Theo một thống kê ở Mỹ, hàng năm có hàng trăm nghìn người bị báo cáo mất tích. Một số có thể trở về nhà ngay lập tức, nhưng phần đông các gia đình có người mất tích sẽ phải chờ đợi trong vô vọng mà không có bất kì thông tin nào được báo về.
Mặc dù là mất tích, nhưng không phải ai cũng là nạn nhân của một vụ bắt cóc hay gặp tai nạn. Đơn giản là họ đang… lẩn trốn – những trường hợp như vậy được một người phụ nữ tên là Maureen Reintjes gọi là sự “mất tích ác ý” (maliciously missing).
“Anh ấy sẽ không bao giờ rời bỏ tôi”
Vào ngày 19 tháng 5 năm 2005, Maureen Reintjes hôn tạm biệt người chồng 24 năm của mình tại ngôi nhà mới của họ ở Las Vegas, Nevada và sau đó anh ta biến mất không một lời từ biệt, không lí do, không báo trước, cứ thế mà “bay màu.”
Jon Van Dyke một trung sĩ Thủy quân lục chiến đã nghỉ hưu và được biết đến như một người đàn ông rất có trách nhiệm với cuộc sống và gia đình. Ông có một cuộc sống mới và hạnh phúc với công việc tại Trung tâm Chỉ huy CitiGroup. Hai vợ chồng đã làm việc chăm chỉ để có thể xây dựng được một tổ ấm cho riêng mình.
“Anh ấy sẽ không bao giờ rời bỏ tôi,” Maureen nghĩ.
Trong bốn năm tiếp theo, nỗi đau khổ mà Maureen phải chịu đựng là vô cùng lớn, nhất là mỗi khi cô tưởng tượng những chuyện khủng khiếp có thể xảy ra với chồng mình. Cơn ác mộng trở nên đáng sợ hơn khi cô gồng mình gánh vác các vấn đề kinh tế của gia đình. Cô đã phải bán căn nhà hiện tại mà gia đình đang sinh sống cùng một căn nhà khác nữa để trang trải hằng ngày. Có một thời gian, Maureen thậm chí đã trở thành người vô gia cư trong sự tranh đấu, cố hiểu tại sao những biến động này lại đột ngột xảy ra với mình. Cô đã dành ban ngày để làm việc và kiếm tiền mưu sinh; đến đêm thì lại ôm máy tính đi tra cứu thông tin về người chồng bị “mất tích.” Nhờ sự giúp đỡ của gia đình và bạn bè trong quân ngũ, Maureen đã lùng sục mọi trang web của các nhân viên điều tra trên khắp nước Mỹ, tìm kiếm thông tin về các thi thể vô danh và hy vọng đó không phải là chồng mình. Những lần tìm kiếm đó đều diễn ra trong dư vị của sự tuyệt vọng.
Sau đó, vào ngày 11 tháng 5 năm 2009 – cũng là sinh nhật của Maureen, sau hơn bốn năm kể từ khi mấy tích, Jon đã quay trở lại. Không một lời giải thích, không hé lộ bất cứ điều gì về sự biến mất bất ngờ của mình, anh trở về, cũng đột ngột như lúc ra đi, và muốn ly hôn với vợ mình. Maureen một lần nữa, nhận hung tin của chồng và cô chẳng biết làm gì ngoại trừ chết lặng.
“Tôi không biết phải cảm thấy thế nào.” Cô ấy nói. “Tôi có rất nhiều cảm xúc khác nhau, nhưng đó đều là những cảm xúc không tên.”
Sau cuộc nói chuyện chớp nhoáng với Jon và các cảnh sát viên, cô bỏ đi và nghĩ rằng có thể chồng mình đã bị suy sụp tinh thần hoặc đột quỵ, “Người đang đứng trước mặt có vẻ ngoài đúng là chồng tôi, nhưng bên trong.. đó không phải là anh ấy.”
Tuy là thế, một thực tế phũ phàng là việc Jon Van Dyke đã làm không hề vi phạm pháp luật.
Có nhiều người cũng đã phải trải qua nỗi thống khổ mà Maureen phải chịu. Gần đây, một người đàn ông tên là David Rockney đã xuất hiện trở lại ở Bartlesville, Oklahoma sau 7 năm ra đi. Lần cuối cùng trước khi biến mất, David đã nói với gia đình rằng anh có hẹn phỏng vấn công việc tại một thị trấn gần đó, nhưng sau đó lại không bao giờ trở về. Vợ anh, Peggy, và gia đình đã chiến đấu với nỗi đau mất mát và sự hoang mang, lo lắng về số phận của chồng mình.
Cảnh sát tiếp tục làm việc với những trường hợp “biến mất tích ác ý” như thế này. Hành động biến mất của Rockney được làm sáng tỏ khi anh ta xuất trình giấy phép lái xe hết hạn của mình cho Sở An toàn Công cộng ở phía Nam Dakota để có thể đổi lấy bằng lái mới. Giờ đây, anh ấy giải thích lý do rời đi của mình là “cá nhân” và rằng anh ấy đã sống sót nhờ làm những công việc kỳ quặc ở Kansas, Nebraska và South Dakota. Sau khi người chồng được tìm thấy, anh đã đệ đơn ly hôn với vợ mình.
Mất tích độc hại: Tại sao biến mất?
Vì không có luật cụ thể nào ngăn cấm một người thoát ly khỏi cuộc sống cũ và bắt đầu một khởi đầu mới. Vậy nên cũng không có bất cứ biện pháp bảo vệ hay hỗ trợ nào cho những gia đình bị “tra tấn tinh thần” như trường hợp của Maureen và Peggy. Với nền kinh tế ảm đạm như hiện nay, các nhà chức trách lo ngại rằng áp lực tài chính ngày càng gia tăng sẽ kéo theo những trường hợp “mất tích ác ý” này.
Những người khác tự nguyện biến mất đang chạy trốn với cuộc sống khắc nghiệt – với những vấn đề vượt quá sức chịu đựng của họ, chẳng hạn như ngược đãi gia đình. Một số khác lại có vấn đề về tâm thần. Trong khi đó, nhiều trường hợp chỉ đơn thuần là muốn bắt đầu một cuộc đời mới.
Việc làm ác ý nhưng không phạm luật
Những trường hợp “mất tích ác ý” này đặc biệt khó khăn đối với cảnh sát vì đơn giản là hành vi biến mất của một người không phải là một việc làm bất hợp pháp. Bất kỳ ai cũng có thể bỏ ngang công việc đang dang dở, chuyển nhà qua đêm, cắt đứt quan hệ với bạn bè và gia đình, v.v.
Theo luân thường đạo lý, không ai có quyền từ bỏ trách nhiệm với cá nhân, gia đình, và cuộc sống của mình – các khoản thanh toán thế chấp, hóa đơn tiền điện tiền nước, tiền chu cấp nuôi con, và các khoản chi tiêu khác theo ủy quyền của tòa án. Tất nhiên, vấn đề nằm ở việc xác định vị trí và đưa ra công lý những kẻ cố tình biến mất để trốn tránh trách nhiệm cuộc sống, để lại những gánh nặng cho người thân gia đình ở lại. Song, nghĩa vụ của một cảnh sát không phải là dành thời gian và công quý quốc gia để tìm kiếm một người không muốn được tìm thấy. Trừ khi họ có thể chứng minh rằng, những người biến mất đang lẩn trốn một tội ác nào đó (như trốn lệnh truy nã, án tù treo).
Nguồn: HuffPost
Thảo luận về bài viết