Vì sao cần mua ít đi?
Có thể bạn đã nghe rất nhiều về điều này (hoặc chưa): Thời trang là một trong những ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hàng đầu hiện nay. Nếu vẫn chưa tin thì đây là con số. Chỉ riêng tại Úc, cứ 10 phút là có 6 tấn quần áo bị đưa ra bãi rác. 6 tấn – một con số khó mà tin được. Tuy nhiên, cứ thử ngẫm lại tốc độ sản xuất của các hãng thời trang nhanh (fast fashion) để bắt kịp với sự xuất hiện hàng ngày của những xu hướng thời trang mới thì không điều gì là không thể.
Để sản xuất một chiếc áo phông giá $1 thì cần tới 2700 lít nước. Thế nhưng, nếu nó không bán được thì các nhà sản xuất sẽ làm gì? Một báo cáo từ 2017 cho biết, thương hiệu H&M có tới 4.3 triệu sản phẩm tồn kho, và họ bị cáo buộc là đã đem đốt hàng tấn đồ thuộc diện “không thể bán hết” hàng năm.
Không dừng lại ở đó, nếu đọc thống kê số lượng khủng hoá chất cần sử dụng trong sản xuất may mặc trên toàn thế giới, cách các nhà máy may mặc xử lý hoá chất thải ra môi trường, vấn đề sử dụng lao động vị thành niên ở các nước đang phát triển thì chắc hẳn bạn sẽ chùn bước mỗi khi nghĩ tới việc mua thêm quần áo mới.
Tạm bỏ qua các vấn đề liên quan đến môi trường, thì triết lý “Buy less. Choose well. Make it last. Quality, not Quantity.” của NTK nổi tiếng Vivienne Westwood vẫn hoàn đáng cân nhắc.
Mua ít đi nhưng chọn tinh hơn
Hãy nhớ lại lần gần nhất bạn đứng trước tủ đồ và cảm thấy mình không-có-gì-để-mặc. Điều này vẫn cứ xảy ra khi bạn có một tủ đồ chất đầy quần áo, và mua sắm thường xuyên. Tại sao lại như vậy? Đơn giản là vì chúng ta có quá nhiều lựa chọn. Mark Zuckerberg xuất hiện ở mọi nơi với chiếc áo thun xám, đó là lý do anh hoàn toàn không phải lo về chuyện lựa chọn mặc gì. Tất nhiên phụ nữ thì không như thế, nhưng rõ ràng là khi có nhiều lựa chọn hơn (nhưng lại không có cái nào xuất sắc vượt trội) thì ta lại càng mất thời gian để quyết định (và thậm chí stress hơn)!
Việc mua ít đi là cách để giới hạn các lựa chọn và chỉ đưa ra các phương án tốt nhất. Và khi mua ít, chúng ta buộc phải chọn kỹ hơn, đặt các tiêu chuẩn về trang phục của bản thân cao hơn. Chẳng hạn, chất liệu phải tốt, mọi thứ cần chỉn chu, vừa vặn, phù hợp với hình ảnh cá nhân mà bạn đang cố gắng xây dựng. Xét cho cùng, việc mua ít – chọn tinh giúp ta nâng tầm phong cách thay vì cố gắng chạy theo những trào lưu mới.
“Nhưng tôi vẫn cần có gì đó mới!”
Không gì chán hơn là đứng trước gương và thấy mình trông thật “cũ”. Bạn có thể sẽ có tâm lý rằng:”Mình đã mặc cái áo này một ngàn lần rồi và thể nào mọi người cũng để ý cho xem”, nhưng tin vui là thực ra không ai chú ý tới bạn đến vậy đâu (trừ khi bạn thực sự mặc cái áo đó liên tục 7 ngày trong tuần).
Một cách khác để giữ hình ảnh bản thân luôn mới mẻ (ít ra là trong mắt chính mình), đó là mix lại những món đồ cũ theo những cách mới mà bạn chưa thử bao giờ. Nếu làm điều này một mình không đủ thú vị, hãy kéo cô bạn thân vào tham gia cùng. Thậm chí, bạn có thể tự tổ chức một buổi “Đổi đồ – Cũ người mới ta” trong nhóm bạn: Bất cứ ai cũng có thể mang đến những món đồ mà họ thích nhưng không thể mặc (vì không vừa, hoặc không thích nữa mà không nỡ bán đi) để có thể tìm ra chủ nhân mới cho chúng. Ai cũng có đồ mới mà không cần phải ra ngoài shopping! Chơi đùa cùng quần áo là niềm vui của hầu hết mọi phụ nữ, biết đâu bạn lại tìm được “hidden germ” trong số những món đồ đã bị bỏ quên thì sao.[/text_output]