Nếu có thể gọi về quá khứ, bạn sẽ nói gì với người nhấc máy?
I. Ta gọi về quá khứ để làm lại điều khiến mình hối hận
Theo Wikipedia, hối hận được định nghĩa như sau:
“Hối hận là một cảm xúc phiền não khi một cá nhân tỏ ra hối tiếc với những hành động mà mình đã làm trong quá khứ và được xem là xấu hổ, đau đớn, hoặc hành động sai trái. Hối hận có quan hệ chặt chẽ với có tội (cảm xúc) và tự định hướng phẫn nộ (oán giận).
Khi một cá nhân hối tiếc một hành động trước đó hoặc không hành động gì cả, điều đó có thể là do hối hận hoặc để phản ứng với các hậu quả khác nhau, bao gồm bị trừng phạt cho hành động hoặc thiếu sót đó. Con người có thể bày tỏ sự hối hận thông qua lời xin lỗi, cố gắng sửa chữa thiệt hại mà họ đã gây ra.”
wikipedia
Có lẽ trong chúng ta, không có ai sống trọn vẹn cuộc đời mà chưa từng hối hận. Ngay cả đứa trẻ con khi bị mắng vì không làm bài tập cũng biết tự trách mình vì hôm qua lẽ ra không nên ham đọc truyện tranh đến thế. Nhưng có những nuối tiếc sẽ chỉ là thoáng qua, có cái sẽ theo chúng ta cả đời.
Đối với tôi, hối hận là một cảm xúc thường được gắn liền với quá khứ. Bởi chúng ta thường chỉ hối tiếc với những thứ bản thân mình không thể thay đổi được nữa. Khái niệm về “những điều đã qua” vốn bắt đầu từ việc con người nhận thức được tính tuyến tính của thời gian. Nhưng dù vậy cũng thật kỳ lạ làm sao, khi những chuyện vốn đang diễn ra lại có thể ngay lập tức trở thành một thế giới mà ta không bao giờ có thể chạm đến. Những điều vốn có thật, từng thực sự tồn tại nay chỉ được xem xét thông qua trí nhớ và sự hồi tưởng, trở thành một ký ức mạnh mẽ đọng lại trong tâm trí. Do đó, nếu con người có nuối tiếc về điều gì, cảm giác ấy sẽ bám dính lấy hiện tại của họ như một thứ keo kết dính, có cắt da cắt thịt, có chối từ thế nào cũng không thể dứt bỏ.
Khi đó chúng ta ước mình sẽ quay trở về quá khứ để có thể sữa chữa lại những chuyện đã qua.
Trong cuộc sống, có hai thời điểm tôi đã từng thấy hối hận nhất. Một là vì tình cảm đầu đời mà đánh mất bản thân, hai là không ngăn cản được vụ tai nạn giao thông của mẹ.
Nếu có thể gọi về cho mình ngày trước, tôi từng rất muốn nhắn nhủ với cô bé 18 tuổi ngày ấy rằng, chàng trai đó không phải là tất cả những gì ý nghĩa nhất của cuộc đời bạn đâu. Đừng mãi hối hận chuyện vì anh ta mà bỏ qua suất học bổng toàn phần ở nước ngoài của mình, cũng đừng khóc nức nở ở quán cà phê hay dầm mưa chờ bản thân bị ốm để mong anh ta quan tâm, càng đừng vì chuyện này mà nhiều lần muốn từ bỏ cuộc sống. Chỉ 2,3 năm sau thôi, bạn đã lại theo đuổi bậc cao học ở Châu Âu, đã gặp được một chàng trai khác và cảm thấy hạnh phúc ngọt ngào như một viên kẹo chanh rồi.
Tôi cũng muốn nhắn cho cô bạn 26 tuổi ngày đó rằng, ngày hôm nay hãy gọi về cho mẹ bạn, bác bạn, hoặc anh trai… ai cũng được. Bằng mọi cách nhắn nhủ mẹ đừng ra đường. Nếu nhất định phải đi cũng đừng lái xe. Mùa đông Hà Nội rất lạnh, phố phường cũng rất bụi, đường mà mẹ định đi lại còn khá xa. Nếu có thể hãy gọi một chiếc taxi, hãy nhờ ai đó “đánh” ô-tô đi. Dù là thế nào, mong mẹ đừng tự lái xe.
Đó là những điều tôi tưởng mình nhất định sẽ nói – nếu có thể gọi điện về quá khứ.
Nhưng tôi bỗng nhận ra, ngay cả khi cuộc gọi tưởng tượng đó có thật, mọi thứ đôi khi cũng không thay đổi được. Cô bé 18 tuổi khi đó hoàn toàn nhận thức được những điều tôi định nhắn nhủ. Tôi biết rõ mình có thể kiếm được một suất học bổng khác, càng biết rõ không có chàng trai nào quan trọng đến độ vắng anh ta thì mình không sống được. Chỉ là sự cố chấp, cảm giác tổn thương khi đó quá lớn để tôi có thể lắng nghe lời khuyên của bất cứ ai -dù là chính mình.
Tôi cũng sẽ không bao giờ ngăn được chuyện dù sớm hay muộn, mẹ cũng sẽ rời xa mình. Thời gian có thể kéo dãn ra nhưng chuyện phải chia lìa với người thân yêu vốn là một lẽ tất nhiên không thể thay đổi của cuộc sống. Dẫu có tránh được vụ tai nạn đó, một ngày nào đó, mẹ tôi nhất định sẽ phải ra đi. Bên cạnh việc không muốn mẹ mình đối diện với cửa tử thêm một lần, tôi càng không có đủ can đảm để lặp lại sự chịu đựng của mình và gia đình, khi chứng kiến người phụ nữ đấy vĩnh viễn tạm biệt mình lần hai.
Đó có lẽ chính là cảm giác của Seo Yeon trong The Call – bộ phim điện ảnh tâm lý đang chiếu trên Netflix gần đây của Hàn Quốc. Cô đã cứu được bố mình và rồi lại chứng kiến ông rời đi lần nữa. Đó không phải cái giá duy nhất mà Seo Yeon phải trả khi cố gắng thay đổi quá khứ, sống trong cảm giác day dứt thay vì tôn trọng cuộc sống hiện tại.
Nếu ban đầu không cố miễn cưỡng viết lại những chuyện trước đây, cô sẽ không rơi vào tình cảnh bi thảm như nửa cuối phim.
II. Con người luôn bị ám ảnh bởi việc thay đổi quá khứ
The Call không phải bộ phim duy nhất của Hàn Quốc nói về chuyện thay đổi quá khứ thông qua một chiếc điện thoại. Họ từng có Signal Tín Hiệu) – 2016, lại tiếp tục có Kairos năm 2020. Nhưng dù có dưới kịch bản nào, chúng ta cũng có thể thấy con người luôn mong mỏi sửa chữa quá khứ với hy vọng có thể vẽ lại bức tranh của hiện tại. Tiếc là ngay cả khoa học cũng đã chứng minh, thời gian là dòng chảy chỉ có một chiều tiến về phía trước. Giống như chạy trên cao tốc vĩnh viễn không có điểm quay đầu, chúng ta chỉ có thể đi tiếp và vẽ ra mọi thứ trong não mình, viết lên hàng triệu kịch bản điện ảnh, tiểu thuyết xuyên không, hư cấu hàng nghìn giả định :”nếu như mình có thể quay lại hồi xưa.”Nhưng tất cả điều đó chỉ dừng ở sản phẩm của trí tưởng tượng mà thôi mà thôi.
Thế nên khoan nói đến những khắc khoải thay đổi quá khứ chỉ là một ước muốn viển vông. Ngay cả khi cuộc điện thoại đó có thể tồn tại trong hiện thực, nhất định tôi cũng sẽ không liên lạc với mình của ngày xưa.
Theo như The Call: Chúng ta của hiện tại là kết quả của những điều được xây dựng trong quá khứ. Tất cả sự tàn tạ, trầm mặc, cho đến tươi trẻ, lạc quan trong mười năm trước đã định hình con người tôi hiện tại. Sự ra đi của mẹ làm bố tôi sực tỉnh khỏi những cơn say triền miên kéo dài ba thập kỷ. Ông như thoát khỏi màn sương mờ để có thể luyện đi đứng, nói chuyện, tập vào bếp nấu cơm như một người bình thường. Anh tôi cũng trở về nhà nhiều hơn, đưa bố ra công viên tập chạy, dạy bố hát lại những bài nhạc xưa để kích thích lại sự vận động của bộ não vốn đã bị men rượu huỷ hoại. Gia đình tôi đoàn tụ lại, cố gắng trở thành miếng băng gạc bảo vệ những tổn thương của nhau. Tôi quý trọng hiện thực đó đến độ sợ rằng một cuộc gọi về quá khứ có thể gạt vỡ đi tất cả những điều tốt đẹp nhỏ bé này.
Quá khứ đôi khi giống phần đuôi của chiếc tàu phân hạng trong Snowpiercer. Sẽ có khá nhiều người thấy tiếc và mong khoang cuối đó sẽ có một cuộc sống tốt hơn. Nhưng không ai gọi điện thoại về đó, nói rằng họ hãy trỗi dậy, hãy tràn lên phía trên đi vì điều đó có thể làm hỏng cân bằng sinh thái, phá huỷ hoàn toàn kết cấu của những khoang tàu tốt hơn phía trên. Thật may vì cuộc sống con người có thể linh động hơn thế. Nếu hiện tại là chiếc đầu máy, chúng ta có thể liên tục tự xây thêm các toa tàu mới . Càng về đầu máy, các khoang đều có thể được cải thiện chất lượng và không gian sống tốt hơn. Khi số lượng các toa tàu đủ nhiều, sẽ không có chiếc đuôi tàu nào cần phải chỉnh sửa hay cắt bỏ cả. Chúng ta có thể từng bước, từng bước mở cửa, để những điều ở toa cuối tràn lên phía trước, chọn một khoang tươi sáng hơn và ở lại thay vì lưu luyến với quá khứ.
Giá mà Seo Yeon cũng thế. Giá mà cô tạo nên nhiều toa tàu tốt đẹp hơn theo năm tháng thay vì nối dài số khoang tồi tệ và chỉ cố gắng thay đổi phần đuôi tàu tăm tối thông qua những cuộc về quá khứ.
#KhungHìnhKểChuyện không phải một chuyên đề review, đây là những cảm xúc tản mản, những câu chuyện ngắn được liên tưởng ngẫu nhiên theo từng bộ phim.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Quyền được giám hộ và “I care a lot” – gáo nước lạnh tạt thẳng vào nhận thức
Nạn nhân không hoàn hảo
Sự thật có phải là điều đẹp đẽ nhất
Chúng ta tồn tại vì điều gì?
Thảo luận về bài viết