Graffiti Việt Nam – khi thành phố là không gian cho nghệ thuật biểu hiện
Cộng đồng Graffiti Việt Nam
“Nếu xem hiphop là một món ăn, thì Graffiti chính là gia vị giúp món ăn ấy trở nên hoàn hảo hơn.” Không hối hả, bon chen, chỉ cần một góc tường nhỏ, vài chai sơn xịt, và ngọn lửa đam mê, nhiều bạn trẻ chọn cho mình thú vui cặm cụi tô vẽ lên bức tường nơi công cộng. Ngay từ những ngày đầu mới du nhập vào Việt Nam, sức hút của bộ môn nghệ thuật này nhanh chóng lan tỏa và được đông đảo các bạn trẻ đón nhận. Lí giải cho sức hút của Graffiti, nhiều bạn trẻ khẳng định rằng đây là Graffiti là hơi thở, là lối thoát cho họ trước những bế tắc trong cuộc sống.
Xuất hiện lần đầu vào những năm 1970 tại New York, Graffiti được xem là một loại hình nghệ thuật công cộng hay nghệ thuật đường phố thể hiện thông qua những lọ sơn xịt. Người ta tìm đến Graffiti như một cầu nối để họ giao tiếp với thế giới bên ngoài và để thể hiện “cái tôi” của bản thân trên đường phố.
Cộng đồng Graffiti Việt Nam – Lớn lên bằng những giấc mơ
Trong một buổi trò chuyện với Budx Ho Chi Minh City (được thực hiện bởi Budweiser và Mixmag), khách mời Danny Daos – một trong những người tiên phong cho nghệ thuật Graffiti ở Việt Nam với 14 năm hoạt động trong lĩnh vực, đồng thời là trưởng nhóm Graffiti ALLINONE – đã có những chia sẻ về bộ môn nghệ thuật mà anh đã theo đuổi.
“Graffiti luôn có 2 mặt tốt và xấu song hành”, Danny Daos nhấn mạnh. “Cái xấu cho mình động lực để tạo ra những thứ có ý nghĩa hơn. Khởi thủy, Graffiti chỉ đơn thuần viết tên của mình lên tường theo những kiểu cách điệu, chẳng cần ý nghĩa gì. Sau nhiều giai đoạn, người nghệ sĩ phát triển nó để tìm kiếm sự đồng cảm trong xã hội, nói lên chính kiến và suy nghĩ của mình.” “Ở Việt Nam, các nghệ sĩ còn gặp nhiều khó khăn, nhưng nếu có niềm tin và đam mê đủ lớn thì sẽ làm được,” anh bổ sung.
Danny cũng lấy ví dụ về dự án bảo vệ tê giác mình vừa có dịp thực hiện: “Tôi không nghĩ họ sẽ mời chúng tôi làm dự án đó. Nó cho thấy cái nhìn nghiêm túc của các tổ chức trong việc sử dụng loại hình graffiti để truyền tải thông điệp xã hội, hướng khán giả đến điều tích cực và đẹp đẽ.” Dự án vẽ tranh tê giác là hoạt động chính trong chương trình “Vẽ tranh tường nghệ thuật bảo vệ động vật hoang dã” do Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển CHANGE phối hợp với Quận đoàn quận 1 tổ chức, kỳ vọng sẽ thu hút 10,000 lượt người xem và tham gia các hoạt động tương tác tại TP.Hồ Chí Minh.
Bên cạnh Danny Daos và ALLINONE, Wallovers có lẽ là cái tên không thể bỏ qua khi nói đến cộng đồng Graffiti ở Việt Nam. Được thành lập từ năm 2017, đến nay Wallovers đã có hơn 40 dự án về nghệ thuật vẽ Graffiti. Những bức tranh của các chàng trai không chỉ dừng lại ở mục đích giải trí mà còn hướng đến những công trình ý nghĩa trong khắp thành phố. ZKhoa, một thành viên kì cựu của nhóm, cho biết mục đích của nhóm là thực hiện nhiều tác phẩm ý nghĩa, có chiều sâu và hoàn thiện để góp phần đưa graffiti đến gần hơn với cộng đồng, nhất là ở những vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số.
Graffiti Việt Nam – Nguồn: Wallovers Graffiti Việt Nam Graffiti Việt Nam
Một trong những dự án “để đời” của Wallovers chắc hẳn là dự án Việt Nam On The Wall (2017) trải dài khắp trên cung đường Nguyễn Hữu Cảnh. Đây là một dự án Graffiti được Nippon Paint tài trợ toàn bộ với tổng diện tích 220m2, với chủ đề những địa danh thắng cảnh ở Việt Nam từ Bắc đến Nam. Dự án được ấp ủ suốt một năm trời và được liên tục thực hiện trong vòng 2 tháng, sử dụng tổng cộng hơn 800 chai sơn xịt và 30 lít sơn phủ bóng.
Tác phẩm trong dự án PAINT (RED) SAVE LIVES của (RED) – quỹ phòng chống HIV/AIDS thế giới của Wallovers vào năm 2019 cũng là một trong những tác phẩm nghệ thuật đầy tính nhân văn và thiết thực. Được biết, bên cạnh Wallovers, dự án cũng có sự đóng góp từ các tên tuổi nghệ sĩ lớn khắp thế giới.
Với những đóng góp nhỏ to của các thành viên Wallpapers đã phần nào khẳng định giá trị của nghệ thuật này. Wallovers ra đời như một cái kết có “hậu” dành cho những bạn trẻ xứng tầm với Graffiti.
Graffiti có thật sự là mối đe dọa của đô thị?
Tuy với những giá trị nghệ thuật truyền tải thông qua các bức họa trên tường, Graffiti vẫn còn ít được phổ biến với đại đa số người Việt, thậm chí còn bị xem là sự nổi loạn của tuổi trẻ, chẳng khác gì là “vẽ bậy” lên tường.
Một thực tế không thể phủ nhận là Graffiti đang trở nên xấu xí trong mắt người Việt Nam, bởi cứ lảo đảo vài con phố thì sẽ không khó để tìm thấy những hình vẽ bôi bẩn phố phường. Những hình vẽ Graffiti theo kiểu “nửa vời,” không được đầu tư từ ý tưởng đến kỹ thuật vẽ – nét vẽ nguệch ngoạc, dùng nhiều loại sơn không đúng chuẩn sơn tường, hình mới vẽ chồng lên hình cũ, v.v. – khiến cho đường phố càng thêm lấm lem, nhếch nhác. Graffiti “nửa nạc, nửa mỡ” sẽ dẫn đến mặt trái là làm bẩn phố phường – sẽ chẳng ai cổ súy cho hành động thiếu ý thức, gây mất mỹ quan đô thị.
Graffiti Việt Nam Graffiti Việt Nam Graffiti Việt Nam
Graffiti bị lên án còn vì vẽ lên những nơi không được cho phép. Như anh Danny Daos – một người đã theo đuổi bộ môn nghệ thuật này suốt 14 năm, cũng hài hước kể về những ngày tháng “vẽ bậy” lên các bức tường không phép: “Vẽ không phép là bạn phải rất nhanh nhẹn, phải trải qua cảm giác hồi hộp và sợ hãi. Đang vẽ dở mà bị phát hiện thì lại phải bỏ chạy. Sau đó phải quay lại vào ban đêm để hoàn thành nốt tác phẩm. Sáng hôm sau, mọi người thức dậy và tha thứ cho mình vì tác phẩm đẹp.” Hay các chàng trai trong Wallovers từng chia sẻ họ cũng đã trải qua cái thời phải lén lút vẽ Graffiti ở nơi công cộng giữa những đêm khuya.
Thiếu mất một sân chơi đúng nghĩa cho cộng đồng Graffiti Việt Nam
Tuy với những đóng góp không nhỏ của cộng đồng Graffiti Việt Nam, hiện nay vẫn còn thiếu một sân chơi để các bạn trẻ có thể mặc sức sáng tạo và theo đuổi ước mơ của mình. Tại nhiều nơi trên thế giới như Đức, Pháp, Philippines, Thái Lan, v.v., bộ môn nghệ thuật Graffiti đã dần được chấp nhận, thậm chí còn tìm cách ủng hộ người trẻ dám theo đuổi ước mơ và quảng bá bộ môn nghệ thuật đường phố này thông qua các lễ hội, các khu vui chơi. Trong cộng đồng cũng đã có những không gian riêng, hay những cuộc thi vẽ Graffiti dành cho các bạn trẻ đam mê loại hình nghệ thuật này.
Song ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế về điều kiện để người trẻ đam mê được thể hiện bản thân và khẳng định cá tính. Khi các bạn trẻ không có sân chơi để thể hiện và sự thiếu ý thức về không gian sống, ắt hẳn sẽ dẫn đến việc họ “đánh lén” để thỏa mãn đam mê của mình. Bàn về vấn đề này, họa sĩ Siu Quý, Phó Chủ tịch Hội Mỹ Thuật TPHCM cho biết sự hạn chế trong không gian dành cho các hoạt động mỹ thuật là nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc tranh Graffiti tràn lan khắp mọi nẻo đường. Theo họa sĩ Đặng Minh Thế – giảng viên khoa Hội họa, ĐH Mỹ thuật TP. HCM, “Sức hút của nghệ thuật Graffiti gắn liền với cảnh quan, mảng màu, tạo cho người trẻ sự năng động, thoải mái sáng tạo. Cần có sự phân biệt giữa nghệ thuật bài bản và sự bôi bẩn, đừng vội quy chụp. Để Graffiti có thể trở thành một bộ môn nghệ thuật đúng nghĩa ở Việt Nam, cần tạo sân chơi cho họ thay vì cấm đoán.”
Việc xây dựng một Việt Nam văn minh, hiện đại, cần có sự giao thoa giữa văn hóa truyền thống phương Đông lẫn phương Tây. Tuy không thỏa hiệp được việc giới trẻ ngày nay có đam mê vẽ tranh lên tường, vẫn không thể phủ nhận một điều rằng Graffiti là một loại hình nghệ thuật với mong muốn mang lại cho phố phường một diện mạo mới đẹp hơn, đồng thời truyền tải những thông điệp xã hội nhân văn ý nghĩa.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
#LocalZine: Đảo Thạnh An – Trạm bơm bình yên và những lời nhắn nhủ yêu đến lụi tim
#Localzine: Việt Nam xưa nơi góc nhà của ngoại
#LocalZine: Cà phê vỉa hè – uống một ngụm thôi là nhớ thương cả đời