Trong suy nghĩ của chúng ta, khi nhắc về biến đổi khí hậu, con người thường hình dung đến việc những con gấu Bắc Cực đang dần tuyệt chủng, lớp băng đang ngày càng mỏng đi, hay cháy rừng diễn ra hàng loạt trên diện rộng. Chúng ta đã không nhận ra rằng sự thay đổi của thiên nhiên tác động tới nhân loại nhiều hơn những khái niệm mù mờ được truyền thông chia sẻ. Ngay cả những thức uống gần gũi nhất với người dân Việt Nam như trà, cà phê, rượu vang, cũng đang chịu những ảnh hưởng rõ rệt do sự thay đổi của môi trường
I. BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀ SỰ ẢNH HƯỞNG ĐẾN CÀ PHÊ
Cốc cà phê nóng hổi là một hình ảnh quen thuộc, chúng ta vẫn thường nghĩ đến ngay khi bắt đầu một ngày mới. Ngày nay, lượng tiêu dùng cà phê trên toàn thế giới đã cán mốc 500 tỷ cốc mỗi năm, trong tương lai gần lượng tiêu thụ các sản phẩm từ cà phê sẽ tăng 30% trong năm 2025 nếu so sánh với số liệu năm nay 2020
Nhưng trong những năm gần đây, hiện tượng nóng lên toàn cầu đã ảnh hưởng đến toàn ngành công nghiệp cà phê nói riêng và các ngành công nghiệp liên quan đến nông sản nói chung. Cụ thể hơn, các nông trại cà phê chất lượng cao khắp nơi trên thế giới có thể bị thay thế bằng một nông sản khác.
“Văn hoá cà phê có thể chỉ còn là … một hoài niệm trong tương lai” – trích một người nông dân Colombia.
Khi nói đến cà phê, mọi người thường nghĩ đến một loài cây duy nhất đặc biệt sản sinh caffeine. Nhưng trên thực tế, cho đến nay, cà phê có nhiều hơn 120 giống khác nhau đã được phát hiện trong tự nhiên, nhưng trong số đó chỉ có một số ít giống cà phê mới được đưa vào sản xuất trong các nông trại: gồm giống Coffea Canephora và Coffea Arabica hay chúng ta thường gọi với cái tên hàng ngày là hạt Robusta và Arabica.
Điểm chung của những nhà sản xuất cà phê chủ yếu thuộc các quốc gia từ 25 vĩ độ bắc đến 30 vĩ độ nam. Nơi có những đặc điểm khí hậu thuận lợi để trồng cà phê.
Hạt Robusta là tên gọi chung tổng hợp cho những giống cà phê có cùng thuộc tính. Giống cà phê này được phát hiện ở Congo thuộc Bỉ (ngày nay là Zaire) vào cuối thế kỷ 19 và sau đó được phát triển ở nhiều quốc gia trên thế giới. Đối với góc nhìn của ngành công nghiệp cà phê hoà tan trị giá 52 tỉ đô la mĩ vào năm 2018 . Cà phê được xem như một sản phẩm tiêu dùng nhanh với yếu tố chi phí giá thành sản xuất được đưa lên hàng đầu. Hạt Robusta là lựa chọn tối ưu cho sản xuất.
Bên cạnh đó, hạt Arabica đóng vai trò như sản phẩm có chất lượng cao hơn, nhờ hương vị hấp dẫn hơn thường được sử dụng chủ yếu trong các quán cà phê tầm trung đến quán cà phê cao cấp. Tuy nhiên, giống cà phê Arabica lại đặc biệt nhạy cảm với môi trường thiên nhiên. Giống Arabica phát triển và cho sản lượng tốt nhất ở nhiệt độ từ 18 đến 21 độ C, điểm đặc biệt của giống cây chỉ thích hợp với những nơi có khí hậu ban ngày ấm áp và đêm mát mẻ. Nếu quá nóng (trên 30 độ C), cây sẽ bị chậm phát triển, còn nếu nhiệt độ xuống dưới mức an toàn cây sẽ bị lạnh và có thể bị đông cứng. Ngoài ra, cây cần được cung cấp một lượng mưa nhất định. Giống Arabiaca cần 3 tháng mùa khô để có thế ra hoa và bắt đầu quá trình sản sinh hạt cà phê.
Cây cà phê là một trong những loại cây được trồng phổ biến nhất trên thế giới. Phải mất thời gian từ 3 đến 4 năm để cây sau khi trồng có thể tạo ra những hạt cà phê đầu tiên.
Kể từ năm 1980, do sự ảnh hưởng bởi hiệu ứng nhà kính làm nhiệt độ thế giới nóng lên 1,2 độ C. Ngành công nghiệp sản xuất cà phê nằm trong những ngành chịu nhiều ảnh hưởng nhất trên thế giới. Cà phê bị giảm chất lượng trầm trọng, kèm theo đó khả năng kháng mầm bệnh của cây cà phê yếu đi – tiêu biểu nhất là bệnh gỉ sắt trên lá cà phê.
“Ở trang trại El Oasis, thời tiết thay đổi khiến chúng tôi ngày càng khó có thể đoán được vòng đời của cây cà phê.”
Cụ thể hơn, biến đổi khí hậu đã làm người nông dân bị mắc kẹt, khi đứng trước giữa hai lựa chọn khó khăn: di chuyển trang trại lên vị trí cao hơn hoặc buộc phải chuyển sang trồng một giống cây khác có lợi ích về kinh thế hơn. Tính từ năm 2013, chỉ riêng Columbia, diện tích đất được sử dụng để trồng cà phê đã bị giảm tới 7% (do các nông trại Columbia chủ yếu chỉ sản xuất cà phê Arabica chất lượng cao). Điều này có thể còn tồi tệ hơn trong tương lai. Một nghiên cứu gần đây đã dự báo đến năm 2050, diện tích sản xuất cà phê sẽ bị giảm mạnh, và chuỗi cung ứng cà phê thế giới chỉ còn đạt 50% so với hiện tại, tệ hơn nữa 60% giống cà phê trên thế giới sẽ bị tuyệt chủng hoàn toàn.
Trong tương lai, khái niệm “một cốc cà phê nhé” có còn tồn tại?
Đối với một số quốc gia, cà phê không chỉ là một đồ uống đơn thuần, mà cà phê còn là cả một di sản văn hoá của một quốc gia. Theo số liệu Statica năm 2018, đứng đầu chuỗi cung ứng cà phê trên thế giới là Brazil với sản lượng khoảng 3,7 triệu tấn cà phê, tiếp theo đó là Việt Nam với sản lượng 1,77 triệu tấn và xếp thứ 3 là Columbia 0,85 triệu tấn cà phê.
Theo một số liệu thực tế khác của Statica, sản lượng tổng cà phê được sản xuất trên thế giới vẫn có xu hướng tăng. Nhưng nếu nhìn chi tiết, sản lượng cà phê toàn cầu chỉ tăng do sản lượng đến từ cà phê giống Robusta, còn sản lượng cà phê Arabica đang có chiều hướng giảm dần. Điều này tạo ra sự chênh lệch về giá thành hai loại cà phê Robusta và Arabica ngày càng lớn. Tính đến hiện tại, giá cà phê Arabica thế giới cao hơn 1,7 lần so với cà phê hạt Robusta.
Xét trong năm 2020 cả ngành công nghiệp cà phê Việt Nam sản xuất được khoảng 30 triệu bao cà phê (60kg/bao). Sản lượng hạt cà phê Robusta Việt Nam vượt xa sản lượng cà phê Arabica theo vietrade.gov.vn. Trong đó, sản lượng Arabica chỉ chiếm khoảng 3,78% tổng sản lượng cà phê trong nước được trồng chủ yếu ở Đà Lạt, Sơn La, Thanh Hoá, Quảng Trị.
Biến đổi khí hậu có thể làm ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng cà phê như sau:
+Khí hậu tăng cao sẽ làm giảm diện tích trồng phù hợp đối với cà phê, đặc biệt là cà phê Arabica. Ngoài ra nếu nhiệt độ tăng cao quá 35 độ C thì ngay cả cà phê Canephora hoặc cà phê Robusta cũng sẽ bị ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng.
+ Việc hạn hán sớm vào cuối mùa mưa và mưa sớm cuối mùa khô cũng sẽ ảnh hưởng đến việc ra hoa, đậu quả của cây cà phê.
+Mưa nhiều và hạn hán cũng sẽ làm ảnh hưởng tới việc tích luỹ chất khô của cây cà phê, điều kiện lưu giữ sản phẩm khiến cho chất lượng của cà phê cũng sẽ gặp khó khăn.
+Chưa kể điến biến đổi khí hậu cũng có thể phát sinh dịch hại trên cây cà phê: Tiêu biểu là sự bùng dịch của ve sầu gây hại cho rễ hoặc bọ xít, muỗi chích ngọn cà phê, rất nhiều diện tích cây trồng bị chết và không thể phát triển được
“Mặc dù cây trồng bị ảnh hưởng, nhưng nhu cầu sử dụng cà phê do đại dịch Covid lại tăng cao hơn rất nhiều. Cuối tháng 7/2020, giá cà phê trên thị trường thế giới tăng mạnh do đồng USD suy yếu, các dự báo thị trường lạc quan hơn. Theo đó nhu cầu cà phê Robusta của thế giới tăng nhanh do đại dịch Covid-19 bởi xu hướng làm việc tại nhà tăng. Nhu cầu tiêu dùng cà phê được dự báo sẽ tăng khoảng 5,8% trong năm 2020; Brasil có thể sẽ xuất hiện sương giá đen, thường làm cây trồng bị chết; đồng Real” (Theo cafef.vn)
Trong tương lai, giá thành cà phê thế giới sẽ tăng mạnh, Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó. Thay vì 40 nghìn một cốc cà phê hiện tại, cà phê có thể lên 100 nghìn một cốc chăng?
II. BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀ SỰ ẢNH HƯỞNG ĐẾN TRÀ
“Khi bạn nhấp môi một tách trà, bạn đang uống một loại đồ uống mà chỉ có thể trồng được ở một vài nơi nhất định theo mùa.”
“Chất trà đang ngày càng mất đi, và hậu quả sẽ còn khủng khiếp hơn nếu chúng ta không hành động từ bây giờ,” đây là cảnh báo của Selena Ahmed, trợ lý giáo sư ở trường Đại học bang Monata. Bà cùng với nhóm nghiên cứu đến từ trường đại học Tufts (thuộc Massachusetts) đã và đang nghiên cứu về những tác động của biến đổi khí hậu lên cây trà. Không chỉ hương vị của trà không còn được như lúc trước, lượng mưa thất thường và nhiệt độ cao khiến cho “nhiều vùng trà trên thế giới không còn làm ra trà ngon được nữa”, bà cho hay.
Đối với sản phẩm trà, sự khác biệt dù nhỏ cũng là vấn đề lớn. Colin Orians, một nhà sinh học thực vật tại Tufts cho biết: “Trà là một trong những cây trồng mà chất lượng là thực sự quan trọng đối với sản phẩm cuối cùng. Nó giống như nho, bạn không thể sản xuất ra một loại rượu tốt với nho chất lượng xấu”.
Tất cả các loại trà chúng ta uống như trà xanh, trà ô long hoặc trà đen là từ cùng một loài thực vật, một loài cây bụi thường xanh lâu năm được gọi là Camellia Sinensis. Nhiều loại trà được tạo ra phụ thuộc vào cách thức xử lý sau thu hoạch. Nhưng cách thức này không phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến hương vị, mùi thơm và dinh dưỡng – các yếu tố tạo nên chất lượng của trà. Các điều kiện thời tiết cũng đặc biệt quan trọng. Với sự biến đổi khí hậu, nông dân Trung Quốc đã nhận thấy rằng các đợt gió mùa Đông Á đã đến sớm hơn và kéo dài lâu hơn.
Lượng mưa
Các nhà nghiên cứu đã xem xét dữ liệu gió mùa và các vụ thu hoạch chè từ năm 1980. Họ nhận thấy rằng mùa mưa đã kết thúc muộn hơn, mang lại lượng mưa nhiều hơn, điều này làm giảm sản lượng trà, có thể vì mưa nhiều khiến việc thu hoạch khó khăn hơn. Gió mùa kéo dài cũng làm giảm chất lượng trà. Đó là bởi vì trong khi những trận mưa do gió mùa mang lại thúc đẩy sự phát triển của cây trồng, mưa cũng làm thay đổi thành phần hoá học của lá trà. Selena Ahmed, một nhà thực vật học tại Đại học bang Montana đã phân tích một loạt các mẫu trà Trung Quốc, bao gồm trà thu hoạch từ các thửa ruộng giống nhau tại các thời điểm khác nhau trong năm và trà từ các độ cao khác nhau.
Nghiên cứu chỉ ra rằng mưa khiến lá tăng trưởng nhanh hơn. Nhưng nghiên cứu cũng cho thấy rằng các chất chuyển hoá quan trọng được gọi là Catechin và Methylxanthine, các chất tạo nên hương vị, mùi thơm và chất chống oxy hoá của trà, bị giảm 50%.
Chất lượng trà sụt giảm nhanh chóng một cách ngạc nhiên. Nông dân Trung Quốc từ lâu đã biết rằng lá và chồi trà được thu hoạch trước khi mùa mưa bắt đầu. do gió mùa mang lại một mức gió cao. Loại trà thu hoạch trong giai đoạn có mưa do gió mùa có mức giá trung bình chỉ bằng một nửa loại trà được thu hoạch trước đó. Giá trà bắt đầu giảm trong vòng 48 giờ kể từ khi những cơn mưa đầu tiên bắt đầu.(nguồn nature.com)
Nhiệt độ
Hiệu ứng nhà kính là một vấn đề nghiêm trọng trên toàn cầu. Nhiệt độ leo thang nhanh ở các nước châu Á là một ví dụ gây hại cho năng suất của cây trồng – các nhà quản lý đồn điền tại Assam trả lời. Các đợt sóng nhiệt cũng gây nguy hiểm cho công nhân đồn điền hơn. Việc cây trà tiếp xúc với ánh sáng mặt trời có thể gây hại cho cây trồng.
Những thay đổi về khí hậu cũng gây ảnh hưởng đến sự phát triển của các côn trùng gây hại cho cây trồng như rầy xanh, bọ xít muỗi, nhện hại chè, bọ trĩ, sâu cuốn lá,… Nhiệt độ cao cho phép các loại côn trùng này tấn công cây trà để có thể sống sót qua mùa đông, giúp chúng có thêm nhiều thời gian để sinh sản. Các nhà quản lý đồn điền tại Assam đã nhận thấy một số lượng lớn côn trùng gây hại trên cây chè. “Khi nhiệt độ bắt đầu tăng lên, côn trùng bắt đầu xuất hiện” – Colin Orians, một nhà sinh thái học tại Tufts cho biết.
Hiện nhiệt độ của Việt Nam có xu hướng tăng lên. Nhiệt độ trung bình tăng lên 2,6 độ ở Tây Bắc, tăng 2,5 độ ở Đông Bắc, tăng 2,4 độ ở đồng bằng Bắc Bộ, tăng 2,8 độ ở Bắc Trung Bộ, tăng 1,9 độ ở Nam Trung Bộ, tăng 1,6 độ ở Tây Nguyên và tăng 2 độ ở Nam Bộ so với nhiệt độ trung bình những năm 1980-1999. Đây là một trong những lí do lý tưởng cho sự phát triển của các loại côn trùng, các loại bệnh cho cây trồng, và đặc biệt hại cho những loại cây “nhạy cảm” như cây chè.
III. BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀ SỰ ẢNH HƯỞNG ĐẾN RƯỢU VANG
Giống như ngành công nghiệp cà phê, trà và ngành công nghiệp rượu vang cũng nằm trong danh mục bị ảnh hưởng trầm trọng nhất trên thế giới. Theo đó, ngành công nghiệp rượu vang sẽ bị ảnh hưởng không chỉ về năng suất mà còn về chất lượng của rượu.
Quay lại một chút chiều dài lịch sử hơn hai nghìn năm của ngành rượu vang,. Rượu vang đầu tiên được sản xuất tại Hy Lạp, sau đó lan rộng khắp Châu Âu Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Đức,… hay còn được gọi cho đến với cái tên the old world trong ngành rượu vang – gồm những nước sản xuất rượu vang lâu đời, sau đó được lan rộng ra những phần còn lại của thế giới, còn được gọi với cái tên the new world trong ngành rượu vang, tiêu biểu như Chile, Mĩ, Úc,…
Tại Việt Nam, chúng ta cũng đã có cho mình một vài nhãn hiệu nổi tiếng như: rượu vang Đà Lạt, vang Halico, vang Ladofoods… Tuy nhiên có thể bạn không biết, bên cạnh rượu vang làm từ nho, chúng ta còn có rượu vang làm từ những nguyên liệu khác như rượu vang mơ, rượu vang sim…
Tính đến thời điểm năm 2020, ngành công nghiệp rượu vang đang bước dần đến ngưỡng cửa của cuộc khủng hoảng khi thế giới ngày càng nóng lên. Nếu so sánh với năm 1880, do nhiều yếu tố tác động của con , nhiệt độ trái đất đã tăng thêm 2 độ C, nhưng nhờ sự sự mở rộng những nông trại nho trên toàn thế giới nên sản lượng rượu vang vẫn có xu hướng tăng nhẹ
Các nhà khoa học đã dự đoán rằng, nếu tình trạng biến đổi khí hậu vẫn tiếp tục tăng thêm hai độ C trong những năm tiếp theo thì tổng diện tích đất trồng nho sẽ bị giảm chỉ còn 44% so sánh với hiện tại. Cụ thể hơn, dự báo các trang trại trồng giống nho trắng trên toàn thế giới sẽ bị mất 76% diện tích và các đồn điền nho đỏ sẽ bị mất đi 31% diện tích sản xuất.
Theo bà Kimberly Nicholas – một nhà khoa học môi trường, chia sẻ: “Nhiệt độ cao ảnh hưởng tới thời gian ra hoa, phát triển của cây nho, đồng thời khiến lượng đường và độ cồn trong quả nho tăng lên, làm thay đổi chất lượng thành phẩm rượu vang”.
Trên thực tế, ngành công nghiệp rượu vang chuyển hướng ngày càng “cao hơn” hoặc phá sản. Từ “cao” ở đây không đồng nghĩa với độ tăng trưởng về chất lượng và sản lượng của ngành rượu vang, mà các chủ trang trại trồng nho đang đối mặt với làn sóng buộc phải chuyển nông trại của mình lên những cao nguyên cao hơn so với hiện tại. Nhiều trang trại trên thế giới hiện đã được chuyển đến đỉnh những cao nguyên trong vùng. Ví dụ như vùng Hautes-Côtes của Burgundy – một vùng trồng nho nổi tiếng ở Pháp, đã phải chuyển dần các đồn điền trồng nho trên sườn dốc từ 1.200 đến 1.300 feet nếu so sánh với vị trí ban đầu của các trang. Hay ở Argentina, các trang trại được chuyển trên những vùng có độ cao từ 5.000 đến 11.000 nếu so sánh với mực nước biển. Đó là những giới hạn về mặt địa lí mà ngành công nghiệp rượu vang buộc phải đối mặt. Liệu những trang trại trồng nho sẽ tiếp tục phải chuyến đến đâu nữa?
Theo ông Willi Bruendlmayer – một người nông dân trồng rượu vang ở Áo cho biết: ” Nếu nhiệt độ còn tiếp tục tăng, tình trạng ấm lên toàn cầu sẽ khiến chúng tôi phải tìm kiếm những địa điểm trồng nho thích hợp hơn. Và thật đáng buồn, thương hiệu và nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm vang này, sau bao năm xây sẽ trở thành công cốc”.
Trong giới rượu vang, dòng rượu Champage của Pháp được coi là ông hoàng trong dòng rượu vang sủi bọt, và chỉ có những chai rượu đắt nhất thế giới được sản xuất ở vùng Champage mới có được đặc quyền mang nhãn mác Champage. Tất cả những chai rượu vang khác theo dòng vang sủi bọt sẽ phải phải mang một thương hiệu khác là Sparkling. Vậy nếu biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp như hiện nay, hình ảnh những chai rượu Champage ngon nhất thế giới sẽ chỉ còn quá khứ trong tương lai gần.
Tuy nhiên vẫn còn một cách khác để giảm bớt mức độ tổn hại của biến đổi khí hậu thế giới. Ngành công nghiệp rượu vang buộc phải khai phá những vùng đất mới của thế giới hay còn gọi là the new new world – những vùng chưa từng được khai phá trước đây. Nhưng để làm được điều này, những chi phí đánh đổi là rất lớn, có khi lên tới hàng tỉ đô la.
Ngoài ra để giảm bớt chi phí chuyển đổi, các nhà sản xuất đã buộc phải tìm kiếm những giống nho mới thay thế cho những giống nho có chất lượng tốt hiện. Nhưng với những yêu thích rượu vang, điều này thật khó có thể chấp nhận. Một ví dụ điểm hình trong một tương lai gần, dòng rượu Bordeaux nổi tiếng thế giới của Pháp sẽ không còn được làm từ cabernet nữa; Champagne hảo hạng sẽ thiếu hương vị của pinot noir và chardonnay. Liệu rượu vang Bordeaux còn được gọi là Bordeaux, Champagne còn được gọi với cái tên Champage? Hay đó chỉ là còn một quá khứ bị lãng quên?
Và cuối cùng, cho dù ngành công nghiệp rượu vang đã tìm mọi cách để làm giảm ảnh hưởng tối đa của biến đổi khí hậu, các nhà khoa học đã dự báo đến năm 2050, tổng diện tích nông trại trồng nho sẽ bị mất 24% nếu nhiệt độ thế giới tăng thêm 2 độ C. Và viễn cảnh tồi nhất mà ngành công nghiệp rượu vang có thể đối mặt là tổng diện tích đất trồng nho sẽ biến mất 58% nếu nhiệt độ toàn cầu tăng lên 4 độ C.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
Tương lai nào để giảm thiểu ô nhiễm cho ngành thời trang
Sống xanh không khó lắm đâu, ông bà tụi mình đã làm từ lâu
Những chiến dịch bảo vệ động vật nổi bật của người Việt trẻ năm 2020