Danh sách những việc cần làm dày đặc có thể khiến bạn cảm thấy choáng ngợp và mệt mỏi, thế nhưng một nghiên cứu mới đây đã cho thấy, việc sở hữu quá nhiều thời gian rảnh có thể không phải một liều thuốc thần kì để cải thiện tâm trạng như mọi người nghĩ. Như ông cha ta đã nói, nếu không cẩn thận đôi khi rảnh rỗi, có thể sinh nông nổi. Vậy ta nên làm gì khi rảnh rỗi để việc nghỉ ngơi có thể thật sự hoá thiên đường?
Các nhà khoa học đã phân tích hơn 35000 dữ liệu về cách người Mỹ sử dụng quỹ thời gian của mình. Họ nhận thấy người có nhiều thời gian rảnh sở hữu chỉ số hạnh phúc cao hơn, nhưng cũng chỉ đến một mức độ nhất định. Những người có 2 tới 3 tiếng rảnh rỗi mỗi ngày chia sẻ rằng họ cảm thấy thoải mái và vui vẻ hơn so với những người không có hoặc có rất ít thời gian để nghỉ ngơi. Tuy nhiên những ai rảnh hơn 5 tiếng lại nói rằng họ cảm cảm thấy cực kì tồi tệ và ể oải. Điều này cho thấy khoảng thời gian nghỉ ngơi lý tưởng nhất trong ngày chỉ nên kéo dài từ khoảng 2 tới 3 tiếng.
Marissa Sharif, trợ lý giáo sư marketing tại trường Wharton và tác giả bài nghiên cứu, trả lời trong một cuộc họp báo rằng, “Thời gian nghỉ quá ít sẽ làm một người thấy tồi tệ, nhưng quá nhiều thời gian thì cũng không thể khiến tâm trạng vui vẻ hơn”.
Đây không phải là nghiên cứu đầu tiên về mối tương quan giữa thời gian nghỉ và trạng thái tinh thần của chúng ta. Nhiều nghiên cứu khác từng cho thấy rằng những người già thường gặp khó khăn khi phải đối mặt với nỗi buồn đến từ việc nghỉ hưu. Khi nghỉ hưu, phần lớn thời gian họ sẽ ở nhà, điều này khiến họ cảm thấy rảnh rỗi, không biết làm gì và thiếu đi các hoạt động tương tác xã hội cũng như kích thích từ bên ngoài.
Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng một phần của việc tìm ra “khoảng thời gian lý tưởng” này còn liên quan đến cách mọi người dành quỹ thời gian dư dả ấy vào việc gì. Bên cạnh các bài khảo sát trên diện rộng, họ cũng tiến hành một số cuộc thí nghiệm trực tuyến với quy mô nhỏ hơn. Người tham gia được hỏi về những việc họ sẽ làm nếu được nghỉ từ 3.5 đến 7 tiếng mỗi ngày. Để phục vụ nghiên cứu, họ được yêu cầu tưởng tượng rằng sẽ sử dụng quỹ thời gian đó để làm những việc “năng suất” (như vận động) hoặc làm những việc “không năng suất” (như xem vô tuyến).
Những người tham gia tin rằng họ sẽ không mấy hạnh phúc nếu bản thân có quá nhiều thời gian rảnh rỗi như vậy, nhưng đấy là khi họ dùng nó một cách vô ích. Dù bài thí nghiệm này có phần hạn chế vì tính giả thuyết của nó, nhưng qua đó ta thấy được rằng làm những việc hữu ích trong thời gian rảnh sẽ cải thiện sức khỏe tâm lý của mỗi người đáng kể.
Vậy ta nên làm gì khi rảnh rỗi?
Nói cách khác, khoảng thời gian rảnh nên được sử dụng hợp lý, và “lãng phí ngày dài để làm bất cứ việc gì mình muốn” chưa chắc sẽ khiến bạn thấy “cuộc đời nở hoa”. Tất nhiên, mỗi chúng ta sẽ có cách hiểu khác nhau về từ “năng suất”. Miễn là việc đấy mang lại ích lợi cho cuộc sống và khiến bạn cảm thấy tích cực hơn thì đó sẽ là một hoạt động nghỉ ngơi hiệu quả. Vậy nên hãy cứ thoải mái xem phim suốt ngày nghỉ nếu điều này khiến bạn thấy vui vẻ. Vấn đề mấu chốt nhất trong cách sử dụng thời gian rảnh vẫn là cảm giác chăm sóc bản thân thay vì sự tội lỗi, tự trách… Ngoài ra, bạn có thể vận động để cải thiện sức khỏe qua các hình thức tập như cardio, yoga sẽ giúp bạn vừa khỏe lên vừa không mất quá nhiều sức. Những hoạt động khác như thêu thùa, nấu nướng, đọc sách và chơi game cũng sẽ giúp cải thiện tâm trạng.
Sharif nói, “Nếu một người có quá nhiều thời gian rảnh, dù là do mới nghỉ hưu hoặc nghỉ việc, thì tôi cho rằng làm những việc ý nghĩa vào quãng thời gian này sẽ giúp ích cho họ rất nhiều.”
Theo Huff Post
Có thể bạn quan tâm:
9 việc nhỏ cần lưu ý để có thể đưa ra quyết định tốt hơn
1001 bí kíp để giao tiếp như một nhà ngoại giao đích thực
Xin thông báo, hiện bạn đang bị mất ngủ và sau đây là những lý do
Thảo luận về bài viết