#Nghĩ là series về những vấn đề, hiện tượng cần được quan tâm trong xã hội từ trước đến nay.
Trong thế giới hiện đại với nhịp sống hối hả, khái niệm “nơi chốn thứ 3” (Third place) ngày càng phổ biến khi con người tìm kiếm cách để thoát khỏi sự nhàm chán của cuộc sống gia đình và công việc. Lý thuyết về“nơi chốn thứ 3” được nhà xã hội học Ray Oldenburg phổ biến, mang đến một góc nhìn mới mẻ về tầm quan trọng của các không gian cộng đồng ngoài phạm vi truyền thống của nơi ở và nơi làm việc.
Những nơi này đóng vai trò quan trọng cho sự gắn kết cộng đồng, giao tiếp xã hội và cải thiện tinh thần cá nhân. Dưới đây, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu thêm về lý thuyết của môi trường này (bao gồm cả sự ra đời của một loại nơi chốn thứ 3 mới), và khám phá cách mà những không gian đó thúc đẩy sự kết nối, sáng tạo, và cảm giác thuộc về trong một xã hội ngày càng tách biệt.
3 nơi chốn trong cuộc sống của một con người
Lý thuyết về“nơi chốn thứ 3”của Ray Oldenburg được gói gọn lại với nội dung cốt lõi rằng cuộc sống của chúng ta có thể được chia thành 3 môi trường chính để sinh sống: nơi ở, nơi làm việc và nơi của cộng đồng.
Nơi chốn thứ nhất: Nơi ở
- Nơi chốn thứ nhất là nơi con người sinh sống và xây dựng cuộc sống cá nhân.
- Nó thường gắn liền với sự riêng tư, cô độc, và cảm giác sở hữu.
- Nơi ở đóng vai trò quan trọng trong việc mang lại sự ổn định, thoải mái, và định hình bản sắc cá nhân.
Nơi chốn thứ 2: Nơi làm việc
- Nơi chốn thứ 2 đại diện cho nơi làm việc, không gian mà (đại đa số) cá nhân dành phần lớn thời gian của mình.
- Nó gắn liền với năng suất, vai trò nghề nghiệp, và thường yêu cầu một môi trường có cấu trúc.
- Nơi làm việc rất quan trọng đối với sự ổn định kinh tế và phát triển sự nghiệp.
Nơi chốn thứ 3: Nơi của cộng đồng
- Nơi chốn thứ 3 không phải là nhà, cũng không phải là nơi làm việc, nhưng chiếm giữ một vị trí quan trọng trong cuộc sống của mỗi người.
- Nó bao gồm những địa điểm như quán cà phê, nhà sách, công viên, trung tâm cộng đồng và các không gian công cộng khác.
- Nơi đây khuyến khích sự tương tác xã hội, đối thoại với người khác và gắn kết tập thể chung.
Vai trò và ví dụ của nơi chốn thứ 3
Nơi chốn thứ 3 (Third place) không chỉ là những địa điểm vật lý mà còn là những không gian xã hội đóng góp vào sự phát triển chung của cá nhân và toàn xã hội. Những vai trò quan trọng có thể kể đến là:
- Thúc đẩy sự tương tác với xã hội: Nơi chốn thứ 3 cung cấp một không gian để mọi người gặp gỡ, trao đổi và hình thành các mối quan hệ ý nghĩa với những người ngoài vòng xã hội thân cận của họ.
- Nâng cao sự sáng tạo: Những môi trường này kích thích sáng tạo và đổi mới bằng cách tập hợp những cá nhân xuất thân từ nhiều nơi khác nhau và khuyến khích sự trao đổi ý tưởng.
- Tạo cảm giác thuộc về: Nơi chốn thứ 3 mang lại cảm giác thuộc về, một môi trường mà mọi người được coi trọng và chấp nhận, từ đó góp phần xây dựng cộng đồng vững mạnh hơn.
- Hỗ trợ phát triển cá nhân: Chúng tạo điều kiện để mỗi cá nhân phát triển bản thân thông qua các trải nghiệm chia sẻ, học hỏi và tiếp xúc với những quan điểm khác nhau.
- Tăng cường sức mạnh cộng đồng: Bằng cách tổ chức các buổi gặp gỡ và sự kiện cộng đồng, nơi chốn thứ 3 giúp xây dựng tập thể mạnh mẽ và bền vững hơn.
Ví dụ vềnơi chốn thứ 3:
- Quán cà phê: Những quán cà phê như Starbucks đã trở thành ví dụ tiêu biểu về những không gian như thế này. Nó mang lại một bầu không khí ấm cúng và mời gọi, nơi mọi người có thể làm việc, giao lưu hoặc thư giãn.
- Thư viện: Nơi đây không chỉ là nơi lưu trữ những cuốn sách, mà còn có thể là nơi trao đổi tri thức, tổ chức sự kiện, hội thảo, và cung cấp không gian yên tĩnh để đọc và nghiên cứu.
- Công viên: Các khoảng trời xanh này mang lại một môi trường tự nhiên, nơi mọi người có thể tận hưởng không khí ngoài trời, tập thể dục và tham gia các hoạt động giải trí; từ đó tạo nên sự gắn kết cộng đồng.
- Trung tâm công cộng: Những không gian này tổ chức nhiều hoạt động và các lớp học, tập hợp mọi người từ nhiều lứa tuổi và xuất thân khác nhau, để chia sẻ sở thích và học hỏi cùng nhau.
Sự ra đời của nơi chốn thứ 3 mà thoát khỏi định nghĩa của một không gian vật lý
Thế giới ngày nay trông rất khác so với trước đây, và tất cả là vì hầu hết chúng ta đã đánh mất nơi chốn thứ 3… hoặc cũng có thể không gian đó đã bị thay thế bởi một thứ gì đấy khác biệt.
Nếu bạn hỏi cha mẹ mình về cách họ trải qua những năm tháng tuổi teen của mình, họ sẽ kể về những lần như dành hàng giờ ở công viên với bạn bè, hiếm khi mua gì khác ngoài một ly soda hoặc bánh quy mặn. Họ sẽ nhớ lại một thời kỳ trước khi có điện thoại di động, khi cả đám đến những địa điểm đã hẹn trước với hy vọng rằng sẽ gặp một người bạn nào đó cũng có mặt ở đó.
Những không gian như vậy xuất hiện ở khắp mọi nơi, và thậm chí còn có sự hiện diện trong các loạt phim truyền hình nổi tiếng. Ví dụ tiêu biểu nhất chính là series Friends. Mỗi tập phim đều có cảnh các nhân vật tụ họp tại quán Central Perk để trò chuyện với nhau, với nhân viên phục vụ và những người lạ. Đó là nơi họ gặp gỡ những người bạn mới, những mối quan hệ tình cảm mới, và chia sẻ về ngày của mình.
Trong How I Met Your Mother, các nhân vật tụ tập tại quán rượu MacLaren’s. Trong New Girl, họ gặp nhau tại quán The Griffin. Các nơi chốn thứ 3 rõ ràng là vẫn xuất hiện trong các bộ phim hiện đại. Nhưng ở ngoài đời, chúng ở đâu?
Thư viện, nơi thờ cúng tín ngưỡng, câu lạc bộ, công viên, phòng gym, nhà sách và trung tâm cộng đồng từng là những nơi tràn đầy sức sống và năng lượng. Ngày nay, khi bạn đến một quán cà phê, thay vì nghe tiếng trò chuyện và tiếng cười, bạn sẽ chỉ nghe thấy tiếng gõ bàn phím và những người mặc trang phục công sở đang họp hành qua tai nghe AirPods.
Có 2 sự thay đổi lớn trong vài thập kỷ qua đã làm cho những nơi chốn thứ 3 này biến thành những gì chúng ta thấy ngày nay: sự bùng nổ của mạng xã hội và đại dịch toàn cầu.
Mạng xã hội, theo một cách nào đó, đã thay thế sự kết nối trực tiếp giữa con người với nhau. Thanh thiếu niên và người trẻ ngày nay có thể dễ dàng tìm thấy cộng đồng để tham gia chỉ qua màn hình điện thoại hoặc máy tính. Khi bạn có thể gặp gỡ và nói chuyện với tất cả bạn bè qua Instagram, X, Facebook hoặc TikTok; thì việc rời khỏi nhà (nơi chốn thứ nhất), càng trở nên ít cần thiết hơn.
Bên cạnh đó, sự thiếu tiếp cận vớinơi chốn thứ 3 (do các biện pháp giãn cách xã hội hồi đại dịch, sự gia tăng của các công việc từ xa, và lạm phát), đã khiến những nơi này trở nên đắt đỏ đối với thanh thiếu niên – đối tượng mà có thể không đủ khả năng chi trả 40 -50 ngàn đồng cho một ly cà phê cỡ lớn, từ đó khiến mạng xã hội trở thành “nơi chốn thứ 3″ thay thế càng hấp dẫn hơn.
Và khi những không gian này của nhiều người được tìm thấy trên điện thoại của họ, chúng ta đang chứng kiến một bộ phận lớn dân số không có lý do để ra khỏi nhà. Và điều này không tốt chút nào.
Một số bộ phận thanh thiếu niên dành hơn 4 giờ mỗi ngày để tiêu thụ nội dung từ mạng xã hội. Và với những tiêu đề ta thường thấy trên báo đài, như: “Mối tương quan giữa việc sử dụng mạng xã hội ở mức cao với các triệu chứng trầm cảm hoặc lo âu”, “rối loạn giấc ngủ và bắt nạt trên mạng”, hoặc “vấn đề về hình ảnh cơ thể tiêu cực và rối loạn ăn uống”; rõ ràng rằng việc sử dụng mạng xã hội như một nơi chốn thứ 3 duy nhất không phải là tin tốt lành chút nào.
Chúng ta đều cần một nơi thật sự để tương tác với xã hội…
Việc không có mộtnơi chốn thứ 3 (hay thậm chí là cả thứ 2 nếu bạn là người làm việc tự do), khiến thế giới dường như trở nên nhỏ bé hơn rất nhiều so với thực tế. Sự thiếu vắng cả 2 không gian này có thể dẫn đến áp lực và sự bất mãn gia tăng trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Khi cuộc sống cảm thấy thu hẹp lại, chúng ta có thể trở nên quá nghiêm trọng hóa với mọi thứ, trong khi ngược lại nếu có nhiều trải nghiệm phong phú và dành thời gian ở nhiều không gian khác nhau, ta sẽ trở nên cân bằng và có cái nhìn toàn diện về thế giới hơn.
Có mộtnơi chốn thứ 3 – nơi chúng ta có thể giao tiếp xã hội, chia sẻ ý tưởng, nói chuyện với bạn bè và những người xa lạ, là điều cần thiết. Nó có thể giúp giảm bớt cảm giác cô đơn; và khi tin tức về “Đại dịch Cô đơn” từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nổ ra vào năm ngoái, những nơi chốn như thế càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Điều này không nhất thiết phải kéo dài mãi mãi. Tất cả những gì chúng ta cần làm là mang trở lại những không gian nuôi dưỡng cộng đồng và tích cực tham gia vào những không gian vẫn còn duy trì điều đó.
Hãy thử xem thư viện hoặc quán cà phê xung quanh nơi ở của bạn có tổ chức sự kiện nào không (rất có thể là có đấy!) và bắt đầu đi đến đó thường xuyên. Hãy giới thiệu bản thân với hàng xóm, tham gia câu lạc bộ hoặc thử một sở thích mới. Chọn một quán bar, nhà hàng hoặc công viên nơi bạn có thể thường xuyên gặp gỡ bạn bè, và đừng thay đổi kế hoạch vào phút cuối.
Giảm thời gian trên mạng xã hội. Khám phá thành phố nơi bạn đang sống. Hãy làm cho thế giới của bạn trở nên rộng lớn hơn.
Xem thêm những bài viết khác dưới đây:
- #Nghĩ: Người nghèo sinh con nhiều là vì lý do gì?
- #Nghĩ: Những ngày không dùng mạng xã hội sẽ dạy ta được điều gì?
- #Nghĩ: chiếm dụng văn hóa (cultural appropriation) tạo ra những tranh cãi