Mỗi người chúng ta có một cơ thể khác nhau. Theo thời gian, cộng với sự ảnh hưởng của nhiều yếu tố, thân hình và cảm nhận của ta về nó dần thay đổi. Một số người biết cách yêu mình, nhưng cũng có không ít người sinh ra cảm giác chán ghét chính cơ thể mình sở hữu.
Thế nào là cảm nhận ngoại hình?
Cảm nhận ngoại hình (body image) là cảm giác của bạn về cơ thể khi nhìn mình trong gương, hoặc khi hình dung về mình trong tâm trí.
Cảm nhận ngoại hình bao gồm các yếu tố như:
– Những suy nghĩ của bạn về cơ thể mình: ký ức, định kiến, đánh giá chung,…
– Cảm giác của bạn về cơ thể mình: chiều cao, cân nặng, hình dáng
– Cách bạn cảm nhận và kiểm soát cơ thể mình khi cử động
– Những trải nghiệm, cảm giác về mặt thể chất của bản thân
Mặc dù có chung bộ gen người, mỗi cá nhân đều có những đặc tính khác nhau về mặt di truyền, biểu hiện rõ ràng dễ thấy nhất là về mặt vật lý – khung xương, hình dáng, và kích thước cơ thể. Đó là chưa kể đến chế độ sinh hoạt khác nhau của mỗi người.
Nếu bạn và cạ cứng của mình ăn uống giống nhau, sinh hoạt cùng nhau, tập tành như nhau, thì sau một năm cơ thể của cả hai cũng không trông giống nhau được. Ngược lại, anh (chị) em sinh đôi vẫn sẽ có những biểu hiện thể chất khác biệt cả về khuôn mặt lẫn cơ thể nếu chế độ, môi trường sinh sống và làm việc của họ khác nhau.
Cảm nhận ngoại hình tích cực (positive body image) là việc nhìn và chấp nhận cơ thể mình theo cách rõ ràng, chân thực nhất. Chân ngắn, thì tức là chân ngắn. Tỉ lệ eo-hông không chuẩn, thì tức là nó không chuẩn.
Bạn thấy thoải mái, tự tin với bo-đì đang sở hữu mặc dù biết rõ nó còn nhiều khuyết điểm. Bạn yêu thương, tôn trọng cơ thể mình mặc kệ cao thấp gầy béo ra sao. Bạn cũng hiểu được rằng ngoại hình của một người không phản ánh toàn bộ nội tâm, tính cách, giá trị của họ. Vì thế, việc ai đó trông như thế nào chưa bao giờ, và cũng không bao giờ, nên được lấy ra làm thước đo để đánh giá họ.
Trong khi đó, cảm nhận ngoại hình tiêu cực được định nghĩa là một cách nhìn lệch lạc về bản thân mình. Nó bao gồm cảm giác xấu hổ, bất an, mặc cảm, thậm chí chán ghét của một người đối với cơ thể của họ. Những người mang cảm giác tiêu cực về ngoại hình đánh giá bản thân không hoàn hảo, luôn ‘tìm ra’ được ít nhất một điểm nào đó thua kém người khác trên cơ thể mình. Từ chuyện cảm thấy tiêu cực, họ sẽ dễ gặp phải những vấn đề nghiêm trọng hơn, như trầm cảm, tự cô lập, tự ti, và rối loạn ăn uống.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc một người cảm giác tiêu cực về cơ thể mình (và những hệ quả sau đó). Truyền thông là một trong số đó. Điều này đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu khác nhau. Áp lực về ngoại hình và tiêu chuẩn về cái đẹp mà những phương tiện truyền thông mang đến, cho dù trực tiếp hay gián tiếp, góp phần gây ra những cảm nhận ngoại hình tiêu cực cho chúng ta.
Những thủ thuật truyền thông lợi dụng nỗi sợ, tâm lý tự ti của người tiêu dùng, cùng với “trợ thủ” đắc lực là mạng xã hội – nơi ai cũng có thể tô vẽ cho mình một profile cá nhân siêu lung linh – có tác động vô cùng lớn đến cách một người nhìn nhận về bản thân. Ảnh hưởng này càng thể hiện rõ hơn ở những đối tượng mà khả năng nhận thức chưa phát triển và mức độ hiểu biết về chính mình chưa cao, ví dụ như thanh thiếu niên và / hoặc người có ít trải nghiệm sống.
ProjectKnow – một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập để hỗ trợ những người mắc chứng nghiện – đã thực hiện những nghiên cứu về việc mối liên hệ của các phương tiện truyền thông mạng xã hội (social media) với hội chứng rối loạn ăn uống và rối loạn khiếm khuyết cơ thể (BDD – Body dysmorphic disorder).
Kết quả cho thấy, social media là mảnh đất màu mỡ để thanh thiếu niên tiếp cận các quy chuẩn hình thể, cũng như những định kiến văn hóa-xã hội khác nhau về tính nam và tính nữ ở mỗi con người. Nếu trước đây, vòng tròn giao thiệp của người trẻ chỉ gói gọn trong phạm vi bạn bè đồng trang lứa, hoặc những người có tương đồng với mình về khía cạnh nào đó trong cuộc sống (xuất thân, môi trường giáo dục, sở thích,…) thì giờ đây, họ dễ dàng tiếp xúc với hàng nghìn, hàng triệu người khác nhau, với những tiêu chuẩn, ý kiến, hành vi khác nhau.
Tại Hoa Kỳ, có 30 triệu người thuộc mọi giới tính và độ tuổi mắc phải hội chứng rối loạn ăn uống. Đây cũng là rối loạn có tỉ lệ tử vong cao nhất – cứ mỗi 62 phút sẽ có ít nhất một người chết vì những ảnh hưởng trực tiếp từ hội chứng này. Điều đáng lo ngại nhất là có hơn 70% người bị rối loạn ăn uống cho biết họ sẽ “không tìm cách chữa trị” vì lo ngại bị kỳ thị, bao gồm cả những kỳ thị nhắm đến trạng thái cơ thể của họ sau chữa trị (tăng cân lại bình thường) hay chỉ vì sự thật rằng họ đã đi tìm kiếm giải pháp cho mình.
Ở Việt Nam hiện chưa có nhiều thống kê chính xác, do rối loạn ăn uống hay rối loạn khiếm khuyết cơ thể đều là những khái niệm còn khá mới. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu từ 2015, thực hiện trên 244 sinh viên nữ tại một Đại học ở Hà Nội, thì có 45,3% trong số đó bị thiếu cân, và gần 48,8% có khả năng cao bị rối loạn ăn uống (đánh giá dựa trên khảo sát sàng lọc SCOFF – một công cụ sàng lọc xu hướng mắc các hội chứng rối loạn ăn uống).
Điều cần nhất là biết cách bảo vệ, che chắn chính mình trước những tác động của thế giới mạng xã hội thật ảo đan cài. Nếu bạn cảm thấy ghen tị với thân hình của ai đó để rồi mặc cảm về chính mình, thì hãy cứ nhớ một điều rằng: mạng ảo không phản ánh cuộc sống thật.
Những gì bạn thấy chỉ là những thứ bạn “được phép” thấy. Nhật ký hoạt động của một người không bao gồm mọi thứ xảy ra với họ hôm đó. Dòng thời gian của một tài khoản không hiển thị hết các sự kiện trong đời họ. Những trạng thái, hình ảnh, tin tức người khác đưa lên mạng đều là những thứ đã được lựa chọn, trau chuốt vì một mục đích cụ thể nào đó.
Từ bỏ mạng xã hội là lời khuyên thường gặp. Thế nhưng đây không phải là điều dễ thực hiện với nhiều người, nhất là những ai cần đến nó vì yêu cầu công việc. Hơn nữa ngoài hạn chế thì mạng xã hội vẫn mang lại những ích lợi nhất định. Do đó, thay vì từ bỏ, bạn có thể từ từ điều chỉnh thói quen sử dụng mạng xã hội cho phù hợp hơn với nhu cầu của bản thân.
Lần tới, khi lướt Facebook hay Instagram, hãy để ý đến cảm nhận của mình hơn. Bạn có thấy vui khi đọc post của người B này, người C nọ không? Có thông tin nào làm bạn thấy khó chịu, ảnh hưởng đến cách bạn nhìn nhận chính mình không? Liệu những người / tin tức này có phải là thứ bạn muốn dành thời gian cho hay không? Hãy cân nhắc kỹ về những cá nhân, tập thể, hay những thông tin mà bạn muốn theo dõi trên mạng xã hội, trước là để bảo vệ, sau là để giúp cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần của chính mình.
Nếu ai đó khiến bạn thấy phiền, đừng ngại hạn chế hoặc bỏ hẳn việc theo dõi (follow) họ. Bạn có quyền, hơn nữa đối phương cũng chẳng nhận được thông báo đâu.
Ngoài ra, bạn cũng có thể thực hành yêu cơ thể bằng nhiều cách khác nhau, ví dụ như:
– Trân trọng và biết ơn cơ thể từ những điều nhỏ nhất.
– Liệt kê những thứ bạn yêu thích trên bo-đì của mình.
– Nhìn nhận bản thân với tư cách một con-người hoàn chỉnh, bao gồm tất cả mọi thứ ở trong lẫn ngoài, chứ không phải chỉ có ngoại hình.
– Ăn những gì bạn thích. Đừng ép buộc mình phải nhịn hay ăn uống hà khắc nếu điều đó không làm bạn thoải mái và gây hại đến cơ thể bạn (bị mất cân, mệt mỏi, giảm cơ bắp,…).
– Dành thời gian với những người tích cực.
– Tiếp xúc và nhìn nhận những thông điệp, hình ảnh trên mạng xã hội một cách có chọn lọc và tỉnh táo hơn.
– Luôn nhắc nhở bản thân, cũng như mọi người rằng, vẻ đẹp của một con người không nằm ở bề ngoài của họ, cũng không nằm trong “con mắt kẻ si tình”, mà nằm ở cái nhìn họ dành cho chính mình.
(Bài viết sử dụng tư liệu từ soyouwantotalkabout, ProjectKnow, và Mark Moore)
Xem thêm:
Body positivity: Khi đàn ông cũng cần nới lỏng các tiêu chuẩn về ngoại hình
#LocalZine: Triển lãm “Ảo Mỡ” và Body Shaming – khi định kiến ngoại hình được kế thừa từ quá khứ
#HọNóiLà: Cùng Lưu Kim “Đét” chia sẻ về lời nhận xét kỳ cục nhất về ngoại hình
Thảo luận về bài viết