Có nhiều giải pháp để giải quyết những bế tắc công việc và định hướng nghề nghiệp, một giải pháp ‘thịnh hành’ trong thời gian gần đây Tuấn Anh thấy nhiều người lựa chọn đó là tìm đường đi học thạc sĩ hoặc tham gia một khoá tu 10 ngày.
Bản chất một chương trình thạc sĩ hay một khoá tu là tốt, tuy nhiên chọn làm những việc như một giải pháp chạy trốn khỏi vấn đề hiện tại thì không nên. Chúng ta cần quay lại bản chất của việc học cao học hay thực hành thiền để làm gì, đồng thời xem lại thực trạng hiện tại của bản thân đã có những gì chuẩn bị cho việc trên.
HỌC THẠC SĨ ĐỂ THOÁT KHỎI BẾ TẮC CÔNG VIỆC
Học thạc sĩ có thêm kiến thức, nhiều cơ hội việc làm hơn, thêm cơ hội thăng tiến, lương cao hơn – đây là một vài lý do cho việc học cao học. Điều này là đúng nếu bạn có định hướng khá rõ ràng về con đường phát triển của bản thân và học thạc sĩ là một bước cần có trong định hướng đó. Có 02 định hướng thường gặp trước khi quyết định học thạc sĩ đó là:
(1) Hướng học thuật, nghiên cứu. Dành cho một số lĩnh vực nhất định và dành cho những bạn thích đào sâu nghiên cứu vào một chủ đề nào đó. Đi theo hướng này sau khi học thạc sĩ bạn có thể sẽ cân nhắc học thêm lên tiến sĩ. Hướng này học xong có thể làm các công việc theo hướng nghiên cứu, giảng dạy tại các trường đại học hoặc tư vấn chuyên môn. Hướng này hợp với người thích học, thích đọc, tìm tòi, đi sâu vào bản chất vấn đề.
(2) Hướng quản lý, thực hành. Hướng này thường hợp với những bạn làm doanh nghiệp, mong muốn nâng cao chuyên môn trong công việc và nâng cao kĩ năng quản lý để thăng chức. Đi theo hướng này thường chọn học thạc sĩ quản trị, ví dụ như MBA là bằng thạc sĩ phổ biến.
Bạn cũng có thể học thạc sĩ về chuyên môn ví dụ như thạc sĩ Nhân sự, thạc sĩ Marketing – nhưng khi chọn môn học thì chọn theo hướng ‘practice’- thực tiễn nhiều hơn là ‘studies’ – nghiên cứu. Khi học theo hướng này thường tập trung nhiều vào phân tích các ‘case studies’ thay vì đào sâu vào lý thuyết như hướng trên.
Vậy trước khi quyết định học thạc sĩ, bạn cần cân nhắc xem mình dự định đi theo lộ trình nào ở trên. Tuấn Anh đã nhắc tới một lần trong bài viết về lý thuyết hướng nghiệp cây nghề nghiệp, đừng đưa ra lựa chọn vì kết quả mong đợi. Học thạc sĩ xong có cơ hội lương cao hơn là đúng, nhưng không phải chắc chắn học xong sẽ có lương cao hơn. Rất nhiều người chỉ có bằng cử nhân vẫn có thu nhập tốt và có nhiều bạn thạc sĩ ở nước ngoài về vẫn tìm đến Tuấn Anh vì những loay hoay trong định hướng nghề nghiệp.
ĐI TU 10 NGÀY MONG SẼ GỠ ĐƯỢC NÚT THẮT
Dạo này việc tham gia các khoá tu ngắn hạn 3-7-10 ngày đang trở nên phổ biến và dễ dàng đăng ký trên mạng xã hội. Thậm chí hôm nọ mình lướt FB còn thấy một chùa chạy quảng cáo trên FB về khoá tu 10 ngày. Khoan nói về tính chính thống, nghiêm túc trong việc tổ chức các khoá tu, bài này mình chỉ tập trung nói về quyết định tham gia khoá tu của mỗi cá nhân và mục đích tham gia khoá tu đấy.
Nhiều người tham gia các khoá tu với kì vọng xả được những stress hiện tại, giải quyết được các khúc mắc trong lòng, bình an hơn, hạnh phúc hơn. Điều này có thể đạt được phần nào trong thời gian tu tại chùa, khi mà bạn không phải tiếp xúc với công việc, hạn chế tiếp xúc với người khác. Sau 10 ngày trở về nếu không có sự thực hành tiếp nối, đâu lại vào đấy cả.
Thực ra các khoá tu không phải nơi thần kì để bạn giải quyết vấn đề bạn đang gặp phải, đặc biệt là các vấn đề trong công việc. Các khoá tu cho bạn “công cụ” và “không gian” để suy ngẫm về các vấn đề đó. Công cụ ở đây là thiền, không gian là việc hạn chế tiếp xúc với công việc, con người giúp bạn có những suy nghĩ rõ ràng hơn.
Với công cụ và không gian trên, bạn hoàn toàn có thể bắt đầu thử thực hành tại nhà trước. Mỗi ngày dành ra 5-10 phút ở một mình trong một không gian không ai làm phiền, nhắm mắt và hít thở 5-10 phút đó. Có thời gian có thể thực hành theo các bài hướng dẫn trên các ứng dụng điện thoại hoặc các kênh YouTube của các thiền sư.
Bạn nên thực hành điều này cho quen liên tục mỗi ngày, trước khi cân nhắc việc đăng ký tham gia một khoá tu. Khi bạn thực hành quen, việc tham gia khoá tu giúp bạn nâng cao kĩ năng và có cơ hội hỏi đáp các khúc mắc với các sư cô sư thầy một cách sâu sắc hơn.
KẾT
Bản chất học cao học hay tham gia khoá tu, thực hành thiền vẫn chỉ dừng lại ở mức chậm lại để suy ngẫm. Để giải quyết bế tắc công việc bạn vẫn cần phải thực hành. Ví dụ để tìm việc tốt, bạn phải sửa lại CV, định vị lại bản thân. Để làm việc tốt và lên chức quản lý, bạn phải học thêm kĩ năng lãnh đạo và học thêm kĩ năng mới.
Khoá tu không làm CV của bạn tốt lên, cũng không làm cho đồng nghiệp của bạn dễ thương hơn, khoá tu giúp bạn tĩnh tâm nâng cao năng lực cảm xúc đối mặt với các vấn đề tiêu cực và biết chọn lọc những điều nào cần tập trung để làm.
Mong bài viết này giúp bạn mở rộng thêm góc nhìn về 2 việc này.
Xem thêm:
- Chủ nghĩa sống tối giản cho sinh viên
- Tập Lắng Nghe Để Trở Thành Một Người Đáng Tin Tưởng
- Chủ Nghĩa Sống Tối Giản Cho Sinh Viên