Không phải vô lý gì khi phim tình cảm thường bị gắn mác là rập khuông đâu. Nhưng cũng chính những mô-típ dưới đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán giả “phải lòng” với những câu chuyện tình yêu sướt mướt đấy.
Nụ hôn dưới mưa, những lần lỡ chạm vào tay người ấy nhẹ nhàng, chạy theo người đấy đến sân bay/ga tàu trước khi họ biến mất hoàn toàn khỏi đời mình mãi mãi hay nhữngmàn tỏ tình “ngọt đến sâu răng” trước hàng tá con người,… Đây có thể được cho là những “nguyên liệu” luôn thấy trong bất kỳ câu chuyện tình yêu lãng mạn tuyệt vời nào.
Có lẽ vì thế, những tác phẩm văn học, bộ phim/series truyền hình lãng mạn vẫn là một trong những thể loại phổ biến với khán giả và bán chạy nhất mọi thời đại.
Điều đó hoàn toàn có lý do cả, nếu xem hoặc đọc nhiều tác phẩm thuộc thể loại này, ta có thể thấy những mô-típ mà tác giả và biên kịch dùng để thu hút người xem vào câu chuyện lãng mạn được kể đấy. Sau đây, hãy cùng The Millennials Life khám phá những“công thức” điển hình mà ta thường bắt gặp trong thể loại lãng mạn nhé!
Thể loại lãng mạn là gì? Và nó đã phát triển như thế nào trong thế giới hiện đại ngày nay?
Từ các tác giả đã đặt nền móng như Jane Austen đến các nhà văn/biên kịch hiện đại và những tác giả viết truyện fanfic (được hiểu là những mẩu truyện do người hâm mộ tác phẩm gốc viết về nhân vật họ thích, không có sự can thiệp từ tác giả gốc) trên mạng ngày nay, thể loại lãng mạn có thể tồn tại ở nhiều hình thức khác nhau.
Theo định nghĩa của Wikipedia, thể loại lãng mạn được mô tả là: “…một thể loại tiểu thuyết hư cấu tập trung chủ yếu vào mối quan hệ và tình yêu lãng mạn giữa 3 người, và thường kết thúc một cách thỏa mãn về mặt cảm xúc và lạc quan.“
Những câu chuyện lãng mạn thường được sử dụng trong cả phim và văn học. Đôi khi nó sẽ là cốt truyện chính, nhưng cũng có lúc nó chỉ là mạch truyện nhỏ trong một câu chuyện lớn hơn. Chính vì thế, lãng mạn có lẽ là thể loại phổ biến nhất và được sử dụng rộng rãi nhất trên mọi phương diện.
Trải qua lịch sử hình thành và phát triển, lãng mạn ngày nay hết sức khác biệt so với những năm 50 hay 60. Một đặc điểm lớn của lãng mạn đặt để bối cảnh trong thời kỳ hiện đại là cách mà các nhân vật tương tác chặt chẽ với xu hướng đạo đức và xã hội hiện tại.
Ngày nay, hầu hết các tiểu thuyết hay bộ phim lãng mạn lấy bối cảnh hiện đại mà bạn đọc và xem đều có nhân vật nữ chính theo đuổi sự nghiệp và chưa kết hôn. Phần lớn, yếu tố hôn nhân, con cái hoặc đám cưới trong câu chuyện của nhân vật sẽ ít xuất hiện hoặc chỉ có ở gần cuối khi cả 2 “hạnh phúc mãi mãi về sau”.
Một đặc điểm khác của thể loại lãng mạn hiện đại là thường thiếu đi yếu tố kỳ diệu. Phân nhánh này cố gắng truyền tải những câu chuyện tình yêu cảm giác thực tế — như thể chúng thực sự xảy ra ở đâu đó trong thế giới xung quanh chúng ta.
8 mô-típ tình yêu kinh điển trong các tác phẩm lãng mạn
Trước khi đi vào danh sách một số mô-típ lãng mạn hiện đại phổ biến nhất, chúng tôi muốn lưu ý với các bạn rằng những “công thức” này không chỉ đặc trưng cho thể loại lãng mạn trong bối cảnh hiện đại không thôi đây. Chúng cũng thường được tìm thấy trong nhiều tác phẩm lãng mạn với bối cảnh khác. Tuy nhiên, những mô-típ này vẫn còn được áp dụng trong đại đa số câu chuyện lãng mạn ngày nay.
Hơn nữa, chính bởi sự linh hoạt trong cách kết hợp của thể loại lãng mạn như đã nói ở trên, những tác phẩm và bộ phim dưới đây có thể có từ 2 đến nhiều mô-típ khác nhau; với mục đích là để làm thú vị cho người xem, cũng như khiến cho 2 nhân vật chính của mình đến với nhau nhanh hơn.
1. Cá cược trong tình yêu (The Dare/Bet)
Mô-típ “cá cược trong tình yêu” đã được sử dụng rất nhiều trong các câu chuyện vào cuối thập niên 90 và đầu những năm 2000; đặc biệt là trong các bộ phim như 10 Things I Hate About You và She’s All That là những ví dụ tiêu biểu cho mô-típ này.
Thông thường, trong “công thức” phát triển câu chuyện này, một trong 2 nhân vật chính (thường là nam) đưa ra một lời cá cược nào đó để giành được sự chú ý hoặc tình cảm của nhân vật nữ. Điều này dẫn đến việc cả hai dần nảy sinh tình cảm với nhau, cho đến khi nhân vật nữ phát hiện ra về vụ cá cược — thường là trong đoạn cao trào ở hồi thứ ba của câu chuyện.
Một cách thể hiện phổ biến khác của mô-típ này thường xuất hiện trong bối cảnh tình yêu nơi công sở. Hai nhân vật chính làm việc cùng công ty và đưa ra thử thách với nhau, chẳng hạn như tranh giành một vị trí thăng tiến chẳng hạn.
Bạn có thể tìm thấy mô-típ“cá cược trong tình yêu” trong những tác phẩm sau đây:
- Cuốn sách To All the Boys I’ve Loved Before của Jenny Han.
- Bộ phim How to Lose a Guy in 10 Days với diễn xuất của Kate Hudson và Matthew McConaughey.
- K-drama Because This Is My First Life với diễn xuất của Jung So-min và Lee Min-ki.
2. Từ kẻ thù thành người yêu (Enemies to Lovers)
Mô-típ “Từ kẻ thù thành người yêu” là một mô-típ kinh điển trong thể loại lãng mạn. Nó dựa trên ý tưởng rằng ranh giới giữa tình yêu và thù ghét là rất mỏng manh.
Những tác phẩm có công thức này thường chứa đựng nhiều căng thẳng trong nửa đầu của cuốn sách hoặc bộ phim, khi các nhân vật chính cố gắng tránh bất kỳ sự tương tác nào với nhau. Câu chuyện sau đó tập trung vào sự phát triển tình cảm của họ, từ việc ghét bỏ nhau đến yêu thương nhau.
Bạn có thể tìm thấy mô-típ “Từ kẻ thù thành người yêu” trong những tác phẩm sau đây:
- Cuốn sách Red, White and Royal Blue của Casey McQuiston.
- Bộ phim Anyone But You với diễn xuất của Sydney Sweeney và Glen Powell.
- K-drama Hometown Cha-cha-cha với diễn xuất của Shin Min-a và Kim Seon-ho.
3. Hoàng Tử-Lọ Lem (Cinderella Story)
Mô-típ “Hoàng Tử-Lọ Lem” là một cách phát triển câu chuyện khá phổ biến của thể loại lãng mạn, trong đó câu chuyện xoay quanh mối quan hệ giữa 2 nhân vật có địa vị xã hội khác biệt rõ rệt.
Một trong hai nhân vật thường là người thuộc tầng lớp thượng lưu, giàu có hoặc quyền lực (thường gọi là “hoàng tử”), trong khi người còn lại là người bình thường hoặc xuất thân từ hoàn cảnh khó khăn, khiêm tốn (thường gọi là “Lọ Lem”). Cốt truyện thường xoay quanh hành trình họ đến với nhau, vượt qua những rào cản xã hội, định kiến, và sự chênh lệch về địa vị.
Bạn có thể tìm thấy mô-típ “Hoàng Tử-Lọ Lem” trong những tác phẩm sau đây:
- Đương nhiên, mẩu truyện cổ tích Lọ Lem sẽ là tác phẩm nhiều người nghĩ đến khi nói về mô-típ lãng mạn này.
- Bộ phim Crazy Rich Asians với diễn xuất của Constance Wu và Henry Golding.
- K-drama True Beauty với diễn xuất của Moon Ka-young và Cha Eun-woo.
4. Cận kề bắt buộc (Forced Proximity)
“Cận kề bắt buộc” thường xuất hiện khi 2 nhân vật chính không thể tránh né nhau và phải dành thời gian ở bên nhau, thường là trong những tình huống bất ngờ hoặc không thoải mái.
Một số tình huống điển hình trong “công thức” này là khi 2 nhân vật đấy bị nhốt trong một không gian chật hẹp như một căn phòng hay bị buộc phải chia sẻ một chiếc giường, dù họ không hề muốn. Điều này tạo ra căng thẳng và sự đối đầu giữa họ, nhưng dần dần cũng khiến họ nhận ra cảm xúc thật sự của mình dành cho đối phương.
Ví dụ về sách, phim và K-drama sử dụng mô-típ này có thể kể đến:
- Cuốn sách The Hating Game của Sally Thorne
- Bộ phim The Holiday với diễn xuất của Kate Winslet, Cameron Diaz, Jude Law và Jack Black
- K-drama Strong Girl Bong-soon với diễn xuất của Park Bo-young và Park Hyung-sik
5. Mối tình “Thanh mai trúc mã” (Friends to Lovers)
“Thanh Mai Trúc Mã” kể về câu chuyện tình cảm giữa hai nhân vật đã quen biết nhau từ khi còn nhỏ hoặc lớn lên bên nhau. Thường thì mối quan hệ này bắt đầu bằng tình bạn thân thiết, dần phát triển thành tình yêu khi cả hai nhận ra ý nghĩa thực sự của đối phương trong cuộc đời mình.
Đây là mô-típ lãng mạn mang lại cảm giác hoài niệm, gần gũi và đôi khi cũng đầy kịch tính khi hai nhân vật phải vượt qua những rào cản như hiểu lầm, khoảng cách hay nỗi sợ mất đi tình bạn vốn có.
Bạn có thể tìm thấy những tác phẩm nói về mối tình“Thanh Mai Trúc Mã” sau đây:
- Cuốn sách Love, Rosie của Cecelia Ahern
- Bộ phim 13 Going on 30 với diễn xuất của Jennifer Garner và Mark Ruffalo
- K-drama Our Beloved Summer với diễn xuất của Kim Da-mi và Choi Woo-shik
6. Cuộc gặp gỡ định mệnh (Meet-cute)
Mô-típ này tập trung vào cách mà 2 nhân vật chính gặp nhau lần đầu. Thường thì đó có thể là phải trải qua những tình huống đặc biệt, độc đáo hoặc hài hước, khiến cuộc gặp gỡ định mệnh ấy trở thành kỷ niệm khó quên, và là câu chuyện họ sẽ kể lại với con cháu trong tương lai.
Những ví dụ về sách, phim và K-drama sử dụng mô-típ này có thể kể đến:
- Cuốn sách One Day của David Nicholls.
- Bộ phim 500 Days of Summer với diễn xuất của Zooey Deschanel và Joseph Gordon-Levitt.
- K-drama Crash Landing on You với diễn xuất của Son Ye-jin và Hyun Bin.
7. Tình tay ba (Love Triangle)
“Tình Tay Ba” là một trong những “công thức” phổ biến và hấp dẫn nhất trong các câu chuyện tình cảm. Nó thường xoay quanh nhân vật chính bị giằng xé giữa hai người khác, tạo nên một mối quan hệ đầy căng thẳng, cảm xúc và đôi khi cả bi kịch. Mô-típ này không chỉ mang lại chiều sâu cho câu chuyện tình cảm mà còn giúp khám phá những chủ đề như sự lựa chọn, lòng trung thành, và định nghĩa thực sự của tình yêu.
Những ví dụ về sách, phim và K-drama sử dụng mô-típ này có thể kể đến:
- Tiểu thuyết Twilight của Stephenie Meyer
- Bộ phim Pearl Harbor với diễn xuất của Kate Beckinsale, Ben Affleck và Josh Hartnett
- K-drama Boys Over Flowers với diễn xuất của Koo Hye-sun, Lee Min-ho và Kim Hyun-joong
8. Câu chuyện tuổi thanh xuân (Coming-of-age)
Mô-típ “Coming-of-age” trong phim tình cảm tập trung vào quá trình trưởng thành của nhân vật chính, thường là thanh thiếu niên hoặc người trẻ tuổi. Câu chuyện khám phá các khía cạnh của tình yêu đầu đời, cảm xúc mơ hồ, sự mất mát, khám phá bản thân và đôi khi cả những khó khăn trong việc hòa nhập xã hội. Tình yêu trong thể loại này không chỉ là yếu tố lãng mạn mà còn đóng vai trò như chất xúc tác để nhân vật học cách hiểu mình và thế giới xung quanh.
Những bộ phim này thường giàu tính cảm xúc và sâu sắc, khắc họa sự va chạm giữa mơ mộng tuổi trẻ và thực tế cuộc sống, từ đó để lại những bài học ý nghĩa.
Bạn có thể tìm thấy những câu chuyện xoay quanh thuở niên thiếu trong những tác phẩm sau đây:
- Cuốn sách Call Me by Your Name của André Aciman.
- Bộ phim The Fault in Our Stars với diễn xuất của Shailene Woodley và Ansel Elgort
- K-drama Reply 1988 với diễn xuất của Lee Hye-ri, Ryu Jun-yeol, Go Kyung-pyo, Park Bo-gum và Lee Dong-hwi
Xem thêm những bài viết khác dưới đây:
- One Day (2024): Hãy nói lời yêu nhau trước khi quá muộn
- Yorgos Lanthimos: Bậc thầy của điện ảnh viễn tưởng
- ‘Past Lives’ – vòng lặp nhân duyên