Năm 2011, hai nhà làm phim Jenni Chang và Lisa Dazols đã thực hiện một chuyến đi qua châu Á, châu Phi, Nam Mỹ, và Úc để gặp gỡ, trò chuyện với những người đã giúp định hình nên cộng đồng LGBTQ+ tại nơi họ ở bằng lòng can đảm, nhiệt huyết, bền bỉ, và sự kiên cường của họ. Chuyến hành trình kéo dài 3 năm được Chang và Dazols tường thuật lại trong bộ phim tài liệu có tựa đề Out and Around.
Brazil – ‘Anh cả’ của cộng đồng
Jean Wyllys đã trở thành cái tên ‘quốc dân’ sau khi xuất hiện trên chương trình Gran Hermano – phiên bản Brazil của show Big Brother. Wyllys – vốn xuất thân là một nhà báo – đã dùng ảnh hưởng của mình từ chương trình này để tranh cử và trở thành thành viên đồng tính chính thức đầu tiên trong Quốc hội Brazil. Năm 2013, anh là một trong những người phản đối quyết liệt dự luật cho phép các bác sĩ xem đồng tính là một chứng rối loạn tâm lý và cố gắng để ‘chữa trị’ nó.
Nhiều người tin rằng Brazil là một ‘ốc đảo’ LGBTQ+ vì tính cởi mở chung của văn hóa, đồng thời còn là sự rực rỡ của những lễ hội như lễ hội thường niên Carnival được tổ chức ở Rio de Janeiro. Tuy nhiên, Jean Wyllys cho biết điều đó không hẳn là sự thật. Các tội ác thù hận (hate crimes) với đối tượng là những người thuộc cộng đồng LGBTQ+ là một trong những động lực thúc đẩy anh chủ động tham gia vào các hoạt động chính trị.
Ấn Độ – Hoàng gia và đồng tính
Hoàng tử Manvendra Sing Gohil là thành viên đồng tính công khai đầu tiên của Hoàng gia Ấn Độ và thế giới. Anh từng lấy vợ thông qua một cuộc hôn nhân sắp đặt và ly dị không lâu sau đó. Sau khi công khai xu hướng tính dục của mình, gia đình anh liên tục bị sỉ nhục và công kích, dẫn đến việc họ chính thức chối bỏ anh. Manvendra đã trải qua một thời gian dài nằm viện vì suy sụp tinh thần.
‘Rất khó để có thể là một người đồng tính trong gia đình tôi. Người dân tôn thờ chúng tôi, xem chúng tôi là hình mẫu của họ. Chúng tôi không được phép giao du với những người thuộc đẳng cấp thấp. Sự tiếp xúc của chúng tôi với thế giới bên ngoài cũng bị hạn chế đến mức tối thiểu.’
Năm 2006, sự việc Hoàng tử Manvendra Sing Gohil come out đã trở thành một tin tức chấn động. Sau sự kiện này, anh liên tục tham gia và đóng góp sức mình cho những hoạt động của cộng đồng LGBTQ+ ở khắp nơi trên thế giới. Tại Ấn Độ, anh là người điều hành của Quỹ Lakshya – tổ chức phi lợi nhuận chuyên giáo dục và giúp phòng chống HIV / AIDS. Ngoài ra, anh cũng thành lập một trung tâm giúp đỡ những người thuộc cộng đồng LGBTQ+ bị gia đình chối bỏ hoặc gặp khó khăn trong cuộc sống.
Trung Quốc – Từ những phòng chat thập niên 90 đến những buổi gặp mặt
Vào những năm 1990s, Xiangqi thành lập trang web và phòng chat online Shanghai Nvai – cộng đồng sinh hoạt duy nhất dành cho những người đồng tính nữ tại Thượng Hải. Thời điểm ấy, với cái nhìn khắt khe của xã hội, những cuộc họp mặt ở nơi công cộng rất hiếm khi xảy ra. Nền tảng online này được nhiều người xem là cứu tinh của mình thời điểm ấy – là nơi họ có thể tự do và thoải mái chia sẻ những thắc mắc, những tâm sự về xu hướng tính dục của mình.
Đến những năm 2000s, cộng đồng Nvai bắt đầu tổ chức những buổi gặp gỡ trực tiếp giữa các thành viên. Xiangqi cho biết, ‘Khi tạo ra trang web, tôi chưa bao giờ hình dung mình sẽ trở thành một nhà hoạt động vì cộng đồng đồng tính nữ hay gì cả. Mọi thứ lúc ấy vô cùng bí mật. Nhưng dần dần, khi bắt đầu tìm hiểu về phong trào đồng tính ở Hồng Kông, Đài Loan, nói chuyện với những người ở các quốc gia khác, thái độ của chính tôi cũng bắt đầu thay đổi. Những quan điểm và tư duy mới mẻ này đã thúc đẩy tôi tiến lên phía trước.’
Kenya – Niềm tự hào thầm lặng và những định kiến ồn ào
Solomon Wambua là cán bộ phụ trách chương trình của Liên minh Đồng tính nam và Đồng tính nữ Kenya (GALCK – Gay and Lesbian Coalition of Kenya) – tổ chức LGBTQ+ lớn nhất tại đất nước này. Đây là địa chỉ riêng tư và uy tín cho các hoạt động tư vấn, giáo dục về giới tính và tính dục tại Kenya.
Trải nghiệm come out của Wambua, theo mô tả của anh, là một trải nghiệm không hề dễ dàng. ‘Mẹ đã nói với tôi rằng, chắc chắn ma quỷ đã chiếm lấy nhà của chúng tôi. Bà lo lắng về những lời phán xét và sự nhục nhã mà gia đình tôi phải gánh chịu.’ Đồng tính luyến ái vẫn chưa được pháp luật công nhận tại Kenya – nhiều người dân nơi đây vẫn tin rằng người đồng tính là những người có xu hướng thực hiện những hành vi tính dục lệch lạc khác, bao gồm cả ấu dâm.
Argentina – Đón đầu ngọn sóng
Argentina là một trong những quốc gia đi đầu trong đấu tranh cho quyền lợi của những người thuộc cộng đồng LGBTQ+, là quốc gia Mỹ La-tin đầu tiên hợp pháp hóa hôn nhân bình đẳng vào 2010.
Argentina cũng là nơi đầu tiên trên thế giới thông qua luật cho phép một người thay đổi giới tính của họ mà không cần xác nhận của bác sĩ. Kalym Soria là một trong những nhà vận động đứng sau sự thành công của đạo luật này. Bản thân là người chuyển giới, Soria cảm thấy vô cùng phấn khởi khi giờ đây việc chuyển đổi và được công nhận giới tính mới đã có thể được thực hiện chỉ bằng cách điền một số mẫu đơn tại các cơ quan có thẩm quyền.
Philippines – Được chấp nhận, nhưng chỉ dưới hình thức giải trí
Philippines được biết đến là một đất nước có thái độ cởi mở hơn với cộng đồng LGBTQ+ so với những quốc gia châu Á khác, nhưng chỉ khi cộng đồng này không vượt ra ngoài một số giới hạn nhất định.
Manny Castaneda – một diễn viên nổi tiếng tại Philippines – bày tỏ sự thất vọng của mình với cách mà văn hóa nước này khắc họa người đồng tính. Hầu hết những vai diễn anh nhận đều là những vai đồng tính nam được xây dựng vô cùng định kiến và rập khuôn, rất ít khi anh được cho thể hiện những nhân vật có chiều sâu hay có nhiều đất diễn. ‘Mọi người đều muốn có một anh bạn thân đồng tính, nhưng không ai muốn một luật sư đồng tính cả. Cũng vậy, chẳng ai cần một giáo viên đồng tính, trong khi tất cả đều thích một vai hề hay một thợ làm đầu đồng tính.’
Úc – Một thẩm phán đầy tự hào
Michael Kirby là thẩm phán có thâm niên phục vụ lâu nhất tại Tòa án Tối cao của Úc, trước khi nghỉ hưu vào 2009. Kể từ khi nghỉ hưu tại Tòa án, ông đã được Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo của Ủy ban điều tra các vụ việc vi phạm nhân quyền tại Bắc Triều Tiên.
Nhưng khi được hỏi về thành tựu hạnh phúc nhất cuộc đời, Kirby đã không ngại ngần nhắc đến mối quan hệ của mình với người bạn đời Johan. ‘Cuộc đời tôi là một minh họa sống động cho thấy người đồng tính cũng có thể trở thành một cá nhân xuất sắc, một người lao động cần mẫn, một người phục vụ đất nước hết lòng, một công dân tốt.’
Nepal – Một gia đình hiện đại
Sinh ra và lớn lên ở một vùng nông thôn Nepal, Bhumika Shrestha được nuôi dạy như một bé trai, cho đến năm 12 tuổi, khi Bhumika đổi tên và bắt đầu tự giới thiệu rằng mình là con gái. Cô nhận được sự ủng hộ của mẹ, cả hai hiện vẫn sống cùng nhau.
Ở thời điểm hiện tại, Bhumika là một nhà hoạt động vì quyền lợi người chuyển giới nổi tiếng tại Nepal. Cô hiện đảm nhiệm vị trí cố vấn tại Blue Diamond Society – tổ chức thành lập năm 2001 nhằm vận động thay đổi các điều luật chống đồng tính luyến ái, đồng thời vận động cho quyền của các cộng đồng đồng tính, chuyển giới, và các cộng đồng thiểu số về tính dục khác ở Nepal.
Mặc dù Nepal đã đạt những bước tiến lớn trong việc thông qua những đạo luật tiến bộ hơn liên quan về giới tính – năm 2009, Tòa án Tối cao Nepal đã hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới, cùng với đó là công nhận thiết lập ‘giới tính khác’ trên tất cả các tài liệu chính phủ – thế nhưng Bhumika vẫn gặp khó khăn trong việc sở hữu một tấm thẻ căn cước phù hợp với bản dạng giới của mình.
Xem thêm:
6 thay đổi để nhiếp ảnh có thể ‘nói lên’ nhiều điều hơn về biến đổi khí hậu
Bạn mặc gì khi ấy? – Chúng ta không thể loại bỏ bạo lực tình dục bằng cách thay đổi y phục
Có gì phía sau cánh cửa của những “trại cai nghiện” tại Ecuador?
Thảo luận về bài viết