Nếu là người mang vẻ mặt ‘trời sinh khó tính’, bạn sẽ biết nụ cười có tầm quan trọng như thế nào. Chỉ một cái cười nhẹ cũng đủ để tạo ra những khác biệt vô cùng to lớn trong các tình huống giao tiếp nói chung và giao tiếp ở môi trường chuyên nghiệp nói riêng. Nhưng không chỉ nụ cười mới có khả năng đó. Một loạt các nghiên cứu được công bố trên tờ Psychological Science đã chỉ ra rằng, chiều rộng khuôn mặt, độ nghiêng đầu, hay thậm chí là phần râu tóc trên mặt đều có thể được dùng để đánh giá hình ảnh chuyên nghiệp của một người.
Tỷ lệ khuôn mặt
Các nghiên cứu từng được thực hiện về tỷ lệ chiều rộng trên chiều cao khuôn mặt (fWHR – width-to-height ratio) cho ra những kết quả khá khác biệt: một số tìm thấy bằng chứng về mối liên hệ giữa độ rộng mặt với khuynh hướng chống đối xã hội (cả trên thực tế lẫn trong quan sát) ở nam giới, trong khi số khác lại không đưa ra được liên hệ nào đáng kể giữa chiều rộng khuôn mặt một người với các đặc điểm tính cách của họ.
Những mâu thuẫn này cho thấy, mặc dù fWHR có thể tác động đến những ấn tượng ban đầu của chúng ta với một đối tượng mình chưa biết rõ, nhưng ảnh hưởng của nó có thể bị suy giảm một khi chúng ta có cơ hội tiếp xúc gần hơn với người kia (ví dụ như cùng làm việc). Theo các nhà khoa học, sai lệch nhận thức này là kết quả của quá trình điều chỉnh dựa trên tiến hóa. Chúng ta đang sống trong một thế giới khác hẳn tổ tiên mình, do đó, các phán đoán xã hội dựa vào tỷ lệ chiều rộng trên chiều cao khuôn mặt đã trở nên không còn phù hợp nữa.
Để râu hay không để râu?
Mặc dù vậy, ‘các giá trị cổ xưa’ vẫn có thể được vận dụng theo những cách khác nhau, đặc biệt khi một người muốn gây tác động đến cơ hội thăng tiến cũng như tiềm năng lãnh đạo của họ trong môi trường chuyên nghiệp.
Belinda M. Craig – giáo sư trợ lý tại Đại học Curtin và Đại học New England – đã thực hiện một nghiên cứu nhằm chứng minh nhận định trên. Người tham gia được cho xem ảnh những người đàn ông có râu và không có râu, sau đó phân loại các biểu cảm trên khuôn mặt họ. Kết quả:
– Với những khuôn mặt có râu, biểu cảm giận dữ được nhận ra khá nhanh, trong khi biểu cảm vui vẻ hay buồn bã thì chậm hơn;
– Với những khuôn mặt biểu lộ sự giận dữ, người tham gia đánh giá những khuôn mặt có râu trông hung hãn hơn không có râu;
– Với những khuôn mặt biểu lộ niềm hạnh phúc, mặt có râu lại được xem là thân thiện và dễ giúp đỡ người khác hơn.
Như vậy, việc một ai đó để râu hoặc không có thể làm thay đổi cách người khác nhìn nhận những cảm xúc của họ. Bộ râu làm nổi bật đường nét và những góc cạnh của quai hàm, khiến một người có vẻ hung hăng hơn khi tức giận. Ngược lại, khi đang buồn, bộ râu lại giúp che bớt môi và cằm – 2 vị trí trên khuôn mặt báo hiệu nỗi buồn khá rõ – khiến một người trông như ‘đang không buồn lắm’.
Trong quá khứ, rậm râu là một trong những đặc điểm của ‘đàn ông đích thực’ – vẻ ngoài uy thế của những người đàn ông để râu có thể giúp họ tránh xung đột, tăng khả năng tiếp cận bạn tình, nâng cao địa vị xã hội. Tuy nhiên, thời nay, hình tượng này có thể đem lại lợi ích hay tác hại tùy thuộc vào lĩnh vực cụ thể đang xét tới – ví dụ, cử tri có xu hướng đánh giá những ứng cử viên có râu là người mang khuynh hướng bạo lực, tham nhũng, và kỳ thị phụ nữ.
Ăn quả nhớ kẻ… chân mày
Nghiên cứu của Tiến sĩ tâm lý học Jessica L. Tracy (Đại học British Columbia) và Zachary Witkower (nghiên cứu sinh, Đại học British Columbia) cho biết, lông mày cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến hình ảnh chuyên nghiệp của một người.
Nhóm tác giả tiến hành chuỗi 5 thí nghiệm với 1.517 người tham gia. Kết quả đánh giá hình ảnh cho thấy, những bức ảnh chụp người đang hướng đầu xuống (thay vì hướng thẳng phía trước) được cho rằng có nhiều khả năng là người đang nắm giữ vị trí lãnh đạo hơn, ‘vì những người này trông như thể sẵn sàng gây hấn hoặc đe dọa’. Tuy nhiên, đánh giá của người tham gia thay đổi khi nhóm nghiên cứu tiến hành loại bỏ phần lông mày trên những bức ảnh này.
Khi để đầu hướng xuống, hơi chếch về phía trước, lông mày của bạn sẽ tạo thành một hình chữ V – một trong những dấu hiệu gắn liền với địa vị và độ khỏe mạnh về thể chất. Ngoài ra, góc độ này cũng được nhận xét là mang tính đe dọa cao, ngay cả khi khuôn mặt đang thể hiện biểu cảm trung tính. Những chuyển động ở phần đầu sẽ tạo ra các ảo ảnh khác nhau về diện mạo của một người. Do đó, đừng quá ngạc nhiên khi cùng một khuôn mặt nhưng vào ảnh lại lúc hiền lúc… ác.
Qua những kết quả nghiên cứu trên, chúng ta có thể thấy rằng, dù muốn dù không thì ‘nhìn mặt nói chuyện’ vẫn xảy ra khá phổ biến trong cuộc sống. Không lên tiếng không có nghĩa là không giao tiếp, vì khuôn mặt đang ‘nói’ thay ta rồi.
Xem thêm:
Xử lý những tình huống lúng túng bất ngờ xảy đến
Chúng ta, những con người không muốn ràng buộc vào mối quan hệ cam kết
Khoa học lý giải tình yêu như thế nào?
Thảo luận về bài viết