Một nhà hiền triết bước vào quầy bar. Tên bợm nhậu hỏi ông rằng: “Ý nghĩa của cuộc sống là gì?”
Đó là câu hỏi mà Frank Martela đã nhận được rất nhiều lần với tư cách là một triết gia và một nhà nghiên cứu tâm lý học chuyên nghiên cứu về ý nghĩa cuộc sống. Martela cho biết, điều quan trọng không phải là tìm hiểu ý nghĩa của cuộc sống, mà là ý nghĩa trong cuộc sống.
Để tìm được ý nghĩa trong cuộc sống, chúng ta cần làm cho bản thân có ý nghĩa với người khác
Photo: markmak
Cuộc sống của bạn chỉ có ý nghĩa khi chính bạn trở nên “thế nào đó” với người khác.
Khi nào mới là “thế nào”? Khi ta giúp đỡ một người, khi ta sẻ chia những khoảnh khắc đặc biệt với người ta yêu quý, khi ta kết nối với mọi người một cách không vụ lợi. Nếu sự tồn tại của bạn có ý nghĩa đối với người khác, thì chính bạn sẽ dần tự cảm nhận được giá trị của việc sống trên đời.
Đừng phí công hỏi vũ trụ, vì vũ trụ không có câu trả lời cho bạn đâu. Chính bạn bè, gia đình, đồng nghiệp, và cộng đồng mới là những người lấp đầy cuộc sống của bạn bằng tiếng cười, hạnh phúc, và năng lượng của họ.
Những người quan tâm đến ta nhất cũng chính là những người mà đối với họ, ta có ý nghĩa nhất.
Triết gia Antti Kauppinen đã từng lập luận rằng chúng ta có giá trị không thể thay thế trong mắt những người yêu thương mình: “Ai cũng có thể tặng quà cho một đứa trẻ, nhưng không món quà nào có thể so sánh được với thứ do chính cha mẹ làm cho.” Đối với những mối quan hệ thân thiết, chỉ sự hiện diện của ta thôi là đã đủ để đối phương nhìn nhận ta trong một vị thế đặc biệt và không ai có thể thay thế.
Con người là loài có tập tính xã hội.
Đó là bản chất của chúng ta. “Nhu cầu thuộc về (the need to belong) là một động lực cơ bản của con người.” (Roy Baumeister và Mark Leary, The Need to Belong, 1995). Xu hướng tiến hóa của loài người là sinh sống theo nhóm và chăm sóc lẫn nhau. Bản năng xây dựng các mối quan hệ xã hội bền chặt là một phần của nhân tính.
Tuy nhiên, thiên hướng xã hội của loài người phức tạp hơn thế nhiều. Không dừng lại ở việc quan tâm chăm sóc, loài người có nhu cầu tìm kiếm “chúng tôi” chứ không chỉ là “tôi”. Việc hình thành những mối quan hệ thân thiết với người khác đã được các nhà tâm lý học mô tả là biểu hiện của hành vi “đưa một cá thể khác vào cái tôi cá nhân”.
Các nghiên cứu về thần kinh đã chỉ ra rằng hành động nghĩ về bản thân và về những người mình yêu thương sẽ kích hoạt một số khu vực trong não. Điều này không xảy ra nếu ta nghĩ về một người xa lạ. Bộ não được “thiết kế” cho việc giao tế xã hội. Con người được tạo tác để chung sống với những người khác.
Chúng ta quan tâm đến hạnh phúc của những người thân yêu cũng nhiều như chúng ta quan tâm đến hạnh phúc của bản thân.
Với các bậc phụ huynh, đôi khi sự quan tâm chăm sóc họ dành cho con cái còn nhiều hơn là dành cho chính mình. Các nghiên cứu khoa học trong rất nhiều lĩnh vực như sinh học, thần kinh, tiến hóa, tâm lý xã hội, kinh tế học hành vi, thậm chí những nghiên cứu về linh trưởng học cũng cho thấy bằng chứng về việc con người có nhu cầu hình thành những mối quan hệ gần gũi thân thiết với người khác; đồng thời cho thấy ranh giới giữa “tôi” và “người khác” bắt đầu nới lỏng.
Nathaniel Lambert (Đại học Bang Florida) đã hỏi một nhóm sinh viên Đại học rằng “Đâu là điều khiến cuộc sống này có ý nghĩa nhất với bạn?”. Có ⅔ người được hỏi đưa ra câu trả lời là “gia đình”, hoặc tên của một thành viên cụ thể. “Bạn bè” là câu trả lời phổ biến thứ hai.
Một nghiên cứu khác do Pew Research Center thực hiện cũng cho ra kết quả tương tự: trong số 4.000 người thì có 69% trả lời “gia đình” và 19% trả lời “bạn bè” khi được hỏi về điều mang lại cho họ cảm giác cuộc sống có ý nghĩa.
Đối với nhiều người, gia đình, bạn bè và các mối quan hệ thân thiết khác là những nguồn ý nghĩa quan trọng trong cuộc sống của họ.
Ngược lại, khi một người bị xã hội loại trừ, họ sẽ mất cảm giác “có ý nghĩa”. Nhà nghiên cứu Tyler Stillman và các đồng nghiệp đã thực hiện một nghiên cứu với 108 sinh viên. Họ được yêu cầu quay một đoạn video ngắn tự giới thiệu bản thân. Những video này sau đó được chiếu cho một nhóm khác xem. Khi được hỏi rằng liệu họ có muốn gặp những người trong video hay không thì nhóm sinh viên này đã từ chối. Kết quả, khi được biết không ai muốn gặp mình, những sinh viên quay video đã đánh giá rằng cuộc sống của họ không mang nhiều ý nghĩa.
Trên thực tế, những đoạn video trên không được đưa cho ai xem cả. Nhóm sinh viên ban đầu cũng không bị xã hội chê bỏ, đó chỉ là những gì họ nghe được từ những người thực hiện thí nghiệm.
Thế nhưng, ta không cần đến những nghiên cứu khoa học để biết được rằng việc gặp gỡ và kết nối với người khác thật sự mang lại ý nghĩa.
So với tổ tiên tiền sử, chúng ta may mắn hơn khi có thể tự do lựa chọn người để tạo lập và duy trì những kết nối bền chặt. Nói cách khác, ta có thể lựa chọn “nguồn hạnh phúc” nào ta cảm thấy có ý nghĩa nhất với cuộc đời mình. Đó không nhất thiết phải là gia đình mà có thể là bạn bè, những người cùng chí hướng, cùng phong cách sống, những người mà với họ, ta thật sự cảm nhận được kết nối.
Có thể những khoảnh khắc bạn dành ra cho bạn bè, gia đình và những người thân thương không thật sự đủ nhiều như mong đợi của bạn, nhưng từng giây từng phút đó là mỗi giây mỗi phút đong đầy sự thân mật, lòng quan tâm, ấm áp. Chỉ bấy nhiêu đó đã đủ tạo nên ý nghĩa.
Cách tốt nhất và dễ nhất để cải thiện cảm giác hạnh phúc của bản thân chính là tập trung ít hơn vào mình và nhiều hơn vào việc kết nối với người khác.
Photo: Harvard Graduate School of Education
Ai sẽ ở cạnh bạn trên đảo hoang?
Trước khi Sebastian Vettel trở thành nhà vô địch Công thức 1 (Formula 1) trẻ tuổi nhất thế giới, Aki Hintsa – bác sĩ, huấn luyện viên của Vettel – đã yêu cầu anh hãy viết ra tên của những người quan trọng nhất trong đời cũng như lý do vì sao họ lại quan trọng đối với Vettel. “Khi con thành công, sẽ có nhiều người muốn can dự và trở thành một phần trong cuộc đời con. Đến lúc đó, hãy nhìn lại mảnh giấy này để biết ai mới là bạn bè thật sự của con, và nhớ là phải giữ liên lạc với họ.”
Với những khách hàng khác, Hintsa cũng áp dụng những “bài tập” tương tự. Ông yêu cầu họ viết ra tên của những người họ chọn sẽ cùng mình thực hiện chuyến hải trình hằng tháng trời, hoặc những người sẽ bên cạnh khi họ lạc đến đảo hoang.
Hãy tự mình làm bài tập này xem. Bạn sẽ chọn ai? Bạn có biết được đâu là những người thực sự quan trọng với mình, những người mà chỉ cần sự hiện diện của họ thôi cũng đủ để đem lại nguồn sống và ý nghĩa?
Một khi đã viết ra những cái tên này, tiếp đó, hãy tự hỏi rằng hiện tại, bạn dành ra bao nhiêu thời gian và năng lượng cho họ. Bạn có chân thật với họ và với chính mình không?
Cho dù là cùng nhau chen chúc trên một con tàu lênh đênh giữa biển hay phải vật lộn để sinh tồn tại một hoang đảo xa xôi, những cái tên chúng ta viết ra đều là những người ta muốn được ở bên cạnh trong bất cứ hoàn cảnh nào. Họ làm cuộc sống của chúng ta tốt đẹp hơn, có ý nghĩa hơn. Và đối với họ, ta cũng quý giá như thế.
Theo bài viết và video của Frank Martela – Tác giả A Wonderful Life: Insights on Finding a Meaningful Existence)
Xem thêm:
#Nghĩ: Đường cong Kübler-Ross: Đọc vị nội tâm khi đương đầu với những biến chuyển trong cuộc sống
Millennials và ám ảnh về “khởi đầu mới”
Millennials liệu có phải là “Thế hệ lo âu”?
Thảo luận về bài viết