Trong tập tiếp theo của series podcast về tài chính Extra Money, anh Nguyễn Duy Chuyền (hay với tên gọi là Doctor Housing), đã có những lời chia sẻ về những điều anh đã đúc kết lại sau gần 10 năm khởi nghiệp, đặc biệt là về vấn đề quản lý tài chính trong doanh nghiệp; cũng như bí quyết để quản lý tài chính linh hoạt, kết hợp giữa việc tiết kiệm thông minh và đầu tư hiệu quả.
Là một chuyên gia tư vấn tài chính – nổi tiếng với việc chia sẻ những kiến thức về đầu tư, bất động sản và cảnh báo mọi người về nhiều hình thức lừa đảo diễn ra hiện nay; anh Nguyễn Duy Chuyền đã thu hút được một lượng khán giả quan tâm lớn, nhờ lối trò chuyện gần gũi và chân thật của mình trên kênh TikTok Doctor Housing của mình.
Xuyên suốt tập 6 của chương trình podcast Extra Money do Rising Vietnam sản xuất, ta có thể cảm thấy được nguồn năng lượng dồi dào toả ra từ anh Nguyễn Duy Chuyền khi đưa đến cho người nghe về những góc nhìn mới về cách quản lý tài chính. Host Trọng Hiền còn khen anh rằng, điều đó ngoài việc sẽ “truyền cảm xúc” cho người nghe, mà còn phần nào giúp họ hiểu rõ hơn về cách tiếp cận thông minh với tiền bạc. Qua đó, xây dựng một cơ sở tài chính vững chắc từ khi còn trẻ.
Từ những bài học xương máu khi khởi nghiệp, Doctor Housing muốn gửi gắm những điều gì đến người nghe?
Số tiền trong doanh nghiệp do mình sở hữu không có nghĩa là tiền của chính mình
Khi bắt đầu khởi nghiệp ở năm 30 tuổi, anhNguyễn Duy Chuyền đã có trong tay mình một mạng lưới các mối quan hệ của nhiều nhà đầu tư và doanh nhân trong lĩnh vực tài chính. Ngoài việc học hỏi được nhiều điều từ những người anh em trong ngành tài chính, anh cũng đã thấy biết bao nhiêu cảnh tượng nợ nần và phá sản của nhiều doanh nghiệp. Chính từ việc nhìn xung quanh mọi người kinh doanh ra sao, đã khiến Doctor Housing cẩn thận hơn với tiền bạc, đặc biệt là nguồn tiền từ những “đứa con” của anh.
Ngoài công ty tư vấn của mình, anhNguyễn Duy Chuyền còn là người chủ của hai công ty chuyên về lĩnh vực kinh doanh vật liệu xây dựng. Để quản lý được cả 3 quả là một điều không hề dễ dàng, và chính anh cũng chia sẻ rằng, những khoảng thời gian mới bắt đầu khởi nghiệp, thì việc quản lý tài chính của doanh nghiệp là một việc “rất khó”:
“Điều đau khổ nhất là không quản lý được tiền“, anh Nguyễn Duy Chuyền nói. Và một điều mà anh nhận ra rằng sau từng nấy năm, đó chính là ta nên có sự rạch ròi giữa tiền của doanh nghiệp và tiền lương của chính bản thân ta, mặc cho ta có phải là chủ đi chăng nữa: “Bây giờ rất nhiều ông chủ lớn trên thị trường vẫn đang như vậy, ông chủ hàng ngàn tỷ vẫn như vậy. Đây là một việc hoàn toàn khác nhau. Mặc dù công ty này là của mình, nhưng hãy độc lập công ty là của công ty, mà tiền cá nhân là của cá nhân.”
Vậy bí quyết để anh và công ty không phải phạm vào sai lầm như những doanh nghiệp khác là bằng cách nào? “Mỗi tháng hãy rút tiền công ty trả lương cho chính mình. Đơn giản vậy thôi.” Theo như Doctor Housing giải thích, điều đó có nghĩa là ta hãy xem mình cũng như là một nhân viên của công ty; nếu muốn dùng khoản tiền đó, ta hãy để người kế toán quyết định số tiền nhận được đó trong tháng sẽ là bao nhiêu, thì như thế sẽ giảm thiểu được trường hợp khi chính bản thân lại bào mòn “đứa con” của mình:
“Nghĩa là công ty kiếm 100 triệu, ta muốn lấy 50 triệu thì ta hãy trả lương cho chính mình. Và tháng sau, kế toán mới nói: ‘Sếp ơi, bây giờ lương tiền không đủ trả cho chính công ty nữa.’ Thì lúc đó chúng ta tự hạ lương của chính bản thân mình đi! Tiền của công ty nó cần nuôi sống công ty, hãy để cho nó hoạt động. Và cuối năm, chúng ta hãy trích một phần lợi nhuận của công ty ra đi đầu tư; thì lúc đó các bạn sẽ quản lý tài chính một cách rất cơ bản và không bao giờ bị bể“, anh Nguyễn Duy Chuyền chốt lại.
“Có chí làm quan, có gan làm giàu”… nhưng cũng phải biết kiểm soát
Doctor Housing cho hay, có lẽ bởi vì sự khốc liệt vốn có của ngành tài chính/tiền tệ, nếu ta thực sự mong muốn có một cuộc sống mà sáng mở mắt không nhất thiết phải lo lắng đến tiền bạc, thì ý chí “dám nghĩ, dám làm” là điều tiên quyết cần phải có: “Chúng ta làm cái gì cũng sợ thì mãi mãi không bao giờ giàu được“, anh nói.
Nhưng điều đó không có nghĩa là ta nên hoàn toàn “đặt tất cả quả trứng của mình vào một vỏ”, ta vẫn nên có một cái đầu lạnh khi quyết định xuống tay một số tiền lớn: “Nghĩa là chúng ta phải liều lĩnh một chút xíu, nhưng có kiểm soát. Không có nghĩa là cuộc chơi tài chính không dành cho những người thích sự an toàn, mà là nó dành cho những người hiểu biết thì đúng hơn.”
Anh nói tiếp: “Trong cuộc chơi tài chính, thì độ rúi ro nó cao; chúng ta lời cao và mất cũng rất là nhanh. Cho nên là người ta vẫn thường hay gọi là mạo hiểm, nhưng mà đó là đối với những người không có kiến thức thôi. Còn đây vẫn là một lĩnh vực đầu tư khá là thú vị và phù hợp cho cho giới trẻ, cũng như là về đường dài trong tương lai.“
Vậy thế còn đối với chính bản thân anh Nguyễn Duy Chuyền thì sao? Anh nói đùa rằng, bởi vì anh thuộc tuýp người cẩn trọng, không giám làm điều gì quá to lớn, cho nên “chắc cũng không có giàu bằng giới trẻ hiện tại“. Nhưng có một điều chắc chắn là, sau khi nhìn những lần đổ vỡ của nhiều anh em trong ngành, anh đã có cho mình một phương thức để mình và doanh nghiệp không phải lâm vào hoàn cảnh đấy. Đó là gì?
Công thức đầu tư “giàu chậm” của Doctor Housing
Để nói đơn giản như sau: Hãy xem công ty của ta là một cái cây. Hàng năm, chúng ta sẽ có quả để hái và bán nó để ra lợi nhuận. Nếu đặt trong trường hợp là anh Nguyễn Duy Chuyền, anh sẽ hái những cái quả đó để đem đi đầu tư. Sẽ có 2 trường hợp xảy ra: nếu nó lời, nghĩa là ta sẽ nhận về được nhiều quả hơn trong tương lai; còn nếu lỗ, ta vẫn còn cái cây gốc để tháng hoặc năm sau ta vẫn có thể hái tiếp.
Tất cả những điều trên chỉ cần được gói gọn rằng: Cốt lõi của doanh nghiệp là thứ ta không nên bỏ đi khi chưa thật sự cần thiết.
Doctor Housing giải thích tiếp: “Có nghĩa là, chúng ta sẽ đi đầu tư mạo hiểm, bằng những cái ‘quả’ mà chúng ta thu hoạch được, chứ đừng có bê nguyên công ty này đi làm như vậy. Nhưng mà ở trên sàn chứng khoán vẫn có những công ty sai lầm như vậy. Nếu 1 năm chúng ta đi tạo ra lợi nhuận 1 tỷ; thì nếu đầu tư mạo hiểm, hãy lấy 1 tỷ đó đi đầu tư được rồi.“
Theo như anhNguyễn Duy Chuyền quan sát được, nhiều chủ công ty sẽ bán doanh nghiệp của mình cho ngân hàng và lấy lại lãi giá trị khoảng 70% để mang đi đầu tư. Đương nhiên, nếu mọi chuyện diễn ra xuông sẻ, đây sẽ là cách để ta làm giàu nhanh; thế nhưng nếu chẳng may ta nằm trong nhóm ngược lại, thì bản thân giờ đây không chỉ mất tiền, mà còn mất cả “nguồn cơm” của mình nữa.
Một ví dụ điển hình cho điều này chính là khi họ đầu tư trái ngành, khi mà chưa có hiểu biết đúng đắn và rõ ràng về mảng kinh doanh đó: “Một lĩnh vực mới, mà chúng ta chưa biết chắc chắn rằng nó thành công hay thất bại, lại đi bán cái ‘gốc’ của chúng ta đi như vậy. Rất là dở! Nói chung là 90% đầu tư trái ngành là bể hết.”
Và có lẽ, chỉ khi đó những chủ doanh nghiệp xui rủi đó mới ngộ nhận ra là, việc đầu tư tài chính cần phải có sự hiểu biết rất nhiều, và việc mà mình nhảy sang một lĩnh vực mới thì cũng không hề đơn giản. Tuy nhiên nếu nhìn ở ngoài đời, nhiều bạn trẻ xông xáo vẫn mỗi đêm nuôi cho mình một ước mơ làm giàu nhanh nhất có thể.
Là một người làm trong ngành tư vấn tài chính, những bạn với tính cách và tư duy này là “chuyện như cơm bữa”, mà anh Nguyễn Duy Chuyền gặp tại công ty tư vấn của mình. Anh chia sẻ: “Một lần họ đầu tư trúng cái gì đó, thì họ nghĩ rằng họ hiểu biết, nhưng mà đó chỉ là sự may mắn trong cuộc đời của mình thôi; nhưng mà kiến thức lúc đó chưa có đủ.”
“Cho nên là nếu hỏi anh dành cho lời khuyên, thì anh cũng bó tay. Cái này chỉ để cho thị trường là họ ‘tỉnh’ ra thôi. Rủi ro cao thì lợi nhuận cao mà. Cho nên là nhiều người đầu tư một lần thắng, tưởng rằng mình hiểu biết như không phải; cuối cùng, đó chỉ là sự may mắn trong cuộc đời của họ thôi“, Doctor Housing chia sẻ.