Trong tập tiếp theo của Trẻ Người Nonstop, các bạn trẻ đã được gặp gỡ với một vị khách mời rất hóm hỉnh và duyên dáng, đó là Uy Lê từ nhóm hài độc thoại Saigon Tếu. Anh chàng đã có những lời chia sẻ rất chân thật về cách mà mình vượt qua được sự tự ti, cũng như tiêu cực từ bên ngoài khi biểu diễn cùng nhóm trên sân khấu.
Hài độc thoại – một thể loại hài kịch trong đó một nghệ sĩ biểu diễn trực tiếp trước các khán giả, là một hình thức nghệ thuật thường thấy ở nhiều nơi bên trời Tây. Tại Việt Nam, có thể nói nhóm hài độc thoại đã tiên phong đưa loại hình biểu diễn này đến gần hơn với khán giả trong nước đó chính là Saigon Tếu. Và người đồng sáng lập cũng như Giám đốc Sáng tạo của nhóm hài độc thoại Saigon Tếu – Uy Lê, là một nhân tố không thể thiếu trong quá trình mở đường cho môn nghệ thuật này phát triển ở Việt Nam.
Thế nhưng chia sẻ trong số tiếp theo của chương trình podcast Trẻ Người Nonstop do Rising Vietnam sản xuất, người thủ lĩnh củaSaigon Tếu đã từng tự nhận mình là một người khá tự ti và ít khi tin vào năng lực cũng như thành quả mà bản thân mình đạt được. Không những thế, bởi vì đang hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật mà khá kén người thưởng thức, việc mà nhiều khi nhận lại được ý kiến trái chiều về những nội dung của mình là điều mà Uy Lê khó có thể tránh khỏi.
Với những trải nghiệm đa dạng và sự duyên dáng của mình, co-founder củaSaigon Tếu luôn mong muốn có thể lan tỏa năng lượng tích cực, những thông điệp có giá trị và khích lệ sự thay đổi trong tư duy của mỗi người. Vì thế, sau những lần đứng lên và vượt qua khỏi sự tiêu cực từ việc tìm được bản thân mình, Uy Lê đã có những chia sẻ gì với người trẻ?
Hành trình vượt qua khỏi sự tự ti của Uy Lê
Nếu được hỏi từ nhiều người thân thiết vớico-founder củaSaigon Tếu, họ có thể nói anh chàng là một hình mẫu điển hình của câu nói “con nhà người ta”; bằng chứng là vào những năm cấp 3, anh là một học sinh nằm trong lớp chuyên môn Anh tại trường THPT Lê Hồng Phong ở Sài Gòn. Thế nhưng, theo như Uy Lê chia sẻ, đó là khoảng thời gian mà anh cho rằng là “không hạnh phúc“.
Uy Lê nói là: “Đúng thật ra trường đó là trường top đầu, nhưng mình sẽ là như top cuối của top đầu vậy! Thật ra là Uy rất tự tin vào môn tiếng Anh, nhưng mà cái môn còn lại thì không; và lúc đó nó có một cái áp lực rất là lớn đè nặng lên mình. Mọi người cứ tưởng tượng là cả lớp thi học sinh giỏi thành phố và ai cũng có giải đấy. Thì thời điểm của Uy nó như thế.“
Điều đó có thể đến từ việc chưa tìm được thế mạnh bản thân, và Uy Lê đã phải mất rất nhiều thời gian để có thể vượt qua khỏi sự tư duy tiêu cực đó. Khi bắt đầu môi trường đại học và tham gia vào các câu lạc bộ, gặp gỡ với nhiều người với góc nhìn tương đồng với mình; anh mới bắt đầu hiểu được bản thân nhiều hơn và sẵn sàng mở lòng đón nhận những điều tích cực xảy đến .
Nhưng nhìn lại, sự tự ti mà đã đeo bám anh chàngUy Lê đến từ việc so sánh với mọi người xung quanh về năng lực của mình, cũng như từ việc sợ thất bại: “Mình luôn luôn so sánh. Mình so sánh với các anh chị em của mình trước, rồi ra đường gặp bạn bè mình bắt đầu so sánh với họ. Bởi vì mình là một người luôn thích đi tìm những dữ liệu và luôn muốn tìm hiểu người khác, cái đó là tính của mình rồi. Tự nhiên, cái sự so sánh nó làm mình lo lắng, làm mình tự ti và làm mình thấy mình không ‘đủ’.”
Uy Lê nói tiếp: “Anh cũng hay phủ nhận thành công của mình như một cơ chế phòng vệ. Mình phòng vệ sự thất vọng. Nếu một sự việc xảy ra với mình, thì đường nào mình cũng có thể thoát cả. Nhưng mà thật sự nếu mà nhìn vào bản chất của câu nói đó, thì mình đang sợ thất vọng, mình đang sợ thất bại. Mình đang không chấp nhận nổi cái việc là, nếu mình cố hết sức và thất bại thì mình là một sự thất bại.“
Vậy, bài học ta có thể rút ra từ đây là gì? “Thứ nhất là tách biệt sự thất bại và con người“, Uy Lê nói. Thất bại là một sự việc xảy ra một ngày, nó sẽ luôn hiện hữu mỗi khi ta thức dậy; nhưng chính nó sẽ không bao giờ định hình được cốt cách con người chúng ta. Hay như anh nói, chúng ta không còn “cá nhân hóa” sự thất bại đó nữa.
NhưUy Lê có chia sẻ, nếu trước đây anh là một người rất hay đi tìm kiếm dữ liệu từ nhiều người/hoàn cảnh để biện minh cho sự nhỏ bé về thành tích của mình, vậy tại sao ta không biến nó thành một điều tích cực?
Anh nói: “Tất cả những dữ liệu đó là những dữ liệu sai bởi vì đó chính là sự tự ti của mình. Và Uy thường hay nói là là mình cần một cái gọi là ‘vòng tròn hỗ trợ’. Đó là những người xung quanh mà mình tin tưởng, nhưng mà họ phải khác mình; để họ nói cho những cái thứ mà mình không biết, nói cho mình những cái thứ mà mình không dám nghe. Khi mình nghe mình kiểu: ‘Ờ ha! Tại sao mình lại nói với bản thân mình những thứ kia ,và liệu nó có phải là sự thật hay không.”
Với việc từng ngày áp dụng 2 bước này, Uy Lê bắt đầu tin vào khả năng của mình hơn, cũng như nhìn nhận dần dần về những thứ mình giỏi và không giỏi. Tất cả chỉ để hướng tới bản thể thật sự của mình là ai. Và từ đó, anh cũng học được một điều nữa: “Mình nên cho bản thân cái quyền tự hào về những phần mình làm được, và đồng thời tha thứ cho bản thân những thứ mình không làm được; tại vì dù gì đi nữa, nó cũng không quyết định con người mình là ai.“
Co-founder của Saigon Tếu đối diện với những bình luận trái chiều từ khán giả như thế nào?
Tự nhận mình là một người thích những cuộc thảo luận hơn là những tranh luận, Uy Lê cho rằng những quan điểm đối lập mà quá trắng đen, khi đưa vào một cuộc thảo luận sẽ chẳng mang lại cho ta một bài học nào cả. Anh vẫn biết được rằng, đối với tranh luận, ta có thể học được nhiều thứ; nhưng ta phải hiểu mục đích của nó là gì và ta có thể rút ra được điều gì, thì điều đó lại quan trọng hơn:
“Mình tranh luận trong đời sống mà cả hai người đều muốn thắng, thì thường là cả hai người đều thua cái mối quan hệ đó“, anh nói.
Để có thể hình dung rõ hơn về điều mà Uy Lê đang muốn đề cập tới, ta có thể lấy ví dụ về chính những phản hồi của khán giả về những nội dung mà anh hoặcSaigon Tếu đã từng biểu diễn trên sân khấu. Biết là hài kịch sẽ tuỳ gu của mỗi người, nhưng không phải vì thế mà mỗi khi anh Uy Lê đọc những dòng bình luận khiếm nhã về những clip của biểu diễn được đăng trên không gian mạng, anh lại bớt mủi lòng đi.
Đương nhiên, phản ứng đầu tiên của bất kỳ một ai đó khi nhận được góp ý tiêu cực, sẽ nằm ở ngưỡng đâu đấy từ buồn đến phản bác kịch liệt lại. Thế nhưng, nếu quay lại về câu chuyện sử dụng số liệu làm thước đo cho giá trị của bản thân, thì thủ lĩnh củaSaigon Tếu lại có cái nhìn khác hẳn: “Đến khi mà người thứ 10 nói câu đó, người thứ 100 nói; thì nó không còn là cảm xúc nữa, nó là dữ liệu. Nếu mà có 100 người nói như thế này về mình, thì chắc là mình có vấn đề thật.”
Co-founder củaSaigon Tếu nói tiếp: “Nhưng mà vấn đề đó là gì thì mình phải tìm ra. Tại vì nếu mình là người có chuyên môn, thì mình phải bốc tách được qua cái lớp cảm xúc đó. Cái đằng sau đôi khi họ nói đúng. Từ cái việc đọc những cái comment, những cái bình luận và những cái phản hồi của khán giả, Uy đã rút ra được rất nhiều thứ cho bản thân.”
Nhưng, điều quan trọng mà ta cần phải nhớ mỗi khi tiếp nhận ý kiến từ người khác, đó là phải có sự chọn lọc: “Bắt đầu mình sẽ xem cái gì mình cải thiện được còn cái gì mà chỉ đôi khi nó là vấn đề về gu thôi, và mình là người có đủ chuyên môn để làm việc đó. Nếu như vậy thì mình cũng phải thắc mắc là đối với những người mình không làm cho người ta cười được, thì mình có đủ chuyên môn để thay đổi họ không? Đó sẽ là cái thách thức. Biết đâu khi thử làm cái gì đó khác thì mình sẽ thuyết phục được họ?“
“Hãy cố gắng thử và làm khác, hơn là tìm công thức để luôn làm theo cho xong. Tại vì như vậy, sẽ không còn cái tính nghệ thuật nữa“, thủ lĩnh củaSaigon Tếu nói.