#Nghĩ là series về những vấn đề, hiện tường cần được quan tâm trong xã hội từ trước đến nay.
Không ai trên đời hoàn hảo đến mức không có lấy cho mình một “anti-fan” cả. Khi đã bị ai đó ghét thì bạn hít thở thôi người ta cũng thấy tốn không khí. Thế nên dù muốn dù không, chúng ta vẫn cần làm quen và cân bằng những cảm giác tiêu cực này.
Vì sao người ta lại ganh ghét nhau?
Có vô vàn lí do khiến một ai đó cảm thấy ganh ghét người khác. Đôi lúc, chính người ghét bạn cũng khó để lí giải được vì sao họ lại có cảm giác tiêu cực này. Cũng giống như tình yêu, sự ganh ghét là một cảm giác vô cùng phức tạp và không thể phân định trắng đen.
Có thể ai đó muốn dùng bạn làm “một tấm bia đỡ đạn”. Khi một người cảm thấy khó khăn trong cuộc sống, có hiềm khích với những mối quan hệ xung quanh họ, hay gặp bất cứ vấn đề không vui, họ sẽ cảm thấy tốt hơn nếu “đẩy” những năng lượng tiêu cực đó lên người khác – thay vì xem xét lại bản thân.
Bằng chứng là có rất nhiều các nhóm “hội nói xấu” được tạo ra chỉ để thỏa sức đổ lỗi cho người khác để nhận được sự thông cảm và đồng tình từ các thành viên trong hội.
Có người nói xấu người khác chỉ để tìm cảm giác hòa nhập. Chắc hẳn bạn đã từng nghe câu nói: “Hai người bạn cùng ghét một người thì đích thị là một cặp trời sinh.” Hóa ra, đằng sau câu nói vui trên có cả một sự thật.
Trên thực tế, con người gắn bó với nhau rất dễ dàng nếu họ có mối “thù hận” với ai đó bởi lẽ người ta thường trở nên khăng khít sau những lần nói xấu người khác – so với việc cùng nhau tán dương một người.
Nhiều người tham gia các nhóm hội này vì nơi đây khiến họ cảm thấy hòa nhập. Bạn chẳng cần làm gì, tất cả những gì bạn cần làm là ganh ghét người khác – đơn giản thế thôi là bạn sẽ có ngay một hội bạn mới.
Đôi lúc, những hiềm khích với người khác bắt nguồn từ nỗi sợ những thứ mới lạ. Khi ai đó mới gia nhập một tập thể nào đó, nhiều người sẽ bắt đầu bàn tán soi moi “ma mới” bởi họ sợ rằng người đó sẽ tạo ra sự thay đổi nội bộ nhóm. Cảm giác ganh ghét đồng loạt đó là một cách để nhóm “đoàn kết” chống lại người ngoài.
Sự ganh ghét nổi lên khi người ta cảm thấy bất an. Thông thường, người ta rất hay có xu hướng so sánh bản thân với người khác. Đến khi cảm thấy mình không bằng bạn bằng bè, hoặc có những đặc điểm “đụng hàng” với họ, cảm giác ganh ghét – để quy chụp cảm giác lo lắng lên cá nhân đó, là điều không tránh khỏi.
Sự thân thiện cần có ban đầu của một người luôn bị đánh gục bởi cảm giác thiếu an toàn.
Vậy phải làm sao nếu rơi vào tình cảnh này đây?
Rất khó để trở nên hoàn hảo trong mắt tất cả những người xung quanh, vì thế bạn không cần phải cố gắng để được mọi người yêu quý.
Khi ai đó tỏ thái độ với bạn, hãy ngẫm nghĩ xem điều đó có ảnh hưởng gì đến bản thân không? Mối quan hệ với người đó liệu có thật sự cần thiết? Nếu câu trả lời là không hãy cố gắng đừng quá quan trọng hóa vấn đề. Hãy bình tĩnh và thể hiện sự thân thiện khi đối diện với người ghét bạn.
Tất nhiên, bạn không cần phải tỏ ra vồ vập hay thân thiện quá mức cần thiết, chỉ cần cho họ thấy sự ghét bỏ của họ sẽ không làm bạn lung lay hay nao núng. Ngược lại, nếu thể hiện bản thân yếu đuối hay tổn thương, có thể họ sẽ càng đắc chí và ghét bạn hơn nữa đấy.
Hãy thử xem xét lại bản thân, nếu lý do xuất phát từ chính bạn thì đã đến lúc cần thay đổi.
Nhìn nhận lại mình không chỉ giúp bạn có thể hiểu rõ nguyên nhân vì sao bạn là “cái gai trong mắt” nhiều người, mà còn là giải pháp để bạn có thể hoàn thiện mình hơn.
Đôi khi thái độ “mặt nặng mặt nhẹ” chính là những phản hồi trung thực nhất về những lỗi lầm mà bạn cần sửa chữa. Hãy nhớ rằng, những lời phê bình với chủ đích không ác ý là những lời khuyên tốt nhất để bạn có thể học hỏi. Ban đầu, những thay đổi đó có thể là một thử thách lớn khiến bạn thấy không thoải mái, nhưng dù sao sự thay đổi này cũng là điều tốt đối với bạn mà.
Có vẻ như không thể tưởng tượng được khi bạn cùng “kẻ không đội trời chung” cùng nhau tham gia một lớp học làm gốm ngắn ngày, hay dành thời gian nghỉ trưa để cùng xem nốt tập phim vừa chiếu dang dở tối qua. Song, những sở thích chung giữa bạn và người ấy không chừng lại là sợi dây kết nối tâm hồn đấy.
Để tìm ra những điểm chung giữa bạn và người ghét bạn, hãy dành một chút quan tâm chân thành và sử dụng kỹ năng lắng nghe tích cực khi họ nói chuyện với người khác. Sự hiểu biết sâu sắc có thể giúp bạn chứng minh với họ rằng bạn là một người tốt – hoặc ít nhất không phải là một kẻ đáng ghét như họ từng nghĩ.
May mắn hơn thì cả hai sẽ phát hiện ra những sở thích chung của nhau và có thể xây dựng lại mối quan hệ từ đầu.
Cách này tuy thoạt nghe có vẻ hơi vượt quá giới hạn nhưng lại thực sự hiệu quả nếu bạn biết cách sử dụng khôn khéo.
Chẳng hạn như khi bạn nói chuyện với “người ấy” – về những vấn đề đòi hỏi hai người phải trao đổi với nhau, hãy nhẹ nhàng và thật tinh tế chạm vào cánh tay hoặc khuỷu tay họ như thể hiện tình cảm và thành ý muốn được nói chuyện.
Một nghiên cứu đã chứng minh rằng những nhân viên phục vụ chạm nhẹ vào vai hoặc cánh tay của khách hàng sẽ nhận được tiền boa cao hơn từ những khách hàng mà họ không tiếp xúc.
Hãy tưởng tượng một viễn cảnh tích cực nhất, bạn sẽ nói chuyện với người đó và cho họ biết điều gì đang làm bạn khó chịu. Khi làm được điều đó, hãy thừa nhận ý kiến của họ và bày tỏ mối quan tâm của bạn. Có thể sự ganh ghét giữa hai bạn bắt nguồn từ những hiểu lầm khó tránh, hay từ những mâu thuẫn khó nói bằng lời. Đôi khi, việc bạn mở lời để trút bầu tâm sự với họ sẽ khiến cả hai thấu hiểu nhau nhiều hơn, làm cho mối quan hệ của bạn được cải thiện lên trông thấy.
Tuy nhiên, suy đi thì cũng phải tính lại, trong một viễn cảnh không mấy tươi đẹp, dù bạn đã cố gắng giải thích và mở lòng với người ghét bạn, họ vẫn giữ nguyên “bức tường thành lạnh giá” với bạn – hoặc tệ hơn, chính cuộc trải lòng lại vô tình đẩy cả hai ra xa.
Nhưng cũng đừng cảm thấy thất bại vì ít nhất bạn sẽ biết mình đã cố gắng. Việc làm đó sẽ cho họ thấy rằng bạn muốn tìm ra giải pháp và vượt qua trở ngại. Không ít thì nhiều, có thể điều đó sẽ làm họ dịu đi một chút.
Bị ghét bỏ có thể khiến con người ta cảm thấy mặc cảm hay tự ti, chính vì thế bạn cần khích lệ bản thân bằng những suy nghĩ tốt đẹp về chính mình.
Nếu cần, hãy viết ra những lời lẽ tạo nên động lực rồi dán ở những nơi bạn thường nhìn thấy nhất – như một lời nhắc nhở: Bạn là người xứng đáng được hưởng niềm vui và sự yêu thương.
Hãy nhớ đến tất cả những người vẫn luôn bên cạnh bạn. Đó có thể là bố mẹ, anh chị em, nửa kia của bạn, bạn bè, hay thậm chí vật nuôi trong nhà.
Đồng thời hãy tập cho mình những thói quen lành mạnh, bổ ích mà bạn thấy thích và thường xuyên thực hiện – chẳng hạn chơi thể dục thể thao, đọc sách, viết blog… Chúng sẽ giúp tâm hồn bạn luôn tràn ngập những suy nghĩ tốt đẹp về cuộc sống.
Tham khảo: Eric Sangerma/Wholistique, Science of People
Xem thêm:
#Nghĩ: Mặc cảm thiếu cơ bắp – nỗi ám ảnh không thể nói của đàn ông
#KhôngQuạu: Từ việc đi từ thiện của Thuỷ Tiên: Ai làm cứ làm – ai ghét cứ ghét
#KhungHìnhKểChuyện: Quyền được giám hộ và “I care a lot” – gáo nước lạnh tạt thẳng vào nhận thức
Thảo luận về bài viết