“Kafkaesque” là cảm giác tuyệt vọng, suy sụp được gây ra bởi những thế lực không thể nắm bắt khiến chúng ta lạc lối, bế tắc.
Hãy tưởng tượng một ngày nào đó bỗng có một thế lực kỳ lạ, không logic, không có cách nào giải thích xuất hiện. Nó khiến cho tất cả nhận thức, mọi kế hoạch cuộc đời, toàn bộ cách mà chúng ta định hình hành vi, cuộc sống của mình đều bị bẻ vụn thành từng mảnh. Tuy nhiên bạn không bỏ cuộc. Bạn không nằm đó chờ chết. Chúng ta dùng tất cả những gì còn sót lại để tìm cách chống lại nó. Đáng buồn là sau tất cả, bạn vẫn là người thua cuộc. Vậy mà ngay cả khi ý chí đã bị đánh bại, trò chơi vẫn không kết thúc. Chúng ta không tìm được câu trả lời, không biết nguyên do tại sao những bất hạnh kia lại ập đến với mình, càng không hiểu được sức mạnh vô hình kia là cái gì?
Đó chính là Kafkaesque.
I. Sự ra đời của Kafkaesque
Để có thể hiểu rõ được Kafkaesque là gì, có lẽ ta phải bắt đầu tìm hiểu về cuộc đời của nhà văn Franz Kafka.
Kafka sinh ra tại Prague, Séc vào năm 1883. Herman – cha của ông là một nhà thương nhân thành đạt. Bằng sự hung hãn và quyết tâm của mình, Herman đã từ một người lao động chân tay vươn lên để xây dựng những mô hình kinh doanh tiềm năng. Ông kết hôn với một người phụ nữ có học thức và trở thành thành viên nhóm đầu của giai cấp trung lưu. Như tất cả những vị phụ huynh khác, Herman mong rằng con trai mình cũng có thể thừa kế các đức tính của ông: Mạnh mẽ, hiếu chiến, đầy năng lượng… Nhưng đáng tiếc Franz Kafka không phải một đứa trẻ như vậy.
Franz khi nhỏ là một cậu nhóc gày còm, yếu ớt và nhút nhát. Những tính cách này được giữ lại ngay cả khi cậu đã trưởng thành. Như một lẽ tự nhiên, cậu trở thành nỗi thất vọng lớn nhất của Herman. Ông biến Franz thành một cái bao cát “trút giận” tinh thần, cố mọi cách mài giũa cậu thành người đàn ông mà mình mong muốn. Tuy nhiên, điều đó không bao giờ trở thành sự thật.
Nguồn ảnh: Weandthecolor Nguồn ảnh: Line.17qq
Lớn lên, bất chấp sự phản đối gay gắt của người bố luôn cho rằng viết lách chỉ trò tiêu khiển của những gã đàn ông ướt át và yếu đuối, Kafka vẫn xem văn học là một chiếc hòm vô tận để cất giấu cảm giác lo lắng, tội lỗi và sự ghét bỏ bản thân. Sau đó Kafka đi theo những áp lực vô hình từ bố mình để học luật và trở thành một nhân viên bảo hiểm cho đến hết đời. Đó cũng chính là nơi mà ông phải chịu đựng một cuộc sống lạc lối như vòng tròn mê cung bất tận. Tháng ngày trôi qua, Kafka bị vây kín trong các bức tường không lối thoát, được xây từ những giờ làm việc dài đằng đẵng, những ngày tăng ca không được trả lương, số lượng giấy tờ không giới hạn và sự bế tắc lặp đi lặp lại. Ông hiểu rằng cảm giác bất hạnh của mình sẽ không bao giờ kết thúc. Ông chết ở tuổi 41 mà không có thành công hay bất kì sự sự chú ý nào từ công chúng. Kafka chỉ xuất bản duy nhất 3 tác phẩm bị người đọc lướt qua trên các các tạp chí văn học. Suốt cả cuộc đời, ông bị ám ảnh bởi những câu hỏi bỏ ngỏ về việc mình là ai? tại sao mình phải phục tùng một sức mạnh vô hình nào đó?
Trước khi từ giã cuộc sống, ông đã yêu cầu bạn thân của mình là Max Brod hãy đốt hết những bản thảo vì nghĩ rằng nó vô giá trị. Thật may là Brod đã không làm thế. Vậy nên giờ chúng ta ở đây, hơn 100 năm sau, nói về Kafkaesque.
Có thể thấy trong suốt cuộc sống của mình, Kafka dường như đã bị thao túng trong một bàn tay vô hình – thứ mà ông không thể lý giải được. Cha của Kafka vốn là một người đàn ông trung lưu điển hình ở Châu Âu, hoàn toàn không có gì bất thường khi mong rằng con trai mình thể trở thành một cá thể thành công và mạnh mẽ. Những công việc bàn giấy mà Kafka đảm đương cũng là thứ mà toàn nhân loại đang trải nghiệm hằng ngày cho đến tận bây giờ. Cảm giác về một cuộc sống vô nghĩa, không thành tựu, không sự công nhận cũng là mẫu số chung của rất nhiều người trên thế giới. Đó hầu như đều là những thứ đương nhiên, diễn ra thường nhật trong cuộc sống mỗi người. Nhưng bằng cách nào đó, chúng ta vẫn cảm nhận được cơn ác mộng Kafkaesque đang diễn ra quanh mình.
Đơn giản là giống như nhà văn nổi tiếng này, chúng ta nhận ra ngoài bản thân, vẫn còn rất nhiều người tiếp tục bước đi trên trái đất trong khi cảm thấy hoàn toàn mất kết nối với những người xung quanh. Chúng ta sống mỗi ngày trong lo lắng, giữa những bức tường đầy ắp quy tắc. Chúng ta cất tiếng nói, thế nhưng âm thanh đó chỉ giống như một hòn đá rơi xuống đại dương… Và từ đó thuật ngữ Kafkaesque càng trở nên phổ biến.
II. Kafkaesque trong các tác phẩm văn học
Về cơ bản, thuật ngữ này dùng để chỉ sự vật lộn cực kì khó hiểu và đáng sợ với bộ máy quan liêu, cơ quan tư pháp loằng ngoằng không rõ ràng, hệ thống các luật lệ chằng chịt của cuộc sống và những quy trình phức tạp của đời người mà không một ai có thể thật sự hiểu rõ. Tuy nhiên, những ý nghĩa mà Kafkaesque ám chỉ không dừng ở đấy, nó không chỉ miêu tả sức mạnh của những thế lực vô hình mà còn khắc hoạ phản ứng của mỗi cá nhân trước cơn ác mộng này.
Trong tiểu thuyết vụ án – một tác phẩm nổi tiếng nhất của Kafka, nhân vật K bông nhiên bị bắt ngay tại nhà riêng mà không có bất cứ lý do nào cho sự giam giữ hay các cuộc tra tấn trong ngục. K bỗng nhiên bị tước quyền được sống. Anh trải qua phần đời còn lại trong sự hoang mang, sợ hãi và sau đó đi đến tận cùng tuyệt vọng mà không có một lý do hay tội danh cụ thể nào. Trong suốt quá trình tra tấn tâm lý và thể xác đấy, câu hỏi đau đáu nhất của nhân vật là tại sao mình lại bị bắt giữ? Thế nhưng đến cả khi bị xử tử, K cũng không tìm được cho mình bất cứ lời giải nào.
Hay như trong một phẩm khác tên là “Hoá Thân”, nhân vật chính Gregor Samsa cũng bị biến thành một con bọ mà không rõ nguyên nhân tại sao. Tuy nhiên trước tình huống trớ trêu như vậy, phản ứng đầu tiên của anh ta – thứ mà làm nên ý nghĩa của Kafkaesque chính là nỗi lo bản thân sẽ muộn làm, phải làm sao để đối diện với cơn thịnh nộ của sếp? Phải làm sao để không bị đuổi việc và duy trì việc nuôi sống gia đình?
Trong cả hai tác phẩm, nhân vật chính đều gặp phải những tình huống bất ngờ, không có lời giải thích, không có bất kỳ khả năng nào để thay đổi tình hình và rồi cứ mắc kẹt và chết đi trong vòng tròn bế tắc đấy.
III. Kafkaesque trong đời sống.
Ở thời đại của dữ liệu và mạng internet, con người không có bất cứ nguồn thông tin đáng tin cậy nào. Họ bị dày vò bởi sự mơ hồ vì những gì đang diễn ra.
Việc không thể hiểu rõ hoàn cảnh sống cũng khiến người ta không thể đưa ra những quyết định sáng suốt, khiến ta cảm thấy thế giới dường như đang bị bao quanh bởi những lời nói dối, sự che đậy và những tiêu chuẩn không rõ ràng. Có thể một ngày nào đó, khi thức dậy, chúng ta không bị bắt giữ vô cớ, không bị hoá thành một con nhộng nhưng lại trở thành một trò đàm tếu trên mạng bởi Fakenew hoặc công nghệ Deepfake. Khi đó, trên các nền tảng xã hội có thể xuất hiện một clip khoả thân, một tấm ảnh nóng có khuôn mặt mình mà đến chính chúng ta cũng không hiểu vì sao nó lại tồn tại, vì sao chúng lại lưu truyền khi không hề có thật, tại sao dư luận lại nhắm vào mình để miệt thị, chế giễu dù rõ ràng ta không làm gì?
Cuộc sống của chúng ta xoay quanh việc xử lý các vấn đề, và trong đấy có những vấn đề dường như không thể khắc phục được. Đó có thể là: sinh ra trong một điều kiện khó khăn, kém thông minh hoặc gặp những hạn chế về mặt thể chất, sống một cuộc đời không có thành tựu to lớn dù đã rất cố gắng, bị mắc kẹt trong bộ máy chính trị hoặc tổ chức quan liêu, cảm thấy hoang mang và tội lỗi vì sự tồn tại không rõ ràng của mình… Tất cả chúng ta đều từng trải qua cơn ác mộng Kafkaesque.
Đối nghĩa với Kafkaesque chính là sự rõ ràng và sự tự chủ. Cách tốt nhất để giảm bớt những áp lực vô hình đang đè lên nhân loại chính là sự minh bạch, đồng thời tạo ra một hệ sinh thái thông tin cho tất cả những người cần nó. Chúng ta cần phải hạn chế tối đa những lời nói dối, sự tầm phào, thiên vị, những bí mật chính trị và các quy tắc ép buộc một con người phải sống theo lề lối và khuôn mẫu đã được định sẵn.
Tương tự như thế, sự tự chủ trong cuộc sống cũng giúp người ta có thể tự mình đưa ra các quyết định, được kiểm soát suy nghĩ, kế hoạch và tự định hướng cuộc đời của mỗi người. Ví dụ tiêu biểu nhất là trong công việc, chúng ta được tự đưa ra ý kiến và làm theo suy nghĩ của mình mà không bị chi phối bởi bộ máy quan liêu hay cái nhíu mày đầy định kiến của người quản lý. Mỗi nhân viên được tin tưởng để đầu tư thời gian và sức lực vào những điều có lợi nhất cho công việc mà biết rằng mình sẽ không chịu bất cứ sự thẩm vấn, đổ lỗi nào chỉ vì những quan điểm khác với cả bộ máy.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
#Nghĩ: Hãy tập làm bạn với cơn giận
#Nghĩ: White Knight Syndrome – Khi “hiệp sĩ trắng” bước ra từ văn thơ lại không như bạn nghĩ
#Nghĩ: Vì sao chúng ta trì hoãn và né tránh những việc nên làm?
#Nghĩ: Quá khứ vốn sẵn hồng hay là mình tự vẽ?
Thảo luận về bài viết