Chuyện gì đã xảy ra?
Báo cáo nhanh từ công cụ theo dõi sự cố trong 24h, Downdetector chỉ ra rằng bắt đầu vào khoảng 18 giờ 40 phút tối 14/12 theo giờ Việt Nam, nhiều dịch vụ và trang web của Google đã gặp phải tình trạng ngừng hoạt động trên phạm vi toàn cầu – trong đó có cả Việt Nam.
Sau khoảng 1-2 tiếng, Google đồng thời thông báo đã khắc phục sự cố thành công,các hoạt động diễn ra bình thường trở lại.
Sự cố này đã ảnh hưởng như thế nào đến thế giới?
Mạng xã hội Twitter xuất hiện các bài đăng đính kèm hashtag #GoogleDOWN, #YouTubeDOWN, #GmailDOWN (Google/Gmail/Youtube sập). Các bài viết nhận được hàng nghìn lượt chia sẻ.
Người dùng cũng báo cáo thiết bị nhà thông minh tích hợp Google Asisstant đang gặp sự cố, bao gồm cả bộ điều nhiệt thông minh Nest Hub không thể điều khiển lò sưởi thông minh được kết nối. Chỉ trong một thời gian ngắn, trang Downdetector ghi nhận số lượng báo cáo về lỗi của Google ước tính lên gần 40,000 trường hợp.
Google đứng ra lí giải nguyên nhân
Google thông báo các dịch vụ của công ty gặp vấn đề kết nối với server toàn cầu, gây ra lỗi “sập nguồn” là do có vấn đề trong hệ thống xác thực (authentication tool). Công cụ này quản lý việc người dùng đăng nhập vào các dịch vụ của hãng.
Hôm nay, do gặp sự cố hạn ngạch bộ nhớ trong, nên hệ thống xác thực bị lỗi. Điều đó dẫn đến việc hệ thống ngừng hoạt động trong vòng 45 phút và xảy ra tình trạng người dùng không thể đăng nhập. Tất cả các dịch vụ hiện đã được khôi phục. Chúng tôi xin lỗi tất cả những người dùng đã bị gián đoạn bởi lỗi nghiêm trọng ngày hôm nay. Chúng tôi đang nỗ lực làm việc để đảm bảo rằng, tình trạng trên sẽ không lặp lại trong tương lai.
Đại diện Google lí giải về sự cố “sập nguồn” gần đây
Gián đoạn dịch vụ thường diễn ra không?
Hầu như mọi năm, các “ông lớn” công nghệ đều xảy ra sự cố kết nối. Nguyên nhân thông thường là: Lỗi máy chủ, lỗi đường truyền, quá tải lượng truy cập hoặc… bị tin tặc tấn công.
Mặc dù khó tin, nhưng kể cả một công ty được bảo mật hàng đầu như Google cũng đã từng bị ảnh hưởng bởi các hacker. Trước đó, vào năm 2014, Detectify đã tìm ra lỗ hổng để truy cập và đọc được thông tin máy chủ các sản phẩm của Google. Hay vào năm 2015, Lizard Squad đã chuyển hướng thành công Google Việt Nam và điều hướng đến trang của hacker.
Chỉ mới tháng 8 năm nay, Google từng bị “sập” trên toàn cầu suốt 6h. Ngày 20/08, tương tự sự việc lần này, toàn bộ hệ thống của Google (trừ Google Search) đã gặp vấn đề và không hoạt động như bình thường. Người dùng báo cáo về các lỗi như không đăng nhập được tài khoản Gmail, không truy cập được YouTube và không sử dụng được các dịch vụ Drive hay Hangout.
Khoảng một tuần trước đây, nền tảng nhắn tin của Facebook cũng gặp lỗi đường truyền. Ngay cả các dịch vụ trả phí như YouTube TV cũng không tránh khỏi “thảm họa.” Tuy nhiên năm 2018, YouTube TV ghi điểm nhờ chính sách ‘đền bù’ cho khách hàng (tặng một tuần sử dụng miễn phí dịch vụ).
Phải làm gì nếu “gã khổng lồ” Google biến mất?
Mặc dù Google đã sớm được khắc phục được sự cố chỉ sau 2 tiếng xảy ra, nhưng chúng ta hãy luôn chuẩn bị tâm thế cho “tai nạn” tương tự. Nếu không thể truy cập, hãy thử kiểm tra kết nối đường truyền hoặc dùng tab ẩn danh để duyệt web. Trong trường hợp sự cố diễn ra trên diện rộng, các diễn đàn, báo chí sẽ đăng tải thông tin này.
Người Mỹ có câu thành ngữ “Đừng bỏ hết trứng vào một rổ” (don’t put all your eggs in one basket), tức sử dụng sản phẩm của nhiều hãng khác nhau chứ không chỉ phụ thuộc vào mỗi Google sẽ có lợi cho người dùng. Có thể dùng bộ ứng dụng văn phòng Zoho thay cho Google Docs; duyệt web bằng Firefox thay vì Google Chrome; Bing, CC Search, DuckDuckGo thay cho công cụ tìm kiếm Google search,…
Nếu một ngày không có Google
Lang thang Facebook tình cờ gặp trang When In Doubt…Google it! (Nếu không chắc thì hãy… Google) với hơn 6,000 người theo dõi. Hóa ra không chỉ ở Việt Nam mới có “cái gì không biết thì tra Google”, cả thế giới đều xem Google như nhà thông thái có thể trả lời mọi câu hỏi. Với hơn 2 tỉ lượt tìm kiếm và 300 triệu người sử dụng mỗi ngày, Google dường như đã trở thành một phần không thể thiếu đối với người dùng internet. Người ta “google” bất cứ thứ gì họ muốn biết hoặc còn nghi ngờ.
Bên cạnh đó, thống kê từ Google cho thấy, hiện tại có hơn 49 triệu người dùng internet tại Việt Nam (hơn nửa dân số), với 62 triệu tài khoản Gmail. Người dùng mạng thường dùng chính tài khoản Gmail để tạo tài khoản trên nhiều nền tảng, dịch vụ và ứng dụng khác nhau. Khó tưởng tượng nếu Google sập, mọi thứ sẽ bị đảo lộn đến mức nào.
Theo công ty phân tích dữ liệu web GoSquared, vụ sập nguồn của Google vào năm 2013 dù chỉ diễn ra 5 phút vỏn vẹn, thế nhưng lưu lượng Internet toàn cầu đã giảm tới 40% – con số “khủng” này cũng đủ để cho thấy người dùng Internet trên toàn thế giới đang phụ thuộc vào Google tới mức nào. Theo CNET, lỗi kĩ thuật trong vòng 5 phút này đã khiến “gã khổng lồ” Google chịu thiệt hại khoảng 330,000 Bảng Anh (khoảng 10 tỷ VND).
Chỉ riêng việc Google Search và hộp thư Gmail biến mất đã đủ là một thảm họa với nhiều người, chưa kể rất nhiều ứng dụng khác của Google đang ngày càng được người dùng ưa chuộng: bộ ứng dụng văn phòng Google Docs, trình duyệt Google Chrome, các ứng dụng Google Maps, Google Translate, và dịch vụ thương mại hóa nội dung web (monetize content) Google AdSense…
Kết
Google thực sự là một “gã khổng lồ” công nghệ, chi phối thói quen sử dụng internet của người dùng toàn cầu. Vấn đề đặt ra là có phải chúng ta đã quá phụ thuộc vào Google, khiến cho sự biến mất của nó trở thành một thảm họa khôn lường, mà nhiều người ví như việc con người sẽ phải trở về với thời dùng giấy viết và bút chì?
Thảo luận về bài viết