Chỉ dài hơn 70 phút và với 4 nhân vật tham gia mà vở kịch ‘Búp bê’ của Lucteam vẫn đủ sức khiến khán giả giật thót đến lạnh người…
Cười để… lo lắng
Vở kịch “Búp bê” (kịch bản: Lê Hoàng, đạo diễn: NSƯT Trần Lực) là vở kịch dành cho khán giả trên 16 tuổi, tiếp tục khai thác về dục vọng tiền bạc và khát vọng tình yêu của con người giống như nhiều vở diễn khác. Diễn biến kịch được khởi nguồn từ thương vụ mối lái hôn nhân.
Một người đàn bà nhận thù lao cao cho việc bắc nhịp cầu tơ duyên giữa cô gái thôn quê mới 18 tuổi xinh đẹp, ngây thơ với người đàn ông Việt kiều đã ngoài 50.
Với chị ta, đó là dịch vụ đầy nhân văn, nhân ái, giúp trái tim cô đơn của những con người bị công việc bận bịu chiếm hết thời gian mà không thể lo cho nhu cầu cá nhân có cơ hội tìm kiếm tình yêu theo nhu cầu… Vậy nên, hơn một lần, người đàn bà ấy vỗ ngực khoe: “Ta là bà mối tình yêu chứ không phải là lái buôn nô lệ!”.
Có thể nói, cái tứ mối lái tình duyên này không mới trên sân khấu, nó dễ dàng khiến người xem liên tưởng đến cảnh tương tự của vở kịch khác. Cộng hưởng vào đó là lối diễn ước lệ biểu hiện của nghệ sĩ – phong cách đặc trưng mà Lucteam xây dựng trong các vở diễn của mình – càng khiến người ta liên tưởng đến mụ mối trong những vở diễn được chuyển thể từ “Truyện Kiều” của Nguyễn Du.
Và xoay quanh đó là câu chuyện mặc cả qua lại đòi hỏi được “một đêm say đắm” trước khi bị cha mẹ gả bán để lấy tiền trả nợ của cô gái thôn quê hồn nhiên quy đổi giá trị của mình bằng những bát… bún bò.
Tiếp nữa, người phục vụ phòng với vẻ ngoài điển trai, trong sáng nhưng sẵn sàng cò kè giá cả cho việc làm “trai bao” song tính. Rồi thì ông Việt kiều về nước – xưng là nghệ sĩ kịch câm nổi tiếng – vội vã thỏa thuận hợp đồng tìm kiếm đối tác hôn nhân…
Tất cả cũng chỉ là cái cớ để kích bác không ít mặt trái của xã hội đương thời, như việc cha mẹ gán con gái cho mụ mối đưa đẩy đến người xa lạ để có món tiền trả nợ; lối sống ưa hưởng thụ, buông thả của một bộ phận người trẻ; định kiến về người đồng tính hay cái thói lừa lọc của những kẻ mối mai mà vẫn thơn thớt rằng đó là việc tốt, giúp những tình yêu đơm hoa…
Nhưng, nếu chỉ dừng ở đó, chắc chắn vở kịch này cũng chỉ như viên đá ném ao bèo, chợt xao động bởi những câu chuyện xã hội nói qua nói lại làm cho không gian cũng có phần ồn ào, ngột ngạt song chỉ được đôi lúc lại trở về trạng thái ban đầu.
Điều đáng chú ý ở đây là cùng với 4 nhân vật không có tên gọi cụ thể, không gian sân khấu chỉ giới hạn trong một căn phòng khách sạn quá đơn giản: Tấm ga trải giường, chiếc ghế lười nhồi bông thì trong “Búp bê” còn có sự bất ngờ và nghẹt thở đến phút cuối.
Đấy là, sau khi phơi bày bộ mặt cùng toàn bộ tâm can của con người bằng những cú va đập của từng cặp nhân vật nhiều khi đến độ chua chát, thì “át chủ bài” thực sự mới xuất hiện.
Nó chính là AI – vấn đề đang nóng trên toàn cầu thì giờ đây cũng xuất hiện trên sân khấu kịch khiến khán giả tròn mắt mà chuyển đổi cảm giác, té ra là thế này chứ không phải thế kia; “trùm” cuối ở đó chứ không phải ở đây; bàn tay quyền lực thâu tóm tâm lý và điều khiển tất cả là tên này chứ đâu phải mụ kia…
Bằng sự khéo léo “giấu bài” trong cách dàn dựng thông minh, tinh tế; phương pháp trình diễn đậm màu sắc truyền thống, qua “Búp bê”, đạo diễn, NSƯT Trần Lực đã đưa ra hồi chuông cảnh báo có lẽ khiến không ít khán giả cảm thấy lạnh người, thậm chí rùng mình khi nghĩ về nó: Sẽ thế nào đây khi lỗ hổng tham sân si của con người không chỉ về lòng tham vật chất mà còn trong cả những trái tim tìm kiếm tình yêu, hạnh phúc được lấp đầy bởi búp bê AI?
Cái con rô-bốt được sinh ra từ lập trình ấy có khả năng thỏa mãn mọi mọi nhu cầu của con người trên nguyên tắc có tiền là có tất cả, bất luận đúng sai, có thể quay ngược lại để đồng hóa và thao túng con người hay không?
Theo nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, khi thưởng thức vở kịch “Búp bê” của Lucteam, bà đã phải mất mấy ngày để “đủ trấn tĩnh” và đưa ra cảm nhận của mình: “Kịch bản Lê Hoàng đúng là quái không chịu được. Mới xem nửa đầu đã nghĩ hắn cứ đùa nhảm thế này thì chán chết. Nhưng rồi, xuất hiện tình tiết gã trai đẹp hóa ra là… búp bê.
Búp bê thì làm gì có cảm xúc, làm gì có đúng sai. Thế nên nó sẵn sàng là kẻ lưỡng tính, và tuân thủ cơn giận được lập trình để hủy diệt bất cứ kẻ nào có cảm xúc, thứ mà nó không có. Rốt cục, kẻ (người) nào muốn tồn tại cũng phải biến thành búp bê như nó. Thật là lạnh cả người”.
“Cuộc chơi” không dễ
Để có một “Búp bê” sống động và ấn tượng như thế, ê-kíp sáng tạo của Lucteam chia sẻ rằng đây là “cuộc chơi” không dễ nên phải dành nhiều tâm sức tập luyện trong suốt 4 tháng trời.
Phương My – người vào vai “bà mối tình yêu”, “kêu” rằng, ngoài đài từ, diễn xuất phải tuân thủ theo ngôn ngữ ước lệ biểu hiện thì nghệ sĩ còn phải “vắt mình từ trong ra” trong từng động tác, không có chỗ cho “tay chân giả”.
NSƯT Hoàng Tùng vào vai ông Việt kiều cũng “than” khi phải thể hiện một nhân vật “bảy sắc cầu vồng” này bằng lối diễn xuất tổng hợp khó gọi thành tên. Chẳng là, trước đó anh từng là diễn viên kịch rồi diễn viên kịch cảm song các nhân vật anh thủ vai luôn được tách bạch về thể loại, hoặc kịch nói hoặc kịch câm.
Vậy nhưng, khi đứng trên sân khấu Lucteam, đạo diễn, NSƯT Trần Lực luôn yêu cầu anh kết hợp cả hai. “Tôi gặp áp lực lớn khi cùng một lúc phải thể hiện cả kịch nói lẫn kịch câm, nhưng điều đó lại mang đến cho tôi trải nghiệm thú vị chỉ có ở Lucteam”, NSƯT Hoàng Tùng bày tỏ.
Trong khi đó, nghệ sĩ trẻ Hoài Vũ có những màn vũ đạo ấn tượng trong vai diễn khá đặc biệt của mình cũng chia sẻ rằng anh đã mất 4 tháng khổ luyện để có thể trở thành người phục vụ phòng có màn trải thảm… miễn chê.
Còn với Thu Hiền, việc hóa thân thành cô gái quê còn lạ lẫm với nhiều thứ trên thành thị, mang điều ước xoàng về bát bún bò cùng khát khao nông nổi về một phút được yêu đích thực cũng chưa bao giờ là dễ…
Biên đạo múa Tạ Vũ Thu, người gắn bó nhiều năm với Lucteam thì dành lời khen cho các nghệ sĩ vì ai cũng chịu khó tập luyện vũ đạo, đứng tư thế khó, ép dẻo… và thực hiện thành công yêu cầu của biên đạo cho vai diễn của mình trong “Búp bê”.
“Đó là sự cố gắng khi mọi người đều tập trung và mong muốn cho ra sản phẩm khác biệt để gửi đến công chúng. Trong đó, hai diễn viên trẻ: Hoài Vũ và Thu Hiền đã thực hiện tốt phần diễn xuất bằng vũ đạo theo yêu cầu của biên đạo. Nhất là phân cảnh giường chiếu dài đến 5 phút, giúp khán giả thấy cái đẹp, biểu tượng của những khát vọng tình yêu một cách ước lệ qua ngôn ngữ cơ thể”, biên đạo múa Tạ Vũ Thu chia sẻ.
Thực ra, sau những “Quẫn”, “Cơn ghen của Lọ Lem”, “Bạch đàn trắng”, “Nữ ca sĩ hói đầu”, “Antigone”…, “Búp bê” của Lucteam tiếp tục “trung thành” với ngôn ngữ ước lệ biểu hiện. Và cùng với đài từ được nhấn nhá, đôi khi có cả sự khuếch trương thì các màn vũ đạo mang tính ước lệ cao của nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo chính là “vũ khí” quan trọng của phong cách này.
Nó cũng thật “xứng đôi vừa lứa” khi kết hợp với kịch bản văn học của Lê Hoàng có lối thoại nhiều lời song tưng tửng, sắc sảo của những diễu nhạt, châm biếm sâu cay.
“Đề tài mà “Búp bê” đề cập rất mới mẻ, hiện đại và có phần khô cứng (thiên về kỹ thuật) song không hề làm khó Lucteam. Cũng bởi, chúng tôi đã hoạch định con đường rõ ràng, phương pháp sân khấu riêng – phương pháp ước lệ biểu hiện.
Sân khấu Lucteam hiện đại, có những diễn viên vừa mang tâm hồn nghệ sĩ vừa có khả năng đặc biệt để thực hiện động tác khó để tạo nên âm thanh khác biệt. Cái cần hơn cả trước mỗi dự án được chúng tôi hướng đến là, nghệ sĩ cần sáng tạo được sản phẩm hay, luôn có sự hòa quyện giữa tính đương đại và nghệ thuật truyền thống”, đạo diễn NSƯT Trần Lực chia sẻ.
Vở kịch “Búp bê” được Lucteam ra mắt khán giả từ cuối tháng 7 và có thêm nhiều suất diễn trong thời gian qua tại Hà Nội.
Vở diễn nhận được sự quan tâm của khán giả trẻ không chỉ từ đề tài hấp dẫn về AI, đồng tính mà còn từ tiết tấu nhanh, thời gian vừa phải, và đem đến phong vị khá đặc biệt điểm hồi kịch bằng tiếng chuông hay một bản nhạc được chính đạo diễn ngồi ngay sau tấm màn “cầm trò” bằng kèn saxophone.
Có lẽ vở diễn sẽ tròn trịa hơn nếu như các nhân vật bớt lời (nhất là vai bà mối) và giữ được nhịp “tưng tửng”, tránh đưa ra quá nhiều rao giảng đạo lý nặng nề…