#LocalZine là tập hợp những câu chuyện và trải nghiệm về đời sống, văn hóa Việt
Tục ngữ Việt Nam có câu Ăn hương ăn hoa, ý muốn nói việc ăn lấy vị, ăn một ít gọi là, chủ yếu để thưởng thức. Tuy nhiên, ẩm thực Việt đã chứng minh… điều ngược lại, khi trên mâm cơm Việt không hề thiếu những món ăn có nguyên liệu là những loài hoa, từ các món bình dị, dân dã nhất, đến những món ăn sang trọng và đòi hỏi sự cầu kỳ trong chế biến cũng như bày biện.
Thực tế, theo WorldKings, Việt Nam được công nhận là nước sở hữu nhiều món ăn làm từ hoa nhất thế giới, với 272 món làm từ 43 loài hoa khác nhau, và con số này sẽ còn tiếp tục tăng.
Hoa sen
Không kể đâu xa, sen – loài hoa được xem như quốc hoa của Việt Nam – chính là một ví dụ điển hình khi nhắc đến các loài hoa dùng làm thực phẩm. Không những hoa, mà hầu hết các bộ phận của sen đều có giá trị dược liệu cũng như ẩm thực.
Gương sen phơi khô có thể dùng thay củi. Lá sen đem gói cơm, gói xôi không những giữ được lâu mà còn làm cho món ăn có hương vị rất riêng, không lẫn đi đâu được. Hạt sen tươi hay khô đều có thể dùng để nấu chè, làm bánh, làm mứt, hoặc làm nguyên liệu trong các món tiềm. Ngó sen làm gỏi. Củ sen làm canh. Sen là một trong số ít những loại thực phẩm mà người ta ăn được… tất tần tật, chẳng để phí bộ phận nào.
Riêng hoa sen có vị ngọt, hơi đắng, gắn liền với một món ăn đã trở thành giai thoại, được sáng tạo chẳng bởi một đầu bếp nào, mà từ một… nhà văn. Đó là món vịt hấp hoa sen của Tản Đà.
Ông cho rằng tinh túy của sen đọng lại ở hoa, nên dùng cánh hoa sen phủ kín vịt để hấp cách thủy. Vịt ở đây là vịt tơ vừa, được làm sạch bằng rượu, khử mùi bằng gừng, ướp gia vị cho thấm trước. Khi vịt chín, bao nhiêu hương hoa ngấm hết vào thịt. Ăn cả thịt vịt mềm, không bị béo ngậy cùng hoa thơm, ngọt. Ăn đến hết vẫn còn vương vấn hương vị, cứ như là: “Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng” (Nguyễn Du).
Hoa chuối
Tuy không “vương giả” như sen, nhưng chuối cũng là một loại hoa dùng để chế biến món ăn. Các món ăn từ hoa chuối phổ biến trên khắp các miền đất nước. Miền Bắc gọi là hoa chuối, còn miền Nam gọi là bắp chuối. Hoa chuối có vị nhạt, chát nhưng khi kết hợp với các loại nguyên liệu khác sẽ tạo thành những món ăn với hương vị lạ lẫm, độc đáo.
Người ta thường dùng hoa chuối để nấu canh chua, hoặc dùng làm rau chần, rau ghém để ăn kèm các món nước. Ở Huế, bắp chuối là “vedette” của đĩa rau sống khi ăn bún bò hay bánh khoái. Nhưng có lẽ “nổi tiếng” và được ưa chuộng hơn cả là món gỏi bắp chuối (nộm hoa chuối).
Ngoài ra, bắp chuối còn có mặt trong rất nhiều món chay. Bà Hoàng Thị Kim Cúc, giáo viên dạy nữ công của trường Đồng Khánh khi xưa, người được “truyền tụng” là nàng thơ của Hàn Mặc Tử trong bài Đây thôn Vỹ Dạ, có cách nấu món bắp chuối ram trong bữa tiệc chay vô cùng nổi tiếng xứ Huế:
“Bắp chuối chẻ đôi theo chiều dọc, luộc mềm, ép ráo nước. Tương, xì dầu, tiêu, muối, đường, bột ngọt, ngũ vị hương trộn đều rồi đem xoa vào từng lá bắp chuối cho thấm. Khi rán, lấy bột mì hòa nước lạnh cho sền sệt, trộn thêm các gia vị nói trên. Phết hồ bột mì lên lá bắp chuối, cho lên chảo dầu đang nóng ram vàng đều. Khi ăn, cắt thành miếng nhỏ, trộn xì dầu, tương, đường, gừng lên trên là được.”
Hoa thiên lý
Cây thiên lý là cây thân leo dài hàng mét. Hoa mọc thành chùm màu vàng chanh hay trắng ngà. Ban đêm hoa tỏa hương thơm ngát, nên còn được gọi là Dạ lý hương. Hoa thiên lý giống như cái chuông gió nhỏ, lấp ló trong những tán lá xanh mướt. Bên cạnh mùi hương, hoa thiên lý còn có vị ngon ngọt, ăn mát, được người miền Bắc xem như một loại rau có sẵn trong nhà.
Canh thiên lý mang hương vị đặc trưng của mùa hè. Hoa hái lúc sáng sớm, màu hoa còn đẹp, vị sẽ ngọt hơn. Người ta có thể nấu canh hoa thiên lý với thịt heo bằm, giò sống. Chỉ cần một nhúm hoa nhỏ thôi là canh đã tỏa mùi thơm ngát. Ngoài ra, người ta còn dùng hoa thiên lý để nấu canh chay.
Trong Thực phổ bách thiên – quyển sách dạy nấu ăn bằng thơ đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam – có bài thơ dành riêng để nói về món canh dân dã mà vô cùng độc đáo này: Bắp non lại với các rau mùi / Huê Lý măng giang bỏ lạ màu / Nấm mối thay tôm vừa đủ ngọt / Muối rang thế ruốc kém gì nhau”.
Bông bí
Bông bí cũng là một loại hoa quen thuộc, có mặt trong rất nhiều món ăn Việt. Với sắc vàng đặc trưng, bông bí được xem là món ăn dân dã, bởi các món có bông bí không cần qua chế biến cầu kỳ.
Hè là lúc bông bí vào mùa. Miền Bắc thường luộc bông bí vì có vị ngọt thanh, phần tiếp giáp giữa cuống và bông ăn giòn giòn dai dai. Những món canh mùa hè cũng thường được nấu cùng bông bí, nêm thêm ít vị chua. Miền Nam thì phổ biến món lẩu hoa, gồm có bông bí, điên điển, so đũa. Ngoài ra, ngoài ra, không thể không kể đến món bông bí dồn thịt (hay còn gọi là chả bông bí) – một món ăn hơi “mất công” chuẩn bị hơn một chút, nhưng vô cùng xứng danh đặc sản khó cưỡng của miền Tây sông nước.
Bông điên điển
Mỗi năm, cứ khoảng một tháng sau khi nước lên, bông điên điển lại nở vàng rực rỡ giữa những dòng nước nặng phù sa của miền Tây. Điên điển còn được gọi là “hoa mùa lũ” hay “hoa cứu đói”. Mùa nước ngập, tạm thời không đi làm việc đồng áng, người ta chống xuồng đi hái bông điên điển tươi để đổi gạo, làm dưa, hoặc dùng bông làm thức ăn chống đói.
Bông điên điển dùng làm rau sống nhúng lẩu cá, lẩu mắm, xào tép, thay giá làm nhân đổ bánh xèo với thịt heo, ăn với các loại rau, đọt trong vườn, chấm nước mắm pha tỏi ớt; bông điên điển làm mắm chay hoặc nấu canh chua rất ngon. Ngoài ra, mùa điên điển ra bông cũng là mùa cá linh từ Biển Hồ trôi xuống vùng sông Tiền, sông Hậu. Cá linh nấu với me sống làm lẩu, chỉ nhúng mỗi bông điên điển là đủ ngon nhớ mấy ngày trời.
Bông so đũa
Bông so đũa cũng là một loại hoa để chế biến món ăn nổi tiếng của ẩm thực miền Nam. Loài hoa có cái trên khá lạ này rất dễ dàng tìm thấy ở hầu khắp các tỉnh thành phía nam. So đũa mọc hoang hoặc được trồng ở các vùng bờ quanh ruộng. Bông so đũa màu trắng hoặc tím, thường chỉ nở từ tháng 10 đến tháng 12, ăn có vị nhân nhân đắng, nhưng nuốt xuống khỏi miệng thì để lại vị ngọt khó quên.
Vào mùa so đũa, người ta thường hái những bông tươi từ sáng sớm, nhặt bỏ cuống và vị đắng, bỏ đài, sau đó rửa nhẹ rồi chế biến thành những món canh chua cá rô, canh chua với khế, cá linh, không có cá thì thay bằng tôm, tép, hoặc làm lẩu chua cùng một số loại rau khác.
Đơn giản hơn, người ta thường luộc bông so đũa, chấm với nước mắm kho quẹt hoặc luộc chung với các loại rau khác, ăn giải nhiệt trong mùa hè oi bức. Dân dã là thế nhưng chúng lại là món ăn khoái khẩu của bao người.
Kết
Ai cũng biết hoa dùng để ngắm, nhưng với người Việt Nam, hoa còn dùng để ăn. Còn nhiều nữa những loài hoa làm nên những món ăn mà người ta “ăn thật”, chứ chẳng ăn lấy hương lấy vị nữa. Những món ăn từ hoa, bình dị có, sang trọng cũng có, là những mảnh ghép rất riêng của mỗi vùng miền vào bức tranh ẩm thực Việt đa dạng đầy màu sắc. Nét độc đáo này không phải nền ẩm thực nào cũng có được, là hương Việt Nam mà người con xa xứ nào cũng nhớ về.
Thảo luận về bài viết