Vào tháng 6/2020, đoạn video dài một phút quay cảnh một học viên ba lê nhỏ tuổi đang nhảy múa trong mưa lan truyền trên internet. Giữa cơn mưa, trên nền xi măng không bằng phẳng đọng đầy nước, Anthony Mmesoma Madu – học viên 11 tuổi tại Học viên ba lê Leap Academy of Dance (Lagos, Nigeria) – vẫn vô tư xoay người thực hiện những vòng pirouette liên tiếp, vươn cánh tay mảnh khảnh tạo dáng, tung đôi chân trần cho những cú bật người trước khi đáp xuống đất với dáng arabesque, và mỉm cười nhìn vào ống kính.
Đoạn video càng trở nên phổ biến hơn nữa sau khi được diễn viên Viola Davis chia sẻ và dành tặng những lời có cánh trên Twitter, rằng video này là một lời gợi nhắc về “vẻ đẹp của những người [da màu] chúng tôi. Chúng tôi sáng tạo. Chúng tôi tưởng tượng. Chúng tôi vươn lên với tình yêu và đam mê không kiềm giữ, mặc những trở ngại khốc liệt trước mặt. Chúng tôi tung bay!”
Với hơn 20 triệu lượt xem trên khắp các nền tảng truyền thông mạng xã hội, video của Madu đã hướng ánh đèn sân khấu vào Học viện ba lê Leap of Dance Academy (LAD) cùng câu chuyện về ước mơ điên rồ của Daniel Owoseni Ajala – nhà sáng lập LAD.
QUYẾT TÂM CỦA CẬU NHÓC 13 TUỔI
Đam mê của Ajala với bộ môn ba lê bắt đầu sau khi xem Save the Last Dance (2001). Ajala chia sẻ anh đã bị thu hút không chỉ bởi chuyển động mềm mại nhưng ẩn sâu bên trong là sức mạnh đáng kinh ngạc của những vũ công ba lê, mà còn bởi tính kỷ luật và sự hy sinh mà bộ môn này đòi hỏi. Một lý do khác khiến anh hứng thú với ba lê, đó là vì nó chưa phổ biến ở Nigeria. “Tôi muốn trở nên khác biệt. Ba lê là một món hàng hiếm ở đây, và sự thật đó càng cho tôi một động lực mãnh liệt. Nhắc đến nhảy múa ở Nigeria, bạn sẽ có cảm tưởng như đang bước vào đường một chiều vậy: ai cũng như ai, và rồi mọi người đều kết thúc con đường ở cùng một địa điểm.”
Thế nhưng Ajala nhận ra sự thật rằng mình không đủ điều kiện để theo học ba lê tại các trường đào tạo chuyên nghiệp ở Lagos. Cậu bé 13 tuổi Ajala sau đó đã có một quyết định táo bạo, đó là tự học ba lê. “Tôi thật sự đã học những động tác ba lê đầu tiên trong đời bằng mấy cái video YouTube đấy.” Ajala tận dụng tất cả mọi thứ trong khả năng của mình: video hướng dẫn, video ghi hình buổi biểu diễn của các đoàn ba lê chuyên nghiệp, những khóa học ba lê ngắn hạn tại trung tâm dạy múa ở địa phương.
Cứ thế đến năm 18 tuổi, vì mong muốn của bố mẹ, Ajala tạm gác lại ước mơ nhảy múa và theo học chuyên ngành Quản trị kinh doanh tại Đại học Lagos.
Đến đây bạn đọc của The Millennials Life có đoán được sự kiện tiếp theo là gì không?
ĐI THEO TIẾNG GỌI CON TIM
Ngay khi vừa kết thúc kỳ thi tốt nghiệp, Ajala quyết định trở về với ba lê, vì đó mới là điều anh thật sự muốn làm. “Tôi đã phải giải thích cho gia đình và bạn bè hiểu rằng công việc văn phòng cùng hình ảnh những nhân viên cổ cồn trắng đôi khi không đẹp đẽ đến thế đâu. Bên dưới bức tranh tự họa đó là những con người bất hạnh. Những người không còn trái tim.”
Đến năm 25 tuổi, kỹ thuật của Ajala đã đủ thành thục để so ngang với những vũ công giỏi nhất nước. Anh trở thành giáo viên dạy múa tự do ở Lagos và định hướng trở thành vũ công ba lê chuyên nghiệp đẳng cấp quốc tế. Vậy nhưng một lần nữa, ước mơ của anh gặp rào cản. “Căn bản thì tôi là một người châu Phi. Thế nên sau khi nộp đơn vào các trường ở Đông Âu, ở Nam Âu, thậm chí cả ở Crotia, câu trả lời thường gặp sẽ là tôi không đáp ứng được tiêu chuẩn của các học bổng quốc tế. Thế còn câu trả lời của tôi sẽ là gì? Rằng đây chẳng qua là một sự phân biệt chủng tộc trắng trợn thôi.”
NGHỆ THUẬT LÀ MÓN QUÀ THƯỢNG ĐẾ DÀNH CHO TẤT CẢ CHÚNG TA
Giây phút Ajala nhận ra không chỉ riêng anh mà biết bao trái tim cháy bỏng đam mê khác đã phải ngậm ngùi tự dập tắt ước mơ của mình trước sự khắc nghiệt của hiện thực, anh quyết định sẽ tự tay phá vỡ mọi rào cản. 29 tuổi, Ajala mở Leap Academy of Dance, nơi anh dạy ba lê miễn phí cho những đứa trẻ như mình ngày trước.
Ajala dùng chính nơi anh ở làm trường học. Bên ngoài nhìn vào, điều kiện của “học viện” sơ sài một cách… buồn cười.
Chỉ thế thôi nhưng đều đặn mỗi ngày sau giờ học trên trường, 12 cô cậu bé học viên lại đến đây, kiễng cao chân, vươn dài cổ, cùng nhau mê mải luyện tập bên cái gióng múa “tự tạo” dựng sát tường. Bản thân các học viên cũng gặp những ngăn cản từ gia đình, vì ba lê vẫn còn là một khái niệm xa lạ với đa số người dân không chỉ ở cái làng quê này mà còn trên cả châu lục. Ba lê quá quy chuẩn và quá cứng nhắc so với những vũ điệu phóng khoáng mềm mại truyền thống mà mọi người quen thuộc. Thêm vào đó là những bộ trang phục kiệm vải bó sát cùng lối trang điểm ngoại lai hầu như đi ngược lại hoàn toàn cách phục sức thường ngày của người dân nơi đây.
Không chỉ hướng dẫn học viên, Alaja còn phải thuyết phục gia đình các em, rằng “… ba lê không phải là một điệu múa tồi tệ hay khiếm nhã. Ngược lại, nó đòi hỏi sự tận tâm và tinh thần kỉ luật cao độ. Điều đó sẽ có tác động tích cực đến cuộc sống của các em sau này.”
Họ nói với tôi, “Ba lê không dành cho châu Phi”
Không chỉ dạy ba lê, Ajala còn đầu tư vào sự phát triển toàn diện của các em. Đều đặn mỗi tuần, thầy trò Ajala sẽ dành ra một ngày để tập trung học kiến thức trên trường. Học viên sẽ đem bài tập trên lớp của mình đến LAD, và Ajala sẽ hướng dẫn các em hoàn thành bài tập. Mọi người thực hành nói, đọc, viết tiếng Anh cùng nhau. Buổi học thường kéo dài từ giữa chiều đến đầu giờ tối, và giữa buổi Ajala sẽ nấu ăn cho các em. “Tôi muốn bọn trẻ có thể giao lưu với mọi người trên thế giới,” anh chia sẻ.
Không chỉ tiếng Anh, gần đây các em còn được học tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ý, và tiếng Quan Thoại từ các giáo viên dạy ba lê ở nước ngoài. Ajala đã kết nối với Linda Hurkmans – giám đốc Nhà hát Khiêu vũ San Jose (California) – cùng với Thalema Williams (St. Croix) và Mary Hubbs (Brooklyn) – hai giáo viên dạy ba lê khác. Trước đây, anh là học trò của họ. Hiện tại, anh cùng họ trở thành giáo viên cho 12 cô cậu bé, ngày ngày dạy các em từng dáng đứng, từng cú bật nhảy, từng vòng xoay tròn.
Lệch múi giờ nên các giáo viên sẽ phải thức rất sớm để “lên lớp”, tận dụng từng chút ánh sáng Mặt Trời để học viên có thể học và quay về nhà kịp trước khi trời tối, vì khu nhà ở của Ajala chỉ có điện hai ngày một lần.
Các học viên theo học ba lê tại LAD đều được miễn học phí, bên cạnh đó còn được tài trợ quần áo và giày múa.
Khi Ajala bắt đầu thực hiện ý tưởng của mình, đã không ít người cho rằng anh không nên, cũng như không thể, làm thế, đơn giản vì ba lê không dành cho châu Phi. Thế nhưng Ajala đã chứng minh cho họ thấy không những ba lê có chỗ đứng giữa những điệu múa truyền thống mà một bộ môn nghệ thuật có xuất phát vào cuối thế kỷ 17 tại châu Âu, vốn ban đầu chỉ dành cho quý tộc da trắng này vẫn có thể được biến tấu để mang đậm hơi thở châu Phi nói chung cũng như bản sắc Nigeria nói riêng.
Ước mơ ngày nắng ấm
Sau khi video của Madu trở thành một hiện tượng, LAD nhận được nhiều sự quan tâm hơn, không chỉ từ các công ty lớn như American Ballet Theater hay New York City Ballet mà còn từ các cá nhân và tổ chức độc lập khác. Học viên nhận học bổng và lời mời nhập học từ các công ty, các trường múa danh tiếng ở nước ngoài. Học viện cũng được tài trợ kinh phí để nâng cấp không gian và cơ sở vật chất.
Những học viên như Madu, hay Olamide Olawale – 19 tuổi, “chị cả” của Học viện – đều rất hào hứng với triển vọng phát triển tại nước ngoài. Madu đã được nhận học bổng toàn phần cho khóa học trực tuyến mùa hè tại Jacqueline Kennedy Onassis – Trường múa trực thuộc American Ballet Theater. Olawale cũng đã đăng ký tham gia một khóa học mùa hè tại Trường múa Elmhurst – trực thuộc Birmingham Royal Ballet (Anh). Cô mong muốn trở thành một Misty Copeland thứ hai, và không ngần ngại thể hiện sự ủng hộ của mình với hy vọng truyền cảm hứng cho những cô gái trẻ khác với ước mơ nhảy múa.
Ba lê, đặc biệt là ba lê cổ điển, là thế giới nơi hình ảnh những nàng công chúa kiều diễm với nước da sáng màu được tôn vinh. Vũ đoàn Ba lê Quốc gia Anh (English National Ballet) có 2 vũ công da màu trong tổng số 64 thành viên. Vũ đoàn Ba lê Hoàng gia (Royal Ballet) có 4 vũ công da màu (3 nam, 1 nữ) trong tổng số 96 thành viên. Và Vũ đoàn Ba lê huyền thoại Bolshoi của Nga (Bolshoi Ballet) hoàn toàn không có một vũ công da màu nào. Sự có mặt của những nghệ sĩ ba lê da màu trong các công ty, vũ đoàn là vô cùng hiếm. Và nếu có, thì lựa chọn vai diễn của họ cũng bị hạn chế.
Thế nhưng điều đó đã dần được thay đổi. Năm 2015, Misty Copeland trở thành nghệ sĩ ba lê gốc Phi đầu tiên đảm nhận vị trí principal dancer (vũ công có thứ bậc cao nhất) trong suốt lịch sử 75 năm hoạt động của American Ballet Theater. Sự kiện này đã cổ vũ cho không chỉ những nghệ sĩ ba lê da màu khác, mà còn truyền cảm hứng cho những cô bé cậu bé với khát khao nhảy múa cháy bỏng.
Not everyone can become a great artist, but a great artist can come from anywhere
Anton Ego (Ratatouille)
Bạn đọc của The Millennials Life thân mến, mỗi người trong chúng ta chắc hẳn đều đã từng mơ ước. Đúng là không phải bất cứ giấc mơ nào rồi cũng sẽ thành sự thật, nhưng đó là câu chuyện thuộc về sau này, câu chuyện của quá trình mỗi chúng ta cố gắng hiện thực hóa ước mơ của mình. Còn ở thời điểm khởi đầu, ai cũng có quyền mơ mộng, ai cũng có quyền có cho riêng mình một khát khao, một mong mỏi, một niềm đam mê.
Có giới hạn nào cho đam mê và mơ ước? Cho dù ước mơ của bạn có điên rồ và vô lý cỡ Remy – một chú chuột theo đuổi đam mê trở thành đầu bếp chuyên nghiệp – hay có hứa hẹn bao nhiêu khó khăn gian khổ như ước mơ của Ajala, của Madu, của các cô cậu bé học viên khác ở Leap Academy of Dance, thì đừng vội từ bỏ. Điên rồ hay tỉnh táo, khả thi hay bất khả, đều chỉ có chủ nhân của ước mơ là người nắm rõ nhất. Chính bạn mới là người có khả năng và đủ thẩm quyền để quyết định xem giấc mơ của mình có thành sự thật được hay không. Vậy nên, hãy cứ khát khao, và đừng vội từ bỏ ước mơ của mình nhé.