#LocalZine là tập hợp những câu chuyện và trải nghiệm về đời sống, văn hóa Việt
Biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề cấp thiết hơn bao giờ hết của xã hội hiện đại. Ý thức môi trường đã khiến nhiều người trong chúng ta, đặc biệt là các bạn trẻ, bắt đầu theo đuổi lối sống bền vững để phần nào giảm thiểu những tác động xấu con người gây ra. Nhưng điều… hơi hơi đáng buồn là dù có tích cực thế nào, chúng ta vẫn chỉ là những kẻ đi sau thôi vì ông bà mình đã làm vậy từ cả chục, thậm chí cả trăm năm trước rồi.
Mặc dù kiết nhưng tính hà tiện của thầy đồ đôi lúc cũng chứng minh tinh thần xanh vô cùng đấy!
Lối sống bền vững là một trong những nét văn hóa của người Việt, mặc dù sống xanh thời “ông bà anh” tất nhiên không đến mức một-thau-nước-dùng-cả-chục-lần như thầy đồ Kiết. Chúng ta cứ thử xem xét những dẫn chứng dưới đây nhé.
Gói ghém, bày biện thức ăn
Từ ngàn xưa, ông bà ta đã làm rất tốt công việc tối ưu hóa nguồn lực bằng cách tận dụng tất cả những thứ có thể, không bỏ sót bất cứ cái gì. Trồng một cái cây, thân lấy gỗ, hoa quả hạt dùng để chế biến thức ăn hoặc trao đổi buôn bán, rễ làm thuốc, còn lá thì được dùng để gói và trang trí các thức quà bánh từ thường ngày cho đến giỗ chạp.
Thời xưa dĩ nhiên chưa có những khái niệm như biến đổi khí hậu hay bảo vệ thiên nhiên gì rồi. Tuy nhiên ngày nay ngẫm lại thì ông bà mình đi trước trào lưu ra phết. Dùng lá gói đồ ăn, đặc biệt là lá chuối, có rất nhiều lợi ích đấy.
Ngày nay, các sản phẩm làm từ nhựa được sử dụng phổ biến do tính tiện lợi của chúng. Có sử dụng tất nhiên sẽ có thải bỏ, và rác thải nhựa là một trong những loại rác thải gây hậu quả nặng nề nhất cho môi trường.
Nhựa dễ sản xuất nhưng khó phân hủy. Hơn nữa nhựa cũng không phân hủy sinh học – tức không hoàn toàn biến mất – mà chỉ là từ một mảnh lớn tách ra thành nhiều mảnh nhỏ khác nhau. Căn cứ vào mức độ tiêu thụ hiện nay, các chuyên gia cho rằng có hơn 13 tỷ tấn rác thải nhựa được chôn lấp trong các bãi rác hoặc được đổ thẳng xuống biển, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Tuy vậy, thời nay không phải nói muốn trồng chuối là trồng được ngay. Ngoài chuyện thiếu thốn tài nguyên thiên nhiên, còn phải tính đến thực trạng môi trường và khí hậu hiện tại. Vậy giải pháp cho vấn đề khó trồng chuối lấy lá trên diện rộng nhưng không dùng nhựa để bảo vệ môi trường sẽ là gì?
Dùng vải sáp ong sao cho hiệu quả? Tham khảo 10 cách sử dụng vải sáp ong bạn nên biết
Khi đi chợ, lúc cần mang theo thức ăn
Tuổi thơ của lứa 8X và 9X đời đầu không xa lạ gì hình ảnh cặp lồng treo tòng teng trên xe, bên trong là thức ăn bữa trưa đã được chuẩn bị sẵn từ sáng sớm. Cặp lồng (hay cà mèn, gà mên, tùy theo cách gọi của những vùng miền khác nhau) đối với gia đình người Việt xưa có lẽ cũng quan trọng không kém nồi cơm và bát đũa. Từ những hộp sắt tây một ngăn, những chiếc cà mèn dần được nâng cấp lên thành lồng nhôm, lồng nhựa, hai ngăn, ba ngăn, thậm chí bốn ngăn cũng có.
Cơm trưa mang đến cơ quan được đựng trong cặp lồng. Ra đầu đường mua bát phở cho ông bà cũng xách theo cặp lồng. Và ấn tượng khó phai nhất có lẽ thuộc về những cặp lồng inox hoặc bằng nhựa trắng nắp xanh, chuyên dùng đựng thức ăn đem vào chăm người ốm nằm viện.
Ngày nay, vì lý do tiện lợi mà những cặp lồng cơm dần được thay thế bằng hộp xốp, hộp nhựa, túi ni-lông, ly nhựa, … tất tần tật thể loại đồ nhựa dùng một lần. Tiện thì có tiện (không phải lỉnh kỉnh lau rửa) nhưng lợi thì không rồi.
Mùa “dâu chín”
Ở cái thời chưa có cả Diana Sensi siêu thấm mát lạnh lẫn Omo đánh bay mọi vết bẩn cứng đầu trong một lần giặt, người ta giải quyết vấn đề tế nhị này cách nào?
Thời nay, không cần phải lích kích rườm rà túi này túi nọ vừa mất thời gian vừa không đảm bảo an toàn về mặt vệ sinh, chúng ta đã có những giải pháp tiện lợi và an toàn hơn cho ngày dâu “chín” như băng vệ sinh (BVS), tampon, cốc nguyệt san (CNS),… Thế nhưng…
Kinh nguyệt và những sản phẩm dùng trong kỳ kinh nguyệt là vấn đề liên quan trực tiếp đến sức khỏe, thế nên việc lựa chọn sử dụng sản phẩm gì hoàn toàn nằm trong quyền quyết định của mỗi người. Nhưng The Millennials vẫn giới thiệu qua một số sản phẩm giúp giảm tải rác thải nhựa để bạn tham khảo nhé.
Lúc quần là áo lượt ra đường
“Ăn lấy chắc, mặc lấy bền” là câu tục ngữ thể hiện rõ tinh thần sống bền vững của ông bà mình: ưu tiên chất lượng hơn số lượng. Ăn thì chú trọng “ăn kỹ, no lâu”, ăn đúng thức ăn, đảm bảo dinh dưỡng, không lãng phí và không ăn uống linh tinh, qua loa. Mặc thì cốt sao cho vừa bảo vệ được cơ thể thật tốt vừa sử dụng được thật lâu.
Nhưng thời nay thì khác. Nhiều người cho rằng hiện tại, “ăn chắc mặc bền” đã không còn cần thiết để trở thành một quy chuẩn của cuộc sống như trước đây. Điều này hợp lý, vì với mức sống cao hơn và nhiều lựa chọn đa dạng hơn, rõ ràng chúng ta không cần phải tằn tiện từng miếng cơm chiếc áo như ngày xưa nữa.
Tuy nhiên, một trong những hệ lụy của điều này là sự phát triển chóng mặt của fast fashion (tạm dịch “thời trang nhanh”). Những người đi theo (và tạo ra) trào lưu fast fashion cho rằng, thời trang là sự chuyển mình liên tục, và nếu tự gọi bản thân là một tín đồ thời trang, bạn cũng phải liên tục cập nhật và thay đổi tủ quần áo của mình. Vô tình, ở thời đại mà chất lượng có thể được đẩy lên cao nhất, sự quan tâm của chúng ta lại dịch chuyển sang phần số lượng.
Tiêu thụ thời trang càng lớn đồng nghĩa với việc quá trình cạn kiệt tài nguyên diễn ra càng nhanh và lượng rác thải ra môi trường càng nhiều. Ngành công nghiệp thời trang chịu trách nhiệm cho 10% tổng lượng khí thải gây ra hiệu ứng nhà kính, trong đó riêng sản xuất dệt may ước tính thải vào khí quyển 1.2 tỷ tấn khí thải nhà kính mỗi năm. Cũng theo các số liệu nghiên cứu, vòng đời trung bình của một món hàng quần áo ngày nay là 2-10 năm, và chỉ có khoảng 12% vật liệu sử dụng trong công nghiệp dệt may là có thể tái chế.
Nhưng nói vậy không có nghĩa là chúng ta buộc phải quay về thời ăn chắc mặc bền của ông bà mình. Đơn giản vì chúng ta đang sống trong một thời đại khác, một xã hội khác, thậm chí một thế giới khác. Tuy nhiên, vẫn có nhiều biện pháp để chúng ta “ăn chắc mặc bền” theo cách riêng, không cần phải đi ngược thời đại vì suy cho cùng, cái chúng ta áp dụng là giá trị và tinh thần tiết kiệm, sống xanh, chứ không phải máy móc đem từng cái quần cái áo đi nhuộm nước củ nâu cho bền màu bền vải như thời xưa.
Nhiều người cho rằng sống xanh là phải sử dụng sản phẩm organic, phải hoàn toàn từ bỏ lối sống cũ, phải là người quan tâm sâu sắc và theo dõi sát sao các vấn đề môi trường, sống xanh chỉ dành cho dân có tiền có thời gian.
Nhận định đó không sai vì hiện tại, việc theo đuổi lối sống này vẫn gặp phải những rào cản nhất định. Thế nhưng nó cũng chưa hẳn chính xác. Sống xanh tốn tiền? Có thể dùng phương pháp xen kẽ, thay đổi cái này một ít cái kia một ít. Sống xanh phiền phức, tốn thời gian? Lúc đầu, làm điều gì mới cũng khó cả mà. Thói quen muốn hình thành cần sự kiên nhẫn.
Chúng ta cũng không cần từ bỏ hoàn toàn lối sống cũ để được xem là sống xanh. Không có thay đổi nào có thể xảy ra trong một sớm một chiều cả. Bạn có thể không dùng bình nước cá nhân, không chuyển sang thực phẩm organic, không tái chế rác thải vẫn được, chỉ cần mỗi lúc ra khỏi nhà đừng quên tắt điện, không lãng phí nước sử dụng, quần áo hư hỏng thì đem sửa chữa để mặc thêm vài lần trước khi vứt,… cũng tốt rồi. Sống xanh chẳng khó lắm đâu. Ông bà mình đã làm từ lâu rồi mà!
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Subscription box – Sự kỳ diệu trong những ‘hộp quà’ đăng ký
“Mèo thông thái” Cheshire và 6 sự thật sâu sắc trong cuộc sống