(Nguồn: Personalities Change. Why Shouldn’t Career Expectations?)
‘Thanh xuân tươi đẹp’ chỉ tươi đẹp khi ta nhớ về những ngày tháng đó. Còn thực tế, chúng ta của tuổi thanh xuân là những con người còn thiếu sót rất nhiều về mọi mặt. Mọi thứ – từ thể chất đến tinh thần – đều đang trong quá trình phát triển và hoàn thiện. Chúng ta chưa biết mình là ai, chưa biết mình muốn là ai. Nhiều người cũng chưa biết mình thích cái gì hay mình giỏi việc gì. Thế nhưng, trong những năm tháng mông lung ấy, chúng ta lại phải đưa ra những lựa chọn về học vấn và sự nghiệp – những lựa chọn có khả năng định hình cả quãng đường đời còn lại.
Vậy, điều gì sẽ xảy đến khi một người ở độ tuổi 30 nhận ra rằng họ đã trở nên rất khác với chính mình hồi 16, 17? Liệu họ có muốn, và có dám, thay đổi sang những lựa chọn phù hợp hơn với bản thân ở thì hiện tại? Và ngược lại, một người ở lứa tuổi đôi mươi sẽ làm gì nếu họ biết được rằng mình rồi sẽ thay đổi rất nhiều, và quan trọng hơn, họ sẽ làm gì nếu biết rằng sự thay đổi đó có thể được định hình bởi chính bản thân trong suốt những năm tháng ‘tuổi trẻ bồng bột’ ấy?
Nghiên cứu công bố trên tờ Psychological Science cho biết, con đường sự nghiệp của một người không chịu nhiều ảnh hưởng từ các đặc điểm tính cách và năng lực cứng(*) (crystallized ability) ở độ tuổi thanh thiếu niên. Thay vào đó, nó bị tác động bởi các hình thức phát triển và hoàn thiện của nhân cách xảy ra từ độ tuổi thanh thiếu niên (adolescence) đến giai đoạn đầu trưởng thành (young adulthood).
(*)Năng lực cứng hay trí thông minh cứng là khả năng vận dụng kiến thức đã có để giải quyết vấn đề. Nó phụ thuộc vào quá trình rèn luyện và tích lũy kiến thức (trí nhớ dài hạn), có thể được đo lường bằng các bài kiểm tra kiến thức phổ quát. Ngược với nó là trí thông minh mềm, hay năng lực mềm (fluid ability), mô tả khả năng giải quyết vấn đề khi kinh nghiệm và kiến thức có sẵn không thể đem ra sử dụng. Nó đòi hỏi khả năng tư duy trừu tượng, suy nghĩ logic, năng lực lập luận và xử lý thông tin trong trí nhớ ngắn hạn để giải quyết vấn đề một cách sáng tạo.
Các chuyên gia đã thực hiện một nghiên cứu theo chiều dọc(*) với chủ thể là nhóm các thanh thiếu niên và người trẻ (young adults) ở Iceland. Kevin A. Hoff – giáo sư trợ lý ngành tâm lý học tại Đại học Houston – và đồng sự cho biết, nghiên cứu này nhằm ‘kiểm tra xem liệu những thay đổi tính cách trong dài hạn – ví dụ như khi một người trở nên tự chủ hơn trong thời kỳ đầu trưởng thành – có thể đưa ra những dự đoán về sự nghiệp tốt hơn những đặc điểm và năng lực cứng của giai đoạn thanh thiếu niên hay không’. Kết quả từ nghiên cứu giúp ‘nâng cao tầm quan trọng của quá trình phát triển tính cách qua các giai đoạn trẻ thơ, thanh thiếu niên, và đầu trưởng thành đối với việc thành công trong sự nghiệp’.
(*)Nghiên cứu theo chiều dọc / khảo sát dọc là nghiên cứu với các quan sát lặp đi lặp lại về các biến giống nhau (VD như con người) trong một quãng thời gian ngắn hoặc dài. Khác với nghiên cứu cắt ngang (các cá nhân khác nhau và có cùng đặc điểm được so sánh), nghiên cứu dọc tập trung quan sát những cá nhân giống nhau, cho ra kết quả từ việc quan sát các thay đổi chính xác hơn, được áp dụng trong nhiều lĩnh vực.
Đúc kết từ những nghiên cứu khác được công bố trong nhiều thập kỷ, nhóm tác giả của nghiên cứu Personality Changes Predict Early Career Outcomes: Discovery and Replication in 12-Year Longitudinal Studies đã chỉ ra tiềm năng của các chính sách công và những biện pháp can thiệp giáo dục trong việc giúp đỡ thanh thiếu niên phát triển bộ kỹ năng dựa trên tính cách, cùng với đó là giúp nhóm đối tượng này nhận thức tốt hơn về những gì mà đặc điểm tính cách có thể mang lại, cả trong học vấn lẫn sự nghiệp.
Quãng thời gian nền tảng
Theo nhóm tác giả nghiên cứu, các đặc điểm tính cách ‘phản ánh các mẫu hình suy nghĩ, cảm giác, và hành vi có tính chất dài hạn tương đối và có thể dự đoán được sự thành công trong những ngành nghề khác nhau’.
Các nghiên cứu trước đây về mối tương quan giữa tính cách với thành công sự nghiệp đều xem tính cách là ‘một biến số ổn định, không mang nhiều thay đổi đáng kể trong tuổi trưởng thành’. Tuy nhiên, nghiên cứu mới đã khẳng định rằng sự ổn định của tính cách không hoàn toàn loại trừ sự thay đổi, và rằng giai đoạn đầu trưởng thành là giai đoạn đặc trưng bởi những thay đổi mang tính nền tảng, gắn liền với quá trình phát triển để trưởng thành của một người.
Nhóm tác giả cho biết, ‘Nhìn chung, vào giai đoạn đầu trưởng thành, con người trở nên tự chủ hơn, hòa đồng hơn, và ổn định hơn về cảm xúc. Những thay đổi này có liên quan đến việc một người chuyển sang các công việc mang tính khuyến khích sự trưởng thành về mặt tính cách.’
Trong hai lần khảo sát, nhóm nghiên cứu đã tiến hành đánh giá các mẫu đại diện cho giới trẻ Iceland độ tuổi 17–29 trong quãng thời gian xấp xỉ 12 năm. Họ điều tra xem liệu các thay đổi về tính cách trong quãng thời gian đó có thể dự đoán được 5 tiêu chí thuộc về giai đoạn đầu của sự nghiệp hay không:
– Trình độ học vấn (degree attainment)
– Thu nhập (income)
– Uy tín nghề nghiệp (occupational prestige)
– Mức độ hài lòng với sự nghiệp (career satisfactiion)
– Mức độ hài lòng trong công việc (job satisfaction)
Khi phân tích những thay đổi ở mức độ trung bình về các đặc điểm tính cách, nhóm nghiên cứu tiến hành đo lường theo mô hình Năm yếu tố lớn của tính cách (Big Five), gồm các tiêu chí:
– Sẵn sàng trải nghiệm (openness)
– Tự chủ (conscientiousness)
– Hướng ngoại (extraversion)
– Hòa đồng (agreeableness)
– Bất ổn cảm xúc (neuroticism / emotional stability)
Ở cả hai nhóm mẫu, người tham gia có mức tăng trung bình lớn nhất ở hòa đồng, sẵn sàng trải nghiệm, và tự chủ. Độ bất ổn cảm xúc không đổi, nhưng độ hướng ngoại lại giảm.
Ảnh: Jenna Brillhart
Trong quá trình theo dõi mối tương quan giữa thay đổi tính cách và con đường sự nghiệp, nhóm nghiên cứu nhận thấy những thay đổi có sức ảnh hưởng lớn nhất là những thay đổi liên quan đến:
– Mức độ bất ổn cảm xúc: tác động đến thu nhập và độ hài lòng sự nghiệp;
– Mức độ tự chủ: tác động đến độ hài lòng sự nghiệp;
– Mức độ hướng ngoại: tác động đến độ hài lòng cả trong công việc và sự nghiệp
Ngược lại, các đặc điểm tính cách hình thành trong thời kỳ thanh thiếu niên lại có liên quan mạnh mẽ hơn đến trình độ học vấn và uy tín nghề nghiệp.
Những phát hiện từ nghiên cứu này giúp củng cố tiềm năng phát triển của các chính sách hướng đến việc giúp người trẻ phát triển các kỹ năng và nhóm kỹ năng dựa trên tính cách. Chúng có thể đem đến hiệu quả ở nhiều giai đoạn khác nhau trong suốt quãng thời gian phát triển nền tảng của con người – cả thời thơ ấu, độ tuổi thanh thiếu niên, và giai đoạn đầu trưởng thành.
Đối với người trẻ, việc biết rằng tính cách hiện tại của mình không cố định và có thể biến động theo thời gian cũng là một kiến thức hữu ích – họ sẽ có thêm nhiều góc nhìn mới mẻ và cởi mở hơn trong việc đưa ra các lựa chọn hoặc các quyết định thay đổi nghề nghiệp. Ngoài ra, biết được tầm quan trọng của sự phát triển tính cách và những tác động khả thi của nó lên con đường sự nghiệp sau này cũng giúp người trẻ lưu tâm hơn trong việc xây dựng kỹ năng hoặc thay đổi tính cách theo những chiều hướng mong muốn.
Xem thêm:
Người có trí thông minh cảm xúc cao vì sao lại được ưa thích?
Người thông minh có phải người thành công?
Tâm lý khan hiếm – Đặt bẫy là việc của người khác, mắc bẫy hay không là chuyện của mình
Vạn con đường đều dẫn đến thành Rome – Vạn phương pháp để giúp bạn phát triển bản thân
Thảo luận về bài viết