Trước 2002: “Em vào đời bằng đại lộ, còn anh vào đời bằng lối nhỏ”
Sự khai sinh trong âm thầm của rap Việt
Từ giữa thập niên 90s, lời rap tiếng Việt đã xuất hiện đâu đó qua những bài hát của bộ đôi Heart2Exist hoạt động tại hải ngoại. Với những đường flow tuy đơn giản, lời rap hiệu quả và chính xác trên nền beat, song các tác phẩm của Heart2Exist vẫn không đủ mạnh để tạo nên được một cú đột phá cho thể loại nhạc rap của Việt Nam. Một số bài nhạc nổi bật của bộ đôi này có thể kể đến như Who I Am/Toi La Ai, Take Me Back, Ti Teo, v.v.
Nghệ thuật rap của Việt Nam được cho là chính thức định hình với track Vietnamese Gang – Thai Viet G x Khanh Nhỏ vào năm 1997 tại Portland (Oregon) – trong đó, Thai rap tiếng Anh còn Khanh Nhỏ rap tiếng Việt. Đến năm 2005, Khanh Nhỏ đã mang Vietnamese Gang tham dự cuộc thi rapper trẻ thế giới và được đánh giá cao về flow và cả chất nhạc.
Viet Rapper (VR)
Sau Vietnamese Gang, Khanh Nhỏ vẫn tiếp tục sản xuất những bài rap khác – tiêu biểu nhất có thể kể đến track Tao Là. Những bài hát của rapper này thường thu hút sự chú ý của người Việt ở nước ngoài. Cộng đồng yêu rap cũng từ đó mà dần dần tụ họp lại dưới dạng forum mang tên Viet Rapper (VR). Một vài cái tên quen thuộc lúc bấy giờ có thể kể đến: Phong Lê, Xương Khùng, Mike, Zolek, Eddy Viet, VietDreamerZ… Tuy nhiên, phần lớn các thành viên này sống ở nước ngoài nên những bài rap khi đó thường có nội dung phản động, mâu thuẫn chính trị hoặc ca từ có chứa những ngôn ngữ thô tục. Đó chính là lý do ban đầu nhiều người Việt Nam có một cái nhìn rất tiêu cực về thể loại nhạc này.
2002 – 2003: “Nguyên team đi vào hết”
Da Rap Club (RC)
Trước 2002, rap hoàn toàn nằm ngoài biên giới Việt Nam. Cho đến khi Xlim – người đầu tiên mang nhạc rap vào Việt Nam, đã thành lập Da Rap Club Hanoi (thường gọi là Rap Club hay RC), là một cộng đồng trao đổi và chia sẻ của các bạn trẻ Việt đam mê rap. Diễn đàn RC cũng chính là là bước đệm khởi đầu cho nhiều rapper Việt tài năng sau này.
Sự ra đời của RC sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu không nói tới Viet Spiritz Band gồm 2 thành viên là Lil’ Knight (LK) và Fantasy XY (D Cash) – được xem những rapper tiên phong tại Việt Nam. Một trong những tác phẩm hot thời bấy giờ và cũng là ca khúc khẳng định phong cách rap của LK chính là track Chung Lối – LK Ft. Fantasy XY.
Chiến tranh VR vs. RC – Tranh giành ngôi vị đầu bảng của rap Việt
Mâu thuẫn đầu tiên của rap Việt cũng là trận chiến giữa VR và RC – được khơi mào từ những mâu thuẫn liên quan đến chính trị. Đa số rapper của VR đều là con cháu của những người Việt Nam di cư sang Hoa Kỳ. Còn các thành viên của RC chủ yếu lớn lên, học tập và trưởng thành tại Việt Nam. Do đó họ cương quyết không chấp nhận những lời hát xúc phạm đất mẹ, mang tính phản động. Những mâu thuẫn đó đã dẫn đến trận rap battle gay gắt trong cộng đồng bấy giờ.
Ban đầu, tuy VR nắm thế chủ động qua các track như Hà Nội Sao, Dizz RC, Don’t Hate Me,.. nhưng rồi lợi thế nhanh chóng thuộc về RC qua những track Da Story About HQT – LK, cùng một số bài feat. One Large và Young Uno; đỉnh điểm là bài Quỳ Xuống – Nam CT ft. LK & Young Uno. Tuy không có hồi kết thúc, những phần thắng dường như nghiêng về bên RC, còn VR thì rút lui trong yên lặng.
Sau trận chiến này những thành viên trụ cột của VR dần biến mất khiến cộng đồng này mất đi vị thế vốn có. Một số người hoạt động đơn lẻ hoặc tìm kiếm thành công ở các lĩnh vực khác. Phong Lê với 102 Production, vừa là một rapper mainstream trên sân khấu Hải Ngoại vừa tham gia sản xuất các video Hài Tục Tĩu. Còn về phần Khanh Nhỏ, tuy không còn xuất hiện trong cộng đồng nữa, nhưng chàng trai này vẫn được coi là tượng đài rap tại Việt Nam.
2004 – 2005: “Đâu có ai mà biết được, mấy thằng thích hát ca – lông bông từ ngày đó, đến bây giờ là rap star”
Sự hình thành Overground/Mainstream và Underground tại Việt Nam
Sự ra đời của VR và RC cũng đánh dấu nền móng cho giới Underground Việt. Nhạc của họ ban đầu tuy không được biểu diễn trên sân khấu đại chúng, nhưng sự phát triển của Internet đã đưa rap đến gần hơn với nhiều bạn trẻ Việt.
Năm 2004, tiếng tăm của RC bắt đầu lan tỏa, và sức ảnh hưởng không còn chỉ gói gọn ở Miền Bắc mà còn được rất nhiều người khắp cả nước biết đến, thậm chí còn lan rộng đến cả những khu vực nước ngoài.
Một cột mốc khác cũng góp phần không nhỏ đối với thành công của RC là khi ca sĩ Đăng Khôi – một ngôi sao V-Pop, đã mời rapper LK kết hợp trong một album của anh qua bài hát Chiếc Lá Tình Yêu Remix. Sự kết hợp này không chỉ đem lại thành công cho ca sĩ Đăng Khôi và rapper LK, mà còn đánh dấu một nấc thang quan trọng cho rap Việt, khi thể loại âm nhạc này đã bắt đầu vượt ra khỏi tầm của Underground và được các ca sĩ, nhạc sĩ, các nhà chuyên môn, phê bình, nhà sản xuất âm nhạc đại chúng trong nước để mắt đến.
Với sự ảnh hưởng của V-Pop, nhạc rap ngày càng được biết đến nhiều hơn và các rapper đã có nhiều “đất diễn” hơn trong thị trường âm nhạc Việt Nam. Nhiều người đã lên sân khấu trình diễn trước công chúng, xuất hiện trên truyền hình và các mặt báo. Nghệ sĩ được biết đến nhiều nhất lúc bấy giờ là rapper Đinh Tiến Đạt (Mr. Dee).
Tổ chức VietHipHop
Vào khoảng thời gian 2002 – 2004, văn hóa hiphop tại Sài Gòn bắt đầu đổ bộ. Nhiều bạn trẻ cũng đã biết đến và tìm hiểu hơn về những bộ môn như rap, breakdance, beatbox, graffiti, hay DJ. Cũng từ đó đã hình thành diễn đàn VietHipHop (VHH hay V2H) – forum dành cho các bạn trẻ Sài Thành đam mê hip hop và nhạc rap. Khác với RC là một producer và chủ yếu hoạt động Underground, thì V2H lại là một diễn đàn cộng đồng được tham gia bởi cả trăm nghìn thành viên. Trong đó có thể kể đến như nhóm Dunkare, Subby, nhóm graffiti G2 (có thành viên là rapper Wowy – lúc anh chưa chơi rap).
Ban đầu tổ chức này chỉ biết đến các rapper Mainstream chứ chưa thực sự biết đến Underground, cho đến khi họ tổ chức cuộc thi “Rapper, Where Are You?” vào tháng 7/2005 – một cuộc tranh tài giữa các rapper chưa nổi tiếng của Việt Nam, được đông đảo giới trẻ yêu rap và hiphop bình chọn. Người đoạt giải nhất trong cuộc thi đó không ai khác chính là LK và Young Uno với bài hit Cơn Mưa Qua, đã đem đến cho các bạn trẻ một cái nhìn hoàn toàn khác về thể loại âm nhạc này.
2006 – 2008: “Một mình trong đêm ngồi đếm sao trời và một nỗi nhớ về trong dĩ vãng”
Đại chiến giữa các tổ chức trong cộng đồng rap Việt
Trong năm 2006 và đầu năm 2007, hai từ rap và hip hop đã không còn xa lạ đối với các bạn trẻ Việt Nam nữa. Số lượng người Việt biết đến văn hóa hiphop cũng như nhạc rap ngày càng nhiều hơn. Với sức lan tỏa rất lớn, hầu như playlist của giới trẻ thời đó không chỉ có các bản nhạc pop thị trường mà những ca khúc nhạc rap như Tuyết Yêu Thương – Young Uno, Tiểu Thuyết Tình Yêu – Andree x Lee7 x It’s Lee…
Trên phương diện Overground, chất lượng nhạc cũng tăng lên đáng kể khi mà giới nghệ sĩ đã nhìn nhận một cách đúng đắn và rõ ràng hơn về nhạc rap. Các nhà sản xuất và công ty âm nhạc đại chúng bắt đầu hỗ trợ và đầu tư cho các rapper để họ phát hành nhạc qua CD cũng như nền tảng trực tuyến, được báo chí quảng bá rầm rộ, tham gia nhiều show diễn.
Trong Underground, những rapper tài năng xuất hiện ngày càng nhiều. Những tổ chức mới có uy tín như FHH, GVR hay SSR được thành lập.
- Fan Hip Hop (FHH): Năm 2006, những rapper từ Bắc chí Nam biết nhau qua diễn đàn VR và VHH – như Vietluvz (VTA, De’ Light, Xù Nhím); One Warning Team (tiền thân là Dunkare của VHH), nhóm VietGangz,.. đã thành lập Fan Hip Hop (FHH), với chủ trương không phân biệt vùng miền, đề cao phong cách old school, và đồng thời là sân chơi cho các rapper trẻ học tập.
- Genius Viet Rap (GVR): Cùng thời điểm với FHH, Genius Viet Rap (GVR) được thành lập bởi First Love (FL) và Phương CD – hai người Đức gốc Việt quen biết nhau qua forum RC, với mục đích ban đầu là tạo ra một sân chơi cho anh em gốc Việt sống ở Đức có thể giao lưu chơi rap cùng nhau. Có rất nhiều những thành viên bên RC và các rapper tài năng khác trong cộng đồng người Việt sống tại Đức và từ khắp nơi trên thế giới tham gia GVR. Những cái tên nổi bật như: Khánh HP (anh trai Phương CD), Lee7, DSK, Andree (sống tại Canada), Linh Lam, Lil’ Shady, Nah, Viet Dragon (VD), It’s Lee (singer chuyên hát R&B), Zolek (người cũ của VR),… Vào thời điểm này với tracks hit Tiểu Thuyết Tình Yêu – Andree x Lee7 x It’s Lee đã được đông đảo giới trẻ yêu hiphop biết đến.
- Southside Rappers (SSR): Nếu như GVR và FHH được thành lập bởi các rapper miền Bắc, thì ở phía Nam, năm 2008, nhóm trưởng Halen của One Warning đã quyết định hợp nhất One Warning (với lực lượng chính là phần lớn các rapper nòng cốt của Dunkare trước đây) và nhóm rap 313 band (được hình thành dưới sự giúp đỡ của GVR), tạo nên một sân chơi cho các rapper miền Nam. Các rapper nổi tiếng của SSR là: nhóm One Warning, nhóm 94 (Subby, Crisis), nhóm 313, Young H, Black Bi,..
Đại chiến FHH vs. GVR – Trận chiến lớn nhất trong giới rap Việt Underground
Có thể nói đây là trận chiến lớn nhất trong giới rap Việt Underground cho đến nay. Mâu thuẫn đã âm ỉ nhiều năm từ những ngày đầu thành lập bởi style rap cũng như lối sống khác nhau. Nếu FHH là tập hợp những rapper theo phong cách old school thì đối lập là GVR với phong cách hustler mới mẻ. Đến cuối năm 2006, cuộc chiến đã bắt đầu.
Khởi đầu là Lil Shady khi đó còn là một rookie, đã nghênh chiến bằng một track động chạm đến VTA, Xù Nhím, DeLight, Dunkare… Ngay lập tức những rapper đã dành rất nhiều track để đáp trả, đỉnh cao nhất là track của Dạy học trò – Xù Nhím. Lil Shady đã không có cơ hội đấu lại và im lặng, coi như là chấp nhận thua cuộc.
Cuộc chiến công khai tạm lắng, nhưng cả FHH và GVR đều ngấm ngầm đả kích nhau trong các track. Sang đến năm 2007, mâu thuẫn ngày càng trở lên gay gắt, và mở đầu cuộc chiến lần hai với track Dizz GVR – VGL – một artist mới được rapper VTA đào tạo. Đây có thể nói là những track dizz tốt nhất mà các rapper nữ có thể làm tại rap Việt thời gian đó.
FHH vs. GVR là một cuộc chiến vượt ra khỏi âm nhạc. GVR là nghi can số một trong những lần FHH bị hack sập web. FHH cũng bị coi là thủ phạm của hàng loạt vụ thanh toán bằng đao kiếm với các rapper của GVR ngoài xã hội. Cả hai bên đều bị thiệt hại nặng nề, diễn đàn của FHH không còn phát triển được, còn GVR thì hai năm liền không thể tổ chức một offline hay party công khai nào đáng kể.
Sau một thời gian đấu đá gây nhiều tổn thất cho cả hai bên, năm 2008, VTA (đại diện cho FHH), bộ ba Phương CD, DSK, và Andree (đại diện cho GVR), và Halen (đại diện cho SSR) đã đặt bút ký một hiệp ước hòa bình, tuyên bố chấm dứt chiến tranh.
2009 – 2010: “Có người đến, có người đi và có người ở lại, có lúc khôn và cũng có lần nhỡ dại.”
Sự tan rã của các tổ chức lớn
- Sự sụp đổ của RC
Sau một khoảng thời gian phát triển rực rỡ, đến năm 2007 thì RC đã có những manh nha của sự sụp đổ khi tập thể bắt đầu rệu rã. Sự xuất hiện của FHH và GVR cùng cuộc đại chiến giữa họ đã khẳng định được trình độ của hai tổ chức này, giúp cả hai bên thu hút được hàng loạt nhân tài đổ bộ. Điều này khiến cho vị trí của RC bị lung lay dữ dội. Dù đã có sự kiện hâm nóng trở lại bằng việc mở block party “Bốn Năm Sau Khi Rồng Thức Giấc,” nhưng đến năm 2008, diễn đàn của RC còn rất ít hoạt động, và tổ chức gần như đã hoàn toàn tan rã sau đó. - Sự tan rã của FHH
Trong năm 2008, tại FHH xảy ra một sự kiện buồn, đó là việc nữ rapper VGL qua đời do mắc bệnh hiểm nghèo. Điều này không chỉ khiến FHH mất đi một rapper tài năng mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới thủ lĩnh VTA, chồng của VGL. Biến cố đó đã khiến anh không còn nhiều tâm huyết cho rap cũng như FHH. FHH chính thức tan rã khi VTA tuyên bố giải nghệ không lâu sau đó. - Sự suy thoái của GVR
Vào năm 2008, cuộc thi “Đường Lên Đỉnh GVR” lần đầu tiên được lập ra để tìm ra lớp rapper kế cận. Có rất nhiều rapper khắp nơi tham gia như Yanbi, BigDaddy, Karik, Rhymastic (lúc ấy còn tên là Young Crizzal),… Quán quân giải lần đầu là Rhymastic và á quân Silver C được tuyển thẳng trở thành rapper độc quyền GVR. Binz đến từ tổ chức MSRNation cũng đã được Nah mời vào. GVR cũng tìm ra những rapper đầy triển vọng như Lynk Lee (sau này chuyển sang hát R&B) đầu quân vào.
Nhưng đến năm 2009 sự suy yếu của GVR bắt đầu. Hàng loạt trụ cột GVR lựa chọn rút khỏi cuộc chơi vì nhiều lí do khác nhau. Sự ra đi của các kì cựu đã làm suy yếu tổ chức, lứa kệ cận F2 GVR cũng không đủ sức gồng gánh nổi. Cuối 2009, GVR đã tan rã hẳn.
2011 – 2012: “2012 we back and let me talk to you”
Thế chân vạc Underground hình thành
Bước sang giai đoạn này, sự trở lại của GVR, và FSR thành lập (sau khi SSR đóng cửa), cùng với G-Fam (Acy cùng một số cộng sự của mình do có một số mâu thuẫn với VD quyết định tách khỏi GODZ và thành lập G – Family), đã tạo nên thế chân vạc của giới Underground và giữ vững cho tới nay. Rap Việt có một quãng thời gian tương đối hòa bình khi không có những trận chiến lớn dù đâu đó vẫn có những mâu thuẫn cá nhân.
- Tổ chức Free Spirit Rap (FSR) – Sự tan rã của SSR
Sau khi Halen thay đổi SSR theo ý kiến cá nhân và bị các artists trụ cột của SSR phản đối, họ đã tách ra và thành lập tổ chức mới mang tên Free Spirit Rap (FSR) vào năm 2012. Với các artists như Young H, 2P (Pjpo), Kiban, Black Bi, Zinnine, Spyder…
- GVR trở lại và lợi hại hơn xưa
Cũng trong năm 2012, với sự nỗ lực của ban quản trị forum và các rapper kì cựu, GVR chính thức tập hợp trở lại với sự quay về của nhiều artists thế hệ đầu như Lee7, Linh Lam, Lil’ Shady, It’s Lee,.. Họ cho ra một “big track” mang tên Genius Viet Rap 2012, với sự đóng góp của nhiều rapper tài năng.
- SpaceSpeakers
SpaceSpeakers được thành lập bởi DJ Touliver vào năm 2011, có mối liên hệ chặt chẽ với LadyKillah – thành lập vào năm 2010 bởi các thành viên cũ của RC là LK, JustaTee (tên cũ là JayTee, anh là một rapper chuyển sang hát R&B), và Mr. J (Jan Saker). SpaceSpeakers không chỉ hướng tới rap mà còn có cả dòng nhạc R&B, đẩy mạnh việc làm nhạc, beatmaker, hòa âm phối khí. Mục đích của họ là mang âm nhạc tới các bạn trẻ một cách rộng rãi chứ không chỉ bó hẹp người nghe trong Underground. Những nghệ sĩ nổi tiếng của SpaceSpeakers là: Touliver, Justa Tee, Rhymastic, Dương Đại Dương (3D), Kimmese, Soobin,…
Các rapper Việt có nhiều chỗ đứng trong giới Mainstream
Thời gian này cũng được đánh giá của cú lội ngược dòng của các nghệ sĩ Underground khi đạt được nhiều thành tụ trên thị trường âm nhạc Việt Nam. Mainstream phát triển tốt với chất lượng càng ngày càng được nâng cao, đồng thời xuất hiện những cái tên mới như Hoàng Rapper, Tronie (dancer của Freestyle Crew trước đó Karik từng hoạt động chung)..
Karik đã giành được giải thưởng video xuất sắc nhất trong lễ giao giải MTV Việt Nam bằng MV Xã Hội Rắc Rối. Tổ chức của LadyKillah cũng đẩy mạnh sản xuất âm nhạc khi hợp tác với các ca sĩ V-Pop. Rất nhiều bài hát hay được khán giả yêu mến như: Thu Cuối – Mr.T x Yanbi x Hằng Bingboong; Tau Thích Mi – Lil’ Pig; Nothing In Your Eyes – Mr.T x Yanbi; Ngọn Nến Trước Gió – LK x JustaTee x Andree Right Hand; Cơn Mưa Ngang Qua – M-TP..
Trong thời gian này, Suboi cũng đã tách khỏi công ty Music Faces và hoàn thành album Run của mình. Thai Viet G sau một thời gian vắng bóng đã trở lại và thành lập công ty 454 Life Entertainment tại San Jose, California.
2013 – 2014: “Nghe nói là rapper mất dần – nghe nói là rap việt mất chất?”
Căng thẳng hai miền Nam – Bắc Chiến tranh GFam, FSR – GVR
Việc các rapper ở hai miền có những mâu thuẫn trong cách làm nhạc và dizz nhau là đã có từ trước. Mọi chuyện bắt đầu căng thẳng từ khi Karik bắt đầu có sự trở mình bước ra Overground.
Kể từ đó, Karik bị nhiều rapper cũng như fan trong Underground (đặc biệt là ở Miền Nam) cho là mất chất và đã lên án dizz anh. Karik ra track Ức Chế để nói ra sự dồn nén trong mình. Track Ức Chế gây ra một cuộc tranh cãi ngắn trước khi các anh em của Karik là Binz (GVR), Rhymastic (SpaceSpeakers), và BigDaddy (LadyKillah) lên tiếng ủng hộ Karik bằng track GATO – Binz Ft. Rhymastic & Big Daddy.
Sau đó Acy vào cuộc và nổ ra trận chiến được cho là ngang tài ngang sức giữa Rhymastic với các track như Diss Acy 2 – Rhymastic hay Kim Chỉ Nam – Acy. Căng thẳng hai miền Nam-Bắc bùng nổ khi các rapper đồng hành cùng Acy ở GFam là Sol’ Bass và Worm JB ra track Xê Ra! động chạm đến Northside và lôi cả GVR vào. Dư âm của bài Xê Ra! cũng khiến các rapper GVR (Silver C, Kancc, LT) và miền Bắc (Zenky) vào cuộc. Trận chiến coi như kết thúc khi các bên đều rút lui.
Những trận chiến mang màu sắc cá nhân hơn
Sau khi MV DCME – Andree Right Hand x Rhymastic ra mắt. Mọi người lập tức tung hô Andree Right Hand với style rap mới lạ đề cập chủ đề sex. Ngay lập tức Tony TK đã cho ra track Pussy Rap khẳng định mình có thể làm tốt hơn Andree. Tuy nhên, trận chiến này nhanh chóng chìm vào quên lãng vì Andree không có phản ứng gì kháng lại.
Vào tháng 10/2014 giới Underground đã quyết định ngày 20/10 hằng năm là ngày “Ể” – ngày các rapper và fan rap tổ chức chụp hình bịt mặt với khăn turban với ý nghĩa Underground luôn khép kín nhưng vẫn phát triển mạnh mẽ. Phong trào đã được hưởng ứng nhiệt liệt khắp cả nước nhiều ngày sau đó.
Một trận chiến đã bắt đầu khi rapper Lil’ Shady đăng quan điểm của mình trên mạng nhằm đá xoáy phong trào này. Ngay sau đó, Sol’Bass, Datmaniac, 2K tung ra các track dizz nhắm vào Lil’ Shady: Ly Siêu Đầy, Ể Ể Ể, Thua Thì Nghỉ Rap… Phía Lil’ Shady sau đó cho ra track với nội dung chẳng liên quan đến việc đáp trả mà đề cập đến quá trình anh theo đuổi nhạc rap. Dần dà cuộc chiến cũng kết thúc trong im lặng.
2015 – 2016: “Sinh ra âm nhạc là để kết nối đâu phải để thù ghét lẫn nhau”
Mâu thuẫn giữa Mainstream và Underground bắt đầu hạ nhiệt
Sự kiện này phải nhắc đến Binz, khi anh tung ra hàng loạt track kết hợp cả Underground lẫn Mainsstream như Kissing On My Tatts – Andree Right Hand x Binz x Andiez; Phía Sau Em – Kay Trần x Binz; Sau Lưng Anh Sẽ Là – Binz x Only C.
Bên cạnh đó, một loạt rapper bắt đầu nổi lên như Khói với series Những Tháng Trong Năm được giới trẻ đón nhận rất tích cực. Đen với bản hit Đưa Nhau Đi Trốn cùng Linh Cáo rất nổi tiếng trong cộng đồng mạng và đã giải thưởng trong Lễ Trao Giải Zing Music Awards.
Một trong những cái tên trẻ hoạt động tích cực trong giai đoạn này là B Ray với Mixtape Ếch và Báo (EvB). Đồng thời anh cũng tham gia vào vài trận chiến cá nhân khác với những rapper nổi trội như Nah, DSK, Skyler, Rhymastic. Các trận chiến này không lớn nhưng nó khiến rap Việt trở nên sôi động hơn với nhiều track dizz xuất sắc mang tên: DS-Cay và Xử Bắn của Bray; Bố Mày Từ Thiện – Young H x B Ray; Ếch Báo Dissin – Rhymastic..
Sơn Tùng MTP với làn sóng tẩy chay từ giới rapper.
Vào đêm chung kết The Voice, một đoạn rap của Sơn Tùng MTP được cho là giống về flow và lyrics với track Đây Là Việt Nam – Binz x Rhymastic x 3D. Lập tức, chàng ca sĩ trẻ đã nhận phải khá nhiều gạch đá từ chính các đàn anh và dư luận.
Ngay sau đó 1 loạt track dizz vào Sơn Tùng MTP và Sky xuất hiện như Break The Sky – Young H x B Ray; Bọn Tao – Gizmo x Tricky x Jr; Sau Tùng Là Bầu Trời Hồng – S-Fury; DM Sơn Tùng – Bueno,… Dù Sơn Tùng không giữ im lặng nhưng quản lý riêng của anh tại WePro lại vô cùng bất bình và dành rất nhiều chỉ trích cho cộng đồng Underground. Không để yên, LadyKillah Entertainment với đứng đầu là LK và Mr.J cũng đã có những động thái đáp trả gay gắt.
Một thời gian sau đó LK quyết định giảng hòa với Sơn Tùng M-TP khi tham dự show của ca sĩ này và phát ngôn “Hòa Bình Không Có Thật Nhưng Tình Yêu Là Mãi Mãi.” Làn sóng phản đối, cho rằng LK đã lật lọng ngập tràn trên Facebook của cộng đồng Underground cùng hashtag #LK0BD. Điều này khiến cho dư âm của cuộc chiến kéo dài hơn cần thiết.
2017 – 2018: “Ai nói ta dại khờ, ta cứ đi cùng nhau”
Giai đoạn phát triển của rap Việt
Đây được xem là giai đoạn cực thịnh của giới Underground với sự xuất hiện liên tục của các bản hit được phát ở khắp mọi nơi. Trong đó có thể kể đến các track như Quăng Tao Cái Boong của Huỳnh James và Pjnboys; Con Tim Tao Đau Quá Man – Sol x Yuno x Kaka$hi; Buồn của anh – Đạt G, Masew và K-ICM. Những tác phẩm này trở thành những bài nhạc giữ vị trí top đầu lượt nghe trên Zing suốt một thời gian dài. Nhưng nổi bật nhất, không ai có thể bỏ qua Đen Vâu. Anh trở thành một hiện tượng bùng nổ trong giới âm nhạc bấy giờ khi liên tục đưa ra các sản phẩm âm nhạc chất lượng, gần gũi với người nghe như Đi Theo Bóng Mặt Trời (ft. Giang Nguyễn) và Ta Cứ Đi Cùng Nhau (ft. Linh Cáo).
Sau khi kết thúc dự án EvB, Young H và B Ray cho ra kênh Youtube mới là EvB Records. Có khá nhiều track được yêu thích như: Vầng Thái Dương, No More Words, Way Back Home.. Đặc biệt track B.S.N.L đã gây rất nhiều sự chú ý và sau bài này lượng fan của bộ đôi tăng đáng kể. Sau một thời gian, họ đã tuyên bố “chia tay” để mỗi người tập trung hơn vào các dự định cá nhân.
Dư âm từ những cuộc chiến trước
Vẫn là những khác biệt về quan điểm trong âm nhạc, chính trị, sự phân biệt Bắc-Nam. Những trận chiến âm nhạc này chủ yếu đến từ những cái tên còn khá trẻ. Việc thể hiện quan điểm bằng vừa là cách họ thể hiện khả năng vừa củng cố “fame” cho mình.
Đầu tiên phải kể đến trận chiến giữa Bray và Richchoi. Bắt đầu bằng việc Richchoi dizz BRay qua track Babe Get My Gun và sau đó được Bray đáp trả bằng Little Homie. Hàng loạt các track được hai bên tung ra như: 3 điều Đức dạy bảo – Richchoi, Thất Đức – Bray, Đạo đức – Richchoi… căng thẳng leo thang khi tên bố mẹ của Richchoi bị Bray đưa vào bài. Cả hai sau đó gặp trực tiếp nhau để nói chuyện và giảng hoà.
2019 – 2020: “Anh nghe người ta nói anh đã vào Showbiz – VTV3 nói gì anh còn chưa biết”
Ranh giới gần hơn giữa Mainstream và Underground
Giai đoạn này đánh dấu những bước chuyển giao tích cực của rap Việt khi các rapper Mainstream và Underground đều tiếp tục gặt hái nhiều thành công trong âm nhạc. Một loạt các rapper từ giới underground tạo bức phá và có sức ảnh hưởng lớn đến cộng đồng không khác gì các ca sĩ mainstream nổi tiếng là Binz, Đen, Đạt G, Masew, K-ICM, Big Daddy, Da Lab. Các ca khúc liên tục đứng đầu và phủ sóng trên các nền tảng trực tuyến. Rap trở thành thể loại âm nhạc được mọi người ưa chuộng: Ex’s hate me – B Ray, Masew và AMEE; Mượn Rượu Tỏ Tình – Emily và Big Daddy; Thôi Anh Không Chơi – Binz; Bài Này Chill Phết – Đen..
Sự kết hợp giữa các rapper Underground với các nghệ sĩ Mainstream cũng là một nét đặc biệt, tạo nên sự mới lạ và hiện đại hơn cho các ca khúc. Nổi bật phải kể đến Da LAB với Nước Mắt Em Lau Bằng Tình Yêu Mới (ft. Tóc Tiên), Gác Lại u Lo (ft. Miu Lê)… Bích Phương với Tuổi Gì Mà Chẳng Thích Lì Xì (ft. Bình Gold), từ chối nhẹ nhàng thôi (ft. Phúc Du)… tạo ra các ca khúc pha trộn sự mềm mại, quyến rũ cùng chất rap mạnh mẽ, nhiều tự sự.
Dù thế nào thì các trận chiến vẫn là đặc sản riêng của rap
Cuộc chiến rap Nam – Bắc 2020 tiếp tục với sự khơi mào với đại diện là rapper miền Bắc là ICD cùng track Back 8: Kamikaze. Sau đó rapper B2C đại diện cho GFam nói riêng và rap miền Nam nói chung tung track The Chosen On nhằm đáp trả lại ICD. Trận chiến này không gây quá nhiều ồn ào nhưng thông qua đó kỹ năng về lyrics của ICD đã bộc lộ và được đánh giá khá cao
Ngoài ra trước khi tham gia chương trình King Of Rap, ICD cũng gây ra một số ồn ào khi liên tục có những track dizz nhắm đến các rapper tiền bối như Suboi, Datmaniac… Tuy nhiên khi bị cư dân mạng ném đá thì cá tính ngông của anh vẫn không thay đổi. Anh chàng không hối hận về những gì đã làm và thậm chí còn đáp trả lại bằng một bài dizz trên nền nhạc ca khúc Thật Bất Ngờ – Trúc Nhân ngay tại cuộc thi.
Hai cuộc thi lớn Rap Việt và King Of Rap
Chưa bao giờ rap lại phủ sóng và lan truyền mạnh mẽ đến vậy. Không hẹn mà gặp cả hai chương trình âm nhạc về rap cùng lên sóng vào một thời điểm, đều được đầu tư và quảng bá lớn. Hàng loạt các rapper kỳ cựu trở thành những cố vấn tài năng cho hai chương trình. Rap Việt lựa chọn Wowy, Karik, Binz, Suboi làm HLV cùng hai BGK là JustaTee, Rhymastic. Sự tương tác giữa những cá tính âm nhạc này tạo sức hút lớn cho người xem. Ở King Of Rap là sự xuất hiện của các rapper tên tuổi như Lil’Shady, LK, BigDaddy, và Datmaniac.
Cả hai chương trình nhanh chóng chiếm sóng mạng xã hội và luôn giữ lượng người xem khổng lồ. Từ hai cuộc thi, một loạt các rapper trẻ từ cả nước thể hiện tài năng và dấu ấn riêng của mình như: Hiếu Thứ Hai, Color, Pháo, Chị Cả, Rica, ICD, Ricky Star, Lăng LD, Dế Choắt, Hành Or… Hiện hai cuộc thi vẫn chưa bước vào giai đoạn cuối, không biết cái tên nào sẽ giành chiến thắng nhưng thông qua hai cuộc thi này, rap Việt đã thể hiện được sức mạnh của mình cho dòng nhạc vốn có nhiều định kiến.
Thảo luận về bài viết