT – Hoài niệm ngày cũ
Trước đây, tò he không được gọi là tò he, mà tên là con giống bột. Con giống bột ngày xưa có 2 dòng. Một loại là con giống Ta có xuất xứ từ Đồng Xuân, Đồng Lạc.
Loại thứ hai là con giống Khách (hay còn gọi là con giống Phố Khách) du nhập từ Trung Quốc, thường có ở Mã Mây, Hàng Buồm – nơi sinh sống của người Hoa tại Hà Nội.
Hai loại con giống trên được nặn bằng bột hoành tinh trộn bột nếp, sau khi đã thành hình thì được phết thêm một lớp dầu quang bóng để bảo quản được lâu. Đến đầu những năm 90 thì con giống Phố Khách và Đồng Xuân đã gần như thất truyền, chỉ còn lại con giống Phú Xuyên.
Để làm tò he, người làng Xuân La phải chọn gạo khá kỹ. Nguyên liệu chính để làm tò he là bột gạo tẻ có trộn ít nếp, tỉ lệ 10 gạo : 1 nếp. Công đoạn quan trọng nhất là luộc bột để có độ dẻo phù hợp. Tiếp đó, người ta pha bột với đường rồi phơi khô, đồ chín thành bột nặn. Bột được nắm lại thành từng vắt và nhuộm màu. Bốn màu cơ bản của tò he là:
Màu vàng: làm từ hoa hòe hoặc củ nghệ;
Màu đỏ: làm từ quả gấc hoặc quả dành dành;
Màu đen: làm từ cây nhọ nồi hoặc tro rơm, rạ;
Màu xanh: làm từ lá chàm hoặc lá riềng
TÒ HE VIỆT– Tái hiện ký ức
Nghệ nhân Đặng Văn Hậu sinh ra tại làng nghề nặn con giống bột Xuân La (Phú Xuyên). Theo ông mình là nghệ nhân Đặng Văn Hạ đi nặn con giống từ năm 2001, đến nay đã gần 20 năm anh Hậu theo đuổi nghề này. Người làng Xuân La hầu như ai cũng biết nặn con giống, nhưng còn theo nghề thì rất ít người. Trong quá trình gìn giữ nghề truyền thống của cha ông, anh Hậu gặp không ít khó khăn.
Năm 2012, do cơ duyên mà anh Hậu có dịp gặp gỡ nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách – một người cũng luôn đau đáu trong lòng nỗi niềm “thấy thương trẻ con ngày nay không biết được nhiều cái hay, đẹp của nền văn hóa truyền thống Việt”.
Ngoài việc thực hiện những dự án phục dựng cùng nhà nghiên cứu Trịnh Bách, nghệ nhân Đặng Văn Hậu còn nặn và bán con giống bột tại các hội chợ, Trung tâm thương mại, biểu diễn và hướng dẫn nặn tại các trường học, sự kiện văn hóa. Vào cuối tuần, anh Hậu mở thêm lớp dạy nghề tại nhà. Bên cạnh đó anh còn phát triển Tò He Việt.
TÍCH TRUNG THU– Tò he hôm nay
Trong những câu chuyện dân gian về Trung thu, chúng ta đã “quen mặt” 3 nhân vật là chú Cuội, chị Hằng, và Thỏ Ngọc. Thế nhưng bạn có biết còn 3 nhân vật nữa là vợ chú Cuội, Thiềm Thừ, và Trâu?
Không muốn quá khứ bị quên lãng, dự án Tích Trung Thu đã ra đời. Dựa trên 6 tích Trung thu cổ được cô đọng trong 6 bài thơ của nhà nghiên cứu Trịnh Bách, với phong cách thiết kế hiện đại và phóng khoáng, họa sĩ minh họa Cẩm Anh (CamAnh Ng Illustration) đã cùng nghệ nhân Đặng Văn Hậu (Tò He Việt) nhào nặn nên 6 nhân vật đặc trưng cho mùa Trung thu: chị Hằng, chú Cuội, vợ chú Cuội, Thỏ Ngọc, Thiềm Thừ và Trâu.
Cẩm Anh – họa sĩ minh họa của dự án Tích Trung Thu
Để cho ra đời 6 nhân vật trong Tích Trung Thu, anh Hậu và Cẩm Anh còn nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ nhiệt tình của bạn bè cũng như các đối tác tham gia khác: chị Thuỷ – trợ lý của anh Hậu, cửa hàng thủ công Ra Riêng, các bạn ở KMM Film Studio, Nga và Xu – 2 bạn trợ lý dự án, Nghĩa – làm AR cho các nhân vật và Minh – viết nhạc.
KẾT
Tò he, hay con giống bột, là một nét văn hóa gắn liền với người dân Việt Nam đã từ rất lâu đời. Có giai đoạn, những con giống bột này tưởng chừng đã mãi mãi ở lại trong hoài niệm, vì không cạnh tranh nổi với những món đồ chơi hiện đại, cũng như không còn mấy ai giữ nghề nữa.
Sự trở lại của tò he trong những năm gần đây là một điều đáng mừng. Cùng với “màn comeback” ngoạn mục của mình, con giống bột đã thay đổi nhiều so với thời xưa. Con đường hồi sinh con giống bột hiện nay đã không còn là chặng đường riêng của những người như nhà nghiên cứu Trịnh Bách, như nghệ nhân Đặng Văn Hậu, mà đã có sự tham gia của các thế hệ trẻ Việt.
Cẩm Anh chia sẻ, “Mình hi vọng là các bạn trẻ, những người đang được tiếp xúc với các nền tảng công nghệ hiện đại, nơi mọi thứ đều rất nhanh và ấn tượng, sẽ không quên các giá trị truyền thống. Chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng thế mạnh của giới trẻ để kể lại câu chuyện văn hoá thú vị của chính mình, dưới một hình thức khác, để cho nó sống mãi.”