Bạn có bao giờ tưởng tượng, tuổi 40 của mình sẽ khác những năm tháng 20 như thế nào? Có lẽ bạn sẽ nhận thức sâu sắc hơn tại sao bố mình lại thích những lúc được chợp mắt. Bạn cũng học được rằng đừng nên ngủ ở một tư thế kì lạ nếu muốn hoạt động bình thường vào sáng hôm sau. Trà sữa, nem chua rán, bánh tráng nướng là thứ không thể được ăn tuỳ tiện, nếu không thì hãy xác định những hậu quả khôn lường.
Tuy nhiên, khi đang ở độ tuổi 40, bạn cảm thấy chắc chắn và nhận thức rõ hơn về chính mình. Bạn bình tĩnh hơn, không còn lo lắng thái quá về những vấn đề nhỏ nhặt, và học được thêm một hoặc hai điều về cuộc sống (mà ước gì bản thân biết chúng từ trước). Sau đây là một vài bài học quan trọng đó, và hãy lưu lại sớm – tức ngay bây giờ – thay vì phải rút ra chúng sau những đắng cay.
1. Không có gì là quá trễ
Khi còn trẻ, chúng ta thường xuyên lo lắng về việc mình có đang theo kịp những người cùng tuổi trước những dấu mốc quan trọng của cuộc đời hay không? Có thể chúng ta chưa bao giờ coi mình là người tham vọng, nên cũng chả để ý đến việc mình có là người đầu tiên kết hôn trong nhóm bạn, hay có được công việc trong mơ. Bạn chỉ biết mình sẽ không chấp nhận là người đứng ở vị trí cuối cùng.
Với suy nghĩ đó chúng ta vội vã hoàn thành thật nhanh những việc đòi hỏi thời gian suy nghĩ và cân nhắc. Kết hôn sớm khi mới ở lưng chừng giữa 20, và rồi ly hôn vào năm 29 tuổi. Đôi khi chúng ta tự ép bản thân gánh vác nhiều trách nhiệm hơn những gì mình có thể làm, và chịu đựng tổn thương mà mất rất nhiều những năm tháng của tuổi 30 để chữa lành.
Đó là lúc chúng ta đặt câu hỏi, chúng ta đang lao đi vì điều gì? tại sao lại phải vội vã như vậy.
“Đừng phí hoài những năm 20 để cố trở thành bố mẹ bạn. Một ngày hoài niệm lại, bạn sẽ hối tiếc tuổi trẻ trong khi đã có thể sống trọn vẹn với nó.”
Không có một độ tuổi cố định nào buộc bạn phải cảm thấy viên mãn trong cuộc sống. Sở hữu một ngôi nhà, chọn người bạn đời là những vấn đề quan trọng. Đối với một vài người khoảng thời gian hợp lý nhất chính là “sau này”. Đối với những người khác, đó là không bao giờ. Vì khi họ càng già đi, với những góc nhìn mới họ nhận ra chúng ta không cần những tác động bên ngoài để có thể cảm thấy hạnh phúc.
2. Đứa trẻ trong bạn thực sự quan trọng hơn bạn nghĩ
Một trong những điều ngu ngốc nhất chúng ta từng nghĩ đó là: trẻ con chả bao giờ biết điều gì thực sự là cần thiết. Nhưng khi trưởng thành, chúng ta nhận ra những đứa trẻ là người hiểu bản thân hơn bao giờ hết. Việc đánh mất chính mình vô cùng dễ dàng, nhất là khi xã hội luôn tìm cách nhắc nhở chúng ta rằng bản thân có thể sai thế nào, không phù hợp với việc gì, thiếu xót những phần nào.
Ví dụ như một đứa bé sẽ luôn biết mình phù hợp với việc vẽ vời, chăm sóc thú nuôi, nhưng ngược lại, các bậc phụ huynh sẽ tin rằng con mình cần phải giỏi toán, lý, đạt thành tích thật cao trên lớp mới hợp lý. Và dần dần, chúng ta bị thuyết phục bởi những điều đấy.
Nhưng rồi ta nhận ra khi còn trẻ, mình hiểu bản thân hơn bất cứ giai đoạn nào khác trong cuộc đời. Việc đánh mất bản thân cực kì dễ dàng, nhất là khi xã hội bắt đầu bảo bạn rằng bạn đã sai thế nào, thích điều gì là không hợp lý hoặc việc được làm chính mình hoàn toàn không phù hợp.
Vấn đề ở đây ít nhiều liên quan tới việc chúng ta muốn làm gia đình mình tự hào. Nhưng nếu ước mơ của họ trái ngược với những gì bạn mong muốn thì lựa chọn đúng đắn nhất chính là lắng nghe bản thân. Không ai biết rõ bạn hơn bạn cả. Những giới hạn, thất vọng chả là gì khi chúng ta còn là một đứa trẻ.
Hãy luôn giữ lấy những gì mình yêu thích và cố gắng vì nó. Đấy là những thứ vô cùng quan trọng, nhất là vào thời điểm bạn không biết sẽ phải làm gì cho cuộc sống. Khả năng cao rằng câu trả lời sẽ là thứ có liên quan đến thời thơ ấu của bạn.
3. Tạo ra kỉ niệm thay vì lưu giữ chúng
Có lẽ ai cũng sẽ có một người thân luôn thấy bất bình với những người dành một đống tiền vào vé đi xem ca nhạc, các kỳ nghỉ hay những bữa ăn tối ở các nhà hàng. Họ cho rằng những hoạt động đó là vô nghĩa, những tấm vé chỉ là miếng giấy vụn vứt đi và là bằng chứng cho sự hoang phí. Tuy nhiên khi trưởng thành, chúng ta nhận ra nếu mình phải dành tiền vào niềm vui, thì cảm xúc sẽ là khoảng đáng được đầu tư hơn những món đồ trưng bày. Thứ chúng ta bỏ tiền ra để thu về không phải là một chiếc vé, mà là cảm xúc, sự trải nghiệm, kỷ niệm mà mỗi hoạt động đó mang lại.
Một phần trong chúng ta đều có thể nhận thức được rằng, hầu hết đồ vật đều trở nên vô dụng, sớm hay muộn. Nếu nó không bị vỡ hay mòn đi, nó trở nên cũ kĩ – như bộ sưu tập cát-xét đồ sộ – thứ từng là cả thế giới với mình trong những năm tuổi teen. Điều tương tự với những đôi giày một cô gái đã dành cả tuổi 20 để sưu tầm.
Kỉ niệm lại là một thứ khác. Hầu hết những vật dụng hữu hình mà chúng ta dành tiền để mua giờ đây đã được các buổi dọn dẹp nhà cửa quét sạch. Thế nhưng những buổi trình diễn ca nhạc, những kì nghỉ, những lễ hội mà chúng ta từng tham gia đều sẽ để lại cảm giác tươi mới như mới xảy ra vào hôm qua mà thôi.
Khi trưởng thành, chúng ta thường ít phải hối tiếc vì đã không mua một bộ quần áo, hay một đôi giày nào đó. Thay vào đó, chúng ta nuối tiếc vì đã không đi chụp ảnh kỷ yếu cấp 3 cùng cả lớp, bỏ lỡ chuyến đi du lịch Huế cùng gia đình hoặc hoài niệm về những đêm trung thu phá cỗ cùng lũ trẻ trong xóm. Thật buồn làm sao khi những trải nghiệm như vậy không còn nữa và có lẽ sẽ không bao giờ chúng ta có lại được những cơ hội đó. Nhưng đồng thời mỗi người đều sẽ học được rằng, nếu quý trọng từng khoảnh khắc, chúng ta vẫn sẽ còn những câu chuyện và kỷ niệm thú vị khác trong tương lai.
4. Những điều nhỏ bé quan trọng hơn chúng ta tưởng vạn lần:
Nói đến kỉ niệm, chúng ta thường không nhận ra đâu là những khoảnh khắc tuyệt vời. Ai cũng cho rằng những ký ức đáng nhớ sẽ là những sự kiện như ngày kết hôn, khi đứa con đầu lòng ra đời v.v… Tất nhiên đó là những cột mốc quan trọng, nhưng không phải tất cả.
Khoảnh khắc đáng nhớ đôi khi chỉ là bạn đăng ký một lớp học về phim trên mạng và nhận ra rằng mình thật sự yêu thích nó. Là khi một con ếch dành cả một tuần sống dưới cửa sổ phòng mình và khiến bạn thấy hạnh phúc mỗi khi nó kêu lên. Hoặc là lúc bạn nấu thành công món súp gà cho cả gia đình trong một ngày cuối thu se lạnh thay vì lôi những người thân ra một nhà hàng sang trọng nào đó. Những khoảnh khắc như vậy bỗng trở thành báu vật trong chiếc hộp ký ức của chúng ta trong suốt nhiều năm.
Không ai có thể giải thích tại sao, nhưng những sự kiện đơn giản đấy thật kì diệu – như gợi ý rằng đấy mới chính là cuộc sống. Những kỷ niệm nho nhỏ đó có ý nghĩa vô cùng đặc biệt, nhất là khi được chia sẻ cùng những người mình yêu.
5. Bạn nên quan tâm đến sức khỏe của mình
Đừng phớt lờ những lời khuyên về sức khỏe. Khi còn nhỏ, chúng ta không được dạy chi tiết về việc tập thể thao tốt ra sao. Tất nhiên ai cũng được bảo rằng đấy là một việc quan trọng, nhưng chưa bao giờ được nhắc nhở cụ thể về hậu quả nếu chúng ta thay thế những hoạt động thể chất bằng sự phớt lờ.
Hãy tìm mọi cách để dạy mình cách chăm sóc cơ thể, cũng như xây dựng một thói quen sinh hoạt. Việc tìm được một chế độ sinh hoạt phù hợp rất quan trọng, vì đến cuối cùng, nếu bạn ghét cay đắng một món ăn, một môn thể dục, một liệu pháp tâm lý nào đó, thì bạn sẽ không thể gắn bó với giá trị mà hoạt động động đó mang lại.
Đừng làm những gì mà tất cả mọi người vẫn đang làm, sống buông thả và chờ đến lúc bạn 40 tuổi – khi sự trao đổi chất ngày càng chậm lại thì mới bắt tay điều chỉnh. Hãy chăm sóc sức khoẻ từ khi còn trẻ và gắn bó với nó. Học cách yêu thích việc tập luyện và biến nó thành một việc làm hàng ngày. Hãy quen với việc chăm sóc chính mình tới độ cảm thấy thật kì quặc nếu một ngày nào đó mình làm khác đi.
6. Thời gian tốt nhất để hiện thực hóa ước mơ là ở hiện tại
Không phải trong 10 năm tới, sau khi bạn mới đạt được những thành tựu lớn trong sự nghiệp. Không phải trong vài tháng sau khi bạn mới giảm được 10kg. Không phải ngày mai khi thời tiết đẹp lên và càng không phải “một ngày nào đó” khi cuộc sống của bạn đã trở nên đủ đầy như bạn mong muốn. Đấy phải là ngày hôm nay!
Tuổi trẻ có một niềm lạc quan vô lý rằng: cuộc đời rất dài và mọi thứ sẽ diễn ra theo kế hoạch mà mình mong muốn. Chúng ta muốn đi du lịch nhưng lại cho rằng việc này sẽ hợp lý hơn nếu chờ mình có một công việc tốt hoặc tiết kiệm được nhiều tiền hơn. Bạn muốn học một ngôn ngữ mới nhưng lại nghĩ rằng chờ đến khi mình đi du học thì kết quả mới được như ý muốn. Hoặc đơn giản một chàng trai muốn học nấu ăn nhưng lại trì hoãn vì cho rằng, anh phải đợi một cô gái xuất hiện trong đời mình thì mới có thể thực hiện được việc đó.
Thế nhưng rõ ràng cuộc sống hoàn hảo đấy không hề tồn tại. Cho dù một ngày nào đấy bạn trở nên thành công, bạn vẫn sẽ luôn gặp phải những vấn đề hoặc hạn chế nào đó. Sẽ luôn có điều gì ngăn cản ước mơ của bạn. Vậy nên nếu muốn làm gì, hãy thực hiện điều đó ngay hôm nay và rồi bạn có thể dành tuổi 40 của mình để tận hưởng được những thành quả khi còn trẻ chứ không phải bắt đầu từ con số 0.
7. Sẽ không có ai cứu giúp cuộc đời của bạn.
Trong cuộc sống, ta sẽ gặp rất nhiều người dành phần lớn thời gian sống cuộc đời của người khác, đọc sách để được trải nghiệm nhiều hơn, xem phim để mở rộng tầm mắt. Đôi lúc điều đó khiến ta thấy cuộc đời này thật đặc biệt. Tuy nhiên, đó không phải cuộc sống của chính chúng ta.
Có rất nhiều cô gái khi gặp khó khăn, thay vì nghĩ làm sao để vượt qua mọi thứ thì lại chạy trốn vào những bộ phim tình cảm, những trang sách ngôn tình và tưởng tượng rằng: Một ngày nào đó, người tôi yêu sẽ làm những việc này cho tôi.
Nhưng cuộc đời không có chuyện như vậy. Chuyện nàng-công-chúa-rồi-sẽ-được-hoàng-tử-giải-cứu thật sự không phù hợp cho những ai đang ở độ tuổi 30, và càng không phải như vậy cho những ai đang ở độ tuổi trung niên. Đừng để bản thân bị lừa. Đến ngay cả các nàng công chúa của Disney ngày nay cũng đã phải tự đứng lên để quyết định số phận của mình thay vì chờ một chàng trai đến giúp đỡ.
Bạn có phải một nhà văn trẻ đầy triển vọng, viết những bài tản văn mơ mộng lên Facebook và chờ một nhà xuất bản nào đó “khám phá” ra mình? Hoặc một nhân viên thầm lặng chờ đợi sếp giao dự án lớn? Nếu là người như vậy, bạn cần phải trưởng thành hơn. Sẽ không ai đến cứu chúng ta bởi sự thụ động hoặc chờ đợi của chính mình. Ngay cả khi bạn đủ may mắn để gặp được người sẵn sàng cho bạn cuộc sống bạn mơ ước thì cũng hãy tin rằng niềm nhiệt tình sẽ vơi đi khi họ nhận ra bạn chỉ luôn ngồi chờ đợi. Vây nên hãy luôn làm phần việc của mình, chịu trách nhiệm cho điều đó dù có thể chả ai yêu cầu bạn phải làm vậy.
8. Không phải ai cũng cần phải duy trì một mối quan hệ với bạn (và ngược lại)
Không phải những người đánh mắng, xúc phạm hay chửi bới chúng ta mới là những người cần giữ khoảng cách. Đôi khi những người mang lại năng lượng tiêu cực cho mình, người yêu cũ hoặc nhóm bạn giả tạo cũng là những mối quan hệ mà bạn phải tự cân bằng lại.
Chúng ta không cần phải duy trì vòng tròn tình bạn với tất cả mọi người, đặc biệt là nếu họ không cư xử đúng đắn với bạn. Đừng quan tâm đến những người khiến chúng ta thấy bản thân mình không đủ tốt. Dù cho đó có là người thân hay một người bạn đã gắn bó lâu năm. Bạn hoàn toàn có quyền đưa họ ra khỏi cuộc sống của mình và bảo vệ bản thân.
Ở một khía cạnh khác, những người xung quanh cũng có quyền làm điều tương tự với bạn. Vậy nên hãy học cách có một cái nhìn tích cực khi một người rời khỏi cuộc sống của chúng ta. Những mối quan hệ lành mạnh đều có sự trao đổi từ hai phía, đôi khi bạn cũng cần cho đối phương không gian của chính họ. Sẽ không có tình cảm nào là tích cực nếu bạn muốn chiếm hữu hay cho rằng người kia có trách nhiệm phải duy trì mối quan hệ với mình.
Đến một giai đoạn nào đó, cụm từ “hối hận” sẽ được thay thế bằng từ “trải nghiệm”. Những điều đã qua sẽ để lại cho chúng ta nhiều bài học quý giá và đó sẽ là một hành trình không bao giờ ngừng lại. Mỗi điều chúng ta gặp trong cuộc sống đều là màn thử thách của sự trưởng thành. Cho dù bạn ở độ tuổi nào, cũng hãy dành thời gian nhớ lại 8 điều mà bạn vừa đọc và đừng quên tận hưởng từng khoảnh khắc quý giá trong cuộc sống của mình.
Bài dịch từ nguồn medium.com
Ảnh: https://www.pinterest.it/