Sau chuỗi ngày hồi hộp theo đuổi rồi đến háo hức hẹn hò, các mối quan hệ thường dần đi vào quỹ đạo chung. Lúc này, những hành động như nhắn tin, nắm tay, đưa đón nhau, đi chơi với nhau dường như đã thành thói quen – chúng không còn làm con tim đập rộn ràng như ngày đầu nữa.
Giai đoạn này dễ khiến các cặp đôi băn khoăn với hàng loạt những câu hỏi thường trực, như “Liệu mình có còn yêu người kia?’, “Sao mọi thứ trở nên nhàm chán vậy nhỉ?”. Tuy nhiên, một mối quan hệ (mà trong mắt nhiều người là) bình bình, nhàm nhàm, không có tranh cãi, ngày-nào-cũng-như-nhau lại tích cực hơn bạn nghĩ đấy.
Vì sao mối quan hệ lành mạnh lại tốt hơn?
Khi đang trong một mối quan hệ lành mạnh, điều này thường có nghĩa là bất cứ khi nào một chủ đề dễ gây tranh cãi nổ ra, bạn và người yêu có thể dễ dàng xử lý chúng mà không phải hét vào mặt nhau. Không còn những lần đọc tin nhắn xong bơ, không còn những lần chặn tin nhắn và phải vặn óc tìm email gửi thư xin lỗi, giờ đây cả hai bên đã biết cách nói chuyện và giảng hòa.
Việc yêu một người có tính khí không thất thường và không có xu hướng tranh cãi liên tục cũng khiến việc kết nối thân mật trở nên dễ dàng hơn. Vì khi tranh cãi, chúng ta sẽ liên tục ở trạng thái đối đầu, không ai chịu bỏ qua cái tôi hay sự cứng đầu của mình để chấp nhận sự khác biệt hay cố gắng tìm điểm chung.
Trong một mối quan hệ lành mạnh, bạn và người ấy đều biết được cách người còn lại trong mối quan hệ cho đi và nhận lại tình cảm như thế nào, qua đấy giúp cả hai bên thấu hiểu nhau hơn và đem lại kết quả tốt nhất cho mọi mặt trong mối quan hệ. Ngoài ra, bạn (và cả người đấy) không chỉ có một người để yêu và yêu mình, mà còn có một người bạn thân thiết, người mà chúng ta có thể chia sẻ mọi chuyện trong cuộc sống.
Nhưng phải làm gì nếu mối quan hệ đang thực sự gây chán nản?
Một vài dấu hiệu cho thấy mối quan hệ đang ở trạng thái chán nản, bao gồm:
- Cả hai luôn làm mọi việc với nhau.
- Một hoặc cả hai người tự dưng thấy khó ở khi ở cạnh đối phương, và bắt đầu bực bội mà không rõ lý do.
- Ghen tị với các cặp đôi khác.
- Không còn ham muốn thể xác với người yêu.
- Không còn hạnh phúc như mọi khi.
Khi giai đoạn tuần trăng mật trong mối quan hệ kết thúc, cuộc sống vẫn tiếp diễn, và chúng ta vẫn mắc kẹt trong guồng quay cơm áo gạo tiền, chỉ khác là giờ chúng ta đã có thêm một người bên cạnh. Chúng ta làm quen với cách mọi thứ diễn ra và đôi khi không dừng lại để nhận ra rằng, chính bản thân ta là nguyên nhân khiến mọi thứ trở nên nhàm chán.
Làm gì để mối quan hệ trở nên thú vị hơn?
- Chọn một quán cafe hoặc thực hiện một việc khác với thói quen hẹn hò mỗi tuần.
- Thay vì cùng xem phim, chọn cùng chơi game hoặc uống bia và tâm sự với nhau.
- Thử điều gì đó khác biệt trong khi làm tình.
- Dành thời gian ở xa nhau. Tuy cách làm này có thể khiến “xa mặt cách lòng”, nhưng những ai dành đủ thời gian một mình cho bản thân có thể cho đi lại nhiều hơn một khi họ đã có đủ thời gian cho họ. Ngoài ra, thời gian xa nhau cũng có thể khiến hai bên nhớ nhau nhiều hơn
- Đừng dành thời gian theo dõi các cặp đôi khác trên mạng xã hội. Mạng xã hội là một trong những nguyên nhân khiến ta thấy mối quan hệ của mình chưa bao giờ đủ tốt. Cần luôn nhớ rằng những hình ảnh trên mạng đã được chọn lọc, vậy nên việc quá ám ảnh với những cặp đôi này hay so sánh chuyện của mình và họ là điều không nên làm.
- Hỏi người yêu những điều cả hai chưa bao giờ hỏi nhau.
Các mối quan hệ cũng như kịch bản phim dài tập, vì vậy để mối quan hệ được dài lâu, cả hai bên sẽ luôn cần tìm cách để khiến mọi thứ thú vị. Chìa khóa để đạt được này là luôn cởi mở trong giao tiếp, và liên tục đổi mới những thói quen trong mối quan hệ này. Mối quan hệ vẫn sẽ ổn nếu có những việc vẫn như thói quen, nhưng nếu chúng ta thay đổi mọi thứ thường xuyên, việc yêu nhau sẽ không bao giờ là nhàm chán.
Theo Medium
Có thể bạn quan tâm:
10 dấu hiệu cho thấy đã đến lúc từ bỏ một mối quan hệ
Khoa học lý giải tình yêu như thế nào?
Vén màn bí mật “tình yêu sét đánh”
Thảo luận về bài viết