Như phần lớn chúng ta, Melinda Babits cũng không thoát kiếp làm sen cho ‘quàng thượng’ — nhưng quàng thượng của chuyên gia động vật học này chắc sẽ làm nhiều người khóc thét…
“Loài vật yêu thích của tôi là gián. Theo tôi thì chúng là những con vật cưng rất tuyệt đó chứ!”
Khi còn là một cô bé, Babits từng nuôi gián để làm nguồn thức ăn cho pet của cô lúc đó — những chú thằn lằn. Nhưng rồi Babits nhận ra loài vật này dường như có một thế giới, thậm chí là cả những nét tính cách riêng. “Sau khi quan sát cách chúng tương tác với nhau, con này đánh con kia, con đực tán tỉnh con cái,… tôi nhận ra mình đã yêu những sinh vật này.”
Cô bé Melinda Babits ngày ấy hiện đang là nghiên cứu sinh tại khoa Động vật học tiến hóa và Sinh học người tại Đại học Debrecen (Hungary), tiếp tục theo đuổi những quan sát đầu đời của mình với những nghiên cứu về tính cách của côn trùng.
Ước tính, có khoảng 10 nghìn triệu tỷ (10 và 18 chữ số không theo sau) con côn trùng đang sinh sống trên Trái đất. Nói cách khác, cứ mỗi một con người thì sẽ có khoảng 1 tỉ con côn trùng. ‘Tương quan lực lượng’ khủng khiếp là thế, nhưng chúng ta lại chẳng mấy để tâm đến côn trùng, cho rằng chúng chỉ là những sinh vật bé xíu giỏi ăn giỏi đẻ, mục đích tồn tại là để làm phiền con người. Nhưng như Babits đã nói, “Loài động vật này có rất nhiều xung quanh, chúng ta chỉ cần biết cách làm quen tốt hơn mà thôi.”
Bài kiểm tra tính cách cho côn trùng
Những bài test do Melinda Babits phát triển tất nhiên sẽ không nhằm mục đích xác định một con côn trùng cụ thể thuộc nhóm nào trong MBTI hay Nhà nào trong Hogwarts. Cái mà chúng ta đang gọi là tính cách ở côn trùng ít phức tạp hơn nhiều so với ở con người — một số đặc điểm mà ta thường liên kết với tính cách không thể đem đi áp dụng trực tiếp cho côn trùng (hay bất cứ loài động vật nào khác).
Để dễ hình dung, hãy nghĩ về cách bạn mô tả pet nhà mình — ưa chạy nhảy, ham chơi, thích sạch sẽ, hay quấn chủ,… — sau đó so với hình ảnh của đứa bạn thân — những đặc điểm nổi bật khi bạn gặp họ lần đầu, những hoạt động và sở thích mà họ quan tâm, cách họ giao tiếp và thể hiện bản thân…
Ở côn trùng, tính cách được Babits và các đồng nghiệp định nghĩa là “sự khác biệt nhất quán của từng cá thể”. Điều này có thể được quan sát trên cùng một cá thể côn trùng qua những quãng thời gian hoặc trong các tình huống khác nhau.
Các đặc điểm tính cách được nghiên cứu nhiều nhất ở côn trùng là tính bạo dạn, hòa đồng, và hiếu chiến. Trong nghiên cứu của mình, mục tiêu của Babits là đo lường sự khác biệt về tính cách giữa các cá thể côn trùng cùng loài, cụ thể là loài bọ lửa (Pyrrhocoris apterus).
Côn trùng không biết làm trắc nghiệm, thế nên bài kiểm tra tính cách dành cho côn trùng cũng phải được thiết kế phù hợp. Để ngăn ‘đối tượng tham gia’ chạy mất, những chú bọ lửa được thả vào một khu vực hình tròn, rải rác xung quanh là những vật thể lạ (như nắp chai bằng cao su). Mọi chuyển động của chúng đều được ghi lại bằng camera, sau đó đem đi phân tích để xem xét mức độ khám phá nơi ở mới và kiểu tương tác của từng cá thể. Khoảng 1-3 ngày sau đó, bài test được lặp lại với cùng những chú bọ này, để test mức độ nhất quán trong hành vi của chúng.
Chỉ có những con bọ lửa dạn dĩ nhất mới tiên phong làm điều mà chưa có chú bọ nào từng làm — đi khám phá những chiếc nắp chai. Tuy nhiên, Babits cũng lưu ý rằng bạo dạn ở đây chỉ mang tính tương đối. Chúng ta không thể khẳng định một con bọ là dạn dĩ hay nhút nhát, mà chỉ có thể đánh giá là nó táo bạo hơn những con khác.
Hai khía cạnh khác trong phần kiểm tra tính cách của bọ lửa là tính năng động và khả năng khám phá. “Chúng thường có liên quan với nhau. Ví dụ như để xem xét sự năng động, tôi cần phải quan sát xem những con bọ dành ra bao nhiêu thời gian để đi khám phá môi trường xung quanh. Khả năng khám phá sẽ được liên kết với không gian — một số con chỉ thích đi tới đi lui trong một khoảng không nhỏ, nhưng một số khác thì lại cố gắng thám hiểm hết các ngóc ngách.”
Đặc điểm còn lại là tính hòa đồng. Để tìm hiểu khía cạnh này, Melinda Babits và đồng nghiệp đã lập bản đồ liên kết xã hội của côn trùng. Họ đặt mã màu cho 6 con bọ lửa, đồng thời đánh dấu 18 điểm khác nhau trong khu vực thí nghiệm. Nếu có 2 con bọ ở cùng một vị trí, trong cùng một thời gian, và có tương tác vật lý, thì chúng được xem là ở trong cùng một liên kết xã hội. Nhóm nghiên cứu đo lường số lượng tương tác như vậy trong 12 tiếng đồng hồ. Cũng như con người, có một số bọ lửa tương tác xã hội rất năng nổ, trong khi số còn lại thì tận hưởng một cuộc sống trầm lặng hơn.
Không có hai con côn trùng nào là giống nhau cả
Những nghiên cứu về tính cách của côn trùng phục vụ điều gì? Theo chia sẻ của Babits, cách một cá thể côn trùng xử sự góp phần định hình mối quan hệ giữa nó với các cá thể khác, gián tiếp ảnh hưởng đến hành vi của nhóm hoặc quần thể. Ngoài ra, tính cách còn tác động đến sức khỏe của một cá thể hoặc cả nhóm. Đơn cử như việc bọ lửa có thể truyền ký sinh trùng cho nhau, vì thế một chú bọ hòa đồng với vòng tròn xã hội rộng sẽ có nhiều khả năng lây bệnh hơn một chú bọ thích sống ẩn dật.
Đa dạng về tính cách còn có thể là chìa khóa sinh tồn với một số loài côn trùng. Các kiểu tính cách khác nhau sẽ đem lợi ích đến cho cả thể hoặc cả đàn trong những tình huống khác nhau. Ví dụ khi khan hiếm thức ăn, những cá thể dạn dĩ, ưa khám phá sẽ có thể tìm ra nguồn thức ăn mới cho nó và cho đàn.
Tương tự như chuyện nghiên cứu các đặc điểm tính cách ở người để đưa ra dự đoán về những thứ như nguy cơ mắc bệnh, sự hài lòng công việc, hoặc xu hướng phản ứng với stress, việc tìm hiểu về tính cách côn trùng sẽ giúp các nhà khoa học có cái nhìn sâu sắc hơn về các khía cạnh khác trong hành vi của chúng, ví dụ như khai mở môi trường sống, tổ chức xã hội, và thu nhận thức ăn.
Ở thời điểm hiện tại, những nghiên cứu của Babits về tính cách côn trùng vẫn chưa đủ sâu rộng để có thể đưa ra kết luận. Để tránh việc tính cách bị ảnh hưởng bởi hành vi giao phối, Melinda Babits chỉ thực hiện thí nghiệm trên các nhóm một giới tính (hoặc đực, hoặc cái). Babits dự định sẽ tiếp tục công trình này với những thí nghiệm khác trong tương lai. “Sẽ rất thú vị nếu trong nhóm có cả con đực và con cái. Chúng ta có thể xem xét liệu các cá thể sẽ tương tác với ‘nhóm bạn nam’ hay ‘nhóm bạn nữ’ nhiều hơn, và điều này sẽ gây ra thay đổi thế nào lên cả nhóm.”
Các nhà khoa học cũng có thể sử dụng những kết quả từ các thí nghiệm tính cách côn trùng để làm tiền đề nghiên cứu sâu hơn về hành vi của những động vật bậc cao khác. Những kiến thức này có thể dùng để phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau, ví dụ như thiết kế môi trường sống tốt hơn cho động vật trong những khu bảo tồn.
Công trình của Melinda Babits được thúc đẩy bởi tình yêu của cô dành cho côn trùng. Thực tế thì cô đã nuôi gián làm thú cưng suốt 16 năm qua. “Một trong những sứ mệnh chính của đời tôi là cho mọi người thấy được côn trùng thú vị như thế nào — đặc biệt là những con vật mọi người thường khinh thường và ghét bỏ như gián.”
Thế nên là những khi bản năng thôi thúc bạn vơ lấy bất cứ thứ gì gần nhất mỗi lúc nhìn thấy một con gián, hãy nhớ rằng bạn đang sắp sửa phá hủy đi một tạo vật sống động, độc nhất vô nhị mà thiên nhiên đã dày công xây dựng.
Nguồn: TED
Xem thêm:
Khi mỗi chúng ta đều là một tấm gương soi cho người khác
Rối loạn ăn uống – Nhịn đói, ăn uống vô độ, hay sống lành mạnh quá mức đều nguy hiểm
Bỏ theo dõi – Mạng ảo nghỉ chơi thật hay chỉ là dọn nhà đỡ chật đất?
Thảo luận về bài viết