Có những giải thưởng không chỉ ý nghĩa với người được vinh danh mà còn là sự ghi nhận cho cố gắng của cả một tập thể và những người đồng hành, ủng hộ hành trình đó. Câu chuyện về cô giáo Hà Ánh Phượng cùng giải thưởng được ví như Nobel cho ngành giáo dục chính là một ví dụ như vậy. Global Teacher Prize không chỉ là thành quả riêng của người thầy mà còn là sự động viên dành học sinh miền núi, và niềm tự hào của nền giáo dục nước nhà.
Vào ngày 11/11/2020 vừa qua, cô giáo Hà Ánh Phượng, giáo viên môn tiếng Anh của trường THPT Hương Cần – Phú thọ đã được công nhận là top 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu năm 2020 do quỹ Varkey Foundation lựa chọn, cùng với 9 giáo viên khác đến từ Italy, Brazil, Vương quốc Anh, Mỹ, Nam Phi, Nigeria, Ấn Độ, Malaysia, Hàn Quốc.
Nói về niềm vinh hạnh này, cô giáo Phượng bộc bạch: “Dù thế nào thì tôi vẫn là một cô giáo đang gieo chữ ở một trường thuộc miền núi khó khăn của tỉnh Phú Thọ. Tôi cần nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của mọi người.”
I. Hành trình từ lớp học vườn chuối nhìn ra thế giới
Từ nhỏ, Hà Ánh Phượng đã hiểu rõ ước mơ đi theo con đường nhà giáo của mình. Mong muốn đấy đã được cô và gia đình nuôi nấng từ những hành trình đi vài chục cây số của bố chỉ để mua cho con một cuốn sách tham khảo, cho đến nỗ lực đạt học bổng Hoa Trạng nguyên – giải thưởng dành cho thủ khoa tốt nghiệp THPT do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp Tập đoàn Tân Tạo trao tặng. Năm 2011, cô tiếp tục là một trong 14 sinh viên châu Á đoạt học bổng tiềm năng lãnh đạo do Viện Giáo dục quốc tế Mỹ IIE trao tặng.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Hà Nội với tấm bằng ưu tú, Hà Ánh Phượng được một công ty dược Pakistan mời về làm giám đốc đại diện kiêm phiên dịch viên với mức lương hấp dẫn. Nhưng Phượng từ chối để tiếp tục học thạc sĩ ngành sư phạm tiếng Anh và nhận bằng năm 2016. Giấc mơ trở thành cô giáo của Phượng từ đây đã thành hiện thực.
Cô giáo Phượng hiện đang giảng dạy tại một trường miền núi, nơi hơn 90% học sinh là người dân tộc thiểu số, ít có cơ hội thực hành Tiếng Anh. Để giúp học trò phát triển ngoại ngữ, tìm hiểu về văn hóa các nước khác, cô giáo người Mường thường tổ chức các lớp học xuyên biên giới. Ở đó, nhờ công nghệ, cô kết nối lớp học của mình với các trường học trên khắp thế giới.
Đến nay, khi được hỏi rằng: “Động lực gì khiến em hy sinh cơ hội làm Giám Đốc đại diện của công ty nước ngoài để về làm cô giáo trường làng vậy. Cô gái này vẫn đáp lại vô cùng giản dị:
Hà Ánh Phượng
Hy sinh gì đâu anh! Làm giáo viên miền núi là sứ mệnh và mục tiêu phấn đấu của em mà
II. “khi thầy cô thay đổi, học sinh sẽ thay đổi”
Trong bộ phim Start – Up của Hàn Quốc đang gây sốt gần đây, có một câu thoại rất nổi tiếng là: “Hãy cùng ra khơi không cần bản đồ.” Nếu nghe qua thì sẽ thấy câu nói này có chút bộp chộp và liều lĩnh, nhưng đôi khi trái tim chính là chiếc la bàn đưa lối hiệu quả nhất.
Đó chính là lý do tại sao mà không cần Visa hay bất cứ tấm bản đồ nào, cô giáo Phượng và học trò của mình vẫn có thể cùng nhau đi “du lịch” tới 30 quốc gia. Những cô cậu học trò miền núi vốn rụt rè, chỉ dám im lặng lúng túng nhìn một thầy giáo Tây trên màn hình máy tính, đùn đẩy nhau giao tiếp hoặc chỉ dám nhút nhát chào “hello” nay đã có thể tự tin giao tiếp với những người bạn ngoại quốc.
Để giúp học trò phát triển ngoại ngữ, tìm hiểu về văn hóa các nước khác, cô giáo người Mường thường xuyên tổ chức các lớp học vượt ra rất xa khỏi ranh giới bụi chuối, trường làng. Ở đó, nhờ công nghệ, cô kết nối lớp học của mình với các trường học trên khắp thế giới. Thông qua Zoom, Skype và các phần mềm giao tiếp khác, cô giáo Phượng đưa học sinh của mình tới gặp các giáo viên tiếng Anh ở châu Á, châu Phi, châu Âu và Mỹ, gắn kết những học trò người dân tộc thiểu số với bạn bè quốc tế. Vì thế, Global Teacher Prize đánh giá cô Phượng là “giáo viên toàn cầu”.
“Tôi hiểu hơn về phần mềm Skype qua diễn đàn giáo dục ứng dụng toàn cầu của Microsoft, nơi quy tụ các nhà giáo dục thế giới ở nhiều bộ môn khác nhau. Nhờ đó, tôi có thể kết nối lớp học của mình với lớp học của các thầy cô giáo ở các quốc gia khác. Với tôi, Anh ngữ là sinh ngữ. Vì thế, việc tạo ra môi trường học ngoại ngữ sinh động, sáng tạo cho các em là rất quan trọng”
cô Hà Ánh Phượng chia sẻ về lớp học không biên giới của mình.
III.Nhiều hơn một giải thưởng cho chính mình
Từ huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ, các học trò của cô có thể tự tin giới thiệu về những nét văn hóa đặc trưng của người Mường với giảng viên và bạn bè người Mỹ qua buổi học trực tuyến ở hai đầu thế giới. Các học sinh cũng đã rất tự tin thuyết trình trong buổi báo cáo dự án “Say no to plastic straw” – “Nói không với ống hút nhựa” – trong một giờ học kết nối hơn 7 quốc gia tới từ 4 châu lục.
Trong tiết học này, các em đã mang đến những sản phẩm được làm từ chiếc ống hút tre và giới thiệu quy trình làm ra sản phẩm ấy để lan tỏa tới các bạn bè quốc tế.
Dự án quốc tế “Say no to plastic straw” của nhóm học sinh do cô Phượng hướng dẫn đạt top 150 sản phẩm xuất sắc nhất trong cuộc thi Dạy học sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin do Bộ GD-ĐT phối hợp với Tập đoàn Microsoft tổ chức. (Theo báo Người Lao động)
Trong giai đoạn cuộc sống xáo trộn vì dịch Covid-19, cô giáo Phượng lại tiếp tục áp dụng kinh nghiệm giảng dạy của mình để hỗ trợ đồng nghiệp giảng dạy online khi học sinh không được tới trường. Không dừng ở đấy, cô còn là giáo viên hỗ trợ trong và ngoài tỉnh về kỹ thuật dạy học trực tuyến và quảng lý lớp. Cô vừa dạy học ở trường THPT Hương Cần vừa tham gia dạy học qua truyền hình, YouTube, hoạt động hội nhóm chuyên môn, viết sách hướng dẫn ôn thi, ra app học trực tuyến môn Tiếng Anh.
IV.Kết
Đúng như những gì cô giáo trẻ từng mơ: “Bất cứ học sinh nào ở bất kỳ đâu cũng có thể thừa hưởng một nền giáo dục tốt nhất,”cô Phượng và học trò đã làm nên “điều kỳ tích”: Học sinh ở miền Quê cũng có thể vượt qua mọi giới hạn và trở thành công dân toàn cầu.
Với những nỗ lực và thành tích đạt được trong sự nghiệp giáo dục, tháng 9, cô Hà Ánh Phượng được vinh danh là điển hình tiên tiến tại Đại hội thi đua ngành giáo dục toàn quốc.
Có thể bạn quan tâm
#KhôngQuạu: Gaslighting – Khi người yêu trở thành người điều khiển rối
#KhôngQuạu: Phụ nữ có tuổi tại sao không được “thân ai người nấy khoe”?
#KhôngQuạu: Rape culture – Nạn nhân hay ả phù thuỷ cần “ném đá”?
#KhôngQuạu: Gaslighting – Khi người yêu trở thành người điều khiển rối
Thảo luận về bài viết