Mỗi ngày đầu tháng, chúng ta bỗng nhiên có cảm hứng để thay đổi hoặc lên kế hoạch cho một (hoặc một số) vấn đề trong cuộc sống. Đó có thể là những mảnh ghép liên quan đến sức khoẻ, nhà cửa, sự nghiệp hoặc các mối quan hệ. Việc đặt mục tiêu tưởng như chỉ giúp ta phác hoạ mơ hồ những mong ước, hy vọng. Tuy nhiên trên thực tế, hành động này đã thật sự cải thiện năng suất, sự quyết tâm và động lực của con người nhằm giúp chúng ta đạt được như gì mình muốn. Các chuyên gia sức khoẻ cũng đã chứng minh những tác động tích cực và lợi ích mỗi khi người ta sở hữu được những mục tiêu phù hợp.
Vậy tại sao chúng ta nên đặt mục tiêu?
Theo chuyên gia về sức khoẻ tâm lý Emily Rivera, từ quan điểm tinh thần, việc đặt mục tiêu sẽ giúp kích thích não bộ, thúc đẩy sự tham gia và chú ý của chúng ta vào một vấn đề. Việc có mục tiêu sẽ vô hình khiến chúng ta tự động tiến về phía trước, tự nắm bắt cơ hội để đạt được điều ta mong muốn.
Nếu chúng ta không lên những kế hoạch, phương thức để thay đổi và cải thiện cuộc sống, rất có thể ta sẽ bỏ lỡ những lợi ích tâm lý này của não bộ. Rivera giải thích rằng, “Khi chúng ta không hướng sự chú ý và tập trung vào việc đặt mục tiêu, chúng ta sẽ dễ dàng bị phân tâm và đánh mất động lực cần thiết để tạo nên cuộc sống mà chúng ta mong muốn.
Một lợi ích tâm lý khác của việc đặt mục tiêu là hành động này tạo thách thức để chúng ta điều chỉnh trực giác khi nghĩ về các quyết định. Theo Jessie Reibman, giám đốc điều hành The Space for Good – một tổ chức phi lợi nhuận nhằm phát triển và huấn luyện tài năng: Chúng ta đều biết mình muốn hay mình mong đợi điều gì. Vấn đề chỉ nằm ở việc thời gian và sức lực để biến những hy vọng đó thành hiện thực.
Theo Reibman, “Chúng ta thường đặt mục tiêu để đạt được một kết quả nào đó, và chỉ có thể thực hiện được chúng khi thay đổi hành vi, thói quen của mình. Khi càng đi sâu vào cách thức cụ thể, chúng ta càng có khả năng thành công bởi sự rõ ràng trong phương thức thực hiện.”
Khi chúng ta đặt mục tiêu, ta tạo nên một hệ thống đầy trách nhiệm, giúp tính toán các tiến trình theo thời gian. Theo bác sĩ trị liệu gia đình và hôn nhân Hanna Stensby, mục tiêu được sử dụng trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần như một cách thể hiện tiến độ. “Khi bạn có thể liệu chừng được mình đang ở đâu khi mới bắt đầu, và rồi thực hiện thay đổi dựa trên nhận thức, bạn có thể nhìn thấy sự cải thiện. Nếu bạn không rõ mình đang ở đâu, bạn sẽ không nắm bắt được tiến trình đó.”
Vậy nếu không đạt được mục tiêu – chúng ta học được điều gì?
Chúng ta có thể sẽ không đạt được mọi mục tiêu mình đã đặt ra. Điều này hoàn toàn bình thường, nhưng thứ nó đem lại là những bài học, kinh nghiệm và cơ hội cho chúng ta học hỏi và tiến về phía trước một cách mạnh mẽ. “Thất bại” trong việc đạt hoặc duy trì mục tiêu không phải lý tưởng, nhưng nó có giá trị nhất định.
Trên thực tế, quá trình cố gắng, thất bại và học hỏi từ thất bại có thể đem lại nhiều giá trị hơn là việc liên tục đạt được thành công. Bác sĩ trị liệu về hôn nhân và gia đình Jenny Black giải thích rằng cuộc sống sẽ luôn diễn biến khác với những gì ta nghĩ về chúng. Cuộc sống cho chúng ta những gì mình cần hơn là những gì ta muốn. Đây là bài học quan trọng cho việc chấp nhận.
Thay đổi quan điểm về những mục tiêu
Thay vì cho rằng những mục tiêu của mình là khó đạt được hoặc quá tầm với, bạn có thể thay đổi quan điểm theo hướng dễ tiếp cận hơn. Đây là một số cách để giúp bạn bắt đầu.
Biến mục tiêu thành một trò chơi
Niềm vui và các trò chơi thường là động lực chính khi ta còn nhỏ – và kể cả khi ta đã lớn, nhưng tồn tại dưới một hình thức khác. Để tạo thêm cảm hứng cho mình, hãy tìm những hoạt động khiến bạn vui vẻ và giải phóng dopamine. Ví dụ như khi đi bộ, bạn có thể xem giữa bản thân và người đồng hành ai là người đi bộ nhiều bước hơn hoặc nhanh hơn. Khi chúng ta càng lớn, chúng ta càng cần phải tự tạo ra trò chơi cho mình như cách ta vẫn làm khi còn nhỏ.
Đảm bảo mục tiêu truyền cảm hứng cho bạn
Đặt mục tiêu truyền cảm hứng cho bản thân có thể là cách để thực sự đạt được chúng. Khi bạn quyết tâm và luôn nghĩ về những việc cần làm, bạn sẽ thấy hào hứng hơn, thay vì cảm thấy mệt mỏi hoặc sợ hãi.
“Trở thành” thay vì tập trung vào hành động
Thay vì tự hỏi bản thân rằng bạn muốn ở đâu trong 5 năm tới, hãy nghĩ về kiểu người bạn muốn trở thành. Những gì bạn nghĩ có thể là một động lực mạnh mẽ để đạt được những mục tiêu. Hãy cố gắng khái quát hóa mục tiêu của bạn, tập trung vào điều bạn muốn làm và phấn đấu để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.
Bắt đầu từ việc nhỏ
Một ngày nào đó, bạn sẽ đạt được thành công vang dội, nhưng trong lúc này, hãy dành thời gian để nhìn lại những khó khăn mà bạn đã vượt qua. Khi chúng ta đi từng bước nhỏ mang đầy ý nghĩa, chúng ta sẽ có thêm động lực để tiến về phía trước. Vậy nên nếu bạn đang đặt mục tiêu là ăn uống lành mạnh hơn, hãy cho thêm một món rau vào bữa ăn của bạn.
Tham khảo Real Simple
Có thể bạn quan tâm:
Khi mỗi chúng ta đều là một tấm gương soi cho người khác
7 lý do chúng ta nên đọc sách giấy nhiều hơn
4 cách để công nghệ thôi hủy hoại niềm vui của bạn
Thảo luận về bài viết