#LocalZine là tập hợp những câu chuyện và trải nghiệm về đời sống, văn hóa Việt
Internet được xem như chính thức “có mặt” tại Việt Nam từ năm 1997. Mãi đến những năm 2000, nó mới bắt đầu phổ biến và phát triển. Tuổi thơ lứa 8x đời cuối, 9x đời đầu hoàn toàn vắng bóng game online, facebook, smartphones,… Truyện tranh là một trong những lựa chọn ưu tiên giải trí hàng đầu.
Tuy nhiên, với bối cảnh lịch sử những năm 80 của thế kỷ XX, thị trường truyện tranh ở Việt Nam (và cả truyện tranh Việt Nam) không sôi động. Không như các loại hình nghệ thuật khác như văn học, mỹ thuật, điện ảnh, kịch nghệ ít nhiều vẫn có những tác phẩm gây chú ý, truyện tranh hầu như không cái tên nổi bật nào.
Thật ra, trước 1975, Việt Nam cũng có truyện tranh. Bắt nguồn từ thể loại tranh hí họa châm biếm, “truyện tranh” dần được cải tiến thành những tựa truyện một trang, cho đến các sáng tác dài kỳ đăng báo. Còn truyện tranh “nước ngoài” thì chủ yếu phổ biến những tựa truyện từ Trung Quốc, nổi tiếng nhất là truyện tranh Tam Quốc Diễn Nghĩa liên hoàn họa và Tây Du Ký liên hoàn họa – được vẽ theo lối hội họa Trung Hoa cổ truyền, hoàn toàn khác xa phong cách minh họa của truyện tranh hiện đại.
Truyện tranh ngoại nhập chỉ thực sự bắt đầu có mặt trong đời sống văn hóa Việt Nam từ sau 1986 – thời kỳ Đổi Mới. Chỉ sau vài năm, cùng với sự phát triển của xã hội, thị trường truyện tranh cũng có những bước tiến rõ rệt với những tựa truyện làm nên tuổi thơ của hàng triệu thanh thiếu niên Việt Nam.
Trong lịch sử phát triển truyện tranh, có những nền truyện tranh đã đạt dấu ấn riêng biệt. Vì vậy, người ta dùng luôn danh từ truyện tranh trong ngôn ngữ sở tại để chỉ các sản phẩm truyện tranh xuất xứ từ các nước này.
Truyện tranh âm Hán Việt là mạn họa (漫画). 漫画 cũng chính là manga trong tiếng Nhật, manhua trong tiếng Hoa, và manhwa trong tiếng Hàn. Do đó, dù đôi khi dễ gây nhầm lẫn trong tên gọi nhưng tất cả các từ trên đều để chỉ truyện tranh.
Thời kỳ hoàng kim của truyện tranh ở Việt Nam là những năm 90 thế kỷ XX. Những bộ manhwa thuở ban sơ thời kỳ này có thể kể đến: Phong Thần (1991), Chung Vô Diệm (1991?), Anh Em Hồ Lô (1992). Những tựa truyện này có nội dung nói về các nhân vật anh hùng trừ gian diệt ác, hướng đến đối tượng độc giả nhỏ tuổi.
Mặc dù về tổng thể, chất lượng của các bộ truyện này còn thấp nhưng ở thời điểm đó, nó vẫn thành công thu hút sự quan tâm của bạn đọc. Có ý kiến cho rằng những tựa truyện này là lý do hình thành quan điểm “truyện tranh là dành cho trẻ em” – thứ đã ăn sâu vào tâm thức của các bậc phụ huynh và những người làm công tác xuất bản văn hóa ở Việt Nam.
Đôrêmon (Doraemon, 1992)
Năm 1992, làng truyện tranh “bùng nổ” khi NXB Kim Đồng cho phát hành bộ manga lừng danh Doraemon của tác giả Fujiko F. Fujio dưới cái tên Đôrêmon. Đây là tựa truyện tranh Nhật Bản đầu tiên được chính thức phát hành tại Việt Nam. Ban đầu, Kim Đồng cho in thử nghiệm 4 tập cùng vài mẩu truyện lẻ trên báo Nhi Đồng. Phản ứng vô cùng tích cực của độc giả sau đó đã khiến Kim Đồng quyết định phát hành Đôrêmon thành những tập truyện chính thức.
Lúc ấy, Đôrêmon có tổng cộng 78 tập truyện ngắn, 8 tập truyện dài, 8 tập in màu, 6 tập lá thư. Thậm chí, có tập Kim Đồng đã cho in tới 180.000 bản – con số đủ cho thấy sức hút của chú mèo máy Nhật Bản.
Nội dung truyện không có gì cao siêu, chỉ là những câu chuyện xoay quanh nhóm học trò lớp 3E là cậu nhóc Nôbita hậu đậu hay bị bắt nạt, Xêkô nhà giàu “mỏ nhọn”, Chaien to con với giọng hát khủng khiếp, và cô gái duy nhất trong nhóm Xuka – một cô bé xinh xắn, tốt bụng, dễ thương, học giỏi. Cuộc sống của đám trẻ khu phố bỗng thay đổi khi một ngày nọ, có một sinh vật tự xưng là “mèo máy đến từ tương lai” không biết ở đâu chui ra… từ ngăn bàn của Nôbita.
Mãi đến bây giờ, Đôrêmon vẫn là cái tên yêu thích của rất nhiều người. Liên tiếp những phụ bản như Đội Quân Đôrêmon Thêm, Đôrêmon Bóng Chày, Đôrêmon Khoa học ra mắt. Chìa khóa thành công của bộ truyện nằm ở trí tưởng tượng vô hạn của tác giả Fujiko F. Fujio, thể hiện qua hàng loạt bảo bối đến từ tương lai trong chiếc túi thần kỳ của chú mèo máy. Độc giả Nhật, Việt Nam, hay bất cứ đâu trên thế giới, đều bị cuốn hút với những trang truyện đề cao tình bạn và tình cảm gia đình của Đôrêmon.
Đến nay, Đôrêmon là bộ truyện có nhiều bản in và nhiều lần tái bản nhất trong lịch sử truyện tranh tại Việt Nam. Số lần xuất bản của tựa truyện đã lên tới hơn 20 lần, với tổng số bản in khoảng vài triệu bản.
Tiếp nối thành công của Đôrêmon, lần lượt những bộ manga của các tên tuổi lớn nối đuôi nhau ra mắt tại Việt Nam.
Subasa (Captain Tsubasa, 1993)
Một năm sau khi Kim Đồng đưa Đôrêmon về Việt Nam, đến lượt NXB Trẻ cho ra mắt Subasa. Bộ manga kể về cuộc đời của cậu bé cùng tên với đam mê và tài năng chơi bóng đá thiên tài. Bộ truyện trở thành động lực và biểu tượng cho nhiều thế hệ trẻ em chơi bóng đá tại Nhật Bản, sau đó là Việt Nam và các nơi trên thế giới.
Cho đến giờ, không ít độc giả vẫn không thể quên những khoảnh khắc Subasa và đồng đội ghi bàn nhờ “cú sút bẻ lái”, “cú sút bẻ lái bóng bay”, “cú sút chim ưng”… hay những lúc họ bị đe dọa bởi “cú sút tia lửa”, “cú sút đại bác”… từ phía đối thủ.
Nhóc Marưko (Chibi Maruko-chan, 1994)
Nhân vật chính của loạt manga này là Momoko Sakura, tuy nhiên mọi người vẫn quen gọi cô bé là Marưko. Mặc dù cốt truyện chỉ xoay quanh những vui buồn, hờn giận, suy nghĩ của một cô bé ngây thơ trước cuộc sống xung quanh nhưng Nhóc Marưko thật sự cuốn hút người đọc bởi nét vẽ hồn nhiên, nội dung giản dị, ngọt ngào, thấm đẫm tình cảm gia đình, bạn bè, trường lớp.
Siêu Quậy Téppi (Ore wa Teppei, 1995)
Siêu Quậy Téppi có nhân vật chính là cậu bé Téppi sống cùng người cha lập dị trong rừng sâu. Do làm “người rừng” từ bé nên Téppi không hề hiền lành, lễ phép, ngoan ngoãn như nhân vật chính nhiều bộ truyện khác. Cậu gần như không nắm được lối giao tiếp cơ bản hay các lễ nghi cần thiết. Tuy nhiên, bộ môn kiếm đạo đã giúp cậu dần hòa nhập với cuộc sống bình thường và trở thành con người hoàn thiện.
Siêu Quậy Téppi chứa đựng vô số tình huống hài hước, nhưng đồng thời đem đến không ít khoảnh khắc nhân văn. Thông qua câu chuyện, tác giả Tetsuya Chiba muốn truyền tải thông điệp về nghị lực và nỗ lực trong cuộc sống.
Hiện Siêu Quậy Téppi chưa có bản quyền xuất bản chính thức tại Việt Nam. Và độc giả chỉ có thể tìm kiếm những bản in từ ngày xưa nếu muốn thỏa mãn đam mê.
7 Viên Ngọc Rồng (Dragon Ball, 1995)
Cũng là tựa truyện dành cho thiếu nhi, nhưng 7 Viên Ngọc Rồng khác với Đôrêmon khi thuộc dòng hành động – viễn tưởng, cùng thông điệp đề cao tình bạn, tính kiên trì và nỗ lực vượt qua giới hạn bản thân.
Nhân vật trung tâm là Sôngôku. Nội dung truyện theo chân cậu từ lúc là cậu bé hiền lành tốt bụng, cho tới khi trở thành siêu xayda vô địch. Cùng với những người bạn, cậu đã liên tục chặn đứng các thế lực mưu toan phá hoại trái đất và vũ trụ.
Cũng qua mỗi lần biến hình, Sôngôku lại trở nên mạnh mẽ và đẹp hơn, với hàng loạt chiêu thức nổi tiếng như “kamejoko”, “thái dương hạ san”, “chó sói sớt gà cồ”…, được độc giả vô cùng yêu thích.
7 Viên Ngọc Rồng cũng thuộc nhóm truyện tranh được tái bản nhiều nhất ở Việt Nam. Đến nay, NXB Kim Đồng đã ra mắt 5 phiên bản khác nhau của bộ manga này.
Thám Tử Lừng Danh Conan (Case Closed/Detective Conan, 1995)
Thử hỏi đâu là bộ manga “nhây” nhất, đáp án chắc chắn sẽ là Thám Tử Lừng Danh Conan (không tính Đảo Hải Tặc vì ít ra độc giả còn biết được truyện diễn tiến đến đâu).
Khác với những tựa trên, Conan là bộ shounen manga (truyện tranh dành cho nam giới lứa tuổi học sinh, sinh viên) thể loại trinh thám. Câu chuyện bắt đầu khi cậu thám tử học sinh trung học Kudo Shinichi tình cờ khám phá ra bí mật của một tổ chức tội phạm và bị chúng thủ tiêu. Cậu may mắn thoát chết nhưng lại bị teo nhỏ thành đứa bé cấp 1 do tác dụng phụ của thuốc độc.
Kudo Shinichi “ẩn thân” trong hình hài cậu nhóc 6 tuổi Edogawa Conan, đến ở nhờ nhà cô bạn học kiêm người trong mộng Mori Ran để từng bước truy tìm tung tích tổ chức Áo đen. Thám Tử Lừng Danh Conan là tập hợp những vụ án cùng những tình huống dở khóc dở cười mà Shinichi / Conan trải qua trong thân thể của một học sinh tiểu học.
Nguyên tác Case Closed/Detective Conan của tác giả Gosho Aoyama vẫn chưa kết thúc. Những độc giả năm nào còn phải dấm dúi từng tờ tiền để lén ba mẹ mua truyện, bây giờ có người đã đến tuổi… đưa tiền cho con mình mua sách. Ai rồi cũng khác, chỉ Conan thì vẫn còn học lớp 1B. Tuy đã không còn nhiều kiên nhẫn dõi theo nhưng đọc Conan đã trở thành một thói quen khó bỏ của nhiều độc giả 8x, 9x. Bận rộn lắm cũng nhớ đánh dấu ngày phát hành trên lịch, chiều về tan làm ghé hiệu sách quen để mua. Cầm trên tay quyển truyện mới ra lò, chưa kịp giở trang nào để đọc nhưng đã thấy hạnh phúc ngập trong lòng.
Bác Sĩ Quái Dị (Black Jack, 1996)
Xuyên suốt sự nghiệp của mình, “ông tổ” manga Osamu Tezuka có vô số tác phẩm kinh điển. Nhiều cái tên trong số đó đã ra mắt các bạn đọc tại Việt Nam như Cậu Bé Ba Mắt (The Three-eye One), Thái Không Phi Thử (Astro Boy) nhưng ấn tượng nhất và “gây thương nhớ” nhất cho mọi người là Bác Sĩ Quái Dị.
Nhân vật chính Black Jack của loạt manga này là một vị bác sĩ với tài năng y học thiên bẩm, nhiều lúc siêu thường. Thế nhưng anh lại là một người khó gần, từ chối kết giao. Dù bị không ít người mỉa mai và xem thường vì hành nghề “lậu”, nhưng không ai có thể phủ nhận tài năng xuất chúng của anh.
Những cuộc phẫu thuật thần kỳ của Black Jack cứ thế dẫn dắt người đọc qua vô số cung bậc cảm xúc bởi tính nhân văn, đồng thời cho thấy sự khắc nghiệt của ngành y – công việc luôn phải giằng co với tử thần.
Bản in đầu tiên của Bác Sĩ Quái Dị do NXB Trẻ phát hành kéo dài 44 tập. Mãi tới năm 2010, phía Kim Đồng mới chính thức mua bản quyền tác phẩm, và xuất bản với đúng tên gốc Black Jack.
Ninja Loạn Thị (Rakudai Ninja Rantarō, 1997)
Chỉ với nét vẽ đơn giản và những tình tiết hài hước xoay quanh bộ ba Rantaro “loạn thị”, Kirimaru “kiết xu” và Shinbe “ngốc nghếch”, Ninja Loạn Thị đã khiến nhiều thế hệ độc giả Việt Nam mê mẩn. Đặc biệt, đây còn được xem là một trong những bộ manga được “Việt hóa” thành công nhất khi tạo cho độc giả cảm giác như đang đọc một bộ truyện tranh Việt Nam, với những màn đối thoại có các yếu tố chơi chữ, gây cười tiếng địa phương.
Ngoài ra, Ninja Loạn Thị còn được nhớ đến với vai trò “chuột bạch” cho sự kiện đọc truyện tranh ngược ở Việt Nam. Năm 2004, Công ước Berne về bảo hộ quyền tác giả chính thức có hiệu lực tại Việt Nam. Trùng hợp đây cũng là lần in thứ hai của Ninja Loạn Thị. Từ tập 11 của bộ truyện trở về sau được in theo hình thức đọc ngược như nguyên tác tiếng Nhật.
Đường Dẫn Đến Khung Thành (Kattobi Itto, 1998)
Bộ manga này xoay quanh nhân vật chính là cậu bé “nấm lùn” Jinđô cùng các thành viên đội bóng Suya. Với tính cách quậy phá, nghịch ngợm tinh quái, Jinđô liên tục tạo ra những tình huống hài hước. Tác phẩm này còn gây cười hơn nữa khi ở thời kỳ đầu ra mắt, nó được dịch giả lồng ghép nhiều câu ca dao, tục ngữ, thơ “chế” trong các đoạn hội thoại.
Năm 2008, Kim Đồng mua bản quyền nguyên tác với tên gốc Kattobi Itto. Những đoạn thoại chế không còn nữa, nhưng “dân ghiền” vẫn mãi nhớ những trang truyện “vỡ lòng” đã theo họ suốt tuổi thơ này.
Nữ Hoàng Ai Cập (Crest of the Royal Family, 2002)
Một cái tên làm mưa làm gió suốt một thời gian dài nữa, là Nữ Hoàng Ai Cập – bộ shojo manga do nữ mangaka Chieko Hosokawa thực hiện. Shojo là truyện tranh dành cho độc giả nữ lứa tuổi học sinh, sinh viên. Nữ Hoàng Ai Cập không phải bộ shojo đầu tiên ra đời, cũng không phải bộ shojo đầu tiên và duy nhất phát hành tại Việt Nam, nhưng đó là lần đầu tiên phong cách shojo bộc lộ rõ và có sức ảnh hưởng đến vậy. Hầu như bất cứ bức tranh nào vẽ con gái thời đó, nếu muốn được xem là đẹp thì nhất định phải có đôi mắt như Carol Rido – nhân vật chính.
Carol là một thiếu nữ người Mỹ tóc vàng, mắt xanh xuất thân từ một gia đình triệu phú. Cô có niềm đam mê với khảo cổ. Trong một lần khai quật ngôi mộ của một vị Pharaoh trẻ tuổi, nhóm khảo cổ trong đó có Carol “trúng lời nguyền”.
Carol bị đưa về quá khứ, đến Ai Cập cổ đại. Tại đây, cô gặp Menfuisư – vị Pharaoh trẻ tuổi đẹp trai (tuy có nơi nóng tính), cũng chính là người mà nhóm nghiên cứu đã khai quật ở thế kỷ XXI. Trải qua nhiều chuyện, cả hai có tình cảm với nhau, nên vợ thành chồng, cùng nhau vượt qua nhiều thử thách.
Do là người ngoại quốc lại đến từ tương lai nên Carol được mọi người kính nể và tôn sùng với vốn kiến thức và sự hiểu biết của mình. Cô cùng chồng xây dựng Ai Cập, trở thành một nhân vật quan trọng trong lịch sử.
Có thể xem Nữ Hoàng Ai Cập là kỳ phùng địch thủ với Conan trong khoản gây ức chế cho độc giả với nhân vật chính được xây dựng quá ngây ngô kiểu “nai vàng ngơ ngác”, còn bản thân bộ truyện thì đã ngừng xuất bản gần 20 năm vì lý do từ tác giả. Đến nay, vẫn chưa có NXB nào mua được bản quyền Nữ Hoàng Ai Cập.
Để nói cho hết thì ngoài những bộ truyện tranh Nhật Bản, thời đó chúng ta còn có Lucky Luke (1989), Những Cuộc Phiêu Lưu Của Tintin (The Adventures of Tintin, 1989), hay Xì Trum (The Smurfs, 1989) từ Âu Mỹ; Chú Thoòng (Old Master Q, 1992), Tiểu Hòa Thượng (The Little Monk, 1999), Người Trong Giang Hồ (Teddy Boy, 1997?) của Trung Quốc, đó là chưa kể đến Dũng Sĩ Hesman – một tác phẩm của họa sĩ Việt Nam.
Tuy nhiên, những cái tên này có lẽ sẽ được để dành cho những bài viết sau. Với cách kể chuyện đa dạng, cốt truyện được đầu tư kỹ lưỡng, và trên hết là chất lượng mỹ thuật tuyệt vời, truyện tranh Nhật Bản vẫn chiếm thế thượng phong, cho dù là ngày xưa hay ngày nay. Hơn cả một “công cụ” giải trí, những quyển truyện in giấy mỏng dính, mỗi lần cầm đến là mực nhòe đen cả tay ấy còn là thời thơ ấu, là kỷ niệm của biết bao con người. Giờ đây, trên hành trình dài của cuộc đời, tuổi thơ là một sân ga không ai có thể trở về. Những lúc có buồn có nhớ, chỉ cần được cầm trên tay quyển truyện tranh, bồi hồi lật giở từng trang một, tưởng thế cũng đã đủ rồi.
Xem thêm:
#84: Dọn nhà ngày Tết, sắp xếp tâm hồn
#84: Việt Nam là quốc gia hạnh phúc nhất châu Á
#84: Chợ – Sự trù phú và giàu có của văn hóa Việt Nam
#84: Xin chào, tớ là Phở, Bánh mì và Bún bò Huế, chúng mình nói chuyện được không?
#84: Lụa sen – Suối tơ óng ả và đắt đỏ bậc nhất thế giới
Thảo luận về bài viết