Cắn móng tay là thói quen của nhiều người. Hành động này tưởng chừng vô hại nhưng lại tiềm ẩn nhiều tác hại, có thể gây biến dạng, nhiễm trùng móng, ảnh hưởng sức khỏe răng miệng,…
Một số người cắn móng tay vì… lười tỉa móng hoặc để “chữa cháy” tạm thời (như khi bị xước móng chẳng hạn). Tuy nhiên, còn nhiều nguyên nhân khác đằng sau thói quen này.
1. Tính cách cầu toàn
Cắn móng tay có liên quan đến tính cách cầu toàn? Cứ tưởng người cầu toàn không thích một bộ móng nham nhở chứ…
Nghiên cứu công bố năm 2015 của nhóm nghiên cứu Đại học Montréal (Université de Montréal) chỉ ra rằng chúng ta có xu hướng cắn móng tay khi cảm thấy buồn chán hoặc thất vọng, nản lòng.
Những người tham gia thí nghiệm được chia thành 2 nhóm, một trong số đó bao gồm những người có xu hướng thực hiện những hành vi tập trung vào cơ thể (body-grooming habits), như cắn móng tay, bứt tóc, cào da,…
Tất cả được cho tiếp xúc với những tình huống gây ra cảm giác buồn chán, lo lắng, thất vọng, và thư giãn. Các tình huống này được thiết kế đặc biệt để ‘kích hoạt’ phản ứng cắn móng tay. Người tham gia còn được yêu cầu trả lời số lần những cảm xúc tiêu cực (giận dữ, thất vọng, cáu kỉnh, buồn chán,…) xảy ra với họ.
Những người trong nhóm “cắn móng tay” cho biết nhu cầu thực hiện hành vi này cao hơn đáng kể khi họ tiếp xúc với những tình huống gây ra cảm giác thất vọng, buồn chán. Chỉ ít phút sau khi các tình huống này kết thúc, họ đã đưa ngay ngón tay lên miệng.
Như vậy, tình trạng buồn chán hoặc thất vọng dẫn đến nhu cầu cắn móng tay tăng cao. Nó liên quan đến tính cách cầu toàn như thế nào?
Chúng tôi tin rằng những người theo chủ nghĩa hoàn hảo có khả năng xuất hiện hành vi này. Với tính cách cầu toàn, họ khó ở trong trạng thái thư giãn cũng như thực hiện công việc ở nhịp độ ‘bình thường’. Do đó, họ dễ thấy nản lòng, thất vọng, nóng vội, và không thỏa mãn khi không đạt được mục tiêu của mình.
Trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Kieron O’Connor
2. Thói quen từ bé
Cắn móng tay có thể là thói quen hình thành từ ngày còn bé. Trẻ em không có năng lực cảm xúc đủ mạnh để đối diện với trạng thái lo âu hoặc căng thẳng ở nhà và / hoặc ở trường học. Phản ứng cắn móng tay được hình thành như một cách để các em tự xoa dịu bản thân.
Hành vi này thường xuất hiện vào khoảng 6 tuổi và phổ biến hơn ở các bé trai. Ước tính, có ⅓ trẻ em trong khoảng 7-10 tuổi cắn móng tay. Sau độ tuổi này, số lượng trẻ em trai cắn móng tay tăng vọt. (Robert Steele – Bác sĩ nhi khoa Trung tâm Y tế St. John’s Regional Health Center)
Thói quen này vẫn rất khó bỏ khi trưởng thành. Thống kê ở những người từng cắn móng tay khi còn bé cho thấy một nửa trong số đó vẫn làm thế ở tuổi thiếu niên. Khi lên Đại học, con số này giảm còn ⅓.
3. Ảnh hưởng của hiện tượng “cắm chốt” giai đoạn miệng (oral fixation)
Theo thuyết phân tâm của Sigmund Freud, tính cách con người được phát triển qua một chuỗi các giai đoạn trong thời thơ ấu, đây là khoảng thời gian các thôi thúc tìm kiếm sự dễ chịu bản năng tập trung tại một số vùng gây khoái cảm tính dục nhất định.
Vùng khoái cảm này được định hình bởi một bộ phận trên cơ thể đặc biệt nhạy với kích thích. 5 giai đoạn tâm lý tính dục bao gồm: giai đoạn miệng (oral), hậu môn (anal), dương vật (phallic), tiềm tàng (latent) và sinh dục (genital).
Tính cách được thiết lập hoàn chỉnh vào độ tuổi lên 5. Những trải nghiệm trước mốc thời gian này đóng vai trò cực lớn trong sự phát triển tính cách và sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng lên hành vi của con người trong cuộc sống về sau.
Nếu một người không thành công vượt qua giai đoạn, tức các vấn đề xảy ra trong giai đoạn đó không được giải quyết phù hợp, thì hiện tượng “cắm chốt” (fixation) xuất hiện. Chừng nào xung đột vẫn chưa được giải tỏa thì họ vẫn mãi “mắc kẹt” trong giai đoạn này.
Trong giai đoạn đầu tiên – giai đoạn miệng – phương thức tương tác chính của trẻ là miệng, vậy nên phản xạ cắn mút đặc biệt quan trọng. Nếu hiện tượng cắm chốt xảy ra trong giai đoạn này, Freud tin rằng cá nhân đó sẽ gặp vấn đề về sự lệ thuộc hoặc tính hung hăng. Cắm chốt giai đoạn miệng có thể đưa đến những vấn đề về ăn uống, hút thuốc hoặc tật cắn móng tay.
4. “Liệu pháp” giảm căng thẳng
Một số ý kiến cho rằng cắn móng tay là một biểu hiện của OCD – rối loạn ám ảnh cưỡng chế – vì người làm hành vi này vẫn cứ tiếp tục thực hiện chúng cho dù biết rõ nó sẽ làm mình tổn thương.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ tâm lý học lâm sàng Lorraine D. D’Asta, mặc dù có tính chất lặp đi lặp lại nhưng cắn móng tay không nhất thiết liên quan đến OCD. Nó chỉ là một thói quen được dùng để giảm bớt căng thẳng.
Các hành vi cưỡng chế (compulsive behaviours) có liên quan đến trạng thái lo lắng và hoảng sợ, trong khi cắn móng tay được gắn liền với cảm giác giải tỏa.
5. Ngược đãi bản thân
Cắn móng tay có thể gây ra tổn thương. Các mảnh vụn móng tay có thể đâm vào miệng hoặc rơi vào dạ dày gây bệnh. Bên cạnh đó còn là nguy cơ nhiễm trùng nhiễm trùng mô mềm quanh móng và khoang miệng.
Những cơn đau ta gặp khi móng tay bị (chính ta) cắn là một trong những lý do khiến mọi người muốn ngừng thói quen xấu này lại. Tuy nhiên, một số ít người cắn móng tay vì những cơn đau này – chính xác hơn là khoái cảm và cảm giác “nhẹ nhõm” mà những cơn đau mang lại.
Khi hành vi cắn móng tay trở nên quá mức, nó sẽ trở thành một dạng “bạo lực tự gây ra” – thứ mà những người có xu hướng ngược đãi bản thân hay làm. Một số hành vi bạo lực tự gây ra khác gồm có: tự đoạn chi, tự gây bỏng, hoặc tự gây thương tổn xương khớp. Chúng được sử dụng như một cơ chế đối phó và làm giảm căng thẳng tạm thời.
Hoặc lý do chỉ đơn giản vì vào lúc chúng ta cần cắn thứ gì đó, thì móng tay chính mình là thứ tiện nhất để cho lên miệng.
Thảo luận về bài viết