Phim truyền hình Hàn Quốc “She was pretty” (“Mối tình đầu của tôi”) đã từng cuốn hút một số lượng không nhỏ những mọt phim của xứ sở kim chi. Bộ phim kể về câu chuyện tình cảm giữa Kim Hye Jin và tình đầu thời thơ ấu Ji Sung Joon sau nhiều năm xa cách. Dù hai người đã trưởng thành và hoàn toàn thay đổi nhưng tình cảm cũ thì vẫn như xưa.
Bạn có biết, chính hiệu ứng “tình cũ khó quên” đã khiến Sung Joon mãi không thể quên Hye Jin dù sau nhiều năm xa cách. Chuyện phim là ví dụ của hiệu ứng “tình cũ khó quên” hay hiệu ứng Zeigarnik. Thế thật sự thì hiệu ứng này là gì và nó tồn tại ra sao trong đời sống hàng ngày?
Câu chuyện ra đời của hiệu ứng “tình cũ khó quên”
Được đặt tên theo tên của nhà tâm lý học Bluma Zeigarnik, Hiệu ứng Zeigarnik – hay còn có tên gọi khác là hiệu ứng “tình cũ khó quên”, ra đời vào cuối thập niên 1920, sau khi bà nhận ra một điều kì lạ khi quan sát những người tạp vụ trong quán ăn.
Bà Zeigarnik phát hiện đa số những người tạp vụ có khả năng ghi nhớ những đơn đặt món dài và phức tạp rất lâu. Tuy nhiên, sau khi đã phục vụ xong, họ hoàn toàn quên hết những yêu cầu đó. Giả thuyết được đặt ra rằng những đơn hàng đang được phục vụ dang dở dường như “gắn chặt” trong não của những người phục vụ cho đến khi họ hoàn thành đơn hàng.
Ý tưởng này thôi thúc bà tiến hành các thí nghiệm và nghiên cứu khác nhau. Bà cho mời một nhóm tình nguyện viên thực hiện một số các câu đố. Trong lúc họ đang giải đố, bà sẽ chen ngang và can thiệp vào vài câu đố nhất định. Khi được đề nghị miêu tả lại những câu đố, những tình nguyện viên nhớ các câu bị chen ngang nhiều hơn 90% so với những câu còn lại.
Điều này khiến Zeigarnik rút ra kết luận: Các công việc bị bỏ dở sẽ “nằm lại” trong đầu con người chúng ta lâu hơn.
Áp dụng hiệu này trong chuyện tình cảm, ta sẽ lí giải được vì sao chúng ta thường xu hướng thương nhớ mãi một mối tình không thành trong quá khứ.
Sự thật là chúng ta thường nhớ mãi một chuyện tình dang dở. Đó có thể là một cuộc hẹn hò đang bỏ dở, một người thương chưa kịp tìm hiểu sâu, một mối tình chưa kịp “nở” đã tàn… Những cảm xúc vấn vương đó đều có thể được lí giải bằng hiệu ứng “tình cũ khó quên.”
Vì sao “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở”?
Con người có ba loại trí nhớ: trí nhớ tạm thời, trí nhớ ngắn hạn và trí nhớ dài hạn. Khi tiếp nhận một thông tin, trí nhớ tạm thời sẽ lưu trữ thông tin trong một thời gian rất ngắn. Khi bạn bắt đầu chú ý và muốn lưu trữ thông tin vừa tiếp nhận, những thông tin này sẽ được chuyển sang trí nhớ ngắn hạn. Nếu liên tục chủ động nhắc lại những thông tin trong trí nhớ ngắn hạn, các thông tin này có thể chuyển sang trí nhớ dài hạn.
Lúc này, nếu áp dụng hiệu ứng Zeigarnik sẽ tạo ra một áp lực lên nhận thức khiến thông tin về công việc dang dở hiện lên trong trí nhớ ngắn hạn một cách thường xuyên. Điều này khiến bạn luôn nhớ và nghĩ ngợi về những việc mình chưa hoàn thành.
Dùng hiệu ứng Zeigarnik để loại bỏ trì hoãn
Giải thích khoa học cho hiện tượng này là do khi chúng ta huy động toàn bộ trí não để hoàn thành công việc, con người ở trạng thái “tổng động viên.” Khi công việc xong, cơ thể sẽ thư giãn và có tâm lý xả hơi, đồng thời dễ dàng quên đi những gì ta đã làm. Trái lại, với những công việc còn dang dở thì điểm hưng phấn của công việc in dấu trong não mà không mất đi được, thành ra khó mà rơi vào quên lãng.
Hiệu ứng này trên thực tế xuất hiện khắp nơi xung quanh chúng ta, đặc biệt là trong ngành giải trí và quảng cáo. Những bộ phim truyền hình thường được điều chỉnh để “hết” ngay khi phim đang đi đến cao trào. Đó là một cách lợi dụng hiệu ứng Zeigarnik nhằm tạo cho người xem tâm lý chờ đợi và háo hức để tiếp tục xem những tập tiếp theo.
Hiệu ứng này cũng được coi là một biện pháp tốt dành cho những người hay trì hoãn. Rất nhiều người trong chúng ta luôn tự nói với mình “Thôi để ngày mai làm” và cuối cùng không thể hoàn thành được việc gì.
Tuy nhiên, cũng giống như việc những bộ phim truyền hình thường được điều chỉnh để “hết” ngay khi phim đang đi đến cao trào khiến bạn đứng ngồi không yên, lời khuyên được đưa ra là dù ít hay nhiều, dù khó hay dễ, dù yêu hay ghét, hãy bắt tay thực hiện công việc “ngay và luôn.” Bởi một khi đã bắt đầu, bạn sẽ có xu hướng muốn hoàn thành nó hơn mặc cho thói quen trì hoãn của mình.
Kể cả đối với những vấn đề lớn và phức tạp thì hiệu ứng Zeignarnik cũng phát huy tác dụng. Chìa khóa là nên bắt đầu với những phần đơn giản và có khả năng hoàn thành ở hiện tại. Điều này sẽ giúp bạn dễ giải quyết được vấn đề hơn, chỉ đơn giản là vì bạn đã bắt đầu xử lý nó.
Kết
Có thể thấy dù là một mối tình, một công việc hay chỉ một suy nghĩ thôi, miễn là còn dang dở chưa hoàn thành, thì sẽ nằm mãi trong đầu và thôi thúc bạn tiếp tục. Vậy nên trước khi để hiệu ứng Zeigarnik làm ta lo lắng và bồn chồn không yên, hãy bắt tay vào hoàn thành công việc ngay thôi!
Nguồn: ZeigarnikEffect
Thảo luận về bài viết