Không lòng vòng như Hải Phòng, The Millennials Life sẽ cùng bạn đọc điểm qua những khoảnh khắc, những câu thoại đắt giá nhất trong phim, để có thể làm rõ phần nào nội dung chuyện phim Tenet – một tác phẩm đánh dấu sự trở lại đầy mong đợi của đạo diễn Christopher Nolan.
Cảnh báo: Bài viết có tiết lộ nội dung phim.
1. “All I have for you is a word – Tenet. It will open the right doors, some of the wrong ones too.”
Tạm dịch: “Tôi chỉ có một từ cho anh thôi – Tenet. Nó sẽ đưa anh vào những con đường khác nhau, đường đúng hay sai thì còn tùy.”
Sau khi hoàn thành phép thử lòng trung thành – thử thách mà nhiều người trước đây đã thất bại, Nhân Vật Chính (John David Washington) được gia nhập vào một tổ chức bí mật mang tên Tenet. Anh được cung cấp thông tin về bí ẩn đằng sau thuật toán (algorithm) để “mở ra nhiều cánh cửa” – và dĩ nhiên, sẽ có những con đường đúng và không ít lựa chọn sai.
Làm rõ một chút về thuật toán trong phim – được xem là quy tắc trò chơi để cả mạch phim vận hành. Trong tương lai, một thuật toán được các nhà khoa học phát triển với khả năng nghịch đảo sự hỗn loạn của toàn nhân loại nhằm mục đích đảo ngược dòng thời gian – cho phép thời gian trôi ngược lại. Họ chia thuật toán thành 9 vật thể và giấu chúng tại nhiều nơi trong quá khứ. Khi tập hợp đủ các vật thể, cũng là lúc thuật toán được kích hoạt, nó sẽ làm đảo lộn trật tự Trái Đất, qua đó có thể gây nên thảm họa diệt vong cho nhân loại. Tại thời điểm hiện tại trong phim, Andrei Sator (Kenneth Branagh) tìm thấy tất cả 9 vật thể đó. Mảnh ghép cuối cùng là khối plutonium 241. Đây cũng là vật thể được truy tìm trong cảnh hành động mở đầu tại nhà hát Opera ở Ukraine.
2. “Time travel? – No. Inversion.”
Tạm dịch: “Du hành thời gian? Không. Là đảo ngược thời gian.“
Có thể nói, bộ phim Tenet chính là cánh cổng đưa khán giả vào một thế giới của thuyết tương đối thời gian – một mẫu số chung cho các chùm phim bất hữu của đạo diễn Christopher Nolan. Nếu như trong Memento vòng thời gian cứ liên hồi lặp đi lặp lại, hay trong Inception nhận thức thời gian giữa cõi mơ và cõi thực trở nên vô cùng mờ ảo, thì ở vũ trụ của Tenet, dòng thời gian không bị bẻ cong, co giãn như trong Interstellar, mà lại “chảy” ngược.
“Bộ phim không thuộc thể loại phim du hành thời gian. Nó liên quan đến việc thao túng thời gian. Phim được xây dựng trên ý tưởng nghịch đảo entropy của một vật thể, và khả năng có thể khiến vật thể đó “chảy” ngược chiều thời gian.” Nolan khẳng định.
Khái niệm “đảo ngược thời gian” vẫn còn khá mới mẻ với khán giả. Nó không phải là những chuyến du hành thời gian như các phim khoa học viễn tưởng trước đó đã khai thác, mà đây chính là một cuộc thám hiểm vào một “hiện thực” mới – mà ở đó, mọi thứ bị nghịch đảo và không được vận hành như tại “hiện thực” mà ta đang sống – nơi mà thời gian trôi theo quy luật “Arrow of Time.”
Theo quy luật “Arrow of Time,” thời gian trôi theo một chiều duy nhất – từ quá khứ đến tương lai, và theo một vận tốc xác định không đổi – 1 giây/giây. Nguyên lí này giải thích được vì sao cốc cà phê nóng sẽ nguội dần trong phòng lạnh, tại sao ta chỉ có thể nhớ về quá khứ nhưng không có kí ức tương lai, v.v.
3. “You have to start looking at the world in a new way.”
Tạm dịch: “Hãy nhìn thế giới bằng một cách khác.”
Mối tương quan của Entropy và Thời gian:
Không kì bí như một phép màu ảo thuật, hiện tượng trôi ngược thời gian được xây dựng trên nguyên lí đảo ngược entropy. Để các thông tin trong phim được chuẩn xác và hợp khoa học, Nolan đã nhờ đến nhà vật lý Kip Thorne làm cố vấn khoa học cho Tenet (Kip Thorne cũng từng là cộng sự cho dự án Interstellar trước đây của Nolan) về việc liệu ý tưởng đảo ngược entropy của ông có thể tương đương với việc đảo ngược dòng thời gian hay không.
“Tôi đã nhờ Kip Thorne đọc kịch bản và ông ấy đã giúp tôi làm rõ một số khái niệm khoa học. Bộ phim được xây dựng dựa trên khoa học thực tế,” Nolan chia sẻ.
Trong ngữ cảnh này, entropy được đề cập chính là thước đo định lượng về sự rối loạn (disorder) trong một hệ thống. Tất cả các vật thể trong vũ trụ khi đạt trạng thái cân bằng nhiệt lượng thì entropy của nó đạt cực đại. Theo nguyên lý II của nhiệt động lực học, entropy không thể đảo ngược – mà sẽ luôn tăng theo thời gian và không bị giảm xuống.
Tương tự với hướng thời gian (trong thuyết “Arrow of Time” đã đề cập ở trên), entropy sẽ chỉ dịch chuyển theo một hướng tăng mà không có chiều ngược lại. Vì thế, các nhà khoa học cho rằng, thời gian luôn diễn ra theo hướng tăng entropy.
“Lý thuyết là nếu bạn có thể đảo ngược dòng entropy của một vật thể (làm giảm entropy ) thì sẽ có khả năng đảo ngược được dòng thời gian của vật thể đó,” chia sẻ của đạo diễn Nolan khi xây dựng vũ trụ Tenet.
Cách làm giảm entropy của một hệ thống kín:
Đây có lẽ cũng chính là câu hỏi khiến nhiều người phải đau đầu để hiểu được cách vận hành cả mạch câu chuyện trong Tenet. Lời giải đáp không nằm đâu xa mà ở ngày tấm bảng phía sau trong cuộc đối thoại giữa tiến sĩ Barbara (Clémence Poésy) và Nhân Vật Chính.
Trên tấm bảng ta có thể thấy công thức của nguyên lý II của nhiệt động lực học và biểu đồ của thí nghiệm Maxwell’s Demon (Con quỷ của Maxwell).
Trong thí nghiệm của mình, Maxwell tưởng tượng một buồng ngăn làm đôi bằng một cái cửa được canh gác bằng con quỷ của Maxwell. Hai buồng ngăn có nhiệt độ khác nhau mà theo lẽ thông thường, chúng sẽ cân bằng nhiệt lượng theo thời gian (entropy sẽ tăng lên). Tuy nhiên, con quỷ của Maxwell có khả năng phân loại các phần tử trong từng buồng ngăn. Con quỷ của Maxwell sẽ cho các phân tử chạy nhanh (màu đỏ) sang nửa bên phải của buồng và các phân tử chạy chậm (màu xanh) sang nửa trái còn lại. Điều này đã làm phá vỡ nguyên tắc của Định luật II và khiến cho entropy của hệ giảm đi. Chính về, về mặt lý thuyết, ta có thể thay đổi chiều vận hành của entropy, và theo đó, hướng thời gian cũng sẽ bị thao túng.
Nếu tinh tế để ý, ta có thể thấy buồng ngăn của thí nghiệm này được đưa hẳn vào trong bộ phim. Phân cảnh khi Nhân Vật Chính và người cộng sự Neil (Robert Pattinson) bị tấn công bởi hai kẻ đàn ông đeo mặt nạ (một trong số họ đang sử dụng hệ thống quay ngược thời gian) tại nhà kho miễn thuế của Sator. Ta thấy xuất hiện hai vạch kẻ đỏ (bên phía Neil) và vạch kẻ xanh (bên phía Nhân Vật Chính).
Hay cả một hệ thống cửa quay được xây dựng bởi Sator để hắn có thể đi qua lại hai “hiện thực” trong phân cảnh Sator bắt Kat (Elizabeth Debicki) làm con tin buộc Nhân Vật Chính nói ra chỗ giấu plutonium 241. Chú ý vào chi tiết Sator và Kat ở buồng ngăn màu xanh – được xem như thế giới của “hiện thực” nghịch đảo – phải đeo mặt nạ dưỡng khí.
Một người từ “hiện thực” này khi bước vào trong “hiện thức” kia đều sẽ không tồn tại được nếu không mang mặt nạ dưỡng khí – vì vốn dĩ cơ thể sẽ không thể “nghịch đảo” để thích nghi với không khí khác nhau tại từng “hiện thực.”
Tấm kính ngăn cách giữa hai bên – Sator-Kat và Nhân Vật Chính – chính là cái cửa được con quỷ của Maxwell canh giữ. Màu sắc ánh đèn của hai buồng ngăn cũng là màu đỏ và màu xanh như mô hình thí nghiệm của Maxwell. Hai buồng ngăn đó đại diện cho hai hiện thực song song, nghịch chiều entropy và cả dòng thời gian.
4. “You are not shooting the bullet, you are catching it.”
Tạm dịch: “Anh không bắn ra viên đạn, mà là đang bắt lấy nó.”
Tại những cảnh quay đầu phim, khi Nhân Vật Chính được cứu mạng bởi một tay súng đeo mặt nạ với sợi dây đỏ trên lưng (chi tiết để khán giả lúc cuối phim biết được “người bí ẩn” này là ai). Lúc này, viên đạn bắn ra lại có cảm giác thụt ngược về nòng súng phía sau Nhân Vật Chính. Cây súng có entropy đảo ngược đã bắt viên đạn để cứu sống Nhân Vật Chính.
Cảnh quay khi Nhân Vật Chính đến tìm tiến sĩ Barbara để làm rõ về thuyết đảo ngược thời gian và khi anh tận mắt chứng kiến viên đạn mình ngắm bắn ra lại được bắt ngược trở lại vào nòng súng. Barbara cho biết đó viên đạn là một vật thể đã được nghịch đảo entropy, và khi “lạc trôi” vào “hiện thực” khác, tính chất nguyên bản của nó vẫn được giữ nguyên không đổi.
Và có vẻ như những vật thể từ “hiện thực” khác nhau sẽ không thể tương tác trực tiếp với nhau. Nếu như để ý ta có thể thấy khi tiến sĩ Barbara cho Nhân Vật Chính xem những đồ vật có entropy đảo ngược, cả hai đều phải dùng găng tay để chạm vào chúng. Hay khi Nhân Vật Chính được cảnh bảo không được tiếp xúc với bản thân mình khi đang nghịch đảo, nó sẽ gây ra sự tự hủy, khiến cả hai đều chết.
5. “Don’t try to understand it. Feel it.”
Tạm dịch: “Đừng cố hiểu, hãy cảm nhận.”
Đúng đấy! Đừng cố hiểu làm gì. Hãy cảm nhận những thước qua hành động mãn nhãn được đầu tư hoành tráng và kì công của cả ekip 500 người. Theo chia sẻ của Robert Pattinson trong một buổi phỏng vấn cùng GQ, cả ekip phim có khoảng 500 người, và “250 người sẽ bay cùng một chuyến bay đến nhiều quốc gia khác nhau để thực hiện những cảnh quay theo kịch bản. Và thật sự điên rồ! Bởi tại mỗi quốc gia, đoàn phim đều phải dựng bối cảnh cực kỳ hoành tráng như đang quay cảnh cao trào trong các bộ phim khác. Cảnh quay nào cũng đều được đầu tư như thế cả.”
Được biết, để thực hiện được những cảnh quay đẹp mắt và chất lượng như thế, cả đoàn phim đã đi đến tổng cộng 7 quốc gia với mức đầu tư kinh phim (tính đến tháng 6) đã lên đến khoảng $225 triệu – một con số khổng lồ và là một trong những dự án tốn kém nhất trong sự nghiệp của Nolan cho đến nay. Với kinh phí đầu tư không tưởng như thế, nhưng Nolan đã hoàn toàn chiếm được lòng tin của Warner Bros khi trong vòng hơn một thập kỷ qua với mỗi bộ phim đều thành công cả về mặt chuyên môn lẫn thương mại.
Có rất nhiều người nói rằng phim của Nolan không mát tay với pha hành động, những suy nghĩ phức tạp chỉ mình ông nghĩ ra mới là thứ gia vị đặc trưng phim của Nolan có được. Nên ngay tại những phút đầu của Tenet, người xem đã được tận hưởng một loạt các pha bắn súng và đối đầu trực diện với cường độ dồn dập trong không gian nhà hát Opera. Càng về sau, những màn rượt đuổi thót tim cùng trận đấu súng trên xa lộ vô cùng mạo hiểm, kèm với hiệu ứng tua ngược, khiến khán giả không ngừng trầm trồ vị độ vi diệu của các góc quay. Được biết, bộ phim Tenet được thực hiện bằng máy quay IMAX, nhằm mang đến cho người xem những trải nghiệm hình ảnh hoàn hảo và chân thật nhất.
Đỉnh điểm của sự đầu tư phần nhìn trong phim chắc hẳn sẽ là màn phát nổ của chiếc máy bay Boeing 747 khi lao thẳng vào kho chứa đồ. Ban đầu Nolan dự định sẽ sử dụng các bản dựng mô phỏng máy bay. Tuy nhiên khoản đầu tư để xây dựng một mô hình còn cao hơn kinh phí mua đứt một chiếc máy bay cũ đã qua sử dụng. Cảnh quay được đầu tư như thế này chắc hẳn sẽ làm người xem không chỉ xoắn não mà còn xoắn luôn cả mắt.
Về phía kịch bản phim, người xem đều phải thốt lên khi những tình tiết trong phim đều vô cùng phức tạp và khó hiểu. Đến cả những người thực hiện phim, như hai diễn viên nam chính là Robert Pattinson và John David Washington đều phải đau đầu vì độ phức tạp của “luật chơi” trong Tenet. “Để trả lời cho phỏng vấn của GQ (về Tenet), tôi phải chạy ra ngoài gọi điện với trợ lý của mình khoảng 20 phút. Tôi than thở với anh ta rằng tôi không biết nên nói thế nào về bộ phim cả,” Robert Pattinson nói.
John David Washington cũng không khác gì người bạn diễn của mình, khi không ít lần anh chẳng biết mình phải làm gì. Trong một bài phỏng vấn, anh chia sẻ: “Ngày nào lên trường quay tôi cũng phải đặt câu hỏi cho Nolan. Nhưng anh ấy rất kiên nhẫn và bình tĩnh trả lời từng câu hỏi một của tôi. Điều quan trọng là người diễn viên là phải theo sát được kịch bản một cách chính xác và tôi đã cố gắng diễn tả đúng những gì mình hiểu. Nolan đã hỗ trợ cho tôi rất nhiều.”
6. “What happened, happened.”
Tạm dịch: “Điều gì đã xảy ra cũng đã xảy ra rồi.”
Phim cũng đã xem. Câu chuyện hậu trường cũng đã biết. Các nút thắt khó hiểu cũng đã được phần nào gỡ rối. Sức hút của Tenet là điều không thể phủ nhận, đặc biệt với những pha hành động cuốn hút và những ý tưởng không ai có thể nghĩ tới ngoại trừ đạo diễn Nolan.
Chắc hẳn Christopher Nolan vẫn còn nhiều thông điệp muốn gửi gắm đến khán giả, nhưng những bài toán của ông quả thật không đơn giản. Người xem phim của Nolan chắc hẳn rất hiểu cách đạo diễn xây dựng nhân vật và tình tiết câu chuyện. Cái thú khi xem phim của Nolan không chỉ nằm ở phần nhìn vốn luôn mãn nhãn, mà còn ở những bí mật ẩn trong các tình huống trong phim. Xem phim Nolan chẳng mấy ai yêu thích mà xem mỗi một lần. Lần đầu xem phim để sướng con mắt. Lần hai xem để hiểu nhìn ra những gì đã bỏ lỡ lần đầu. Lần ba là một trải nghiệm có lẽ hoàn thiện nhất, khi cả phần nhìn và phần cốt chuyện đều được làm rõ. Mỗi lần xem sẽ có những phát hiện khác, những trải nghiệm vô cùng thú vị. Đấy mới là thưởng thức nghệ thuật $225 triệu.
Bài viết có tham khảo từ New Rockstars.