Nếu có cơ cơ hội sở hữu một năng lực đặc biệt, bạn sẽ chọn điều gì? Có người sẽ chọn thông thạo nhiều ngoại ngữ, có thể chơi nhiều loại nhạc cụ, hoặc thậm chí là có thể nhớ mọi thứ chỉ qua một lần đọc. Một vài người khác khi được hỏi, lại trả lời rằng mình muốn trở thành chuyên gia trong lĩnh vực giao tiếp. Dù điều này nghe có vẻ bình thường, nhưng giao tiếp lại là một kỹ năng quan trọng nếu chúng ta muốn thành công trong sự nghiệp và cuộc sống.
Trong nhiều năm, các nhà tuyển dụng đều đặt kỹ năng giao tiếp lên hàng đầu khi tuyển dụng nhân sự. Bởi lẽ việc giao tiếp tốt có thể đem lại những lợi ích sau:
- Trao đổi hiệu quả giúp củng cố các mối quan hệ và xây dựng niềm tin.
- Giảm hiểu nhầm và giúp giải quyết rắc rối.
- Giúp chúng ta dễ dàng truyền đạt ý kiến và mong đợi của mình.
- Tăng tương tác và sự thỏa mãn tại nơi làm việc.
- Đóng góp cho năng suất chung.
Ngoài ra, giao tiếp tốt còn giúp chúng ta hiểu rõ chính mình và những người xung quanh. Tuy nghe thật bình thường, nhưng khả năng truyền đạt rõ ràng suy nghĩ của bản thân sẽ hỗ trợ bạn trong mọi việc, từ việc bày tỏ mong muốn và tới khả năng thuyết phục người khác..
Vậy thế nào là một người giao tiếp giỏi?
Việc học hỏi từ những người có khả năng thuyết phục như Socrates, Winston Churchill hay Martin Luther King Jr để giao tiếp tốt là cần thiết, song chúng ta cũng không cần phải bắt chước những”tượng đài” đó một cách rập khuôn, máy móc.
Brian Tracy, diễn thuyết gia, tác giả của cuốn “No Excuses! The Power of Self-Discipline and The Psychology of Achievement” từng chia sẻ rằng, “Giao tiếp là một kĩ năng ai cũng có thể học, nó giống như việc chúng ta học đi xe đạp hay gõ bàn phím vậy. Nếu sẵn sàng đầu tư công sức, bạn có thể cải thiện kỹ năng giao tiếp một cách nhanh chóng.”
10 bí kíp “bỏ túi” để trở thành nhà ngoại giao
1. Xây dựng các mối quan hệ
Trong rất nhiều trường hợp, chúng ta sẽ cảm thấy lúng túng hoặc ngại ngùng khi phải bắt chuyện với người khác. Tuy nhiên việc trò chuyện với một người thực sự đơn giản hơn chúng ta tưởng. Đôi khi, chỉ một câu chào cũng có thể thay đổi hoàn toàn mối quan hệ.
Trong công việc, bạn có thể dành chút thời gian để chào đồng nghiệp, quản lý… mỗi khi ai đó bước vào văn phòng. Ngoài ra, trước mỗi cuộc họp, bạn cũng có thể dành chút thời gian để hỏi thăm tình hình công việc, cuộc sống, chuyến đi nghỉ mát gần đây của những đồng đội kề vai sát cánh với mình.
Trong đời sống thường ngày, hãy tìm thời gian trao đổi trước, trong hoặc sau bữa ăn với gia đình. Bạn cũng có thể tạo một nhóm chat với bạn bè và thường xuyên cập nhật tình hình của họ. Thêm vào đó, bạn có thể tìm kiếm những hội nhóm có cùng sở thích trên các trang mạng xã hội, chia sẻ câu chuyện, kiến thức của mình cũng như trò chuyện với họ,
2. Lắng nghe nhiều hơn
Một khi đã xác lập được mối quan hệ, hãy dành thời gian lắng nghe những gì đối phương chia sẻ. Những nhà ngoại giao giỏi biết rằng họ nên tập trung nghe nhiều hơn nói. Điều này giúp những người tham dự cuộc hội thoại tránh được cảm giác bạn đang cố gắng kiểm soát toàn bộ cuộc nói chuyện, đồng thời tạo ra không gian cho những người còn lại nói ra ý kiến của mình.
Một nhà ngoại giao giỏi là người biết cân bằng giữa việc lắng nghe và chia sẻ. Khi im lặng, chúng ta không những thu nhặt thêm kiến thức, mà còn giúp những người xung quanh cảm thấy mình được thấu hiểu và quan tâm nhiều hơn.
3. Chia sẻ cảm xúc
“People will forget what you said and did, but they will never forget how you made them feel.” — Maya Angelou. (Tạm dịch: Họ sẽ quên những gì ta nói và làm, nhưng không bao giờ quên những cảm xúc mà ta mang đến cho họ)
Theo Travis Bradberry, tác giả của cuốn “The Seagull Manager”: “Khoảnh khắc một nhà lãnh đạo không thể làm chủ khả năng giao tiếp của mình chính là khi anh ta nói ra những điều mà mọi người không thể kết nối. Điều này thường xuyên xảy ra với những người cảm thấy cần phải đề cao ý kiến cá nhân, thể hiện cá tính bản thân một cách rõ ràng.”
Tác giả này cũng chia sẻ thêm rằng, “Để kết nối cảm xúc với mọi người, chúng ta cần phải minh bạch về mặt cảm xúc. Hãy chân thành hơn bằng cách cho mọi người thấy thực chất ta đang quan tâm và muốn thúc đẩy điều gì. Khi thành thật với những suy nghĩ tích cực và thả lỏng cảm xúc, ta có thể tạo nên những kết nối vô cùng chặt chẽ với mọi người xung quanh.”
4. Chú ý đến mọi loại hình ngôn ngữ
Không phải lúc nào giao tiếp cũng thể hiện qua ngôn từ. Đôi khi, chúng ta cần phải chú ý đến cả ngôn ngữ cơ thể của mọi người.
Giả dụ, bạn đang nói chuyện với đồng nghiệp và bỗng nhận ra họ thường xuyên nháy mắt cũng như khoanh tay trước ngực. Điều này cho thấy đối phương cảm thấy không thoải mái và đang trong trạng thái phòng bị. Trước những dấu hiệu đó, ta có thể lèo lái cuộc nói chuyện sang chủ đề khác hoặc thay đổi tiết tấu của đoạn hội thoại để đôi bên cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Một nghiên cứu khác cũng đã chỉ ra rằng, nếu muốn người đối diện coi mình là người tự tin, thân thiện, bạn có thể mỉm cười nhẹ và thi thoảng nhướn mày lên để tạo cảm giác gần gũi, thoải mái.
5. Quan sát và tập luyện
Hãy dành thời gian rảnh rỗi để nghiên cứu cách mà mọi người thuyết trình. Bạn có thể xem các video TED Talks, theo dõi mọi hành động, cử chỉ cũng như lời nói của các diễn giả. Ngoài ra, bạn cần chăm chỉ tập luyện nói với chính mình. Đó có thể là những buổi tự trao đổi với bản thân trước gương, ghi lại hình ảnh của chính bạn lúc thuyết trình. Khi quan sát bản thân đủ nhiều, ta có thể điều chỉnh biểu cảm, góc mặt và ngôn ngữ cơ thể của mình sao cho tự tin, thoải mái nhất.
6. Kiểm soát tốc độ và nói rõ ràng
Ta cần phải chú ý tốc độ nói cũng như cách người nghe tiếp nhận những thông tin mà mình truyền tải. Nếu thấy mọi người đang mất tập trung, ta có thể tạm ngừng lại một lúc. Điều này vừa giúp bạn điều chỉnh tốc độ và nhịp điệu trong lời nói, vừa giúp lôi kéo lại sự chú ý của mọi người. Ngoài ra, bạn cũng có thể lặp lại những điều quan trọng nhiều lần để người nghe có thể hiểu rõ bạn đang muốn truyền đạt điều gì.
7. Sử dụng những động từ mang tính chủ động
Các động từ thể hiện hành động, cả thể chất lẫn tinh thần, được gọi là động từ “hành động”. Thông thường, động từ hành động được sử dụng để giải thích hành động của chủ thể . Việc sử dụng các động từ dạng này mang lại tác động lớn hơn khi cung cấp thông tin cho người nghe. Lý do là bởi nhóm từ này có khả năng vẽ nên một bức tranh sống động, rõ ràng hơn cho những gì bạn đang muốn nói ra.
Một vài ví dụ về các từ chủ động có thể kể đến như: thu được (acquire), hoàn thành (accomplish), ước lượng (estimate), tiến hành/thực hiện (execute),… Sau đây là danh sách nhóm động từ này bạn có thể dùng trong những bài thuyết trình của mình.
8. Giải quyết tranh cãi
Tất nhiên vào một thời điểm nào đó khi trò chuyện, mâu thuẫn là điều không thể tránh khỏi, bất chấp việc bạn là một chuyên gia giao tiếp. Tuy nhiên với sự khéo léo của mình, ta có thể biến những tranh cãi này trở thành một buổi trò chuyện có ích cho cả hai bên.
Những điều cần chú ý khi cuộc trò chuyện bắt đầu “căng” lên:
- Để ý ngôn ngữ cơ thể và giọng nói khi trò chuyện. Bạn nên giữ thái độ bình tĩnh, ôn hòa.
- Chăm chú lắng nghe và đặt câu hỏi khi muốn.
- Đừng chăm chăm vào trạng thái tâm lý “phải thắng”.
- Tìm điểm chung giữa các bên.
- Đừng để sự bực bội dâng trào.
9. Chọn cách xây dựng cuộc trò chuyện
Để khán giả luôn hứng thú với những gì ta chia sẻ, bạn cần học cách xây dựng cuộc nói chuyện, lời nói và cả bài thuyết trình của mình một cách hợp lý. Để mở đầu, bạn có thể có những câu hỏi, kích thích sự tò mò của những người tham gia như, “Vì sao câu chuyện này lại thú vị?”, hay “Tại vì sao bạn nên có hứng thú với việc này?”.
Sau đó hãy tập trung vào khung sườn mà bạn đã xây dựng. Nếu phải giảng giải lý thuyết hoặc cách để cải thiện điều gì đó, hãy đảm bảo rằng bạn đã xác định rõ mục tiêu, cũng như hướng đi của cuộc trò chuyện để không lãng phí thời gian của mọi người.
10. Đầu tư vào bản thân
Để trở thành nhà ngoại giao giỏi không phải là chuyện một sớm một chiều. Bạn cần phải tập trung rất nhiều công sức và liên tục rèn luyện bản thân.
Bạn có thể đăng ký các khóa học diễn thuyết, đọc những quyển sách như How to Win Friends & Influence People hoặc duy trì thói quen viết nhật ký. Một điểm đáng trân trọng khác của các diễn giả giỏi chính là họ luôn sở hữu một kho kiến thức đồ sộ. Vậy nên hãy mở rộng hiểu biết của mình thông qua sách vở, các phương tiện truyền thông và trò chuyện với mọi người.
Theo Calendar
Có thể bạn quan tâm:
Cách đàn ông sử dụng ngôn ngữ cơ thể để kiểm soát người khác
Những đặc điểm tính cách đầy thu hút của những người “đẹp người lẫn nết”
“Yêu hay không yêu, không yêu hay yêu…” cứ để cơ thể nói hộ ta
Thảo luận về bài viết