“Nếu tôi là cô ấy, tôi sẽ phản kháng với tất cả sức mạnh mà tôi có bên trong mình.”
“Nếu tôi là anh ấy, tôi đã hét lớn lên để cầu cứu sự giúp đỡ.”
Thật dễ dàng để trách mắng bản thân đã vô dụng chẳng biết làm gì mà chỉ “đứng hình” khi bị tấn công tình dục. Cũng không khó khi nghe người khác quở trách sao lúc đó các nạn nhân không biết ra sức phòng vệ để tự cứu mình.
Nhưng sự thật vỡ lẽ ra rằng, não bộ chúng ta sẽ không thể “sáng suốt” như thế khi bị bất ngờ tấn công. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, phản kháng hay đánh tín hiệu cầu cứu không hề xảy ra một cách dễ dàng bởi bộ não sẽ có phản ứng khác nhau tùy thuộc vào tình huống.
Điều gì xảy ra trong não khi bạn đối diện với mối đe dọa?
Thông tin truyền vào bộ não và cơ thể của nạn nhân trong một vụ tấn công tình dục thường là những chấn thương, sự hoảng sợ và đe dọa.
Một số bộ phận trong não bộ của chúng ta sẽ tạo nên mạch phòng thủ chịu trách nhiệm phát hiện các mối đe dọa. Khi hệ thống phòng thủ nhận được thông tin “cảnh giác” nguy hiểm, nó bắt đầu chi phối các chức năng của não.
Cụ thể hơn, khi một người là nạn nhân của tấn công tình dục, amygdala (bộ phận chịu trách nhiệm xử lý cảm xúc trong não) sẽ nhận ra đây là một mối đe dọa và báo hiệu cho hypothalamus (cơ quan điều khiển các chức năng cơ thể). Hypothalamus sẽ gửi tín hiệu đến tuyến yên và sau đó trục HPA sẽ khởi động, làm thay đổi về nội tiết tố trong cơ thể nạn nhân.
Tưởng chừng như mình đã hét rất lớn, nhưng đó không khác gì tiếng thầm thì
Phản ứng chiến-hay-chạy
Lúc bị tấn công đột ngột, các catecholamine (hormone do tuyến thượng thận tiết ra trong một sự việc gây tổn thương tâm lý) cũng sẽ thường tăng vọt cao, rất hữu ích cho phản ứng chiến-hay-chạy (fight-or-flight response).
Tuy nhiên, chúng lại đồng thời làm suy yếu các mạch não điều khiển suy nghĩ lý tính của chúng ta. Vì vậy, các bộ phận của vỏ não trán trước (vốn cho phép con người đưa ra quyết định) có thể sẽ không hoạt động tối ưu khi mức catecholamine tăng cao.
Một khi nạn nhân xoay sở để thoát khỏi cú sốc, suy nghĩ của họ bị giảm thiểu nghiêm trọng và sẽ thấy bối rối giữa hai thái cực của sự lựa chọn, chẳng hạn như:
- La hét và để mọi người nhìn thấy bản thân trong tư thế “kì quặc” hay nằm yên lặng và “chịu trận.”
- Trần truồng chạy ra khỏi cửa hay chịu đựng cho đến khi “nỗi kinh hoàng” kết thúc.
- Chống lại và mạo hiểm với bạo lực hay giữ an toàn bằng việc không hề phản kháng.
Với việc suy giảm vỏ não trước trán khiến họ nghĩ rằng đây đều là những phương án “lose-lose”, hầu hết nạn nhân có xu hướng chọn phương án 2.
Hiện tượng bất động căng cứng
Khi trục HPA kích hoạt corticosteroid làm giảm năng lượng sẵn có của cơ thể thì sẽ xảy ra tình trạng “đóng băng” – người ta gọi đây là hiện tượng bất động căng cứng (tonic immobility).
Hiện tượng bất động căng cứng là một phản ứng tự động chứ không phải là điều mà nạn nhân quyết định được. Về mặt hành vi, chúng ta có thể thấy nạn nhân nhắm mắt hay thở dốc, nhưng đặc điểm rõ rệt nhất của việc “đứng hình” này là sự tê liệt cơ bắp. Sự sợ hãi khiến nạn nhân không thể di chuyển, chống cự lại kẻ tấn công tình dục hay chạy trốn khỏi hiện trường.
Nghiên cứu cho thấy từ 12% đến 50% nạn nhân bị cưỡng hiếp đã trải qua hiện tượng bất động căng cứng, và hầu hết các dữ liệu chứng minh tỷ lệ này gần với con số 50% hơn là 12%.
Chai lì cảm xúc
Thêm vào đó thì opiate – hormone đóng vai trò như một loại morphine tự nhiên trong cơ thể sẽ được giải phóng ở mức rất cao và ngăn chặn nỗi đau thể xác lẫn cảm xúc. Tuy nhiên, vì opiate hoạt động giống như morphin nên những ảnh hưởng tác động đến nạn nhân trong và sau vụ tấn công tình dục có thể rất “phẳng lặng” và không có nhiều biến động.
Nói một cách dễ hiểu hơn thì cảm xúc của nạn nhân đã bị “cùn đi” và trở nên chai lì.
Vậy làm thế nào để “giải băng”?
Trên thực tế, nhiều nạn nhân cảm thấy tội lỗi và xấu hổ vì họ có phản ứng “hóa đá” hoặc đã không phản kháng lại kẻ tấn công mình. Do đó, chúng ta thường bắt gặp một tình trạng đau xót là victim-blaming – đổ lỗi và chỉ trích người bị nạn thay vì kẻ xấu gây ra hành động đó. Bắt nạn nhân chịu trách nhiệm về những gì đã xảy đến với họ là kết quả của sự thiếu hiểu biết về tấn công tình dục.
Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu rằng, những phản ứng vật lý kể trên của não bộ mỗi khi gặp tình huống nguy hiểm đều là phản ứng tức thời, phản ứng tự nhiên của cơ thể. Và tương tự như việc những chiến binh được huấn luyện mỗi ngày để học cách bảo vệ bản thân và những người xung quanh, mỗi người chúng ta đều nên học cách rèn luyện những phản xạ tự vệ cần có để tránh “đóng băng” khi bị tấn công.
Tựu chung lại thì tấn công tình dục là một chủ đề nhạy cảm và cũng còn nhiều người chưa biết về cách nạn nhân có thể phản ứng trong một vụ tấn công tình dục. Cho nên nền tảng giáo dục và kiến thức chính là chìa khóa để chấm dứt việc đổ lỗi cho nạn nhân.
Nguồn: Under The Microscope
Xem thêm:
Nạn nhân của cưỡng hiếp trên màn ảnh đều phải chết?
#Thoáng: Tình dục cưỡng ép – Khi nạn nhân bị chính đối tác tình cảm lạm dụng
#KhôngQuạu: Rape culture – Nạn nhân hay ả phù thuỷ cần “ném đá”?
Thảo luận về bài viết