#KhôngQuạu là series tổng hợp, chia sẻ và nêu quan điểm của TML về những hiện tượng gần đây với mong muốn khai thác góc nhìn tích cực nhất từ những câu chuyện xung quanh ta.
Ngày nay, khi chất lượng cuộc sống dần cải thiện, nhu cầu giải trí vui chơi của người dân cũng ngày càng tăng cao. Một xu hướng được các gia đình ưu thích đó là sắm các dàn karaoke để ca hát vui chơi – đặc biệt là trong các dịp tiệc tùng, họp mặt.
Tuy nhiên, do không có phòng cách âm riêng nên việc hát karaoke ồn ào, kéo dài gây bức xúc cho người dân trong xóm. Khi quá lạm dụng những chiếc loa thùng, niềm vui của người này lại trở thành sự “tra tấn” đối với người khác.
Karaoke tại gia – Thú vui không thể thiếu của những bữa tiệc trong xóm
Ở các khu phố đông dân – đặc biệt là các xóm lao động, các gia đình rất thích hát karaoke. Mỗi lần có tiệc tùng, tụ tập là chiếc loa di động được sử dụng hết công suất.
Trước đây, khi muốn mở tiệc karaoke tại gia, ngoài một dàn máy kỹ thuật số hơn chục triệu đồng – lỉnh kỉnh với một đầu đĩa, âm ly, cặp loa và vài cái micro, cùng một danh sách bài hát chỉ giới hạn vài trăm bài. Cứ vài tháng, các gia đình sẽ lại phải mua đĩa mới với giá gần cả triệu đồng để cập nhật bài hát mới. Vì chi phí cao và thiết bị khá phức tạp, việc hát karaoke tự phát khi đó cũng không quá nổi cộm.
Nhưng giờ đây, khi công nghệ điện tử ngày càng phát triển, chỉ cần đầu tư một chiếc loa di động giá chỉ vài triệu đồng, có kết nối bluetooth với thiết bị thông minh và một chiếc micro không dây là đủ để ca hát thỏa thích. Cũng từ đó mà nảy sinh lắm chuyện phiền nhiễu.
Nhiều người hát bất kể giờ giấc mà không màng đó là 12 giờ trưa hay 9 giờ tối, cũng không quan tâm bản thân hát hay hay dở, mặc cho hàng xóm cảm thấy khó chịu, họ vẫn say sưa với Duyên phận, Đắp mộ cuộc tình, Áo mới Cà Mau…
Hát karaoke vui là 9, “tra tấn” là 10
Ban đầu karaoke tại gia ra đời như một chất xúc tác, giúp bữa tiệc trở nên vui vẻ và hòa đồng hơn cùng mong muối thỏa mãn một nhóm nhỏ những người trọng bữa tiệc thích ca hát. Nhưng dần dần, thú vui này đã nhanh chóng trở thành niềm đam mê của hàng tỉ người – đã là đam mê thì khó lòng mà ngăn được.
Những cuộc vui kéo dài đồng nghĩa với sự khó chịu của những người hàng xóm càng nhiều lên vì tai bị “tra tấn” quá lâu. Thỉnh thoảng mới hát còn có thể chấp nhận mà bỏ qua, nhưng ngày nào cũng kéo loa ra giải trí thì đó thực sự là nỗi “ám ảnh” đối với láng giềng.
Trường hợp thích hát karaoke tại gia như thế không hề ít, kéo theo số lượng người phải chịu đựng tiếng ồn cũng tăng lên. Lời kêu cứu bị “bạo hành âm thanh” đã tố cáo karaoke là tác nhân gây điếc tai, trầm cảm.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng – Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết cường độ âm thanh ở mức trung bình trên dưới 50dB nằm trong ngưỡng chấp nhận được đối với người dân, nhưng từ 80dB trở lên thì có thể gây điếc. Theo tính toán, những tiếng hát từ thiết bị hát karaoke có khuếch đại thì cường độ gấp đôi bình thường, có thể lên tới 110 dB.
Những người sống và tiếp xúc cường độ âm thanh lớn sẽ không có giấc ngủ ngon, năng suất lao động giảm, dù sử dụng thuốc an thần nhưng vẫn không tạo ra giấc ngủ bình thường. Với những người mắc bệnh mãn tính tiếp xúc nhiều với tiếng ồn ảnh hưởng đến tim mạch, tăng huyết áp, dẫn đến đột quỵ, đặc biệt là người lớn tuổi.
Thêm vào đó, những cuộc xung đột, mâu thuẫn trong xóm chỉ vì hát karaoke bất kể ngày đêm là chuyện thường ngày ở huyện. Số đông đều hiểu được cảm giác từ nhẹ nhàng đến “mắc chửi”, “mắc đánh lộn” khi xung quanh mình là tiếng hát không khác gì tiếng bom từ sáng sớm đến khuya.
Pháp luật Việt Nam quy định thế nào về karaoke tại gia?
Đã có quá nhiều chuyên đề trên báo chí về nỗi khổ karaoke khu dân cư, karaoke loa thùng… qua đó cho thấy, luật của Việt Nam dù đã cụ thể hóa rất rõ ràng những điều kiện để mở tiệc karaoke tại gia, nhưng vẫn chưa thể xử lý triệt để các vấn đề gây ồn, quấy rối an ninh trật tự ở các khu phố.
Khi hàng xóm hát karaoke quá ồn ào gây ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình và khu dân cư, người dân có thể làm đơn khiếu nại gửi đến Ủy ban nhân dân cấp xã để giải quyết. Kèm theo đó là chứng cứ chứng minh hành vi hát karaoke gây ra tiếng ồn. Bên cạnh đó, người dân cũng có thể làm đơn khởi kiện ra Tòa án nhân dân cấp huyện để yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi gây ra tiếng ồn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tinh thần của mình.
Quy định hát karaoke đến mấy giờ?
Hiện nay, việc xử phạt hành chính về tiếng ồn được quy định tại Điều 6 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013.
Theo đó, hành vi hát karaoke gây ồn ào của hàng xóm nhà bạn vi phạm quy định về đảm bảo sự yên tĩnh chung, sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100,000 – 300,000 đồng đối với hành vi gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22h ngày hôm trước đến 6h sáng ngày hôm sau.
Quy định về âm thanh trong khu dân cư
Theo quy định tại Thông tư 39/2010/TT-BTNMT, giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn tại khu vực thông thường (khu chung cư, các nhà ở riêng lẻ nằm cách biệt hoặc liền kề, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính) là 70dBA (từ 6 giờ đến 21 giờ) và 55dBA (từ 21 giờ đến 6 giờ).
Nếu hát karaoke phát ra tiếng ồn vượt mức cho phép có thể bị phạt thấp nhất là cảnh cáo và cao nhất lên đến 160 triệu đồng.
Mặc dù pháp luật đã có những quy định tương đối rõ ràng về hành vi gây tiếng ồn nhưng việc xử lý các hành vi này chưa thực sự mạnh tay. Đó là vì cơ quan chức năng có thực sự xem đây là một vấn nạn rất quan trọng cần giải quyết triệt để hay không?
Cơ quan chức năng loay hoay tìm cách trị tiếng ồn
Nhận định hành vi gây tiếng ồn từ hát karaoke tự phát, sản xuất kinh doanh… là vấn nạn, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, làm giảm chất lượng cuộc sống của người dân, TP.HCM quyết tâm xử lý triệt để và nghiêm túc tất cả hành vi gây ra tiếng ồn trong khu dân cư.
Theo đó, các tổ liên ngành của TP.HCM sẽ ra quân xử lý nghiêm tình trạng vi phạm quy định về tiếng ồn, trong đợt cao điểm bắt đầu từ ngày 30/06. Yêu cầu này được nêu trong văn bản khẩn do Phó chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan ký gửi sở ngành, quận huyện chiều 19/03.
Cụ thể hơn, từ nay đến cuối năm, TP.HCM mở đợt cao điểm xử lý triệt để vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn, chia thành 2 giai đoạn:
- Giai đoạn 1 kéo dài đến cuối tháng 05/2021, tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động cam kết, kiểm tra, nhắc nhở và hoàn thiện các quy định pháp luật để phổ biến đến người dân; giai đoạn này chưa xử lý vi phạm hành chính về tiếng ồn.
- Giai đoạn 2 từ tháng 6 đến cuối năm 2021, các địa phương tập trung kiểm tra và xử lý nghiêm túc các hành vi vi phạm theo 4 nghị định.
Một số ý kiến cho rằng, nếu nhắc nhở không được thì phải quy định xử phạt thật nghiêm. Nếu không đủ răn đe thì có thể cấm luôn việc hát karaoke nơi công cộng, karaoke tự phát.
Kết: Vẫn cần rất nhiều từ ý thức của mỗi cá nhân
Một số người đặt ra câu hỏi, hát karaoke có phạm tội, phạm pháp gì đâu mà cấm? Phản biện lại quan điểm này, một số ý kiến đặt câu hỏi: Vậy ý thức để ở đâu? Phòng karaoke xây lên để làm gì? Tại sao không ra đó hát?
Do đó, mỗi cá nhân phải nhìn nhận rõ vấn đề, không thể vì sở thích, thú vui cá nhân mà làm ảnh hưởng tới cả một cộng đồng.
Tham khảo: Tuổi Trẻ Online, Thanh Niên
Xem thêm:
#KhôngQuạu: “Nhạc rock đang chết nhục nhã” – Lỗi tại ai?
#Nghĩ: Hội bà tám và thói quen hít drama của thời đại 4.0
#Nghĩ: Để những kẻ ngắt lời không còn “lên tiếng”
Thảo luận về bài viết