Có rất nhiều thứ mặc dù đã được bác bỏ bởi khoa học từ lâu – ví dụ như ‘niềm tin’ rằng những người sáng tạo tốt thì có bán cầu não phải hoạt động mạnh hơn – thế nhưng vẫn còn rất nhiều người nhìn nhận chúng như một sự thật. Đàn ông alpha là một trong những niềm tin sai lệch như thế.
‘Đàn ông alpha’ là ai?
Dưới hình dung xã hội, thì đàn ông alpha là những người xứng đáng đứng đầu hệ thống phân cấp địa vị xã hội. Anh ta là người nhận lấy trách nhiệm, là người đề ra đường hướng theo ý mình để người khác thực hiện, không phải ngược lại. Anh ta có ‘hào quang’ áp đảo, luôn là người lãnh đạo trong bất kỳ tình huống nào.
Anh ta ‘ăn to nói lớn’, hùng hổ, không cần quan tâm người khác nghĩ gì. Anh ta nói những gì mình muốn, mặc lên người những gì mình thích (miễn là nó đủ thoải mái để không cản trở đống hóc-môn-nam-tính đang ồng ộc tuôn ra từ 5 triệu lỗ chân lông trên người).
Tóm lại, đàn ông alpha là hình mẫu mà bất kỳ người đàn ông nào cũng muốn trở thành và tất cả phụ nữ đều muốn được ở cạnh. Dù cho ở nền văn hóa nào và vào thời điểm nào, thì đặc điểm chung – cũng là đặc điểm nổi trội nhất của đàn ông alpha – là tính cách thống trị (dominance).
Thử google từ khóa “đàn ông alpha”, chúng ta sẽ tìm thấy hàng trăm, hàng nghìn bài viết cung cấp định nghĩa, lợi ích, cũng như cách để các chàng trai biến bản thân thành một con đực đầu đàn. Và, để làm bật lên phẩm chất cũng như lý do vì sao đàn ông alpha xứng đáng trở thành hình tượng lý tưởng của mọi giới tính, văn hóa đại chúng sản sinh một hình mẫu ở cực bên kia – đàn ông beta.
Đây là những anh chàng yếu đuối, phục tùng, không có khí chất, không có cái uy quyền của người lãnh đạo, có địa vị xã hội thấp hơn hẳn alpha. Do đó, họ không có được những đặc quyền của alpha, lựa chọn bạn tình / bạn đời của họ cũng hạn chế hơn so với alpha. “Trai tốt thì về chót.” – hoặc có về được đến đích đã là may mắn.
Nguồn gốc của ‘con đực đầu đàn’ trong xã hội loài người
Trước những năm 1960s, alpha male vốn là thuật ngữ của ngành sinh học, cụ thể hơn là linh trưởng học (primatology). Thông qua các quan sát và nghiên cứu về những loài động vật có tổ chức xã hội như sói và tinh tinh, khái niệm alpha male ra đời.
Trong quyển The Wolf: Ecology and Behavior of an Endangered Species (1970), nhà sinh vật học chuyên nghiên cứu về sói David Mech đã viết, “Những con alpha giành quyền cai trị đàn bằng giao tranh bạo lực với những cá thể đực khác.” (Alphas win control of their packs in violent fights with other males).
Tương tự, quyển Chimpanzee Politics: Power and Sex Among Apes (1982) của tác giả Frans de Waal – nhà linh trưởng học người Hà Lan – cũng cho biết, một số loài linh trưởng như tinh tinh (chimpanzees), tinh tinh lùn (bonobos) và khỉ đột (gorillas) có cấu trúc xã hội theo kiểu cấp bậc với con đực đầu đàn là những cá thể có sức mạnh thể chất và dùng bạo lực để thống trị bầy đàn.
Cũng từ quyển sách này mà thuật ngữ alpha male bắt đầu được áp dụng cho con người, dựa vào cách tác giả so sánh hành vi của người và tinh tinh.
Hình tượng đàn ông alpha càng trở nên phổ biến với đại chúng sau sự thành công của The Game: Penetrating the Secret Society of Pickup Artists – quyển sách của phóng viên điều tra Neil Grass về cộng đồng pick up artist (gọi nôm na là ‘nghệ sĩ gạ xoạc’).
Khái niệm alpha male trong xã hội loài người – mặc dù đã thoát ly thế giới động vật – vẫn được định nghĩa tương tự: những con đực đầu đàn có sức ảnh hưởng lớn, mang tính cách thống trị, đe dọa, chi phối, thuộc top đầu xã hội, được phụ nữ thèm muốn và khiến những gã beta vừa run sợ vừa ganh ghét.
Con đực đầu đàn liệu có nhất thiết là con đực bạo lực?
Nghiên cứu về sói
Cách định nghĩa về alpha male trong thế giới loài vật đã bị chính những người tạo ra nó bác bỏ. Những thông tin về sói alpha trong The Wolf: Ecology and Behavior of an Endangered Species xuất bản năm 1970 là kết quả của việc quan sát sói nuôi nhốt.
Đến 1986, tác giả David Mech có điều kiện để nghiên cứu sói trong tự nhiên (đảo Ellesmere, Canada). Trong bài viết công bố năm 1999, Alpha status, dominance, and division of labor in wolf packs, Mech cho thấy những kết quả từ lần quan sát này khác hẳn với những gì đã xuất bản năm 1970.
Khác biệt rõ ràng nhất đó là không hề có sự thống trị trong đàn sói. Sói là loài đơn phối (monogamy), cấu trúc đàn sói trong tự nhiên giống như một gia đình nhỏ gồm cha mẹ và con cái. Cặp sói đầu đàn là cha mẹ, các sói cấp thấp hơn đều là con của cặp cha mẹ này. Khi sói con lớn, chúng sẽ tự tách đàn để tìm bạn tình ở đàn khác, trở thành một cặp cha mẹ mới.
Sói cha mẹ có trách nhiệm kiếm thức ăn. Cá thể yếu ớt hơn sẽ được ưu tiên cho ăn hơn. Không có sự cạnh tranh trong đàn. Trường hợp đàn kết nạp thành viên mới và sói cha / mẹ chết, thì con sói lạ sẽ cạnh tranh để thay ngôi đầu đàn. Tuy nhiên trường hợp này cũng hiếm khi xảy ra trong thời gian quan sát kéo dài 13 mùa hè của David Mech.
Sau khi công bố nghiên cứu mới, David Mech đã cố gắng đính chính những sai lầm của mình về con alpha trong đàn. Ông nhiều lần gửi thư yêu cầu đình bản quyển sách năm 1970, tuy nhiên đến nay nó vẫn còn được lưu hành.
Nghiên cứu về tinh tinh
Bên cạnh đó, tác giả Frans de Waal cũng đã chứng minh rằng không phải bất cứ con tinh tinh đầu đàn nào cũng giành vị trí đó nhờ ưu thế thể chất và bạo lực. Trong một bài phát biểu tại TEDTalks, ông đã nêu ra các điểm quan trọng sau:
Không phải con to nhất và khỏe nhất sẽ trở thành đầu đàn, và con đầu đàn đôi khi không phải là con có sức ảnh hưởng nhất. Xã hội tinh tinh thực chất phức tạp hơn nhiều. Trong một quan sát, ông đã chỉ ra đôi khi chính những con tinh tinh ‘thoái vị’ hoặc những con tinh tinh già – người trao quyền cho con đầu đàn – mới là con có sức ảnh hưởng nhất trong bầy.
Thế nên, những tinh tinh nhỏ bé và không có nhiều ưu thế thể chất vẫn có thể thành đầu đàn, chỉ cần nó biết chọn cho mình đúng ‘bạn’. Ngược lại, nó cần phải làm mọi cách để giữ vững đối tác này bên cạnh, kể cả việc chia sẻ đặc quyền giao phối với con cái (females).
Có nhiều cách để một con đực trở thành đầu đàn. Bên cạnh việc thể hiện sức mạnh, nó cũng cần chiếm cảm tình của đàn bằng cách thể hiện sự rộng rãi của mình qua việc chia sẻ thức ăn, và tỏ ra dịu dàng với những tinh tinh con.
Thống trị bằng bạo lực không phải là cách những con tinh tinh đầu đàn hay áp dụng. Nhiệm vụ của một người dẫn đầu là hòa giải và xoa dịu. Con tinh tinh đầu đàn sẽ trở thành ‘người đứng giữa’ trong các cuộc tranh chấp, đồng thời cần biết bày tỏ thấu cảm của nó với những cá thể khác trong đàn.
Một người lãnh đạo biết cách áp dụng những ‘kỹ năng’ này thì sẽ càng được đàn yêu mến. Vị thế alpha của nó nhờ vậy được củng cố hơn. Trong trường hợp xảy ra tranh chấp, nếu bị soán ngôi, nó vẫn được đàn yêu thương và tôn trọng. Ngược lại, những con đực đầu đàn theo phong cách bắt nạt, đòi hỏi sự phục tùng và hiếm khi thân thiện hay hỗ trợ đàn thì kết quả sẽ khá… tệ, một khi nó không còn tại vị.
Cuối cùng, là vai trò của con cái. Trong đàn tinh tinh, cùng với con đực đầu đàn còn có con cái đầu đàn (alpha females). Con cái này vẫn nhận được sự tôn trọng của đàn mặc dù nó không có ưu thế thể chất hơn những cá thể đực khác. Còn đối với loài tinh tinh lùn (bonobos), thì con đầu đàn thông thường sẽ là một con cái.
Thế nào là một người đàn ông ‘đàn ông’?
Như vậy, các nghiên cứu trên loài vật đã chỉ ra rằng, con alpha không nhất thiết gắn liền với bạo lực và thống trị (và trong một số trường hợp, không phải con đực). Thế còn loài người?
Về mặt thể chất
Khi nói đến đàn ông alpha, chúng ta thường liên tưởng đến hình mẫu đàn ông với những đặc điểm thống trị về mặt xã hội. Các nghiên cứu khoa học cho thấy những người đàn ông này thường thu hút phụ nữ hơn và khiến những người nam khác cảm thấy tự ti. Đặc điểm vật lý của họ bao gồm:
Chiều cao – So với những người thấp bé, thì đàn ông cao ráo…
– ít bị ảnh hưởng bởi dấu hiệu thống trị ở những người đàn ông khác
– ít thể hiện sự ghen tị với các đối thủ vượt trội họ về mặt xã hội và thể chất
– ước tính có lợi thế hơn về các chức vụ trong công việc, mức lương khởi điểm, và tổng thu nhập
Giọng nói – Giọng nói của một người đàn ông nói lên nhiều điều hơn hẳn những lời họ thật sự thốt ra. Giọng trầm cũng là một tín hiệu về kích thước. Những người giọng trầm chiếm ưu thế hơn trong những cuộc so găng 1-1. Ngoài ra, họ cũng được hình dung lớn tuổi hơn, cao hơn, nặng hơn, và chiếm nhiều ưu thế hơn những người nam giọng thánh thót.
Khuôn mặt – Đẹp trai cũng là một dấu hiệu của tính cách thống trị. Những đường nét nam tính cho thấy lượng testosterone dồi dào, và là một lời hứa hẹn về nguồn gene tốt mà phụ nữ tìm kiếm để truyền lại cho con cái của mình.
Các nhà khoa học thậm chí đã tính toán được ‘công thức’ cho một khuôn mặt có ưu thế về di truyền: fWHR – tỉ lệ giữa chiều rộng và chiều cao khuôn mặt. fWHR càng lớn – một khuôn mặt càng tròn và rộng – thì lượng testosterone càng cao. Những người đàn ông này có xu hướng mạnh mẽ / mạnh bạo hơn, chiếm ưu thế hơn, và giàu có hơn.
Về mặt tính cách
Xét về tính cách, thì những người theo tư tưởng ‘con đực đầu đàn’ cho rằng thống trị là tính cách thu hút phụ nữ nhất. Điều này cũng đã được chứng minh là không chính xác qua các nghiên cứu khoa học.
Năm 1987, một nhóm 3 nhà nghiên cứu tiến hành thí nghiệm để trả lời câu hỏi liệu mẫu nam giới thống trị hay phục tùng sẽ có sức hút tình dục với phụ nữ hơn.
Hình mẫu thống trị:
John cao 1m78, 75 kg. Anh chơi tennis được một năm và hiện đang học một lớp tennis trung cấp. Dù luyện tập không nhiều nhưng anh chơi khá giỏi, thường chiến thắng trong 60% các trận đấu. Anh ấy giao bóng rất có lực và trả bóng vô cùng mạnh mẽ. Ngoài khả năng thể chất, anh ấy còn có sức mạnh tinh thần để có thể thành công trong tennis. Anh ấy rất thích cạnh tranh, không chịu khuất phục trước bất kỳ đối thủ chơi tennis lâu năm nào. Tất cả các bước di chuyển của anh đều toát ra sự thống trị và uy lực. Anh ấy thường chi phối tâm lý đối phương, buộc họ phải chơi dưới sức và mắc lỗi.
Hình mẫu phục tùng:
John cao 1m78, 75 kg. Anh chơi tennis được một năm và hiện đang học một lớp tennis trung cấp. Dù luyện tập không nhiều nhưng anh chơi khá giỏi, thường chiến thắng trong 60% các trận đấu. Những cú giao bóng và trả bóng của anh ấy kiên định và đúng chỗ. Dù chơi rất tốt, nhưng anh ấy lại thích chơi cho vui hơn là để thắng. Anh ấy không thích tranh đua và thường để thua những đối thủ dày dặn kinh nghiệm chơi tennis. Anh ấy dễ dàng bỏ cuộc trước những đối thủ chơi bóng với đầy uy lực. Những đối thủ mạnh có thể chi phối tâm lý anh, đôi lúc khiến anh phải bỏ cuộc. Anh ấy rất thích tennis nhưng luôn tránh những tình huống mang tính cạnh tranh cao.
Kết quả cho thấy, trường hợp của John-thống-trị được cho là có sức hút với phái nữ hơn, mặc dù bản thân anh ta lại ít được yêu thích và không phải là một bạn đời lý tưởng. Nhìn chung, nghiên cứu này có vẻ ủng hộ ý kiến đàn ông alpha thì thu hút phụ nữ hơn là hình mẫu beta – đàn ông nhu nhược.
Nhưng mọi chuyện không dừng lại tại đó. Trong một nghiên cứu tiếp theo, các nhà nghiên cứu cho tách riêng một vài đặc điểm để xác định miêu tả nào thực sự lôi cuốn phái nữ hơn. Họ nhận thấy rằng “thống trị” (dominance) được người khác giới xem là cuốn hút, nhưng “hung hăng” (aggressive) và “độc đoán” (domineering) lại không làm tăng sức hút, dù là nam hay nữ.
Năm 1999, Jerry Burger và Mica Cosby – một nhóm nghiên cứu khác – tiến hành nghiên cứu với cùng đoạn miêu tả John bên trên. Tuy nhiên, họ thêm vào hình mẫu thứ 3: John không thống trị cũng không phục tùng, mà chỉ được mô tả bởi 3 dòng ngắn gọn đầu tiên (được in đậm). Kết quả, John-thống-trị vẫn được yêu thích hơn John-phục-tùng, nhưng được yêu thích nhất lại là hình mẫu ‘con lai’.
Tiếp theo, các nhà nghiên cứu thay đổi mô tả của John đi một chút. Cụ thể, John-thống-trị sở hữu các đặc điểm “hung hăng, quyết đoán, tự tin, khắt khe, và thống trị” (aggressive, assertive, confident, demanding, and dominant) – 5 tính cách hay đi cùng với hình mẫu thống trị.
John-phục-tùng thì “dễ tính, trầm lặng, nhạy cảm, nhút nhát và phục tùng” (easygoing, quiet, sensitive, shy, and submissive) – 5 tính cách hay đi cùng hình mẫu phục tùng. Mô tả về John-con-lai được giữ nguyên. Người tham gia được yêu cầu chọn ra tính cách mà họ thích ở từng hình mẫu.
Với hình mẫu thống trị, kết quả cho thấy chỉ có 2% phụ nữ trong khảo sát lựa chọn tính cách thống trị cho buổi hẹn hò và cho tính cách đối tác. Bốn tính cách còn lại được lựa chọn theo thứ tự ưu tiên như sau: tự tin (72% chọn cho buổi hẹn hò, 74% cho đối tác), quyết đoán (48% cho buổi hẹn, 36% cho đối tác), hung hăng (12% cho buổi hẹn và đối tác), khắt khe (không phụ nữ nào chọn).
Với hình mẫu phục tùng, hai tính cách được chọn nhiều áp đảo là nhạy cảm (76% chọn cho buổi hẹn hò và đối tác), dễ tính (68% cho buổi hẹn, 64% cho đối tác), trầm lặng (4% cho buổi hẹn, 2% cho đối tác), nhút nhát (2% cho buổi hẹn, 0% cho đối tác), phục tùng (không phụ nữ nào chọn).
Chúng ta thấy gì từ kết quả này?
Thứ nhất, tính cách thống trị chỉ đứng thứ 4 trên 5 tính cách trong hình mẫu thống trị, nó (tính cách thống trị, với 2% phụ nữ lựa chọn) chỉ cao hơn tính cách khắt khe (không phụ nữ nào chọn). Điều này có nghĩa rằng mang tính cách thống trị sẽ gây bất lợi cho đàn ông trong việc thu hút phụ nữ, vì có quá ít phụ nữ (2%) thấy hấp dẫn với tính cách này.
Thứ hai, phụ nữ nhìn nhận hình mẫu đối tác lý tưởng của họ không qua con mắt nhị nguyên thống trị-phục tùng, bởi kết quả nghiên cứu cho thấy trong cả 2 hình mẫu đều có 2 tính cách được chọn nhiều áp đảo. Theo đó, 4 tính cách được phụ nữ ưa chuộng nhất là (xếp theo mức độ ưu tiên): nhạy cảm (76%), tự tin (72%), dễ tính (68%), cương quyết (48%).
Thứ ba, nhạy cảm và quyết đoán không phải là hai khái niệm đối lập. Trên thực tế, các thực nghiệm sâu hơn đã chỉ ra rằng sự kết hợp giữa tử tế và quyết đoán là cặp đôi quyến rũ nhất. Các nhà nghiên cứu nhận thấy sự dung hòa giữa khả năng thống trị và những hành vi vị tha mới là điều phái đẹp cho là quyến rũ thật sự. Nói cách khác, sự thống trị chỉ tăng sức hấp dẫn khi chủ thể là một người vốn đã hòa nhã và có lòng vị tha.
‘Con đực đầu đàn’ không tồn tại trong xã hội loài người
Theo sinh học, beta male không phải con yếu nhất đàn. Ngược lại, về thứ bậc, nó chỉ đứng sau mỗi alpha, là ‘người kế vị’ khi alpha mất ngôi. Việc văn hoá đại chúng coi beta là đối lập với alpha dường như xuất phát từ hiểu sai thuật ngữ gốc và thiếu vắng thuật ngữ đúng để gọi tên.
Hình mẫu alpha male không tồn tại trong xã hội loài người vì nhiều lý do. Một trong số đó là xã hội loài người có sự chuyên biệt hóa cao. Trong một đàn sói hay tinh tinh, con đực đầu đàn chỉ cần thông thạo và chứng minh được rằng mình là cá thể nổi trội nhất trong một số lượng nhất định những kỹ năng.
Tuy nhiên, một con người không thể xuất sắc trong mọi lĩnh vực. Chúng ta cũng có cho mình nhiều vòng tròn xã hội – nhiều ‘bầy đàn’ – khác nhau. Do đó, mỗi người chúng ta đều là alpha / không alpha trong những lĩnh vực khác nhau. Bạn có thể không phải người giỏi Toán nhất lớp, nhưng một học sinh giỏi Toán nhất trường chưa chắc đã vẽ đẹp hoặc hát hay như bạn.
Trai hư thì tốt, trai tốt thì chán?
Dù các thực nghiệm cho thấy đa số phụ nữ thích có mối quan hệ (cả ngắn hạn và dài hạn) với những người đàn ông tốt tính, thế nhưng bên cạnh đó, vẫn có một số phụ nữ có xu hướng lựa chọn anh chàng thống trị xấu tính thay vì anh chàng tử tế tốt bụng.
Các cô gái có “cuộc sống nhanh” – lớn lên trong môi trường kém an toàn và ổn định, không có sự bảo hộ của gia đình, ít gắn bó, và có thù địch, phân biệt giới tính với những người phụ nữ khác thường lựa chọn mối quan hệ ngắn hạn và quan hệ tình dục không tình yêu (Olderbak & Figueredo, 2010; Bohner et al, 2010; Kirkpatrick & Davis 1994). Những cô gái kiểu này thường nhắm đến những chàng trai “alpha” thống trị và hung hãn điển hình thay vì các chàng trai hòa đồng, tử tế (Hall & Canterberry, 2011).
Dù bạn có thể mê hoặc được một vài cô gái bằng cách tỏ ra “alpha”, dựa trên kiểu phụ nữ chịu tác động của cách thức quyến rũ này, kết quả mà bạn đạt có khi còn tệ hơn bạn tưởng tượng.
Cũng vì lý do này mà các chàng trai theo chủ nghĩa alpha thường là nạn nhân cho chính thiên hướng lựa chọn đối tượng dựa trên nhận thức của họ về phụ nữ: vì những người phụ nữ bị quyến rũ bởi cách thức alpha ấy thiếu ổn định và khá xuề xòa, các chàng trai sẽ có suy nghĩ rằng tất cả phụ nữ đều “rẻ tiền” và “điên rồ” như vậy.
Mặt khác, khi những người đàn ông này dùng các thủ thuật tán tỉnh ‘alpha’ lên các cô gái ổn định hơn, thái độ thù địch và ái kỷ của họ sẽ là một điểm trừ lớn, khiến cho các cô gái từ chối họ.
Sự từ chối này chỉ khiến các ‘nghệ sĩ gạ xoạc’ nửa mùa này càng có thành kiến với phái nữ, và cho rằng vấn đề nằm ở việc họ vẫn còn tỏ ra là một chàng trai tốt. Từ đó họ sẽ tăng tính alpha của mình lên hơn nữa, điều này càng khiến các cô gái tránh xa. Và vòng lặp cứ thế tiếp tục.
Kết
Nhìn chung, nghiên cứu cho thấy hình mẫu người đàn ông lý tưởng (để hẹn hò và chung sống) là một người quyết đoán, tự tin, hòa đồng, và nhạy cảm, mà không hung hăng, khắt khe, thống trị, trầm tính, nhút nhát hay lệ thuộc. Nói cách khác, là một người đàn ông có thanh thế prestige), chứ không phải là một kẻ thống trị.
Trên thực tế, một người đàn ông thanh thế có tính quyết đoán lẫn tử tế được coi là quyến rũ nhất trong mắt phái đẹp, dù là để hẹn hò hay là tiến xa hơn. Nghiên cứu này có thể đảm bảo một điều: một đứa bé tốt tính, nhiệt tình được bồi dưỡng những kỹ năng văn hóa có giá trị vẫn có thể trở nên hết sức quyến rũ. Ngoài ra, nó còn có thể dẫn đường đến những thành tựu khác trong cuộc sống.
Những ngộ nhận về alpha-beta male đóng khuôn chúng ta và mối quan hệ vào tư duy nhị nguyên (hoặc là cái này, hoặc là cái kia trong số 2 lựa chọn). Việc khoác lên mình tấm áo ‘alpha’ khi chưa hiểu rõ bản chất chỉ nhằm mù quáng theo đuổi những đặc quyền mà nó mang lại cũng giống như việc xây nhà cao mà không đào móng.
Đã đến lúc chúng ta tô điểm lên bức tranh trắng-đen của alpha-beta, đồng thời quan tâm đến những quan niệm đa chiều về sự nam tính. Người đàn ông quyến rũ nhất thật ra là một người dung hòa được nhiều tố chất, trong số đó bao gồm quyết đoán, tốt bụng, có học thức, và thấu hiểu các giá trị trong cuộc sống.
Hoặc đơn giản hơn, chỉ cần là một người tử tế, theo chuẩn mực đánh giá thế nào là tử tế của con người.
Tham khảo:
The Myth of the Alpha Male | Greater Good (berkeley.edu)
Frans de Waal: The surprising science of alpha males | TED Talk
Why The Alpha Theory Needs To Go — Roman’s Holistic Dog Training
Are Alpha Males a Myth or a Reality? | Psychology Today
Do alpha males even exist? | Donald Trump | The Guardian
There’s No Such Thing As an Alpha Male (businessinsider.com)
Term ‘alpha male’ being used incorrectly, says expert who helped populate concept | The Independent | The Independent
Thảo luận về bài viết