Có những cuộc gặp gỡ trong cuộc đời khiến cho một con người bỗng chốc thay đổi trở nên tích cực hơn, nhưng cũng có những mối quan hệ, tiếp xúc lâu dần khiến con người ta càng đi vào bóng tối, lún sâu vào vũng bùn và ngày càng tệ hại hơn. Giống như ông bà ta vẫn thường nói “gần mực thì đen gần đèn thì sáng”, lựa chọn những mối quan hệ xung quanh mình, cũng chính là lựa chọn hướng đi mà cuộc đời bạn sẽ đến.
Nếu cảm thấy việc giao tiếp với họ chỉ làm cuộc sống của bạn tăm tối hơn, tốt hơn hết là nên “xanh lá” 6 mẫu người độc hại dưới đây.
Những người sống theo “chủ nghĩa cá nhân”
Một số người có khả năng biến mọi cuộc trò chuyện thành buổi chia sẻ về ‘cuộc sống của tôi’. Những người này thường khơi mào tất cả cuộc nói chuyện, và có sở thích trở thành trung tâm của mọi cuộc trò chuyện. Dường như họ không quan tâm đến cuộc sống của bạn hay những điều bạn muốn chia sẻ.
Mặc dù việc chia sẻ về cuộc sống cá nhân là mong muốn tự nhiên của mỗi người, nhưng sau khi trò chuyện với kiểu người này, bạn thường sẽ cảm thấy trống rỗng. Họ hành động như cảm xúc của bạn không đủ quan trọng, vì vậy họ phải dùng bạn để thể hiện bản thân và nâng tầm bản ngã của họ.
Không nên kết giao với những người sống theo “chủ nghĩa cá nhân” như thế, vì dù bạn có đối xử chân thành với họ như thế nào, thì mọi việc họ làm cuối cùng cũng chỉ hướng vào cá nhân họ mà thôi.
Những người hay than vãn, bi quan
Đôi khi, bạn cảm thấy một số người bên cạnh có thể rút cạn hạnh phúc và năng lượng của bạn chỉ bằng một cuộc trò chuyện đơn giản. Họ thường bị cảm xúc tiêu cực nuôi dưỡng và thao túng, và những cảm xúc này có thể ảnh hưởng tới những người xung quanh một cách nhanh chóng.
Không dễ để nhận ra ngay những người này. Tuy nhiên, nếu bạn luôn lo lắng và chán nản sau khi tương tác với một người nào đó, thì hãy cẩn trọng. Tốt hơn bạn nên xem xét lại các mối quan hệ của bản thân để giải quyết mọi chuyện.
Những “nhà phê bình”
Một số người có thói quen cố tỏ ra biết rất nhiều và luôn cố tìm ra sai sót trong mọi thứ. Sẽ rất có ích nếu bạn nhận được những nhận xét từ những người có chuyên môn và kinh nghiệm. Tuy nhiên, các “nhà phê bình” này thường có khả năng suy đoán về nhiều thứ, nhưng dường như không có bất kỳ kinh nghiệm thực tế hay kiến thức khoa học nào.
Kiểu người này có thể làm bạn cảm thấy mất tự tin bằng cách đưa ra lời khuyên không cần thiết hay những nhận xét thiếu chuyên môn. Tệ hơn nếu đó là bạn thân hoặc thành viên gia đình của bạn, sẽ rất khó để bạn tránh xa họ.
Những người thích kiểm soát, thao túng người khác
Đối phó những người thích kiểm soát có thể là một thách thức khá lớn. Họ thường bị ám ảnh về những điều nhỏ nhặt và yêu cầu người khác cư xử theo cách họ muốn. Những kẻ thích kiểm soát luôn biết rõ mọi thứ hơn bạn, và bạn không còn lựa chọn nào khác: làm theo chỉ dẫn của họ hoặc đối phó với sự bùng nổ cảm xúc của họ.
Kiểu người này sẽ biết bản thân họ muốn gì thường tìm cách có được thứ họ muốn – bất chấp mọi thứ, kể cả cảm xúc của bạn. Những người này có thể rất lôi cuốn và mọi người đều yêu quý họ. Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ hơn, bạn sẽ nhận thấy rằng họ hiếm khi kết giao thân thiết với người khác, và kết bạn với họ cũng không tốt đẹp gì. Họ không cho bạn không gian để bạn thể hiện cá tính của mình, hay tự ý đưa ra quyết định mà không cần sự chấp thuận của họ.
Kẻ đánh cắp năng lượng tích cực
Những người quá hoài nghi đôi khi có thể sẽ reo rắc những suy nghĩ tiêu cực vào cuộc sống của bạn. Họ dễ dàng khiến bạn nhìn mọi thứ với con mắt tiêu cực. Những người hoài nghi có thể khiến bạn căng thẳng đến độ “phát điên” vì họ không thể đem đến cho bạn một sự hỗ trợ, một cơ hội hay niềm vui nào trong cuộc sống cả – mà thay vào sẽ “dìm” bạn xuống.
Ở gần họ bạn cảm thấy tự ti, nghĩ rằng những thành tích của bạn thành vô nghĩa. Kiểu người này dễ cảm thấy bị từ chối và không an toàn, nhưng việc hàn gắn tổn thương hay điều chỉnh tâm lý của họ không phải việc của bạn, vì vậy tốt hơn hết là không dây dưa với kiểu người này quá nhiều.
Những nạn nhân ngây thơ vô số tội
Bạn đã bao giờ khó chịu vì một ai đó luôn tỏ ra yếu đuối như nạn nhân của tất cả mọi chuyện? Những người thích đóng vai nạn nhân thường thể hiện sự tiêu cực từ chối chịu trách nhiệm cho bất cứ vấn đề nào, và và cho rằng những sự việc xảy đến đều là do người khác gây ra chứ không phải do họ. Những “nạn nhân” luôn nghĩ rằng thế giới rất tàn khốc và bản thân mình quá yếu để có thể thay đổi bất cứ thứ gì. Liên tục than thở và cố gắng khiến người khác đồng cảm với mình cũng là những dấu hiệu nhận biết kiểu người này.
Vì những người đóng vai nạn nhân thích bám víu và nhờ người khác giúp họ đối phó với các vấn đề, vô tình một lúc nào đó bạn sẽ “sa” vào vòng vây rắc rối của họ. Sau khi ở cạnh kiểu người này một thời gian dài, bạn cảm thấy sự kiên nhẫn, năng lượng và cảm xúc của mình đang bị hút cạn.
Theo: NamiSan
Ảnh minh họa: Nghi To
Thảo luận về bài viết