Kết nối giữa người với người, hay cụ thể hơn là sự tiếp xúc của con người với nhau, là yếu tố quan trọng trong quá trình trưởng thành của trẻ sơ sinh và người lớn. Mặc dù việc cho và nhận tình cảm của mỗi người không giống nhau, nhưng chúng ta vẫn luôn cần sự tiếp xúc của con người.
Không nói đến những tương tác giao tiếp, nói chuyện mà xét đến tương tác cơ thể, có lẽ ôm là hình thức tiếp xúc phổ biến nhất. Chúng ta cũng có thể thi thoảng bắt gặp những biển “free hugs” (ôm miễn phí) trên đường phố, hoặc những status Facebook với lời hứa tặng kèm một cái ôm mỗi khi gặp.
Vậy việc ôm nhau đã được phổ biến hóa như thế nào?
Lịch sử Ngày của những cái Ôm (International Hug Day)
Ngày lễ này được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1986 bởi Kevin Zaborney. Zaborney đã chọn ngày 21/1 để tổ chức bởi đây là thời điểm giữa kỳ nghỉ đông và để tổ chức sinh nhật cho những người có ngày sinh vào đầu năm, sau khi nhận thấy rằng tinh thần của mọi người luôn xuống thấp khi đến khoảng thời gian này.
Ông cũng thấy rằng người Mỹ thường ngại ngùng thể hiện tình cảm tại nơi công cộng, và mong rằng National Hugging Day (Ngày lễ Ôm Quốc gia) sẽ thay đổi được điều đó. Một điều mà Zaborney không ngờ rằng là ngày lễ này sẽ nhanh chóng trở nên phổ biến tại nhiều quốc gia trên toàn thế giới.
Lợi ích của cái ôm
Ngày nay, có thể hầu hết chúng ta không còn nghĩ rằng việc ôm nhau tại nơi công cộng là biểu hiện không phù hợp để thể hiện tình cảm nữa. Chúng ta có thể ôm để tạm biệt người thân, bạn bè, dù là để nói tạm biệt hay để chúc mừng họ. Bên cạnh đấy, việc ôm còn có thể an ủi hoặc thể hiện sự cổ vũ dành cho một ai đấy.
Tuy việc ôm nhau thường chỉ kéo dài trong thời gian ngắn, nhưng ôm cũng có thể mang lại những lợi ích cho sức khỏe của chúng ta. Ngay sau một cái ôm, ta có thể thấy tích cực và thoải mái hơn chút. Khi xét theo mặt sinh lý, cơ thể chúng ta cũng trải qua nhiều thay đổi sau một cái ôm. Hiểu rõ điều này, nhiều nhà nghiên cứu đã tìm ra các công nghệ tiến bộ, qua đấy giúp con người có thể nhận được cái ôm từ một vật thể nhân tạo.
Một vài lợi ích của cái ôm bao gồm:
- Ôm làm giảm sưng viêm. Khi cơ thể có những phản ứng sưng, viêm, đây có thể là một phản ứng sinh lý với bệnh tật. Nếu các nốt sưng, viêm xuất hiện nhiều trên cơ thể thì đây cũng là dấu hiệu cơ thể đang cố gắng chống lại khả năng bị nhiễm trùng. Một nghiên cứu đã đo mức độ viêm nhiễm của 20 người lớn thông qua việc sử dụng mẫu nước bọt. Những người này cũng được yêu cầu ghi lại số lần họ đã ôm trong 14 ngày. Kết quả cho thấy rằng những người ôm càng nhiều thì tỷ lệ viêm nhiễm cũng ít đáng kể, và ngược lại.
- Ôm làm hạ huyết áp. Kết quả này được phát hiện ra sau khi nghiên cứu 59 phụ nữ ở độ tuổi tiền mãn kinh (từ 20 đến 29 tuổi), qua đó các nhà nghiên cứu thấy rằng số lần ôm từ người bạn đời càng nhiều, thì mức huyết áp của những người phụ nữ này cũng ở trạng thái ổn định và khỏe mạnh.
- Ôm giúp giảm mức độ nghiêm trọng khi mắc cảm lạnh. Một nghiên cứu có sự tham gia của 404 người trưởng thành cho thấy rằng số lần ôm trong 14 ngày có thể giảm tác động của cơn cảm lạnh đối với một người. Theo đấy, việc nhận hay trao cái ôm thường xuyên sẽ giúp giảm những phản ứng nghiêm trọng của cơ thể khi một người bị cảm.
- Ôm thúc đẩy sản xuất oxytocin. Oxytocin, còn gọi là hormone tình yêu, được giải phóng từ tuyến yên trên cơ thể. Loại hormone này được đánh giá cao bởi vai trò vừa làm giảm căng thẳng, vừa giúp chúng ta cảm thấy gắn bó và kết nối với những người khác. Một nghiên cứu với sự tham gia của 34 cặp vợ chồng cho thấy việc ôm nhau càng thường xuyên trong 4 tuần cũng ghi nhận nồng độ oxytocin cao.
Các nhà nghiên cứu từ lâu đã quan tâm đến lợi ích của việc ôm, bởi lẽ chúng ta có thể dễ dàng theo dõi việc ôm nhau, hoặc thay đổi mục đích của cái ôm. Thông qua những nghiên cứu này, ta có thể thấy được mối liên hệ giữa các hành vi tiếp xúc của cá nhân với nhau và phản ứng sinh lý. Khi càng hiểu thêm về lợi ích của việc ôm, ta cũng có thể hiểu được các cách can thiệp ôm xảy ra như thế nào.
Nếu “độc toàn thân”, bạn có thể lo rằng mình không có ai để ôm cả. Tuy nhiên, ôm không chỉ dừng ở mối quan hệ yêu đương, và ta có thể ôm trong nhiều hoàn cảnh và với các mối quan hệ khác nhau. Tùy thuộc vào văn hóa nơi bạn đang sinh sống, ôm có thể được coi như một lời chào. Bạn có thể ôm bố mẹ mỗi buổi sáng hoặc tối trước khi đi ngủ, hoặc ôm chào tạm biệt một người bạn chuẩn bị đi du học. Hoặc bạn có thể ôm một người nào đấy khi muốn trở nên gần gũi với họ.
Kết
Với những người đang muốn ôm ai đó, hãy chủ động hỏi và thể hiện mong muốn của mình. Nhưng hãy chắc chắn rằng đối phương cũng đồng ý với hành động này trước khi ôm họ. Bên cạnh nụ cười, hãy để cái ôm trở thành một liều thuốc bổ khác cho cuộc sống của bạn và giúp gắn kết mọi người với nhau.
Có thể bạn quan tâm:
Vitamin Sea: Khi biển cả là liều thuốc cho sức khỏe
Cư xử tử tế không khó, nhưng làm thế nào?
Những sở thích “chả mất tiền mua”, lựa giờ mà nghịch cho vui mỗi ngày
Thảo luận về bài viết