Liệu chúng ta có thể tìm được một mối quan hệ mà có tình thương sẽ có tình thân, để người dưng cũng có thể hoá người thân?
I. Câu chuyện về tình thương trong thực tế
Cách đây khoảng hai tháng, một cô gái nhận được cơ hội đầu tư. Tài khoản ngân hàng của cô có khoảng hai trăm triệu. Bốn phần trong đó là số tiền sau khi mẹ mất để lại, sáu phần còn lại là khoản tiền đi làm một vài năm tích góp mà có. Khi đấy thời hạn để tham gia vào dự án sắp hết, cô chỉ còn vài ngày để quyết định. Vấn đề là cuốn sổ ngân hàng phải một tháng nữa mới đáo hạn, nếu giờ phá sổ, cô sẽ mất hết số tiền lãi của một năm gửi tiết kiệm. Hoàn cảnh gia đình cô vốn không khá giả, lại chẳng còn nhiều người thân để nhờ vả, số tiền lãi mười lăm triệu kia thực sự rất lớn. Đong đi đếm lại mãi cô vẫn thấy mơ hồ, nghe người này người nọ khuyên nhủ lại càng băn khoăn. Họ nói rằng đầu tư sẽ có rủi ro, khoảng tiền lãi chắc chắn sẽ mất, khoản tiền vốn chưa chắc đã thu lại được.
Giây phút đó, cô chợt nhớ về tháng ngày khó khăn khi vào năm hai Đại học và tình thương yêu từ cha mẹ mình của mình. Tiền học trường quốc tế vốn nổi tiếng vì sự đắt đỏ, nhà cô lại vừa phá sản. Người bố nát rượu không đỡ đần được gì, mẹ cô một mình gồng gánh cả gia đình nhưng lại không may làm ăn thua lỗ, nhận về một số nợ rất lớn. Trong hoàn cảnh đấy, cô hiểu học phí vốn đã nợ nửa năm nay hoàn toàn không có khả năng để chi trả. Không còn cách nào khác, cô bèn cắn răng giấu gia đình, quyết định bỏ học đi làm.
Bỗng nhiên một ngày nhà trường trực tiếp gọi điện về thông báo với mẹ, nói rằng nếu ba ngày nữa không thanh toán tiền học, cô sẽ chính thức bị thôi học. Mẹ cô không nói gì nhiều, lập tức đưa cô đến ngân hàng. Tay bà dứt khoát đưa cuốn sổ tiết kiệm một trăm triệu cuối cùng trong nhà cho giao dịch viên để rút tiền, bất chấp chỉ còn hai tuần nữa tài khoản cũng đến kì đáo hạn. Mẹ cô trông chờ vào số tiền lãi này đến độ trước đó dù thế nào cũng cố không phá sổ. Tiền đổ xăng xe máy không có, tiền đi xe buýt để đến chỗ làm không đủ, bà bèn chấp nhân đi bộ 12km mỗi ngày giữa nắng hè gay gắt của Hà Nội. Ấy vậy mà để cô có thể tiếp tục đến trường, mẹ không một khắc ngần ngừ, chấp nhận bỏ hết khoản tiền mà mình đã chắt chiu gìn giữ.
Tình thân chính là khi được đặt vào trong cùng một hoàn cảnh, bạn còn đang đong đếm xem có nên từ bỏ chút lợi ích nhỏ vì chính bản thân, người khác đã không chút đắn đo nhận phần thiệt thòi về mình, đặt bạn trở thành mối ưu tiên lớn nhất.
Đó là thứ tình thương mà ai cũng mong muốn có.
II. Câu chuyện về tình thương trong điện ảnh:
Rông dài như thế chỉ để nói rằng, ông bà ta tin rằng “một giọt máu đào hơn ao nước lã”, chỉ có gia đình mới có thể chăm sóc, trao nhau tình thương và hy sinh cho nhau đến tận cùng. Thế nhưng tôi lại tin rằng trong cuộc sống mà người ta vốn hời hợt với nhau, đâu đó vẫn sẽ có những người dưng hoá thành người thân, đâu đó vẫn có những người xa lạ quan tâm chân thành để nhau, để tình thương từng ngày hoá thành tình thân. Mỗi lần niềm tin đó bị lung lay, tôi lại tìm đến điện ảnh. Môn nghệ thuật thứ bảy này thần kì đến độ có thể khắc hoạ những câu chuyện tưởng như hão huyền trở thành bức tranh chân thực, tràn đầy những gam màu ấm áp và tình thương,
Năm 2020, tưởng như tình hình phòng vé không thể nào ế ẩm hơn thì khán giả bất ngờ được thưởng thức một tác phẩm hài hước mang tên “Cục Nợ Hoá Cực Cưng.” Mặc dù có nhiều phân đoạn chưa hoàn hảo, song bộ phim vẫn gợi lên rất nhiều cảm xúc về tình thương và thành công trong việc lấy đi nước mắt của khán giả. Tác phẩm kể về hai cựu chiến binh là Doo Suk và Jong Bae, sau khi giải ngũ họ đã trở thành người đòi nợ thuê. Trong một lần thu nợ, cả hai quyết định dắt cô bé Seung Yi về nhà làm con tin để chờ người mẹ trả tiền. Tuy nhiên vì những vấn đề liên quan đến nhập cư trái phép, người mẹ bị đưa về nước và họ trở thành những ông bố bất đắc dĩ của cô bé trong suốt thời gian dài.
Trước đó một năm, Hàn Quốc có một bộ phim vô cùng nhân văn và ý nghĩa, nói về những con người xa lạ, dù không có chút máu mủ gì vẫn trao cho nhau tình thương sâu sắc như một gia đình mang tên “Công Chúa Nhỏ Của Bà.” Bộ phim kể về một bà già neo đơn, bỗng nhiên có hai cô cháu gái từ trên trời rơi xuống quay về đoàn tụ cùng hũ tro cốt của con gái mình. Từ đó, một bà cụ đẵng trí đã đến tuổi xế chiều, một cô cháu gái học tiểu học lém lỉnh, một đứa trẻ sơ sinh uống sữa từ bà cô hàng xóm dần dần gắn kết chặt chẽ với nhau bằng những giọt nước mắt và tiếng cười.
Khán giả hẳn cũng sẽ bị ấn tượng bởi những cánh đồng hoa cải vàng, cảnh tượng về bầu trời xanh ngắt bao bọc biển cả bao la trong bộ phim “Hoa Cải Vàng” (Canola) năm 2016. Câu chuyện kể về một bà lão làm nghề thợ lặn, dành cả cuộc đời của mình để tìm kiếm cô cháu gái mất tích. Thời gian dần trôi, hy vọng tưởng như đã tắt lịm thì đột nhiên một ngày cháu gái của bà là Hye Ji bỗng dưng xuất hiện. Tất cả những đau khổ trong quá khứ, những chai sạn, sỏi đá trong tâm hồn bỗng hoá thành cánh đồng hoa đầy tình thương, mềm mại và rực rỡ.
Cả ba bộ phim trên đều không có nội dung quá đặc biệt, mọi phân cảnh lướt qua nhẹ nhàng và đời thường như những ngọn sóng bình lặng, dịu dàng tấp vào tâm hồn người xem. Để rồi đến khi bộ phim kết thúc, lưu lại trong tâm trí khán giả là những nỗi buồn mang mác về tình thương khó có thể nói thành lời. Câu chuyện trong các tác phẩm này đều chỉ quay quanh vài vấn đề vô cùng đời thường. Người lớn thì cố gắng chắt chiu cho trẻ em đi học, bình yên đong đầy trong những niềm vui nho nhỏ từ sinh hoạt thường nhật, nỗi lo thì đến từ cơm áo gạo tiền. Để rồi tất cả vỡ oà trong một thông điệp mà ai cũng biết: Sự trưởng thành của những đứa trẻ không bao giờ có thể bắt kịp vận tốc già đi của cha mẹ, ông bà.
Thế nhưng tất cả những điều đẹp đẽ, nếu được kể lại một cách chân thành đều sẽ không bao giờ “cũ kĩ.” Giữa những bộn bề của cuộc sống, giữa những mối quan hệ thiếu vắng liên kết của máu mủ chính là tình thương vô điều kiện không gì có thể phá bỏ. Và từ đó những người dưng bỗng hoá người thân, từ người xa lạ ta đã tạo ra một mốt quan hệ đầy tình thương.
Tất cả những bài hát về quê hương, những câu chuyện về tình yêu, những bộ phim về tình cảm gia đình đều khắc hoạ khao khát được thương yêu, khát khao được gắn bó với ai đó của con người. Người lớn dù có từng trải thế nào vẫn luôn mang trong mình một đứa trẻ. Họ hy vọng vào một mối quan hệ mà ở đó, dù có chuyện gì xảy ra, dù có gắn bó với nhau bằng huyết thống hay đơn giản là sự chân thành, ta vẫn sẽ không bao giờ bị bỏ lại. Như cách mà biển hoa trong Canola ôm con người ta vào lòng, như trời xanh bao la bao bọc biển cả xanh ngát, lắng nghe sóng biển rì rầm những âm thanh của tình thương.
Tôi hiểu câu chuyện mà cô gái đầu bài viết chia sẻ. Cô không nói về số tiền trong tài khoản ngân hàng, cũng không nói về sự lời lỗ của dự án mà cô định đầu tư. Cô gái đó muốn nói về tình thương mà ai cũng mong mình sẽ nhận được. Có rất nhiều người từ nhỏ đã thiếu tình thương, hoặc bố mẹ chiều chuộng em trai hoặc chị gái hơn, hoặc gia đình căng thẳng mỗi người một nơi. Cũng có thể là những chàng trai, cô gái buộc phải trưởng thành từ rất sớm, tự phải sưởi ấm và bảo vệ mình khỏi giông bão cuộc đời. Chúng ta đều là những người “nhặt kiếm lên và đi vào rừng thẳm,” cố chạy thật nhanh về phía bình mình và tìm kiếm sự an lành cho riêng mình. Chúng ta kinh qua chân trời, góc bể mỗi ngày, gặp không biết bao nhiêu người, cố gắng với tay kết nối với nhau để tìm kiếm một người dưng có thể hoá người thân, tìm kiếm một mối quan hệ nơi mà tình thương có thể hoá tình thân.
#KhungHìnhKểChuyện không phải một chuyên đề review, đây là những cảm xúc tản mản, những câu chuyện ngắn được liên tưởng ngẫu nhiên theo từng bộ phim.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Quyền được giám hộ và “I care a lot” – gáo nước lạnh tạt thẳng vào nhận thức
Nạn nhân không hoàn hảo
Sự thật có phải là điều đẹp đẽ nhất
Chúng ta tồn tại vì điều gì?
Nếu chúng ta có thể gọi về quá khứ
Thảo luận về bài viết